Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Nam Phi: Đi qua hai “thành phố vàng”

Hôm nay 11.6.2010, hàng tỉ con mắt đổ dồn về Nam Phi, nơi trái bóng bắt đầu lăn, mở ra ngày hội lớn nhất hành tinh “World Cup 2010” lần đầu tiên tại lục địa đen châu Phi. Bóng trong sân vận động Joburg (Johannesburg) bắt đầu lăn, nhưng với tôi phía trước mặt còn nhiều điều kỳ thú đang chờ đón ở đất nước cực nam Phi châu xa xôi này… “Bóng cứ lăn, còn ta cứ đi…”, tôi xốc balô lên đường…

Sân vận động Soccer City hình trái bí dẹt – Johannesburg.

Hành trình từ Việt Nam đến Joburg, Nam Phi dài 12 giờ 30 phút bay. Thuộc tỉnh Gauteng, Joburg hiện ra trong mắt tôi lại là một đô thị phồn vinh kiểu Âu châu hơn là một Phi châu nghèo nàn. Từ sân bay về đến trung tâm thành phố, giờ đã tràn ngập không khí của ngày hội bóng đá. Khắp các ngả đường rợp màu vàng và logo World Cup 2010 của FIFA, lá cờ của 32 quốc gia vòng chung kết được treo dọc theo con đường nối vào thành phố. Khắp các ngã tư, những người bán hàng rong đầu quấn băng rôn luôn miệng rao bán những lá quốc kỳ hay chiếc kèn dài đầy màu sắc. Trong những cửa hàng thời trang, trái bóng Jabulani bày bán khắp nơi và kèm theo đó là linh vật của World Cup 2010: chú sư tử Zakumi.

Tìm “cúp vàng” ở độ sâu 3.293m!

Vậy mà khi tôi hỏi “ngoài bóng đá ra, du khách thường đến đâu?”, Andre Warns hướng dẫn viên người da trắng đưa tôi đi về “thành phố vàng”. Lịch sử các mỏ vàng nổi tiếng của Nam Phi gắn với George Harrison khi ông vấp phải một cục đá ở ngoại ô Joburg năm 1886 và phát hiện trong đó chứa vàng. Sau cú ngã đáng nhớ, Harrison đào sâu hơn vào những vỉa đá và gặp rất nhiều vàng. Làn sóng đào vàng và ngành công nghiệp khai thác ra đời từ đó.Thành phố vàng – Gold Reef City cách trung tâm thành phố chỉ 15 phút xe, xây dựng trên một mỏ vàng cũ. Chính phủ và chính quyền địa phương thật nhạy bén khi chấp nhận cho nhà đầu tư khai thác mỏ vàng thành khu vui chơi và tham quan hầm mỏ vàng vào năm 1981.

Chuyến đi vào lòng đất thật đặc biệt, mỗi người được phát một nón bảo hộ, một đèn pin và nín thở khi thang máy lao thẳng xuống độ sâu 225m với tốc độ 3m/s. Nơi sâu nhất mỏ là 3.293m mà theo lời Mark – hướng dẫn viên ở mỏ vàng, mọi thứ ở đây còn nguyên vẹn từ năm 1922 khi mỏ mới mở cửa. Năm 1977, mỏ đóng cửa do chi phí khai thác sâu hơn 3.000m quá cao.

Những con đường chằng chịt nối vào hầm mỏ sơn màu trắng nhằm làm tăng ánh sáng, xưa kia công nhân mỏ chỉ làm việc bằng chiếc đèn cầy nhỏ. Trong góc khuất, chiếc máy đổi dòng điện một chiều thành xoay chiều vẫn còn nằm đó gần 100 năm qua cùng với những máy bơm nước ngầm, xe chở đá trong mỏ. Quanh mỏ đầy những thanh gỗ chống trần để tránh sụp hầm. Những góc khuất là những bức tượng được bố trí để người xem có thể thấu hiểu nỗi khổ cực mà ngày xưa phu đào vàng phải đương đầu… Những con đường đều được đánh dấu màu đỏ để tránh du khách lạc đường giữa “thiên la địa võng” sâu hàng trăm mét dưới lòng đất.

Mark cho biết trong gần 100 năm tồn tại, có hàng ngàn người bỏ mạng do sụp hầm, ngạt hơi, ốm đau... Tang thương nhất vẫn là sự kiện 120 người đào vàng trộm bị sụp hầm, tất cả đều bị chôn vùi dưới những tầng đất đá cho đến tận ngày nay.

Nghịch lý thành phố vàng

Johannesburg, thành phố lớn nhất ở Nam Phi, dân số 4,5 triệu người trong đó khu vực Soweto tập trung khoảng hai triệu người da đen. Soweto nổi tiếng là nơi cư trú của các băng đảng mafia, những người nhập cư bất hợp pháp từ Zimbabwe, Botswana, Mozambique… Tỷ lệ thất nghiệp cao (25 – 26%) trong đó người da đen chiếm đến 95% cũng gây ra không ít xung đột ở khu vực này.

Đối lập với Soweto là khu vực sống của những người giàu có nhất Nam Phi, đó là giới tài phiệt, kinh doanh, bác sĩ, luật sư. Những dãy biệt thự đều có bảo vệ ôm súng gác ngoài cổng và trên tường gắn dàn điện cao thế 7.000V để tránh đột nhập. Ngoài tường dán đầy biển cảnh cáo điện cao thế, một số căn nhà còn có camera ghi hình. Tôi dừng chân khá lâu trước ngôi biệt thự của “Người tù thế kỷ”, cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela cũng ở khu Houghton gần đó. Căn nhà hai tầng được sơn màu trắng, trông rất đơn giản và được canh giữ nghiêm ngặt. Người ta đã bỏ tù ông đến 27 năm để rồi sau đó đưa ông lên làm tổng thống của một đất nước “trắng và đen” và hôm nay người ta canh giữ ông như “báu vật vàng” của quốc gia.

Nắng chiều ngả dần về phía tây khi Andre đưa chúng tôi đến thăm toà hiến pháp – constitution court. Sau chế độ Apartheid, người da trắng và da đen đều có quyền ngang nhau, 27 ô vuông trên cửa toà hiến pháp khắc những phù điêu thể hiện 27 quyền lợi mà người da đen yêu cầu để bình đẳng. Phía tường ngoài là chín hàng chữ “constitution court” bằng chín thứ tiếng cơ bản ở Nam Phi.

Đến Joburg ngay trước ngày khai mạc World Cup, tôi chỉ mất khoảng mười phút xe buýt để đến thăm sân vận động Soccer City nằm về hướng tây thành phố. Hai bên đường tràn ngập băng rôn và cờ phướn. Các công nhân đang làm những việc lặt vặt cuối cùng trước giờ khai mạc. Những tấm panô nhiều màu sắc bên mặt ngoài của sân vận động 91.000 chỗ ngồi hình quả bí này như một cuộc dạo chơi về màu sắc. Cựu Tổng thống Nelson Mandela đã từng diễn thuyết nơi đây khi vừa rời khỏi trại giam sau 27 năm đòi bình đẳng với người da trắng và chính ông cũng đã làm rất nhiều thứ để có thể đưa World Cup lần đầu tiên có mặt ở châu Phi.

Biết tôi từ Việt Nam, anh bạn da đen bán hàng lưu niệm nơi này thốt lên một cách hồn nhiên “Tại sao đội tuyển Việt Nam không đến với World Cup nhỉ? Tôi treo cờ tất cả các nước trên thế giới để cổ vũ cho World Cup, anh có mua cờ Việt Nam không?” Khi ngồi viết những dòng ký sự này, cũng là lúc tôi có trong tay lá cờ Nam Phi do anh bạn dễ mến gửi tặng và tôi cũng gửi ngược lại cho anh một lá cờ Việt Nam với hy vọng về một thông điệp hoà bình vốn có của thể thao…

( Theo An Nam // SGTT Online)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Du lịch Nam Phi: Những ngày hoang dã ở Pilanesberg
  • Nhà quê vùng địa nhiệt
  • Bali hòn đảo của những ngôi đền
  • Thơ mộng Hoàng Hạc Lâu
  • Thăm quần đảo gia vị
  • Budapest – “Paris phía Đông”
  • Thăm Bhutan, đất nước Phật giáo
  • Một thoáng Tam Giác Vàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com