Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðộc đáo Bảo tàng nhạc cụ Brúc-xen

Một trong bộ sưu tập
đàn phím của bảo tàng.
Thăm Bảo tàng nhạc cụ Brúc-xen (MIM) Bỉ là một chuyến du hành thú vị trong thế giới âm nhạc với bất cứ khách thăm quan nào, đặc biệt là những người có đôi chút hiểu biết và tình yêu âm nhạc.

 Bảo tàng có kho lưu trữ khổng lồ 7.000 nhạc cụ từ khắp thế giới, trong đó khoảng 1.200 nhạc cụ được đưa ra trưng bày cùng với một khối lượng lớn tư liệu lịch sử âm nhạc của Bỉ và của thế giới cũng như các bản ghi âm từ thế kỷ 18, 19. Chính vì vậy khách thăm không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các nhạc cụ, cách sắp đặt đầy tính nghệ thuật, mà còn được thưởng thức âm thanh của rất nhiều nhạc cụ được trưng bày qua tai nghe hồng ngoại được sử dụng hầu hết trong chuyến thăm quan.


Bốn trong số mười tầng nhà này là những gian triển lãm nhạc cụ tuyệt đẹp gồm phòng nhạc cụ cơ học (những hộp nhạc lên dây cót, đàn dương cầm tự động) nhạc cụ dân gian truyền thống của thế giới, nhạc cụ hiện đại của Bỉ và châu Âu, và phòng đàn phím và đàn dây. Những nhạc cụ phức tạp, ít người biết đều có chú giải rõ ràng. Ðôi lúc còn có những chú thích ngắn gọn về lịch sử của nhạc cụ kèm những bức ảnh của các nhạc công từng gắn với nhạc cụ đó. Tất cả chú thích bằng tiếng Pháp và Hà Lan, không có tiếng Anh.

Phòng đàn phím và đàn dây là một tổng thể được trưng bày rất có hệ thống, bao gồm bộ sưu tập cực kỳ đa dạng của các nhạc cụ như đàn dương cầm, đàn oóc-gan, clavico, vĩ cầm, ghi-ta, măng-đô-lin. Ðừng bỏ lỡ cây đàn hạc với khung mạ vàng được chạm trổ cực kỳ tinh tế trong lúc nghe những âm thanh thánh thót của nó. ở đây cũng trưng bày một cửa hàng của người tạo tác vĩ cầm từ thế kỷ 17, đang đẽo gọt một cây vĩ cầm từ khối gỗ với đầy đủ các dụng cụ để làm nên nhạc cụ này.

Phòng nhạc cụ hiện đại phương Tây có bản giới thiệu tóm tắt về những người đã mang âm nhạc đến cho bạn qua tai nghe. Bạn được chào đón với những chiếc trống và kèn pha-gốt bằng đồng từ thế kỷ 18, có một tấm thảm treo khổng lồ và những bức tranh mầu nước trưng bày đằng sau nhạc cụ, nhắc bạn rằng bản thân các nhạc cụ chứ không chỉ là âm thanh mà chúng tạo ra, cũng là nghệ thuật.

Phòng nhạc cụ truyền thống bắt đầu từ Bỉ và các nước châu Âu và sau đó là các nước trên thế giới. Những nốt nhạc lanh lảnh từ chiếc kèn vang lên khi bạn đi qua cửa phòng trưng bày theo sau là tiếng đàn shamisen và những nhạc cụ dây khác của Nhật Bản. Bộ đàn đá khổng lồ của Trung Quốc cũng rất gây ấn tượng. Tất cả những nhạc cụ trong phòng trưng bày đều xứng đáng được khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng cùng với những vật đi kèm bao gồm vải vóc và các phụ kiện của nhạc cụ truyền thống độc đáo từ Trung Quốc, Ru-an-đa, Áp-ga-ni-xtan, Ca-mơ-run, Bờ Biển Ngà, Nga và Bun-ga-ri... Ðừng quên triển lãm các nhạc cụ Bô-hê-miêng, với chiếc đàn phong cầm có các núm giả kim cương mầu trắng và đỏ như vật trang trí.

Tòa nhà lát sàn gỗ với cầu thang xoáy trôn ốc dẫn bạn qua một thư viện với hàng nghìn thứ để nghe và đọc, một phòng hòa nhạc, nơi trình diễn những buổi hòa nhạc với những nhạc cụ cổ và quý hiếm của bảo tàng, cửa hàng lưu niệm, nơi bạn có thể mua sách, đĩa nhạc yêu thích và nhà hàng trên tầng mười có tầm nhìn toàn cảnh ngoạn mục. Ðược xây dựng theo phong cách nghệ thuật mới và tân cổ điển, nằm bên Cung điện hoàng gia của Brúc-xen, bảo tàng này một phần của Bảo tàng lịch sử và nghệ thuật hoàng gia, bắt đầu được hình thành từ cuối thế kỷ 19. Mở cửa từ năm 2000, mỗi năm bảo tàng đón tới hơn 100.000 lượt khách từ khắp thế giới.

(Theo B.A // Báo Nhân dân điện tử)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • XLô-vê-ni-a vùng đất cuốn hút du khách
  • Ngồi trên thân cây 40m… ăn nhà hàng
  • Cưỡi hổ tại sở thú
  • Thánh đường Mubarak ở Châu Giang
  • Anh ngập chìm trong tuyết dày
  • Châu Âu: Những thành phố “xanh” đầu tiên
  • Những cảnh thú vị trên bãi biển
  • Rung động với Lisbon
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com