Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mục tiêu đón 4,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2009

 
Vịnh Hạ Long- điểm đến của nhiều du khách quốc tế
 - Cùng với việc hoàn thành các tour khuyến mại, ngành Du lịch cũng sẽ thực hiện chiến dịch quảng bá mạnh mẽ, cộng đồng trách nhiệm xây dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam

 Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành Du lịch. Năm 2008, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 4,3 triệu người, không đạt mục tiêu 4,5 triệu đến 5 triệu lượt người như mục tiêu đề ra. Để có thể thu hút nhiều khách quốc tế đến với Việt Nam, ngành Du lịch đã triển khai một chương trình hành động với nhiều giải pháp cấp bách.

Liên kết xây dựng chương trình khuyến mại “Ấn tượng Việt Nam"

 

Sông Hương buổi sớm mai

Năm 2009 này, lần đầu tiên, ngành Du lịch xây dựng và triển khai chương trình giảm giá trong phạm vi cả nước. Trong chương trình khuyến mại này, các khách sạn cam kết giảm giá từ 30 đến 50% (so với giá hợp đồng đã ký với các Công ty lữ hành); Hàng không Việt Nam cũng cam kết khuyến mại từ 30 đến 50% giá vé các đường bay quốc tế và nội địa cho các tour khuyến mãi này. Các nhà dịch vụ (vận chuyển, hướng dẫn, mua sắm, ăn uống, đặc biệt là các cửa hàng, nhà hàng đạt chuẩn du lịch) cam kết đăng ký tham gia chương trình này, giảm giá dịch vụ cho khách du lịch. Thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2009.

Cũng năm nay, các doanh nghiệp Lữ hành quốc tế và Hàng không Việt Nam và một số khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lần đầu tiên đã "bắt tay nhau", thành lập 9 nhóm thị trường, trong đó các thành viên công khai giá cả và hoạt động kinh doanh của mình. Đây là một tín hiệu cho thấy, các đơn vị kinh doanh du lịch đã nhận thức được sự cần thiết của việc liên doanh liên kết để tạo ra sức mạnh trong cạnh tranh- điều mà ngành du lịch các nước lân cận như: Thái Lan, Singapore hay Malaysia đã làm rất tốt.

 

Người dân Sa Pa và khách du lịch

Hiện nay, đã có 37 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 61 khách sạn, 17 hãng vận chuyển và cửa hàng mua sắm tham gia chương trình khuyến mại có tên "Ấn tượng Việt Nam", công bố 99 chương trình khuyến mại dành cho khách du lịch các thị trường Pháp và Tây Âu, Australia và New Zealand, ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản.

Cùng với việc hoàn thành các tour khuyến mại, ngành Du lịch cũng sẽ thực hiện chiến dịch quảng bá mạnh mẽ cho chương trình khuyến mại này. Bước mở đầu cho việc quảng bá là chiến dịch quảng bá mạnh mẽ về Du lịch Việt Nam trên mạng internet trên website: www.promotours.gov.vn.

Trang Web sẽ công bố đường link để kết nối tới trang web của các doanh nghiệp lữ hành tham gia vào Chương trình khuyến mại này. "Đây là lợi ích của các doanh nghiệp khi tham gia chương trình khuyến mại. Họ sẽ có cơ hội quảng bá tiềm lực kinh tế, khẳng định uy tín và thương hiệu của mình". Ông Vũ Thế Bình- Vụ trưởng Vụ Du lịch lữ hành (Tổng cục Du lịch) nêu rõ.

Ngành Du lịch cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng của các quốc gia là thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam; mời các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời tổ chức tốt các sự kiện du lịch trong nước nhằm thu hút khách du lịch. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam sẽ được tiến hành một cách rầm rộ tại các hoạt động của Diễn đàn Du lịch ASEAN 2009 (ATF), diễn ra tại Hà Nội trong các ngày từ 6 đến 12/1/2009.

Xây dựng các sản phẩm du lịch mới

Đây là giải pháp được ngành Du lịch xác định là có tính lâu dài, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Theo đó, ngành Du lịch có hướng tiếp tục nghiên cứu, khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới; tập trung xúc tiến thu hút khách từ một số thị trường quan trọng như: ASEAN, Trung Quốc, Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Âu, Đông Âu, thu hút khách tàu biển...

 

Khách quốc tế thích đi thăm Hà Nội bằng xích lô

Song song với việc thu hút khách từ thị trường quốc tế, ngành cũng đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành với các khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng các tour khuyến mại cho khách du lịch nội địa, nhằm kích thích thị trường nội địa, đặc biệt là tăng cường thông tin, quảng bá về sản phẩm phục vụ du lịch nội địa và giảm lệ phí vào các điểm du lịch.

Chất lượng dịch vụ du lịch là yếu tố then chốt tạo nên uy tín, thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh du lịch nói riêng và của ngành du lịch Việt Nam nói chung. Nhưng chất lượng dịch vụ của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua là khâu yếu kém nhất, cần nhanh chóng khắc phục.

 

Cầu Long Biên, Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết: "Lâu nay chúng ta đã quen với tình trạng "trăm hoa đua nở", nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch, không có một chuẩn mực nào hết. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, không thể mỗi người mỗi chợ, mà cần phải hoạt động chuyên nghiệp hơn và cần đồng lòng, đồng sức, cần một tinh thần dân tộc để nâng mức tăng trưởng của du lịch Việt Nam". 

Khuyến mãi, giảm giá là một giải pháp cấp bách để ngành du lịch khôi phục lại thị trường, nhưng phải đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Ông Vũ Thế Bình- Vụ trưởng Vụ Du lịch lữ hành (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp phải cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ. Là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động này".

 

Du khách chụp ảnh với trẻ em làng Chài

Trong tương lai, ngành Du lịch đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hoá, hướng dẫn và kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Tăng cường lực lượng lao động lành nghề, chuyên nghiệp; thực hiện tốt qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, mở chiến dịch làm sạch môi trường tại các điểm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển khách du lịch theo hướng văn minh, lịch sự, hiện đại...

Theo Thứ trưởng Trần Chiến Thắng: Với các giải pháp như hiện nay, thực sự các doanh nghiệp du lịch phải "thắt lưng buộc bụng”. Nhưng đó là khoản đầu tư cho lợi ích lâu dài của các doanh nghiệp và cả ngành du lịch. Hơn bao giờ hết, cần có sự cộng đồng trách nhiệm xây dựng thương hiệu Việt Nam. Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch cũng sẽ kiến nghị với các bộ, ngành và chính phủ có các chính sách ưu đãi đối các doanh nghiệp của  ngành du lịch".

Thứ trưởng Trần Chiến Thắng khẳng định với các giải pháp cụ thể, với sự quyết tâm đồng lòng đồng sức, ngành du lịch tin tưởng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra là đón 4,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2009./. 

(Theo vov )

  • Năm 2009, tổng mức bán lẻ của Hà Nội dự kiến tăng 25%
  • Năm 2009: Ngành công thương phấn đấu tăng trưởng từ 19% trở lên
  • Thủ tục hải quan năm 2009: Cửa đã "rộng"
  • FDI năm 2009 vẫn triển vọng cho các dự án đầu tư trung và dài hạn
  • Năm 2009: Việt Nam có thể xuất khẩu 5 triệu tấn gạo
  • FDI năm 2009 vẫn triển vọng cho các dự án đầu tư trung và dài hạn
  • Năm 2009, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn có khả năng tăng cao vào thị trường Canađa
  • Năm 2009: Doanh nghiệp quay về thị trường nội địa
  • Năm 2009, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến
  • Mục tiêu đón 4,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2009
  • Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2009
  • Thị trường 2009: Thời cơ và thách thức
  • Năm 2009: Mục tiêu xuất khẩu thủy sản giảm mạnh
  • Năm 2009, sẽ khởi công xây dựng 37 công trình giao thông quy mô lớn
  • 2009 - mừng hay lo?