Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

FDI năm 2009 vẫn triển vọng cho các dự án đầu tư trung và dài hạn

Sau 2 năm gia nhập WTO, nguồn vốn FDI đăng ký mới qua các năm của Việt Nam tăng nhanh đột biến, từ 12 tỷ USD năm 2006 tăng lên trên 64 tỷ USD trong năm 2008, tức tăng gấp 5 lần so với năm 2006.  

Tính chung, đến nay, nước ta còn hơn 10.500 dự án ĐTNN, đến từ 155 quốc gia với tổng vốn đăng ký trên 155 tỷ USD.  Đã có hơn 4 ngàn doanh nghiệp có vốn FDI đi vào hoạt động, đóng góp hơn 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc.

Năm 2008, sự bùng phát nguồn vốn FDI vào Việt Nam với con số kỷ lục trên 64 tỷ USD, tăng 3 lần so với năm 2007, và vốn giải ngân cũng đạt mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay (11,5 tỷ USD) đã chứng tỏ sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của cơn bão tài chính thế giới.

Các doanh nghiệp có vốn FDI đã góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa- hiện đại hóa cả nước, áp dụng những công nghệ mới, hiện đại chủ động dịch chuyển cơ cấu kinh tế cũng như tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. 

Mặc dù đạt được kết quả khả quan như vậy, nhưng theo những phân tích của các đại biểu tại hội thảo “Tác động của gia nhập WTO với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” diễn ra ngày 9/1 tại Hà Nội, chúng ta không nên quá coi trọng vốn FDI đăng ký để đưa ra những đánh giá chủ quan mà chỉ nên coi sự gia tăng nhanh chóng vốn FDI đăng ký như một xu hướng phát triển, chứ chưa phải là một thực tế của hoạt động FDI.

Đặc biệt, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Hoa Kỳ nói riêng hiện nay, xu hướng đó khó có thể tiếp diễn trong năm 2009. Nhiều dự án đã được cấp phép cũng có khả năng giãn tiến độ, thu hẹp quy mô hoặc không thực hiện làm cho tỷ lệ vốn FDI thực hiện so với vốn FDI đăng ký giảm so với năm trước.

Theo ông Phan  Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), mặc dù gặp nhiều bất lợi cả trong nước và thế giới, song xu hướng đầu tư vào Việt Nam vẫn khả quan vì chúng ta có lợi thế về ổn định kinh tế - chính trị so với khu vực. Ông Thắng nhận định: FDI trong năm 2009 - 2010 vẫn rất triển vọng cho các dự án đầu tư trung và dài hạn vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu, vốn đầu tư trong năm 2009 và 2010 có thể giảm đáng kể so với năm 2008.

Dự báo vốn đăng ký khoảng 20 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 11 - 12 tỷ USD. Như vậy, mặc dù vốn đăng ký sẽ giảm mạnh so với năm 2008 song vốn thực hiện thì vẫn được dự báo là bằng, thậm chí còn cao hơn một chút./.

(Theo vov )

  • Năm 2009, tổng mức bán lẻ của Hà Nội dự kiến tăng 25%
  • Năm 2009: Ngành công thương phấn đấu tăng trưởng từ 19% trở lên
  • Thủ tục hải quan năm 2009: Cửa đã "rộng"
  • FDI năm 2009 vẫn triển vọng cho các dự án đầu tư trung và dài hạn
  • Năm 2009: Việt Nam có thể xuất khẩu 5 triệu tấn gạo
  • FDI năm 2009 vẫn triển vọng cho các dự án đầu tư trung và dài hạn
  • Năm 2009, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn có khả năng tăng cao vào thị trường Canađa
  • Năm 2009: Doanh nghiệp quay về thị trường nội địa
  • Năm 2009, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến
  • Mục tiêu đón 4,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2009
  • Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2009
  • Thị trường 2009: Thời cơ và thách thức
  • Năm 2009: Mục tiêu xuất khẩu thủy sản giảm mạnh
  • Năm 2009, sẽ khởi công xây dựng 37 công trình giao thông quy mô lớn
  • 2009 - mừng hay lo?