Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đặt chân tới Nepal huyền bí

Con đường trải nhựa hẹp, chỉ vừa đủ một chiếc xe chở khách đưa tôi từ Sunaoli – biên giới giữa Ấn Độ tiến sâu vào lãnh thổ Nepal để tìm đến Lumbini – ngôi làng nhỏ nơi ngày xưa đức Phật đản sanh.


Tháp Phật Boudanath ở Kathmandu

Nhờ là người nước ngoài, tôi được xếp ngồi trên nóc xe buýt địa phương cùng năm sinh viên Mỹ, một người Slovakia… Đấy là một niềm hạnh phúc khi được đối xử là… người nước ngoài, bởi nếu nhét trong chiếc xe 24 chỗ ngồi nhưng có đến gần 50 hành khách dân bản xứ chen nhau thì thật kinh khủng. Dưới ánh hoàng hôn, gió vù vù mát rượi, xua đi cái nóng khó chịu oi bức, đem lại cho tôi một ấn tượng vui vui, một trải nghiệm thú vị trên nóc thùng xe tiến vào Nepal cùng những người bạn mới.

Đêm Lâm Tì Ni

Lumbini, một vùng hẻo lánh giáp biên giới Nepal – Ấn Độ là điểm đến đầu tiên trong những ngày lang thang Nepal. Chiếc xe buýt dừng ngay trước cổng khu thánh tích Lumbini, hay còn gọi là Lâm Tì Ni, một trong tứ thánh địa của Phật giáo.

Lâm Tì Ni là nơi còn lưu dấu các thánh tích Phật giáo liên quan đến câu chuyện đức Phật đản sanh, và trụ đá vua Asoka (vua A Dục) ghi những chỉ dụ nói về chuyện đản sanh của Phật ở thánh tích này. Mua vé 200 rupee (khoảng 40 ngàn đồng tiền Việt) để vào khu thánh tích rộng mênh mông, vắng ngắt, bởi những ngày tháng 5 không phải là mùa du lịch hành hương về miền đất Phật khi nhiệt độ ban ngày có khi lên đến 50oC.

Dẫu sao, hành trình đến Lâm Tì Ni buổi chiều tàn cũng khiến mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn. Là người Việt, tôi nhăm nhăm tìm đường đến ngôi chùa Việt Nam xin tá túc, nhưng không may khi trụ trì đi vắng, đành theo sự chỉ dẫn đi sang ngôi chùa Hàn ở ngay cạnh.

Đồng hồ chỉ 6 giờ 30 tối, khách thập phương và tăng sĩ đang dùng cơm chiều, tôi cũng được mời nhập cuộc với bữa cơm chay gồm cơm trắng và kim chi ngon chưa từng thấy khi suốt từ sáng tinh mơ đến giờ mới có được bữa ăn chính thức lót dạ.


Du khách nước ngoài trên nóc xe buýt đường về Lâm Tì Ni

Sau bữa cơm tối thanh đạm, có nhiều lựa chọn cho phòng nghỉ, với giá cúng dường tính luôn cả ăn tối, ăn sáng, từ 250 rupee cho đến 1.000 rupee. Tất nhiên, tôi chọn phòng 250 rupee (khoảng 50 ngàn đồng) bốn nệm riêng biệt và một nhà tắm khổng lồ, tiện nghi, thoáng mát. Một đêm đầy an lành trong ngôi chùa Hàn Quốc trên đất Phật, chăn nệm êm ái đưa tôi vào giấc ngủ để chuẩn bị cho hành trình về thủ đô Kathmandu của Nepal vào ngày hôm sau với lộ trình hơn 200 cây số nhưng được cảnh báo đường đèo dốc rất xấu đầy ổ gà, ổ voi sẽ ngốn thời gian khoảng 12 giờ cho lộ trình này.

Tháp Phật Boudanath

Con đường từ Lâm Tì Ni về thủ đô Kathmandu kinh dị hơn cả những lời cảnh báo, khi cả lộ trình với 2/3 toàn là đường đèo, bên là vực sâu hun hút, bên là vách núi. Cao độ được nâng dần lên, không khí loãng, nóng oi càng làm cho hơi thở nặng nhọc, khó chịu, đường xấu thê thảm, bụi mịt trời, tài xế tay lái cực lụa, nhấn ga liên hoàn nên chỉ cần một cú xóc ổ gà là đầu chạm nóc thùng xe như chơi.

Kiến trúc cổ xưa ở Patan Dubar Square

Đến với Kathmandu khi trời tối sập, điện cúp, đường kẹt xe, bụi khói mù mịt, cái nắng nóng tháng 5 vẫn chưa kịp tan… cộng thêm hành trình một ngày dài lắc lư trên chiếc xe buýt khiến thân thể mỏi nhừ, quả thật không lấy gì sung sướng cho lắm. Điểm đến kế tiếp cho sáng sớm ngày hôm sau sẽ là tháp Phật Boudanath, bởi vậy tôi tìm một khách sạn không xa Boudanath, nơi có rất nhiều những tăng sĩ, phật tử người Việt tìm đến trong thời gian thọ pháp hàng năm ở Nepal.

Tháp Phật Boudanath là một trong những tháp Phật có kích cỡ và tuổi đời lớn nhất thế giới. Những tín đồ Phật giáo tin rằng, hễ đến đây ước nguyện điều gì thì sẽ thành hiện thực vì vậy Boudanath còn được gọi là tháp Như Ý. Từ 4 giờ sáng, tiếng bước chân đã rộn ràng khắp các ngõ ngách quanh Boudanath, họ là những phật tử tìm đến tháp đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ để cầu nguyện. Theo dòng người ra tháp Phật ở thời khắc bắt đầu cho ngày mới, chỉ có tiếng bước chân của cả ngàn người, tiếng rì rầm cầu nguyện, tiếng đàn chim bồ câu gù gù… xen kín với hình ảnh của những người mộ đạo, những toà kiến trúc cổ xưa với đầy nét chạm trổ cầu kỳ tinh xảo, khiến cho cả khu vực Boudanath thêm nghiêm trang, thành kính, đẹp huyền diệu trong nắng sớm ban mai.

Lang thang ở Kathmandu

Gốc bồ đề ở Lâm Tì Ni nơi đức Phật đản sanh
Một góc nhỏ đền thờ Hindu giáo ở Kathmandu Dubar Square
 

Gặp những người Việt đang thọ pháp ở Boudanath, anh em đồng hương chỉ ngay cho vài chiêu khi biết tôi lần đầu đến Nepal: “Ra đường muốn mua bán gì thì cứ phải trả giá gắt vào nhé, từ nửa giá rồi bắt đầu tính trở lên…”

Y bài đồng hương chỉ dạy, vẫy chiếc taxi từ Boudanath tìm đến trung tâm thành phố là khu Thamel với lộ trình gần chục cây số, có chiếc hét giá 800 rupee, chiếc hét đến 1.000 rupee. Một chiếc xe tải chở khách nhỏ sà vào, gọi giựt giọng luôn: Thamel! Lơ xe cười khoái trá, OK! Lên xe.

Tôi hí hửng bỏ đám taxi, chui lên chiếc xe khách nhỏ, với giá có 10 rupee. Quá rẻ, khỏi cần trả giá. Đi được chừng 2 cây số, khách trên xe lục tục đi xuống, lơ xe khoát tay: Xuống! Xung quanh nhìn đường vắng ngắt. Ơ! Thế Thamel đâu? Lơ xe tỉnh bơ: Thamel hả? Taxi… mày đi taxi đi, xe tao không đi Thamel. Thế là bị quả lừa đầu tiên, vừa bực vừa buồn cười với cái kiểu loi choi của ông lơ xe khách. Đành phải kiếm con taxi khác, dặn dò kỹ lưỡng: Thamel nghe cưng!

Khu vực nhộn nhịp nhất của Kathmandu chính là khu phố tây Thamel, với đủ hàng quán nhộn nhịp, khu mua sắm đông đúc, sầm uất tập hợp đủ mọi màu da, quốc tịch. Với du khách nước ngoài, gần như ai đến với Kathmandu cũng sẽ nghĩ ngay đến Thamel, bởi ở đó dễ tìm được sự đồng điệu của những “phượt tử” đến từ khắp nơi trên thế giới. Chiếc taxi ngon lành đưa tôi đến được Thamel.

Tìm đến một tiệm bán sách, đồ lưu niệm và đổi tiền trong khu Thamel, ông chủ cười toe khi nghe khách trả lời là người Việt, chỉ ngay vào tờ 5.000 đồng lót dưới tấm kiếng cùng đủ loại tiền tệ khác trên thế giới hí hửng khoe: “Tiền Việt đấy! Đổi tiền không?” Nói rồi cả chủ và khách cười phớ lớ. Thế là một ai đó người Việt cũng đã từng lần mò đến nơi này, dẫu không gặp đồng hương, nhưng qua tờ bạc năm ngàn, thấy cũng có chút niềm vui nho nhỏ.

Rời khu Thamel nhộn nhịp hàng quán, tôi lần tìm đến những địa danh nổi tiếng khác đã được liệt kê vào di sản văn hoá thế giới, trong số đó là Kathmandu Dubar Square và Patan Dubar Square. Đây chính là cố đô xưa kia nay vẫn còn lưu lại những toà kiến trúc đồ sộ, với những nét chạm khắc trên gỗ, đá, rất cầu kỳ tinh xảo, và chi tiết, thể hiện sự tài ba của những người thợ thủ công Nepal ngày xưa.

Nắng hè chói chang trong mùa du lịch thấp điểm cũng không làm giảm đi vẻ đẹp từ thiên nhiên, cuộc sống, con người, kiến trúc, cả những phiên chợ rộn màu sắc, nhộn nhịp sáng chiều ở Kathmandu. Tất cả luôn khiến những ngày rong ruổi trên đất Nepal mãi là một hành trình đáng nhớ. Hẹn gặp lại Nepal!

(Theo Nguyễn Đình // SGTT Online)

  • Những khu vườn xinh đẹp
  • Đi lặn biển ở Pulau Payar
  • Thành phố nghỉ mát chữa bệnh ở Trung Âu
  • Bí ẩn những nền văn minh cổ dưới đáy biển
  • Cảnh đẹp tuyết đầu mùa ở Boston
  • Lễ hội "Then Kin Pang"- nơi trời đất giao hòa
  • Boca Grande xinh đẹp
  • Mỏ muối Vi-ê-lích-ca, kỳ quan trong lòng đất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com