Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một thoáng Tam Giác Vàng

Từ cửa khẩu Lao Bảo, vượt hơn 1.000km, qua Savanakhet (Lào), “xuyên ngang” lãnh thổ Thái Lan với các điểm dừng (tỉnh) Mukdahan, Phitsanulok, cố đô Sukhothai... là lọt vào “Tam Giác Vàng”, “lãnh địa” của ông trùm ma túy khét tiếng Khun Sa.

Bình gốm in bản đồ xác định vị trí vùng Tam Giác Vàng trên đồi Sop Ruak.

Miền Bắc xứ Thái, núi non trùng điệp, có nhiều con đường xuyên rừng không tên. Gần như những trục đường giao thông chính ở vùng này đều chạy xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn. Bây giờ là mùa khô ở Thái Lan, lá rừng rụng tràn ngập, nhiều khi tràn ra tận mép đường; nhiều đường ống dẫn nước từ trên cao và trong rừng ra được chôn trong những khối bê tông dựng đứng sát đường và không hề thấy dấu tích của một đám cháy! Nghe nói trước đây ở vùng này mỗi khi đêm xuống “Thế giới mới sống lại”. Đó là thế giới của ma túy với hàng đoàn người súng ống đủ loại tối tân (AK 47 báng gấp, B-40...) lợi dụng địa hình hiểm trở lầm lũi ẩn hiện trong rừng già vận chuyển “hàng đen” bằng ngự, gùi, thồ. Càng gần vùng đất bí ẩn này càng nhiều đèo dốc núi cao, quanh co khúc khuỷu. Đứng trên ngọn núi cao 200-300m, lúc chiều buông ánh nắng phản chiếu xuống những đỉnh núi bao quanh trải dài đủ sắc màu. Thấp thoáng dưới rừng cây là những ngôi chùa tháp lộng lẫy của Phật giáo Nam Tông; những ngôi nhà sàn ẩn mình trong những cánh rừng bạt ngàn; ruộng lúa xanh rì bên những cánh đồng trồng cây thuốc lá, bắp, chuối; những khu rừng nguyên sinh được giữ gìn, bảo tồn nghiêm ngặt... Khung cảnh thật nên thơ, hùng vĩ.

Tam Giác Vàng “chưa thực sự bình yên”, du khách đừng đi xa thị trấn, vào sâu khu vực rừng. Nhà chức trách vẫn luôn cảnh báo. Nhưng vùng đất đầy bí ẩn này đang trở thành một địa điểm du lịch khám phá hấp dẫn mãnh liệt các khách du lịch đa quốc gia.

Trước kia, Tam Giác Vàng là một khu vực rộng lớn khoảng gần 200.000 km2, tâm điểm của nó nằm ngay ngã ba sông Mê Công tiếp giáp ba nước Thái Lan, Lào và Myanmar.

Một gian hàng bán đồ lưu niệm ở khu Tam Giác Vàng.

Bên phần đất Thái Lan, vùng đất này thuộc tỉnh Chiang Rai, cực Bắc Thái Lan. Trên đồi Sop Ruak ở ngã ba sông Mê Công chỉ trong khoảng cách gần 30m, thấp thoáng đầu nguồn (bên trái) là Myanmar; đối diện bên kia sông là một Casino với mái vòm tròn vàng rực trên đất Lào. Một cầu tàu và hàng chục thuyền cắm cờ Thái Lan neo dưới bến sẵn sàng chở du khách tham quan (60 bath/giờ, khoảng trên 40.000 đồng) hoặc có thể quan sát qua kính viễn vọng được đặt sẵn trên đồi cao (5 bath/lần)...

Thái Lan làm du lịch, khai thác Tam Giác Vàng rất chuyên nghiệp, nhộn nhịp tấp nập hơn hẳn so với hai nước láng giềng. Hàng loạt các khách sạn cao cấp, nhà hàng, siêu thị... được xây dựng ven sông Mê Công, trên những đồi cao, vùng ven và trong thị trấn Mae Sai. Tại điểm dừng chân cho du khách có bãi đậu xe rộng lớn cùng hàng loạt gian hàng san sát, bán đủ loại sản vật địa phương (có cả mật ong từ hoa cây anh túc), hàng thủ công mỹ nghệ đến các gian hàng ăn nhanh, nhiều nhất là đồ nướng (5bath/trứng ngâm gia vị nướng, 100 bath/con cá ướp lá thơm nướng muối, 35 bath/lạng sườn nướng...).

Người dân bản xứ với nón nan chóp nhọn đặc trưng phương Bắc có nụ cười hiền lành hiếu khách; những chiếc xe máy chở đồ xây dựng ngược xuôi tất bật; những quán cà phê văng vẳng giai điệu nhẹ nhàng trong gió lạnh thoang thoảng của dòng Mê Công...Vùng đất ma túy ngày xưa nay được người Thái xây thêm rất nhiều tượng Phật tuyệt đẹp, kỳ vĩ. Người ta còn tin rằng đây là vùng đất linh thiêng, cầu được ước thấy nên tụ về đây rất đông để lễ Phật, cầu an cầu lộc...

Bản đồ “The Golden Triangle” (Tam Giác Vàng), in trên thân một bình gốm lớn màu vàng và được đặt trang trọng ở một vị trí dễ thấy nhất trên đồi Sop Ruak. Đây là biểu tượng mới của Tam Giác Vàng nhưng người Thái vẫn không vứt bỏ bản đồ địa giới cũ vẽ sơ sài trên tấm bảng gỗ, dù nó chỉ được đặt dưới đất, cây lá che phủ. Chiếc bình gốm đó dường như là một thông điệp cho sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất này? Một vùng đất của yên bình, đã tan dần bạo lực và những cái “Chết trắng”?

Đêm về, Chiang Rai trở lạnh nhưng cái lạnh rất dễ chịu (chỉ nóng về trưa); du khách nào cũng tranh thủ dạo chợ đêm. Không sáng loáng ánh đèn từ siêu thị, các cửa hàng thời trang như phía đối diện, chợ đêm nằm tại môt khu đất rộng khuất bên trong một con đường chính. Hàng hóa đủ loại được trưng trong sạp và bày cả dưới đất. Hàng mỹ nghệ, quần áo, đồ thổ cẩm, trang sức vàng bạc, đồ trang trí bằng gỗ... Hàng địa phương, hàng trong nước, hàng nhập đủ cả và đặc biệt rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc tại chợ vùng biên cực Bắc này. Tại đây giá cả nhiều loại rẻ bất ngờ do thuế suất bằng 0 (thị trường mở cửa đối với 4 nước ASEAN là Thái Lan - Singapore - Indonesia - Malaysia).

Chiang Rai còn tạo cho du khách nhiều bất ngờ bởi “Bảo tàng Nha Phiến” độc nhất vô nhị trên thế giới nằm gần bãi bồi Tam Giác Vàng. Đây là nơi giới thiệu lịch sử phát triển của loài cây anh túc (thuốc phiện), các tác động và cuộc chiến ma túy; nơi sinh sống của nhóm người dân tộc Karen cổ dài... Đặc biệt ngỡ ngàng ở lãnh địa của “cái chết trắng” đối với du khách là hệ thống chùa và tượng Phật. Chùa Wat Phra Kaew được chỉ định làm ngôi chùa hoàng gia đầu tiên của Chiang Rai có pho tượng Phật lớn và đẹp nhất Thái Lan. Tượng đúc bằng đồng thau và đồng đỏ, đến năm 2007 người ta tin rằng pho tượng có khoảng 700 tuổi. Pho tượng mới Phra Kaew Marakot, được khắc tại Trung Hoa, từ viên ngọc của Canada, do Công chúa Somdej Phrasrinkharintra mua, khánh thành tổ chức tại Bangkok ngày 20-9-1991 và an vị tại chùa Wat Phra Kaew, Chiang Rai cùng năm...

Đại diện TAT (Tổng cục Du lịch Thái Lan) trong buổi gặp mặt cho biết vùng Đông Bắc Thái Lan có tỷ lệ người Việt Nam sinh sống cao nhất và họ sẽ là cầu nối cho sự hợp tác giao lưu giữa hai nước; “Chúng tôi có chủ trương mở thêm nhiều lớp hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng Việt”. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển trên nhiều lĩnh vực của Hành lang Kinh tế Đông Tây đã hình thành (EWEC - tuyến đường dài 1.450 km chạy qua 13 tỉnh thành của 4 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar) sẽ thúc đẩy ngành du lịch các nước liên quan trao đổi lượng khách của mình bằng đường bộ, đường không và cả đường thủy. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty lữ hành Vitours, một công ty du lịch tại Đà Nẵng dẫn đầu trong việc tổ chức Tour Caravan & Hành trình Di sản Đông Dương và tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây cho biết sự hấp dẫn của tuyến EWEC và Tam Giác Vàng chính là tuyến mới, nhiều điểm mới. Nhiều lãnh đạo các Công ty du lịch phía Bắc còn dự tính làm tour đưa khách đến Tam Giác Vàng bằng đường hàng không qua Lào đến thẳng Chiang Rai.

Thái Lan đang nỗ lực phát triển du lịch tại Tam Giác Vàng nhằm thúc đẩy cả vùng Đông Bắc vốn ít sôi động hơn các khu vực khác. Họ đang tăng cường đầu tư hạ tầng cùng nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng này. Chiang Rai tuy xa nhưng được gắn kết với Bangkok và các tỉnh khác bằng các tuyến đường bộ, đường thủy và cả cảng hàng không quốc tế. Thái Lan đang quyết tâm xây dựng Chiang Rai trở thành “Thành phố thiên thần” (City of Angels) hay “Vương quốc những nụ cười” (Land of Smiles).

 

(Theo Bài, ảnh: Vũ Thống Nhất/CanTho)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Thăm Bhutan, đất nước Phật giáo
  • Hành hương về đất Thánh Israel – Jordan
  • Phóng sự ảnh: Tháng Ramadan của người Hồi giáo
  • Thị trấn cổ nhất bán đảo Scandinavia
  • Thành phố cảng sôi động
  • Trên đất nước New Zealand
  • 10 bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất mọi thời đại
  • Dạo phố ở Lisbon
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com