Tôi rời Bishkek vào một sớm mai trong trẻo. Trong vườn, hoa dại rộn ràng rộ nở, nụ hướng dương tôi chờ mãi vẫn không kịp mãn khai, chỉ cúi chào một nụ xanh chúm chím nhụy vàng trong khu vườn nhỏ xinh.
Xuôi nam Kyrgyzstan, tôi chọn cung đường men theo hồ Issyk Kol. Là hồ cao nguyên rộng thứ nhì thế giới, chỉ sau hồ Titicaca ở Nam Mỹ, Issyk Kol là niềm hãnh diện của người dân Kyrgyzstan.
Ngày xưa trên đường thỉnh kinh, cao tăng Huyền Trang cũng từng qua đây. Tên tiếng Hoa của hồ là Nhiệt Hải. Do có độ mặn tương đối, hồ không đóng băng dù mùa đông Kyrgyzstan rất lạnh và các hồ nước ngọt khác đều đông cứng. Không chỉ nổi tiếng về vẻ duyên dáng, Issyk Kol còn được biết đến với những di tích cổ xưa, trong đó những bức tranh khắc, vẽ trên đá từ thời đại đồ đồng (4.000 - 3.500 năm trước công nguyên) được tìm thấy ở Cholpon Ata, một phố nhỏ ven hồ.
Hồ Issyk Kol là niềm hãnh diện của người dân Kyrgyzstan. Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Tôi có nghỉ chân ở làng nhỏ Tamchy, lúc trưa hồ Issyk Kol xanh ngăn ngắt dưới nắng hè rực rỡ. Nhưng khi đến Cholpon Ata, những đám mây giông ngày hè đã vần vũ trên mặt hồ xám xịt. Do vậy, thay vì ra hồ, tôi chuyển hướng lên núi tìm những bức tranh đá. Thực tình mà nói, tôi đi là đi vậy thôi, để biết đường, ngày mai quay lại, chứ chiều cũng đã muộn.
Một mình tôi đi con đường bụi mờ đồi dốc hướng lên núi. Hỏi thăm đường mấy lần, cuối cùng tôi nhờ một chú bé dẫn tôi đến gần đỉnh đồi. Chú bé chỉ tay về phía những tảng đá mênh mang trên đồi chiều rồi quay về. Tôi cứ nghĩ rằng di tích từ sáu ngàn năm trước phải được bảo quản, che chắn, có chỉ dẫn đàng hoàng chứ có hình dung được là tôi phải tự đi tìm chúng trên một đồi đá thênh thang khi chiều đã chập choạng, một mình!
Mất gần một giờ đồng hồ lang thang, tôi vẫn không tìm thấy, định bụng là sẽ quay về, mai quay lại với hướng dẫn viên thì từ xa có một chú bé cỡi ngựa phi đến. Ngôn ngữ bất đồng, tôi bò xuống, đưa hai tay lên đầu làm sừng... Chú bé cười ngất, cỡi ngựa đi tiếp và ngoắc tôi đi theo. Rồi chú chỉ cho tôi những tảng đá có hình vẽ của người xưa, nằm rải rác đó đây mà nãy giờ tôi ngang qua ngang lại nhưng chẳng nhận ra.
Chàng kỵ sĩ nhỏ trên đồi ở Cholpon Ata. Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Tuy không thật sự rõ ràng, nhưng không khó để nhận ra hình ảnh của những chú sơn dương, chú bò… trên những tảng đá xám lăn lóc. Những bản khắc này đã sáu ngàn năm tuổi rồi sao? Sao vẫn còn đậm nét dù sương gió dãi dầu qua ngần ấy thời gian? Chọn một tảng đá lớn, tôi ngồi xuống đồi, lặng lẽ chiêm ngưỡng những di tích tiền nhân… mãi đến khi đêm ập xuống mới tiếc nuối quay về.
Về đêm, Cholpon Ata rất nhộn nhịp. Không chỉ dành cho người bản địa, Cholpon Ata còn là khu nghỉ ngơi yêu thích của những người láng giềng giàu có Kazakhstan. Nếu yêu thích không khí nhộn nhịp, bạn dễ dàng lạc vào các quán xá đông đúc với những món ngon vật lạ của cả Kyrgyzstan và Kazakhstan, kể cả những vại bia tươi Khazakh đậm đà. Lại thêm một điểm nhấn lôi cuốn du khách.
Sau một buổi chiều thú vị, một đêm cuồng nhiệt, buổi sáng Cholpon Ata lại “trở chứng”. Như một cô gái đỏng đảnh vì biết mình đẹp, Cholpon Ata cứ thay đổi thời tiết xoành xoạch. Lang thang ra hồ Issyk Kol từ rất sớm để đón bình minh trên hồ thì chỉ thấy mây xám xịt trùm lên mặt hồ u ám. Lang thang ven hồ, phố nhỏ từ sáng đến trưa, ngó nghiêng công viên, thăm thú phố phường…, trời vẫn mãi âm u chỉ thi thoảng buông rơi vài tia nắng nhạt…
Nhưng đến lúc tôi lên đường rời phố nhỏ thì lũ mây xám rủ nhau trốn tiệt nơi đâu mất dấu, trả lại bầu trời trong vắt nắng vàng rực hồ xanh biếc, làm người ra đi mãi tiếc nuối, mơ một ngày nắng mới lại được về thăm hồ đẹp, viếng núi thiêng, về lại Cholpon Ata một đêm mùa hạ nồng nàn… Bao giờ?
Không khó để nhận ra hình ảnh của những chú sơn dương, chú bò… trên những tảng đá xám lăn lóc. Ảnh: Trần Thái Hoãn |
(Theo Trần Thái Hoãn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com