Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðầu tư trực tiếp nước ngoài và một số đề xuất cho giai đoạn 2009 - 2010

 
Công nhân Công ty Lilama thi công lắp đường ống dẫn dầu từ cảng và Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 2008 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng với đà tăng trưởng cao, đặc biệt từ năm 2006 trở lại đây. Các kết quả này đã khẳng định đường lối của Ðảng và Nhà nước về vai trò quan trọng của nguồn vốn này cùng với vai trò quyết định của các nguồn vốn trong nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được thực thi hiệu quả và sẽ tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn tới với nhiều giải pháp mới phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế hiện nay.

 


FDI giai đoạn 2006 - 2008

 

 
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, một trong các chỉ tiêu định hướng về phát triển kinh tế - xã hội được xác định trong Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước bình quân năm năm 2006 - 2010 đạt 7,5 - 8%, phấn đấu ở mức 8%; vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 40% GDP. Ðể đạt được mục tiêu này, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cần huy động vào khoảng 160 tỷ USD, trong đó FDI cần đạt khoảng 25 tỷ USD, trung bình năm tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngay trong ba năm đầu của Kế hoạch năm năm 2006 - 2010, FDI đã gia tăng mạnh mẽ cả về vốn thực hiện và vốn đăng ký; đặc biệt trong năm 2008, ngay cả trong tình hình khủng hoảng tài chính thế giới chưa được ngăn chặn và tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản... là những thị trường cũng như đối tác FDI chủ yếu của Việt Nam, nhưng FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh về lượng và những biến đổi về chất. Cụ thể vốn thực hiện năm 2008 đạt 11,5 tỷ USD (là năm cao nhất kể từ năm 1997 đến nay và tăng 43,2% so với 2007), vốn đăng ký kể cả cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động đạt tới 64 tỷ USD, trong đó vốn tăng thêm đạt 3,74 tỷ USD (tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2007) cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp FDI hiện có là ổn định và phát triển, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư mới. Các chỉ tiêu kinh tế khác trong năm 2008 của khối doanh nghiệp FDI nêu sau đây cũng chứng minh cho sự hấp dẫn đó: Doanh thu đạt 50,5 tỷ USD (tăng 24,4% so 2007); xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD (tăng 24,6% so 2007); nhập khẩu đạt 28,8 tỷ USD (tăng 32,5% so 2007); nộp ngân sách gần hai tỷ USD (tăng 25,8% so 2007); tăng thêm 16% số lao động trực tiếp làm việc trong các doanh nghiệp FDI đưa tổng số lao động trực tiếp đến thời điểm hiện nay vào khoảng 1,5 triệu người không kể hàng vạn lao động gián tiếp khác.
 

 

Với kết quả năm 2008 nêu trên, tổng kết lại trong ba năm 2006 - 2008, vốn thực hiện đã tăng trưởng đáng kể. Năm 2006, vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD (tăng 24% so 2005), năm 2007 đạt tám tỷ USD (tăng gần gấp hai lần năm 2006), năm 2008 đạt 11,5 tỷ USD (tăng 43,2% so với năm 2007), đạt mức cao nhất trong sử dụng FDI hằng năm trong hơn 20 năm thu hút FDI vào Việt Nam. Như vậy tính chung cả ba năm 2006 - 2008 vốn FDI thực hiện đạt 23,6 tỷ USD bằng trên 92% mục tiêu đề ra cho năm năm 2006 - 2010, như vậy với tình hình vốn FDI thực hiện trong ba năm qua, khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra ban đầu trong Kế hoạch năm năm 2006 - 2010 là hoàn toàn khả thi.

 


Về vốn đăng ký: Tuy vốn đăng ký không giữ vai trò quyết định và có giá trị thực tiễn như vốn thực hiện, nhưng nó là số vốn gối đầu quan trọng để thể hiện sức cạnh tranh và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Nếu chúng ta có các giải pháp tốt đối với số vốn này, chắc chắn nó sẽ được đưa vào đầu tư và phát triển trong các năm tới. Trong ba năm vừa qua, vốn FDI đăng ký đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ mang tính đột biến. Vốn đăng ký liên tục đạt mức cao kỷ lục kể từ khi ban hành Luật Ðầu tư nước ngoài năm 1987. Năm 2006 đạt 12 tỷ USD (tăng 83% so 2005), năm 2007 đạt 21,3 tỷ USD (tăng 71% so 2006). Năm 2008, như đã nêu trên, đạt 64 tỷ USD (tăng trên ba lần so 2007). Do vậy, tính chung cho cả ba năm 2006 - 2008, vốn đăng ký đạt 93,7 tỷ USD, vượt trên 72% so mục tiêu đề ra cho giai đoạn năm năm 2006 - 2010.
 

 

Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ về quy mô vốn đầu tư, cơ cấu FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác đầu tư và vùng lãnh thổ tiếp tục có những chuyển biến tích cực: quy mô vốn bình quân một dự án tăng từ mức 14,4 triệu USD/dự án năm 2007, lên trên 60 triệu USD/dự án năm 2008; vốn FDI đăng ký tiếp tục tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chiếm 56,7%, tiếp đến là dịch vụ 41,8%, còn lại là lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp còn đạt tỷ lệ thấp. Ðối tác đầu tư đã đa dạng hơn, xuất hiện các đối tác mới từ khu vực Trung Ðông, Nam Mỹ và chuyển dịch từ các đối tác truyền thống từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Singapore... sang khu vực khác như châu Âu (Italy, Ðức, Anh, Pháp, Thụy Sĩ...) và châu Mỹ (Hoa Kỳ, Canada). Về cơ cấu vùng, FDI cũng đã có chuyển dịch từ các vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và phía nam sang khu vực các tỉnh miền trung, đồng bằng sông Cửu Long.

 


Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế có vốn FDI trong ba năm qua đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển và đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng của khu vực kinh tế FDI trong GDP vẫn tiếp tục tăng lên qua các năm, từ 17,02% năm 2006 (so với 15,99% năm 2005) lên 17,66% trong năm 2007. Vốn FDI thực hiện tăng nhanh trong ba năm qua đã làm tăng tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năm 2006 chiếm 16,2%, năm 2007 lên tới 24,8%, góp phần đưa tỷ lệ đầu tư toàn xã hội lên 45,6% GDP. Khu vực kinh tế có vốn FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng qua các năm. Năm 2006, kể cả dầu thô, đạt 23 tỷ USD.  Năm 2007, đạt 27,7 tỷ USD, chiếm tới 57% tổng giá trị xuất khẩu. Trong ba năm 2006 - 2008, các doanh nghiệp FDI tạo việc làm mới cho 37.000 lao động, đưa tổng số lao động trực tiếp trong khu vực có vốn FDI đạt gần 1,5 triệu người. Ðồng thời các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách nhà nước khoảng 5 tỷ USD, trong đó năm 2006 nộp 1,47 tỷ USD, năm 2007 nộp 1,57 tỷ USD, số còn lại của năm 2008, tăng 24% so 2007.
 

 

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế FDI trong ba năm qua đã khẳng định kết quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam dưới sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ do đã có các chính sách về kinh tế, tài chính, tiền tệ phù hợp, kịp thời đối phó với các tình huống khó khăn như lạm phát tăng cao, nhập siêu đáng báo động... Với việc thực hiện Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp mới từ 1-7-2006, cùng với việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ 11-1-2007, môi trường đầu tư của Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2008 tổ chức ngày 1-12-2008 tại Hà Nội, đại diện các nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đều cho rằng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn, nhưng đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát và đang áp dụng các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế để bảo đảm tốc độ phát triển cao, bền vững trong các năm tới, nhưng Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn và vẫn là nơi có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

 


Dự báo FDI 2009 - 2010
 

 


Khu công nghiệp ở Bắc Ninh.
Mặc dù được đánh giá cao về tiềm năng thu hút FDI, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy giải ngân các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, giải ngân vốn FDI là quan trọng hàng đầu và là công việc khó khăn trong giai đoạn còn lại của Kế hoạch năm năm 2006 - 2010 đối với hoạt động FDI.
 

 

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ làm cho nguồn vốn FDI toàn cầu bị thu hẹp lại (theo đánh giá của UNCTAD, năm 2009 tổng lượng vốn FDI toàn cầu giảm 19% so với mức 1.500 tỷ USD năm 2008) và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam trong thời gian tới. Các tập đoàn kinh tế toàn cầu (TNCs) đã và đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đối phó với cuộc khủng hoảng. Sự điều chỉnh chiến lược của các TNCs sẽ tác động cả đến những dự án đã được cấp phép cũng như các dự án tiềm năng đang đàm phán. Chắc chắn nhiều tập đoàn tạm thời phải thu hẹp phạm vi và đình hoãn một số dự án đầu tư không có khả năng thu xếp các khoản tín dụng. Do vậy, nhiều dự án FDI đã được cấp phép có khả năng giãn tiến độ, thu hẹp quy mô hoặc không thực hiện, làm cho tỷ lệ vốn FDI thực hiện so với vốn FDI đăng ký giảm so với những năm trước. Tuy vậy, đối với những nhà đầu tư tiềm năng, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với họ dưới tầm nhìn trung và dài hạn. Họ sẽ đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư nhưng sẽ phải cân nhắc kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn để quyết định tiến hành dự án đầu tư. Các ngân hàng cũng không dễ đưa ra quyết định cho vay các dự án lớn trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ðối với trong nước, công tác quản lý nhà nước đối với FDI cũng đang phải đối mặt với những khó khăn mới vì thu nhập thực tế của khá đông dân cư bị tụt giảm do ảnh hưởng lạm phát cao trong những tháng đầu năm 2008, hiện tại đang có nguy cơ một bộ phận lao động mất việc làm bởi một số doanh nghiệp sản xuất thu hẹp quy mô sản xuất do gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Ðiều này sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong thời gian tới.
 

 

Như đã nêu trên, công tác giải ngân FDI là quan trọng hàng đầu trong hoạt động FDI trong 2009, 2010 nhưng hiện đang phải đối mặt với một trở ngại nội tại rất lớn là công tác giải phóng mặt bằng - một hạn chế chậm được khắc phục trong môi trường đầu tư của Việt Nam. Trên thực tế, công tác quy hoạch sử dụng đất đã được các địa phương quan tâm nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ với quy hoạch ngành, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI nói riêng. Nhiều địa phương đang lâm vào tình trạng khó khăn trong việc bố trí đủ đất cho các dự án quy mô lớn như đã cam kết trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Việc đền bù, thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào kết nối vào khu vực dự án đầu tư cũng đang là khó khăn lớn đối với triển khai một số dự án FDI quy mô lớn hiện nay, đặc biệt đối với dự án 100% vốn nước ngoài. Theo quy định của Luật Xây dựng, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ khâu giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên do phải sử dụng ngân sách địa phương để đền bù thu hồi đất và thủ tục giải ngân đối với nguồn vốn ngân sách quá phức tạp và mức đền bù theo quy định chung của Nhà nước không đáp ứng yêu cầu của người được đền bù nên tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm. Trong bối cảnh đặc biệt vừa nêu, để giải ngân vốn FDI trong giai đoạn tới, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được tập trung ưu tiên hàng đầu. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành ngay các thủ tục thu hồi đất và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án FDI không có khả năng triển khai hoặc thực hiện. Ðồng thời trong phạm vi thẩm quyền của mình, chủ động tổ chức việc đền bù giải tỏa và giao đất cho chủ đầu tư theo đúng cam kết, đặc biệt là các dự án quy mô lớn mà chủ đầu tư sẵn sàng giải ngân dự án. Nghiên cứu đề xuất với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phương án xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án vượt quá thẩm quyền của mình, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Với số vốn đăng ký chưa giải ngân còn khoảng 90 tỷ USD, tính hiệu quả của các dự án còn cao đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trước mắt và cả trung, dài hạn, khả năng giải ngân nguồn vốn FDI sẽ đạt được bằng mục tiêu đặt ra cao hơn 2008, đạt bình quân 12 tỷ USD/năm. Về vốn đăng ký, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước đang có những biến động khó dự báo, dòng vốn FDI đăng ký cũng trở nên khó dự báo. Tuy nhiên, theo đánh giá chung về triển vọng kinh tế Việt Nam và danh mục các dự án tiềm năng, cũng như các giải pháp mới trong xúc tiến đầu tư quốc tế, triển vọng đầu tư trung và dài hạn của Việt Nam vẫn được coi là tốt, ước dòng vốn đăng ký trong hai năm tới sẽ giảm đáng kể so với 2008 nhưng vẫn ở mức cao, khoảng trên 20 tỷ USD/năm đưa tổng vốn đăng ký của năm năm 2006 - 2010 có thể lên tới mức 135 tỷ USD, vượt 2,4 lần mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn này.

 


Việc những năm tiếp theo khó có thể duy trì được tốc độ thu hút FDI cao như năm 2008 không có nghĩa là môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam kém hơn các năm trước. Trong giai đoạn tới, việc thực thi các giải pháp đồng bộ về luật pháp, chính sách; về quy hoạch; về cải thiện cơ sở hạ tầng; về phát triển nguồn nhân lực; về hoàn thiện việc phân cấp quản lý FDI; về xúc tiến đầu tư... cũng như tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng là công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực... sẽ tạo động lực và góp phần quan trọng cho thu hút và sử dụng có hiệu quả FDI nhằm mục tiêu đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới.

 

(TS Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Ðầu tư nước ngoài)

  • Tổng quan thị trường chè năm 2008 và triển vọng năm 2009
  • Ðầu tư trực tiếp nước ngoài và một số đề xuất cho giai đoạn 2009 - 2010
  • Dự kiến nhập khẩu năm 2009 sẽ không tăng đột biến như 6 tháng đầu năm 2008
  • Nhập khẩu xăng dầu năm 2008 và dự báo năm 2009
  • Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp Hải Phòng đến năm 2010 và 2020.
  • Xuất khẩu sang Mỹ năm 2009: Các DN sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách
  • Tỷ giá 2009: Tăng trong vòng kiểm soát?
  • 8 giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2009
  • Năm 2009: Hồ tiêu Việt Nam vẫn chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Chấm dứt thiếu đói lương thực vào năm 2012
  • Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2009 sẽ giảm
  • Nhu cầu tiêu thụ ô tô vẫn còn sụt giảm trong năm nay
  • Đà Nẵng: Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ năm 2009 đạt 1,09 tỷ USD
  • Dự báo xuất khẩu năm 2009 và những thuận lợi
  • Năm 2009, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn