Khởi hành từ Penang vào lúc 8 giờ sáng. Chúng tôi được xe buýt đưa đến bến tàu để khởi hành đi đảo Pulau Payar. Penang là một thành phố lớn thứ 2 sau Thủ đô Kuala Lumpur. Trong 11 tiểu bang của Malaysia chỉ có Penang và Melacca là 2 tiểu bang không có tiểu vương. Penang cách cao nguyên Genting 400km bằng đường bộ.
Thủ tục đầu tiên khi ngồi trên xe là mỗi khách được nhân viên hướng dẫn du lịch đeo trên tay một vòng giấy có màu ghi “Langkawi First and Only’. Được biết, vòng giấy màu này nhằm phân biệt đoàn nào sẽ đi tàu nào để tránh bị nhầm vì có nhiều hướng tàu đi đến Pulau Payar: đến từ Langkawi, đến từ Penang.
Penang theo tiếng Malaysia nghĩa là quả cau. Tương truyền rằng ngày xưa ở tiểu bang này có nhiều cây cau nên người dân ở đây lấy tên và hình dáng quả cau làm biểu tượng của bang.
Đảo Pulau Payar cách Penang 40km theo đường chim bay. Chúng tôi đi đúng vào mùa mưa ở Malaysia (từ tháng 11 đến tháng 3) nên biển có nhiều sóng. Phải mất gần 2 giờ lênh đênh trên biển chịu sự lắc lư do sóng biển để đến được quần đảo này. Người ta nói rằng trong điều kiện thời tiết tốt du khách chỉ cần 1 giờ 15 phút để đến Pulau Payar.
Chúng tôi phải đi trên chiếc tàu có sức chở khoảng 150 đến 200 người để đến được Pulau Payar. Cùng đoàn chúng tôi gồm có du khách đến từ nhiều quốc gia, nhiều khách đến từ châu Âu, châu Á và người Malaysia.
Cặp bến Pulau Payar là một chiếc phao to nằm trên biển cách bờ khoảng 70m. Chúng tôi được bố trí ngồi vào 4 bàn 6 chỗ ngồi, loại bàn ghế liền nhau. Sau khi yên vị, người huấn luyện giới thiệu cặn kẽ về mọi yêu cầu và quy định của khu, chỉ dẫn những dụng cụ cần thiết dùng để lặn biển ngắm san hô và cá. Có cả những bình oxy để lặn sâu. Tại phao có đường dẫn xuống một căn phòng bằng kính độ sâu 3 mét để du khách không có nhu cầu lặn biển vẫn quan sát được san hô và cá. Đó là một phòng rộng khoảng 18m2 gồm hai mặt kính trong. Du khách có thể ngắm nhìn những đàn cá nhiều loại khác nhau đang bơi lội. Quy định ngặt nghèo ở đây là cấm sử dụng những loại hàng hóa có ảnh hưởng đến môi trường như xà phòng, dầu gội,... Đây là khu bảo tồn nên mọi tác động có hại đến môi trường đều bị cấm. Hàng chữ thông báo “No shampoo, no soap” được dán nhiều nơi trên phao.
Chuẩn bị xuống biển. |
Khách có nhu cầu lặn biển thay đồ, đeo mặt nạ và ống lặn để thưởng thức thú lội biển ngắm nhìn san hô và nô đùa với hàng ngàn cá vây quanh. Mỗi độ sâu khác nhau có loại cá lớn nhỏ khác nhau. Cá biển rất đẹp với nhiều màu sắc rực rỡ khiến Pulau Payar thu hút rất nhiều khách đến tham quan và lặn biển.
Theo thời gian quy định, 12g30 phút mọi du khách tham quan Pulau Payar ăn trưa. Buổi trưa ăn theo kiểu buffet gồm nhiều món ăn phù hợp với du khách đến từ nhiều châu lục. Tất nhiên là không có các món ăn từ biển vì Pulau Payar là khu bảo tồn biển.
Sau bữa ăn trưa chúng tôi được tàu đưa vào tham quan khu bảo tồn trên đảo. Dọc theo bãi cát cá cũng nhiều vô kể. Khách tha hồ nô đùa, lặn, hoặc bơi cùng đàn cá.
Trên đảo không có nhà hàng hay cửa hàng. Chỉ có những nơi để khách ngồi nghỉ chân ăn uống những thực phẩm được cung cấp.
So với Hòn Mun và khu du lịch Đầm Bấy ở Nha Trang, cảnh quan ở Pulau Payar, có phần na ná giống nhau. Tuy nhiên ở khu bảo tồn Pulau Payar có nhiều loại cá và số lượng nhiều hơn. Còn san hô ở Khu bảo tồn Hòn Mun có nhiều màu sắc hơn.
Bảo tồn động, thực vật kết hợp với giáo dục môi trường, giáo dục về lòng yêu thiên nhiên và nhiều loại hình du lịch khác đã giúp cho Malaysia phát triển du lịch một cách bền vững. Từ 20,9 triệu du khách năm 2007 đến xấp xỉ 23,65 triệu du khách năm 2009, từ một “Malaysia, đích thực là châu Á” (Malaysia truly Asia) đến “Malaysia làm cho du khách khó rời chân” (We make it hard to say goodbye)...
(Theo Bài, ảnh: Lâm Văn Sơn/Cần Thơ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com