Đại lộ chính ở trung tâm Prague - Ảnh: Hải Lý. |
Bảo Anh đón tôi ở khách sạn K+K nằm trên một con phố nhỏ, cách đại lộ trung tâm Prague, nơi bắt đầu từ Viện Bảo tàng quốc gia khoảng hơn trăm mét. Cô vẫn nói nhiều, vẫn ánh mắt trẻ trung dù xung quanh đuôi mắt đã bắt đầu những nếp chân chim. Cô chỉ những lẵng hoa khổng lồ, treo trên các cột đèn đang lay lay trong gió lạnh một ngày đầu đông và mơ màng: “Mùa hè chúng nở rộ, đẹp lắm và có mùi thơm như… hoa sữa Hà Nội”.
Ôi trời! Đã 26 năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi cùng nhau tốt nghiệp phổ thông trung học, mà cô vẫn lãng mạn như không thể lãng mạn hơn được nữa!
Đi qua ba bến tàu điện ngầm, ba bến ô tô buýt, cô dẫn tôi vào một quán ăn - quán của cô. Nó không rộng nhưng gọn gàng, nó khiến tôi liên tưởng đến một góc nhà ăn mênh mông trong khuôn viên các trường đại học ở Mátxcơva. Cô thuê đầu bếp người Tiệp chế biến món ăn, nhân viên Tiệp bán hàng, tính tiền và dọn dẹp. Bình thường, cô chỉ rẽ qua vào buổi sáng, chiều tối quay lại lấy tiền của ngày và kiểm kê hàng hóa phải mua, chuẩn bị cho cả tuần sau. Cách đấy hai bến ô tô buýt nữa, chồng cô vừa là quản lý, vừa là nhân viên tính tiền một cửa hàng bán đồ thực phẩm. Cô bảo quán ăn và cửa hàng thực phẩm của gia đình cô có đăng ký kinh doanh, nộp thuế và bảo hiểm đàng hoàng. Tiền lời thì dư sống, cô còn có thể giúp đỡ gia đình ở Việt Nam.
Bảo Anh thuộc lớp sinh viên tốt nghiệp vào khoảng đầu thập niên 1990. Cô ở lại, làm phiên dịch hai mươi năm ở một thành phố tỉnh lẻ gần biên giới nước Đức và gần đây quyết định chuyển lên Prague làm ăn, sinh sống. Cơ sở kinh doanh của người Việt như của vợ chồng cô ở đất nước Tiệp Khắc này, theo con số thống kê không chính thức có chừng 5 -7 ngàn. Cứ ra các khu chợ như trung tâm thương mại Sapa thì thấy ngay. Mỗi quầy hàng ở đây chủ yếu bán buôn và người Việt lấy hàng, rồi đem ra các chợ lẻ hoặc về các tỉnh để bán. Đại sứ Việt Nam tại Prague, ông Đỗ Xuân Đông, nói có 62.000 người Việt ở Tiệp. Kỹ sư Nguyễn Dương, Giám đốc Công ty Scitexim, cho biết nhìn từ góc độ kinh doanh, có thể chia người Việt thành ba nhóm. Nhóm những người lao động bán hàng ở chợ là đông đảo nhất. Kế đến là kinh doanh nhỏ kiểu gia đình như vợ chồng Bảo Anh và sau cùng là các công ty lớn, làm ăn bài bản, có vốn mở chi nhánh ở một số nước lân cận hoặc đầu tư về Việt Nam. Trong số những công ty tên tuổi của người Việt, phải kể đến Sportisimo của ông Nguyễn Thái Ngọc và các cộng sự. Sportisimo chuyên bán đồ thể thao, cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực của Tiệp. Trên đường từ sân bay về trung tâm Prague, tôi đã nhìn thấy không dưới 4 -5 bảng quảng cáo về quần áo thể thao và các dụng cụ trượt tuyết mùa đông của Sportisimo. Một ai đó nói rằng giá thuê một bảng quảng cáo ngoài trời như vậy không dưới 3.000 đô la Mỹ/tháng.
Như người Việt ở các nước Đông Âu, người Việt ở Tiệp làm đủ mọi nghề, nhưng kinh doanh thường chỉ tập trung vào thương mại, du lịch, dịch vụ. Những người có trình độ, đã từng được đào tạo đến bậc tiến sĩ thì lập các công ty công nghệ thông tin. Cho đến khi Công ty cổ phần Tài chính IDCC châu Âu thành lập và hoạt động vào tháng 11-2010, chưa có bóng dáng người Việt trong lĩnh vực vốn rất thịnh hành ở các quốc gia phát triển là dịch vụ tài chính. IDCC châu Âu là liên doanh giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (do BIDV Vietnam nắm giữ 100% vốn) và hai doanh nghiệp Tiệp là ILG và Sportisimo. Hôm liên doanh khai trương, Thứ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc, ông Milan Hovorka cũng có mặt.
Sự xuất hiện của dịch vụ tài chính mà tiêu biểu là cung ứng vốn, thường là dấu hiệu cho thấy sự mở rộng và bắt đầu có tính chuyên nghiệp của quy mô kinh doanh. Với những cơ sở làm ăn nhỏ bé, người Việt khó tiếp cận với các định chế tài chính ngân hàng của nước sở tại. Khi mở quán ăn và cửa hàng thực phẩm, Bảo Anh nói vợ chồng cô cũng phải vay tiền, nhưng tôi không biết có phải là vay từ một tổ chức tín dụng địa phương hay từ bạn bè, người quen. Ông Nguyễn Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị IDCC châu Âu, cho biết liên doanh sẵn sàng cho vay đối với người Tiệp gốc Việt hoặc người Việt có giấy cư trú dài hạn ở đây.
Trong lễ khai trương IDCC, ngồi một nhóm trên bàn đầu là các quan chức của một tên tuổi tài chính lớn: tập đoàn PPF Tiệp Khắc. PPF là một tập đoàn tài chính quốc tế, quản lý số tài sản với tổng trị giá 10 tỉ euro. Tháng 4-2009, họ đã thiết lập Công ty Tài chính PPF tại Việt Nam với số vốn 500 tỉ đồng chuyên tài trợ cho vay tiêu dùng dưới thương hiệu Home Credit. PPF đã bắt tay với BIDV. Ở Việt Nam, BIDV cung cấp hạn mức tín dụng 20 triệu đô la Mỹ cho PPF và ngược lại ở Tiệp, PPF cung cấp hạn mức 20 triệu đô la Mỹ cho BIDV. Từ đây, cộng đồng người Việt làm ăn ở Tiệp có một địa chỉ tài chính để tiếp cận khi cần có sự hỗ trợ về vốn liếng. Ông Mạnh trao đổi với TBKTSG, IDCC châu Âu đang xúc tiến các bước, chuẩn bị mở chi nhánh ở Ba Lan và Đức. Thời điểm mở có thể là năm sau.
Prague thường được ví như trái tim - trung tâm của châu Âu về mặt địa lý. Từ đây đi sang các nước phía Đông cũng như Tây Âu chỉ mất khoảng một giờ bay. Tiệp Khắc từ lâu đã xếp Việt Nam vào danh sách những nước ưu tiên tăng cường quan hệ về mọi mặt, nhất là kinh tế. Tuy nhiên, những con số lại chưa thể hiện được mức ấn tượng của sự ưu tiên đó. Theo số liệu của Chính phủ Tiệp, năm 2009 tổng kim ngạch buôn bán giữa hai nước chỉ đạt 288 triệu đô la Mỹ, trong số đó Việt Nam xuất sang Tiệp 247 triệu đô la Mỹ. Sáu tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Tiệp tăng nhẹ, ở con số 164 triệu đô la Mỹ. Tiệp cũng như nhiều thành viên của Liên hiệp châu Âu chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trả lời phỏng vấn TBKTSG, Thứ trưởng Công thương Tiệp, ông Milan Hovorka nhấn mạnh việc công nhận đó không đơn thuần là một quyết định, nó là một quá trình, quá trình chuyển đổi của kinh tế Việt Nam.
38 triệu đô la Mỹ là giá trị hàng hóa Tiệp Khắc đã xuất sang Việt Nam nửa đầu năm 2010. Trong số đó, hẳn có mặt hàng nổi tiếng, đặc trưng của nước này là pha lê. Ở trung tâm Prague, trong các khu phố cổ, nơi đường sá được lát bằng những viên đá thủ công không có góc cạnh vuông vắn và đã mài mòn dưới bước chân người theo thời gian, khách du lịch có thể gặp vô vàn những cửa hàng bán đồ pha lê. Những sản phẩm pha lê đủ mọi màu sắc, hình dáng, lung linh dưới ánh đèn các quầy hàng, mờ ảo đầy quyến rũ. Khi khách muốn xem một sản phẩm nào đó, người bán hàng thường giơ chúng dưới ánh đèn và pha lê phát ra những tia sáng thật tuyệt vời. Tôi ghé vào hai điểm hướng dẫn và tổ chức các tour du lịch ở gần quảng trường Con Gà, đăng ký tour tham quan một cơ sở thổi thủy tinh nào đó gần Prague. Hình dung ra những người thợ thổi thủy tinh và quan sát họ làm việc từ công đoạn đầu tiên đến sản phẩm hoàn chỉnh chắc chắn là thú vị. Tiếc rằng chẳng chỗ nào có một tour như thế. Hôm sau tôi nói với Bảo Anh về chuyện đó. Cô bảo nghe nói ở ngoại ô Prague cũng có vài điểm, song cô không rõ lắm.
Một ngày trong chuyến đi, khi công việc kết thúc sớm, chúng tôi kéo nhau vào nhà hàng có cái tên khó đọc Svejk trong khu phố cổ. Bia Pilsner quả thật không làm bất cứ ai trong chúng tôi thất vọng. Ông chủ nhà hàng nói cái tên Pilsner là lấy tên của thành phố Pilsen, vùng Bohemia của Tiệp. Uống Pilsner cùng với đùi heo xông khói, mù tạt và những trái ớt muối xanh, đỏ dài dài nhưng không cay, để rồi khi nhà hàng đóng cửa, bước ra, lang thang ngoài trời đêm mùa đông, nhấm nháp cái lạnh 5-6 độ, nghe vị bia vẫn còn đăng đắng nồng nồng nơi đầu lưỡi, tự nhiên thấy nhớ những năm tháng sinh viên đến lạ kỳ, cho dù tôi chỉ sang Prague vài lần khi còn học năm cuối ở đại học bên Nga. Chợt hiểu vì sao Bảo Anh nói bây giờ thỉnh thoảng cô vẫn mang tấm bằng đỏ ra ngắm nghía, dẫu nó chẳng giúp cô được gì khi làm chủ một quán ăn. Ai cũng có một thời để nhớ, còn hiện tại cuộc sống, công việc vẫn cứ trôi như sông Vltava ít khi đóng băng mùa đông vậy!
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com