Từ sân bay Charles de Gaulle về thành phố Cachan ở phía Nam Paris - chỗ tôi ở - có tuyến tàu điện đi khoảng 45 phút nhưng hành lý cồng kềnh, tôi đành phải đón taxi tốn mất 55 euro, trong khi nếu đi tàu điện chỉ tốn 10 euro.
Cachan là thành phố ngoại ô, hồi xưa là khu công nghiệp, bây giờ vẫn còn dấu vết của nhiều nhà máy cũ. Hiện nay cư dân của Cachan phần lớn là những người về hưu nên đường phố khá vắng vẻ. Các khu nhà ở đây cũ kỹ nhưng yên tĩnh, giá nhà cho thuê tương đối rẻ so với khu vực trung tâm nên sinh viên ngoại quốc thích thuê nhà ở đây.
Chỗ tôi ở có rất nhiều sinh viên Lebanon, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Madagascar và Việt Nam. Đó là khu nhà sửa lại từ một xưởng giặt nên diện tích khá lớn, có nhiều nhà kho tịch mịch và các tầng hầm tối om chạy dọc các hành lang có lối đi lát thảm, hun hút và vắng vẻ.
Lần đầu tiên rảo bước dọc các hành lang ngoằn ngoèo, tôi bất giác liên tưởng đến những hành lang âm u dẫn vào tiệm Những Dấu Hỏi trong bộ truyện phù thủy Chuyện Xứ Lang Biang, người yếu bóng vía chắc thế nào cũng cảm thấy rờn rợn.
Lúc đó tôi nghĩ bụng nếu tôi sống ở khu nhà này chừng vài tháng biết đâu tôi sẽ viết được một cuốn truyện kinh dị không kém gì Hitchcock hay Stephen King cũng nên.
2. Tôi đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris nằm trên “đảo” Ile de la Cité (thực ra là một cù lao nhỏ nằm giữa sông Seine) vào ngày chủ nhật nên người rất đông.
Nhà thờ Đức Bà Paris nằm một cù lao nhỏ nằm giữa sông Seine
(Nguồn: Internet)
Phía trong ngôi nhà thờ nổi tiếng này rất rộng và sâu. Các mái vòm cao vút với các cửa kính nhiều màu lấp lánh hai bên tường. Vị linh mục đang làm lễ trước đông đảo giáo dân kín các dãy ghế trong nhà thờ, trong khi ở hai bên hành lang khách du lịch vẫn bình thản quay phim, chụp hình các tượng thánh.
Tôi đi một vòng bên trong nhà thờ, mắt ngước lên cao cố tìm xem tháp chuông của chàng gù Quasimodo trong tác phẩm lừng danh của Victor Hugo nằm ở chỗ nào nhưng không tài nào nhìn thấy.
Tôi đành bắt chước các khách tham quan, bỏ 2 euro vào thùng gỗ dọc tường để đốt một ngọn nến đặt trên giá đỡ hình tròn. Tôi định bỏ thêm 2 euro để mua một cái mề đay trong nhà thờ để làm kỷ niệm nhưng khi tôi có ý nghĩ đó thì tôi đã đi qua chỗ kê cái máy bán tự động.
Toàn cảnh Nhà thờ Đức Bà (Nguồn: Internet)
Có nhiều máy bán mề đay tự động đặt dọc tường bao quanh nhà thờ nhưng mỗi mề đay khắc một loại phù điêu khác nhau, mà cái phù điêu tôi thích thì đã ở sau lưng nên tôi làm biếng đi ngược trở lại.
Tôi sẽ mua nó vào dịp khác, tôi nhủ bụng và trở ra phía trước để chơi với những con chim bồ câu đậu rợp hàng rào ở sân trước nhà thờ, cạnh pho tượng vua Charlemagne đang ngự trên ngựa chiến, có lẽ là nơi cô gái Bohémiens xinh đẹp Esméralda từng hành nghề hát rong trong câu chuyện của Victor Hugo.
3. Đại lộ Champs-Élysées bắt đầu từ quảng trường Concorde và kết thúc ở quảng trường Étoile, dài khoảng 2 cây số, bề ngang 70 mét, lòng đường có lẽ không rộng hơn đại lộ Lê Lợi ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vỉa hè hai bên rất rộng, có thể chứa được hai làn xe ô tô.
Chắc chắn đây là một trong những đại lộ nổi tiếng nhất thế giới, là một trong mười hai đại lộ tỏa ra từ Khải Hoàn Môn, là nơi nguyên cả đại lộ sẽ biến thành quảng trường trong các dịp duyệt binh, chào đón năm mới hay chào đón chức vô địch World Cup như đã từng diễn ra năm 1998 khi thầy trò Aimé Jacquet lên ngôi.
Đại lộ Champs-Élysées bắt đầu từ quảng trường Concorde và kết thúc ở quảng trường Étoile,
dài khoảng 2 cây số (Nguồn: Internet)
Về đặc điểm này, khu vực trung tâm Sài Gòn với các đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ cũng y chang, nhất là vào đêm Noel hoặc vào dịp đội tuyển Việt Nam chiến thắng ở SEA Games hay Cúp Đông Nam Á.
Tối chủ nhật, trời Paris mưa và lạnh (mưa cuối năm ở Paris rất lạ: cứ mưa nửa tiếng lại tạnh nửa tiếng, rồi lại mưa nửa tiếng, cứ thế…) nhưng đại lộ Champs- Élysées vẫn đông nghịt người qua lại.
Hầu như tất cả đều mặc áo măng-tô hoặc áo khoác đen (dân Pháp hình như rất thích màu đen – lang thang hai ngày trời khắp Paris tôi mới nhìn thấy… mỗi một người khoác áo màu đỏ), nhưng không phải ai cũng che dù.
Rất nhiều người để đầu trần đi trong mưa (rất chi là “rain man”), trong đó có khá nhiều đôi nam thanh nữ tú, nhưng họ đi nhanh quá (như người Mỹ), giá như họ đi chậm một chút (như người Việt Nam) thì chắc trông lãng mạn hơn.
Nhân đây cũng nói thêm là người Pháp gần như ngày nào cũng xem dự báo thời tiết trên tivi, trên báo chí hoặc trên internet. Người Việt Nam ít có thói quen này, trừ những người làm các nghề đặc biệt như đánh cá chẳng hạn, còn kỳ dư chẳng ai quan tâm thời tiết ngày mai ra sao.
Champs-Élysées là một trong 12 đại lộ tỏa ra từ Khải Hoàn Môn (Nguồn: Internet)
Chẳng qua thời tiết ở Việt Nam luôn ổn định, mưa thì mưa cả tuần hoặc cả tháng, thậm chí mưa sáng hay mưa chiều giờ giấc cũng giống nhau. Thời tiết ở Pháp khá đỏng đảnh, hôm trước nắng hôm sau mưa, hôm trước 17 độ hôm sau đột ngột tụt xuống 10 độ là chuyện thường.
Nhưng người Pháp xem dự báo thời tiết không phải để biết trời mưa hay nắng, mà chủ yếu để biết trời… nóng hay lạnh đặng biết đường mà mặc quần áo khi ra phố.
Sài Gòn mưa hay nắng, nhiệt độ không chênh nhau đáng kể, dân Sài Gòn mặc gì cũng vậy, bất chợt gặp mưa đã có áo mưa. Trời mưa, người Pháp cũng che dù, nhưng nếu mặc đồ không đủ ấm khi trời quá lạnh thì đúng là gay go.
Đại lộ Champs-Élyseés có điều hay là các cửa hàng dọc phố vẫn đèn đóm sáng trưng, người ra kẻ vào nhộn nhịp trong khi ở những nơi khác các cửa hiệu đều nghỉ vào ngày chủ nhật. Trên đại lộ Champs-Élysées có một cửa hiệu trang phục tên là CELIO.
Sở dĩ tôi nhắc tới cửa hiệu này là vì tôi bắt chước khách đi đường lơn tơn chui vô trỏng. Người ta vô đó để “shopping”, còn tôi vô đó để… trú mưa (ở đại lộ Champs-Élysées đố mà tìm thấy ngôi nhà nào có mái hiên), mặc dù khi quay ra thì trên tay tôi lủng lẳng một cái áo 20 euro, đã được giảm giá 50%.
À không, tôi nhắc đến CELIO không phải vì chuyện tôi vừa kể. Mà vì ở ngay trước cửa hiệu này, có một ga tàu điện ngầm. Ga này sẽ dẫn tới Trocadéro, nơi có một quảng trường đứng ở đó khách du lịch có thể ngắm tháp Eiffel từ hữu ngạn sông Sein.
4. Tháp Eiffel nằm trên công viên Champs-de-Mars, cao 325 mét (tính luôn cột ăng-ten trên đỉnh tháp - hiện nay được dùng làm trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình của Paris), khách có thể mua vé đi thang máy lên tuốt trên tầng 4 gần đỉnh tháp.
Nhưng hôm tôi đến, ít du khách nào đủ can đảm trèo lên ngọn tháp lồng lộng gió. Mưa lất phất, đứng ở Trocadéro nhìn sang đã thấy gió rét cắt vào da. Tôi ngồi ở quán cà phê đối diện, nhấm nháp một cốc rượu vang chờ tháp Eiffel chớp nháy đèn. Tháp Eiffel màu đồng, buổi tối điện thắp từ chân lên ngọn, vàng rực trong đêm như một ngọn tháp làm bằng ánh sáng.
Tháp Eiffel về đêm như một cây thông Noel khổng lồ (Nguồn: Internet)
Từ 7 giờ tối trở đi, cứ một tiếng đồng hồ cả ngọn tháp chớp nháy như một cây thông Noel khổng lồ, khách xem khá đông. Trên những băng ghế ướt át từ quảng trường bên này sông, tôi thấy có những cụ già khoác măng-tô ngồi đợi giờ đèn chớp nháy đủ màu, y như dân Sài Gòn chờ coi pháo bông vào đêm giao thừa.
5. Đến đồi Montmartre lần đầu tiên, tự nhiên tôi liên tưởng đến thành phố San Francisco, có lẽ do ấn tượng núi đồi. Dĩ nhiên quy mô, kiến trúc khác hẳn nhau, hơn nữa Montmatre không có mùi gió biển.
Cùng với tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà Paris, đồi Montmartre là một trong ba địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất Paris. Đây là ngọn đồi có rất nhiều nghệ sĩ sinh sống qua các thời kỳ.
Hôm tôi đến, hệ thống cáp kéo ở chân đồi không hoạt động nên phải lếch thếch leo lên những bậc thang. Leo một hồi mỏi giò, không thấy Montmarte giống San Francisco nữa, mà bắt đầu thấy giống núi Non Nước ở Đà Nẵng, nơi tôi từng cố trèo lên tới đỉnh rồi… ngồi xẹp luôn không muốn leo xuống nữa.
Lên đỉnh đồi, lại thấy khí hậu giống hệt Sapa hay Đà Lạt mùa đông, khoan khoái vô cùng. Chỉ thiếu khoan khoái chút đỉnh là tuy không khí nghệ sĩ ở Montmartre vẫn còn nhưng nhà hàng ở chính giữa quảng trường Tertre, nơi tập trung các họa sĩ chuyên bán tranh và vẽ tranh cho du khách, biến đâu mất.
Xem tranh trên đồi Montmartre (Ảnh: SGGP)
Vào nhà thờ nổi tiếng Sacré-Coeur dạo một vòng, cũng thấy sự tích các thánh bằng tượng lớn như người thật, cũng thấy máy tự động bán mề đay kỷ niệm kê dọc tường.
Điểm khác biệt ở đây so với Nhà thờ Đức Bà là bên trong có bức bích họa trên mái vòm khá lớn, bên ngoài có người ăn xin ngồi ngay cửa, xa hơn nữa có các nhóm quyên tiền cho người câm điếc, thật hư thế nào chẳng biết, chỉ biết tiền quyên góp ấn định tối thiểu 5 euro, người góp tiền được ký tên bay bướm vô một cuốn sổ lùi xùi như cuốn tập học trò.
Đặc biệt thú vị với tôi là lúc leo xuống, phát hiện mé phải đồi Montmartre có khu bán vải và các phụ liệu may mặc y hệt chợ vải Soái Kình Lâm ở Chợ Lớn, người mua kẻ bán tấp nập, các túm vải mẫu xanh xanh đỏ đỏ treo la liệt dọc các cửa hàng trông khá vui mắt.
6. Phương tiện đi lại phổ biến của cư dân Paris là xe buýt, tàu lửa, tàu điện và tàu điện ngầm. Mới tới Paris đã đi lang thang khắp nơi, ngó cái này một tí, dòm cái kia một tẹo, quãng đường đi từ trạm xe buýt đến trạm tàu lửa hay tàu điện ngầm trong một ngày của tôi đem cộng lại chắc bằng quãng đường ở Việt Nam tôi đi cả tháng.
Cho nên, tung tăng mới một ngày rưỡi, cặp giò tôi đã phản đối dữ dội. Các em sinh viên ở chung nói “Mai đi Versailles xem lâu đài đi chú”, tôi đáp “khỏi”. “Hay chú muốn đi bảo tàng Louvre?”. “Khỏi”. Lại hỏi “Hay chú đi vườn Luxemboug?”. “Khỏi luôn!”. “Ủa, vậy chú muốn đi đâu?”. Tôi cười méo xẹo “Đi kiếm chỗ nào mát-xa cho đỡ khổ cặp giò!”.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com