Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Di Hòa viên ở Bắc Kinh

Núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh - tinkinhte.com

Núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh

Khung cảnh thật tráng lệ, cổ kính. Di Hòa viên - hay còn gọi là Cung điện mùa hè - tiếng Trung Quốc là ‘Yíhé Yuán’ (nghĩa đen là "khu vườn nuôi dưỡng sự ôn hòa") là một cung điện được xây dựng từ thời nhà Thanh, cách Bắc Kinh 15 km về phía tây bắc. Di Hòa viên nổi tiếng về nghệ thuật hoa viên truyền thống của Trung Quốc.

Âm 5 độ C (-50C) nhiệt độ thật ‘sốc’ khi đoàn famtrip của Hiệp hội Du lịch Cần Thơ trong ngày đầu tiên đặt chân đến Bắc Kinh. Với nhiệt độ chênh lệch trung bình từ 300C ở ĐBSCL xuống nhiệt độ âm ở Bắc Kinh, làm cả đoàn phải có thời gian thích ứng. Mặc dù đã được căn dặn kỹ lưỡng, và chuẩn bị quần áo ấm đầy đủ, nhưng cảm giác đầu tiên của nhiều người trong đoàn là các khớp xương bị lạnh, tê cóng.

Hít hà! Lạnh quá! Dù vậy, cảnh quan vẫn hết sức hấp dẫn. Nhưng, sao không thấy tuyết rơi nhỉ? Các thành viên trong đoàn xuýt xoa, tiếc rẻ. Di Hòa viên là điểm tham quan khảo sát đầu tiên của đoàn sau bữa cơm ‘tàu’.

Vừa bước vào cổng là thấy sừng sững một hòn đá khá lớn có hình dáng người - người Trung Quốc gọi đó là Thọ Tinh Thạch, tượng trưng cho sự trường tồn - kế tiếp là tượng kỳ lân, tượng trưng cho chính nghĩa.

Vào thế kỷ XII, triều đại nhà Kim đã cho xây dựng hành cung Kim Sơn tại đây. Sau này, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh đều đã cho xây dựng tại đây nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ. Năm 1705, vua Càn Long cho xây dựng chùa Báo Ân và tháp Thiên Thọ để mừng thọ mẹ và đặt tên là Thanh Y viên.

Năm 1860, trong Chiến tranh Nha Phiến, liên quân Anh - Pháp bắn phá khiến Thanh Y viên bị hư hại nặng. Đến năm 1886, Từ Hy thái hậu nhà Thanh đã lấy 5 triệu lạng bạc trong ngân quỹ đầu tư cho lực lượng hải quân ra trùng tu khu hoa viên này trong vòng 10 năm và đặt tên mới là Di Hòa viên.

Năm 1900, trong loạn Quyền Phi, liên quân 8 nước lại phá hoại hoa viên lần nữa. Từ Hy đã cho đại trùng tu hoa viên khi bà hồi cung về Bắc Kinh năm 1903.

Trong Di Hòa viên có khoảng hơn 3600 gian phòng, kiến trúc vườn kiểu cung điện, trong đó có hơn 100 hạng mục quan trọng như điện Nhân Thọ, Lạc Thọ đường, điện Bài Vân, Phật Hương các, cầu Ngọc Đới, phố Tô Châu, thuyền đá, trâu đồng, trường lang (hành lang dài: lối đi có mái che nối liền các hạng mục kiến trúc)…

Di Hòa viên rộng 290 héc ta, trong đó 3/4 là diện tích mặt nước. Di Hòa viên là một vườn hoa, một hành cung của nhiều triều đại phong kiến cổ nhất và có quy mô lớn nhất. Đây là khu vui chơi giải trí nổi tiếng dành riêng cho hoàng gia của các triều đại Trung Quốc. Di Hòa viên chia làm ba khu vực: khu hành chính chủ yếu là điện Nhân Thọ - nơi Từ Hy thái hậu tiếp các quan lại và giải quyết quốc sự; khu nghỉ ngơi gồm các cung điện; và khu vườn hoa.

Di Hòa viên là một hòn ngọc sáng của thủ đô Bắc Kinh, được cấu thành bởi hai khối: núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh. Phía núi Vạn Thọ, bên bờ hồ Côn Minh là Phật Hương các cao 70 mét và dãy hành lang có mái che dài 728 mét như một dải lụa nối liền các quần thể kiến trúc muốn hình muôn vẻ khác nhau.

Trên các cột ở Trường lang đều vẽ nhiều bức tranh mô tả lại những điển tích nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc từ thời Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký... gồm 14.000 bức tranh được thể hiện bởi những hoạ sĩ cung đình tài danh. Trong mỗi gian lại được trang trí bởi những hình vẽ vô cùng tinh xảo mang đậm bản sắc nghệ thuật Trung Quốc.

Trong Di Hòa viên có nhiều danh thắng nổi tiếng, Ngọc Lan đường là nơi nghỉ ngơi của vua Quang Tự. Năm 1878, sau cuộc biến Mậu Tuất thất bại Từ Hy thái hậu đã biến nơi này thành nơi giam lỏng vua Quang Tự, hiện nay vẫn được bài trí như khi vua Quang Tự còn sống. Lạc Thọ đường là nơi ở Từ Hy thái hậu thường xem tuồng ở đây.

Vào mùa hè, Từ Hy thái hậu thường tới đây nghỉ ngơi và giải quyết công việc triều chính; vì thế, Di Hòa viên còn được gọi là Cung điện Mùa Hè. Vào mùa đông, nước ở các hồ đều đóng băng, tạo nên một khung cảnh vô cùng huyền ảo. Hồ Côn Minh trong Di Hòa viên được bao phủ bởi tuyết.

Di Hòa viên không chỉ là một khu vườn đẹp mà còn là một kiệt tác về kiến trúc. Toàn bộ khuôn viên của Di Hòa viên được xây dựng theo bố cục rất chặt chẽ về mặt phong thủy, thể hiện ý tưởng về một công trình mang ý nghĩa Phúc Lộc Thọ của Từ Hy Thái Hậu.

Dãy hành lang men theo hồ Côn Minh kết hợp với núi Vạn Thọ trông như đôi cánh của con dơi đang dang ra. Dơi tượng trưng cho Phúc.

Hồ Côn Minh có hình dáng là một quả đào lớn mà cuống của nó là con sông dẫn nước vào hồ qua cửa Tây. Quả đào tượng trưng cho Lộc.

Giữa lòng hồ là một hòn đảo nhỏ được nối với bờ bằng một chiếc cầu vồng xây bằng đá gồm 77 nhịp có tên là Thập Thất Khổng kiều (xây dựng năm 1750, dưới thời Càn Long). Nếu hình dung hòn đảo nhỏ giữa hồ Côn Minh làm mình thì chiếc cầu bắc qua đó trông giống như một con rùa đang vươn đầu dài ra. Rùa tượng trưng cho Thọ.

Ngay phía trước cửa cung điện của Từ Hy thái hậu là một cây hồng, tượng một con hươu, một con hạc và một bình hoa, theo thuật phong thủy truyền thống Trung Quốc thì những vật đó tượng trưng cho sự bình an và thiên hạ thái bình. Toàn bộ những giá trị phong thủy được các thời đại Trung Quốc sử dụng đã làm cho kiến trúc và ý nghĩa của Di Hòa viên thêm đặc sắc và ấn tượng.

Năm 1998, Di Hòa viên được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, mỗi ngày Di Hòa viên đón nhận khoảng 50 ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.  

(Theo Lâm Văn Sơn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Khám phá những địa danh độc đáo nhất thế giới
  • Huyền bí, li kì như đảo Phục Sinh
  • Nepal - miền đất của lễ hội tôn giáo
  • Chiêm ngưỡng tác phẩm điêu khắc dưới biển ở Mexico
  • Đi thăm Tokyo
  • Châu Âu mùa đông, tuyết và sương mù
  • Florence - thành phố du lịch tốt nhất thế giới
  • 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com