Đền Watphou |
Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ kết hợp cùng Công ty Lữ hành Vitours (Đà Nẵng) đang kiến nghị Vietnam Airlines mở đường bay trực tiếp Cần Thơ – Đà Nẵng và ngược lại vào ngày 1-1-2010. Để tạo nên sản phẩm mới phong phú, hấp dẫn hơn cho du khách quốc tế đến Việt Nam cũng như người dân ở hai miền Trung và Tây Nam bộ, mới đây, Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ và Công ty Lữ hành Vitours vừa khảo sát mở tour khám phá Nam Lào.
Sau một buổi tối đoàn khảo sát tham dự múa cồng chiêng với làng Kôn Rờ Tu, chúng tôi có một đêm ngon giấc tại Kontum. Sáng sớm, đoàn chúng tôi khởi hành lên đường đến Ngã Ba Đông Dương (nơi tiếp giáp biên giới giữa 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam) - nơi mà người ta nói rằng “tiếng gà gáy cả 3 nước cùng nghe”.
Trên đường từ thị xã Kontum đi cửa khẩu Bờ Y, xe chúng tôi đi qua phi trường Phượng Hoàng. Xa xa là đồi Charlie- nơi đã từng chịu bom đạn khốc liệt của “mùa hè đỏ lửa 1973”. Tại cửa khẩu Bờ Y, chúng tôi tạm biệt Kontum để tiếp tục chuyến đi Lào. Cửa khẩu Bờ Y phía Việt Nam và cửa khẩu Ban Phoukeua phía nước bạn Lào cũng na ná giống như cửa khẩu Xà Xía ở Kiên Giang: bên phải là các phòng làm thủ tục xuất cảnh và bên trái là các phòng làm thủ tục nhập cảnh, bên ngoài 2 bên là đường xe qua lại của 2 đất nước. Thủ tục cho xe từ Việt Nam qua Lào đơn giản. Chủ xe đăng ký và xin phép Sở Giao thông địa phương nơi xe đăng ký giấy phép hoạt động và đóng lệ phí với thời hạn 1 tháng, đến cửa khẩu làm thủ tục xuất là xong.
Mất khoảng 1 giờ để làm thủ tục ở 2 cửa khẩu, xe chúng tôi lăn bánh tiến về Atapư, một thị trấn nhỏ trên tuyến đường đi Watphou-di sản văn hóa thế giới ở miền Nam nước Lào. Từ cửa khẩu Bờ Y đến Atapư, xe vượt qua gần 100km đồi núi và đường đèo. Con đường thật đẹp, nhìn mát cả mắt bởi rừng núi bao quanh. Buổi cơm trưa đầu tiên lạ miệng ở một quán ăn trên đất Lào trong khung cảnh yên tĩnh, làm chúng tôi khỏe khoắn hơn. Chiều hôm đó chúng tôi đến thành phố Pakse thuộc tỉnh Champasak - một trong 3 thành phố có vua trước đây của Lào. Được biết, trước khi thống nhất, Lào có 3 thành phố có vua. Theo quy định từ xưa, 3 vua sẽ thay nhau trị vì: phía Bắc là tỉnh Luang Prabang, vùng Trung nay là Thủ đô Viêng Chăn và phía Nam là tỉnh Champasak. Ở Pakse có rất nhiều người Việt Nam. Theo một số liệu thống kê không chính thức hiện có khoảng 5.000 người Việt đang sinh sống.
Pakse là thành phố nhỏ có khoảng 600.000 dân, nổi tiếng bởi những sản phẩm địa phương như cà phê, trà, song mây và một số sản phẩm nông nghiệp khác. Tại đây có nhiều cửa hàng với bảng hiệu được viết bằng hai thứ tiếng Việt – Lào: “Rửa xe thay nhớt” cho đến cả “Phòng cho thuê”... với cách trình bày, trang trí rất Việt Nam. Thỉnh thoảng trên đường lại bắt gặp các chuyến xe loại 45 chỗ ghi lộ trình Pakse – Quy Nhơn hay Pakse – Huế, và có cả những chuyến khác về các tỉnh miền Trung Việt Nam. Tất cả làm tôi như có cảm giác đang ở quê nhà.
Khách sạn chúng tôi ở bên cạnh bờ sông Xedon. Dòng sông thật yên ả, êm đềm không vội vã, ồn ào như các dòng sông vùng ĐBSCL - nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ngồi ở đây ngắm cảnh trên sông, những con thuyền nhỏ lững lờ trôi trong buổi chiều vàng, thật không có gì tuyệt vời bằng.
Rời Pakse, đoàn chúng tôi qua phà, vượt con sông Mekong, lên đường đến thăm đền Watphou (dài khoảng 16km). Chiếc phà ở đây được ghép lại từ 3 chiếc tàu nhưng sức chở thì “khủng khiếp”, với khoảng 10 xe lớn, nhỏ kể cả những xe chở vật liệu xây dựng nặng đi chung. Người dân nơi đây qua lại bằng phương tiện này và các phương tiện ghép lại từ những chiếc tàu nhỏ hơn.
Trước khi đến đền Watphou, chúng tôi được Ban Quản lý đưa vào khu trưng bày cổ vật của đền từ thế kỷ thứ 5, bao gồm nhiều cổ vật văn hóa chạm trổ, điêu khắc, xây dựng của người Chăm. Đền Watphou được xây dựng theo lối kiến trúc giống Angkor Wat của Campuchia từ thế kỷ thứ 5 với nhiều công trình liên hoàn, hồ nhân tạo, cung điện, đền thờ thần Sida và Ban That, thư viện, dòng suối thiêng cùng nhiều điêu khắc khác. Đền đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 14-12-2001. Toàn bộ khu vực đền nằm trên một vùng đất khá rộng.
Từ bãi đậu xe, mọi người có thể đi bộ dọc con đường nhựa được xây dựng sau này, hoặc đi giữa hai hàng cột đá được xây dựng từ mấy ngàn năm trước để vào tham quan đền. Dọc đường đi là những thảm cỏ xanh, hồ nước và hoa dại. Đi bộ khoảng 15 phút, hai công trình xây dựng hai bên hàng cột đá bắt đầu hiện ra. Những công trình này đã hư hỏng khá nhiều, nhưng những nét kiến trúc chính vẫn khá nguyên vẹn. Để đến khu vực chính của đền, chúng tôi tiếp tục đi dọc con đường có những chiếc cột đá cao gần bằng đầu người. Leo lên những bậc thang khá nhỏ sẽ thấy ngôi đền chính nằm trên ngọn núi nhỏ có tên là Phu Kao. Phía bên trái đền là lối đi dành cho nữ, phía bên phải là lối đi dành cho nam. Những lối đi lát đá dẫn vào gian chính điện nằm trên cùng của một con đường đá 77 bậc cao hun hút, tạo ra một không khí thâm u và huyền ảo. Chính điện thờ Phật Bổn Sư. Phía trên nữa có dòng nước tiên chảy ra từ trên núi. Người dân đến lễ bái đền thường xin nước ở đây để rửa mặt, cầu cho được sáng suốt thông minh, chữa khỏi bệnh tật và mang về cho người thân. Người dân địa phương nói rằng ở Champasak có 2 bàn chân Phật: một trên đỉnh núi Phu Kao, một ở chùa tại Pakse.
Watphou đứng trước nguy cơ hư hỏng nặng, nên hiện nay nhiều tổ chức nghiên cứu và các trường đại học của Ý, Mỹ hỗ trợ việc trùng tu, bảo vệ. Ngay trên các lối đi, còn có những thùng quyên góp vào quỹ trùng tu Watphou do Ban bảo vệ di sản quản lý.
Đền Watphou hiện là một trong những điểm du lịch chính của khách du lịch quốc tế đến Lào. Tạm biệt Watphou, tạm biệt Champasak, thành phố êm đềm như đất nước Lào yên bình, như tính cách của người Lào không cần vội vã, không cần gấp rút. Cái gì cũng “từ từ”.
(Theo Lâm Văn Sơn // Cantho Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com