Người Trung Quốc có câu “Chưa đến Thượng Hải chưa biết tiền mình ít”. Có lẽ cần nói thêm, đến Thượng Hải mà chưa đến phố Nam Kinh thì chưa thể hình dung được mức độ xa hoa, hào nhoáng của tầng lớp giàu có ở đây. Một ngày lang thang trên con đường tập trung rất nhiều cái nhất của Trung Quốc, chúng tôi được thấy nhiều thứ và được nghe nhiều chuyện “chỉ có ở Thượng Hải”.
Trung Hoa đệ nhất lộ
Một góc Nam Kinh về đêm |
Là phố đi bộ dài 5,5km nằm ngay trung tâm Thượng Hải nhưng Nam Kinh rộng thênh thang, đó là một đại lộ đúng nghĩa. Những tòa nhà sang trọng với các kiểu kiến trúc bắt mắt hai bên đường hầu hết là các trung tâm bán hàng hiệu. Không gian nội thất toàn bằng kính, đá hoa cương sáng choang, đèn chùm lung linh, tất cả đều nhằm làm các mặt hàng thời trang như Chanel, Cartier, Prada, Gucci, Omega, Rado, Longines… tỏa sáng rực rỡ.
Chúng tôi đến đây vào đầu tháng 12-2008, khi các phương tiện truyền thông đang ra rả mỗi ngày về tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, vậy mà những trung tâm thương mại quy mô gấp nhiều lần Diamond Plaza ở TP.HCM vẫn đông nghẹt người mua sắm. Mất cả buổi sáng chúng tôi mới tham quan hết được bốn trung tâm trong khi Nam Kinh có đến… hơn 600 trung tâm và cửa hàng!
Theo thống kê, mỗi ngày Nam Kinh đón 1,7 triệu lượt người qua lại. Chẳng trách vì thế mà con đường này được người Trung Quốc tự hào gọi là “Trung Hoa đệ nhất lộ”, còn báo chí phương Tây cũng đã xếp Nam Kinh vào trong danh sách những con đường mua sắm lớn nhất thế giới.
Nét cổ điểm xuyết trên con đường hiện đại |
Nếu người Thượng Hải mê mẩn đại lộ Nam Kinh vì hàng hóa xa xỉ, các quán ăn, cà phê kiểu phương Tây thì du khách đến đây thường thích thú với những hình ảnh đặc trưng Trung Hoa thấp thoáng trên con đường hiện đại. Trong khi những người trẻ sải bước thật nhanh theo nhịp nhạc dồn dập trong chiếc iPhone thì các cụ già chậm rãi tập kinh kịch, thái cực quyền.
Con đường xa xỉ cũng là nơi di dưỡng tinh thần của các cụ già |
Nam Kinh không chỉ lộng lẫy ở trục đường chính với nhiều kiến trúc hiện đại, mà những con đường nhỏ hai bên cắt ngang đại lộ cũng rất đáng yêu nhờ các ngôi nhà cổ xinh xắn. Các ngôi nhà này thường là phòng tập yoga hoặc là nơi massage, bấm huyệt, spa làm đẹp kiểu phương Đông. Thỉnh thoảng trên con đường sang trọng này lại xuất hiện những chiếc xe bán kẹo hồ lô - thực ra là trái cây bọc đường đỏ au, món quà vặt cổ truyền của người Trung Quốc hay những bức tượng phu kéo xe gợi lên trong đầu du khách hình ảnh Thượng Hải thời thuộc địa như vẫn thấy trong phim ảnh.
Thiếu nữ Thượng Hải |
Có lẽ tạo nên không khí náo nức, đầy sức sống trên phố Nam Kinh phần lớn là nhờ vào những cô gái Thượng Hải trẻ đẹp, ăn mặc phong cách và dáng vẻ rất kiêu kỳ. Ngay từ đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng của phương Tây lên đời sống kinh tế - xã hội tại Thượng Hải đã rất rõ nét và thành phố này từ đó nổi tiếng là miền đất hứa cho những phụ nữ xinh đẹp, có ý chí vươn lên.
Sự phát triển các ngành nghề dịch vụ dẫn đến nhu cầu nữ công nhân viên rất lớn nên phụ nữ Thượng Hải nhanh chóng trở thành lực lượng lao động chính. Nhiều người trở thành bà chủ giàu có hoặc nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Kể từ khi Trung Quốc mở cửa, điều đó được lặp lại.
Phụ nữ đẹp từ Hàng Châu, Tô Châu, hai thành phố nổi tiếng là “miền gái đẹp” của Trung Quốc cũng như từ nhiều nơi khác đổ về đây tìm cơ hội nghề nghiệp và tận hưởng cuộc sống có nhiều sự lựa chọn. Phụ nữ đẹp ở Thượng Hải ngày ngày lại tập trung ở Nam Kinh để mua sắm, làm đẹp. Thế nên trên con đường này, cứ đi một bước lại nhìn thấy mỹ nhân!
Du khách thích thú với bức tượng phu kéo xe xưa |
Nghe đâu, ngày xưa, khi Thượng Hải chỉ mới là những ngôi làng chài nghèo, nhiều làng có tục lệ khi sinh con gái sẽ chôn một chum rượu trong sân. Đến ngày cô gái xuất giá, chum rượu sẽ được đào lên làm của hồi môn. Nếu cô dâu tuổi càng nhiều thì rượu sẽ càng ngon, coi như sự bù đắp cho chú rể! Có làng thì mỗi gia đình khi sinh con gái sẽ trồng trước nhà một loại cây lấy gỗ đã được quy ước. Những người đi ngang nhà tùy theo tầm vóc của cây mà đoán được tuổi tác của cô gái trong nhà và có thể cho người đến dạm hỏi.
Nay, trong hoàn cảnh thừa nam thiếu nữ, mà cơ hội nghề nghiệp, giao tiếp của phụ nữ ngày càng nhiều thì các cô gái Thượng Hải lại có quyền ra điều kiện khi lựa chọn ý trung nhân. Theo một cuộc điều tra thường niên về chất lượng đời sống phụ nữ của báo Bắc Kinh buổi sáng, phụ nữ Thượng Hải thường cảm thấy hạnh phúc hơn phụ nữ ở những thành phố khác của Trung Quốc.
Kết quả một cuộc khảo sát khác cho thấy rằng so với bốn năm trước, giờ đây trung bình mỗi ngày các cô gái Thượng Hải đã bớt đi nửa tiếng làm việc nhà để… vui chơi, giải trí, tận hưởng cuộc sống! Trái ngược lại, hình ảnh các đức ông chồng đi chợ, nấu cơm, làm việc nhà đã dần trở nên quen thuộc ở đây.
Cô gái trẻ đang lạy Phật sau khi shopping xong |
Để phục vụ những phụ nữ Thượng Hải thời thượng, các quán trà, spa, nhà hàng, các câu lạc bộ dành riêng cho phụ nữ trên những con đường đẹp nhất như Nam Kinh, Hoài Hải... thi nhau mọc lên. Nhiều phụ nữ trí thức ở đây được tận hưởng tiện nghi và lối sống tự do phương Tây, ngày ngày vẫn di dưỡng tinh thần kiểu phương Đông bằng những thú vui uống trà, tập thiền, đi chùa... như phương châm sống “Không cho việc đeo đuổi đam mê vật chất là xấu hổ, không lấy việc chăm chút đời sống tinh thần làm tự hào!” của Vệ Tuệ - nhà văn nữ nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Baby Thượng Hải. Nội dung tác phẩm đơn giản chỉ là tường thuật tỉ mỉ cuộc sống tự do và những cuộc vui ở Thượng Hải nhưng sách lại bán rất chạy, bởi đời sống phụ nữ Thượng Hải quả là... hấp dẫn đối với đại đa số phụ nữ Trung Quốc!
Nơi làm du khách từ trầm trồ đến... sửng sốt
Nam Kinh trong một ngày hội |
Thượng Hải vốn nổi tiếng là thành phố nhiều cám dỗ và dĩ nhiên, ở một nơi sang trọng như phố Nam Kinh thì những chiếc bẫy cũng hết sức tinh vi, hoàn hảo. Những du khách nam giới đi một mình dễ dàng được vài cô gái trẻ trông rất “nhà lành”, thường tự xưng là sinh viên đến bắt chuyện để thực hành tiếng Anh, sau đó là rủ đi uống trà, đi hát karaoke. Đã có những du khách trẻ mất cảnh giác trước những cô gái quá đỗi hồn nhiên, xinh tươi vì cho rằng đi uống trà thì đâu có gì nguy hiểm.
Thế nhưng vào đến tiệm mới thấy cô gái kêu đủ loại trà rồi bắt đầu tích cực nói về tác dụng thần diệu của các loại trà tên tuổi lạ hoắc và khuyến khích người bạn mới mua với giá… trên trời! Lúc này nạn nhân có vỡ lẽ cô gái là “cò” cho tiệm trà thì đã muộn, nếu không mua cũng phải trả cái giá cắt cổ cho những thứ đã sử dụng. Còn chuyện du khách “tình cờ” gặp một cô gái “đang có tâm sự buồn” rủ đi hát karaoke hay đi bar giải khuây, đến giữa chừng cuộc vui cô gái biến mất, để lại hóa đơn vài chai rượu XO thì đã thành giai thoại mà mọi hướng dẫn viên du lịch đều phải phổ biến cho du khách mới đến thành phố này!
Có đến hàng trăm trung tâm mua sắm như thế này ở Nam Kinh |
Nhìn thấy sự xuýt xoa của chúng tôi trước quy mô và mức độ sang trọng của những trung tâm mua sắm trên đường Nam Kinh, cô hướng dẫn viên du lịch xinh xắn người Thượng Hải tự hào cho biết doanh thu từ mỹ phẩm và thời trang hàng hiệu của Thượng Hải tăng hơn 20% mỗi năm. Cô cũng nói sự trái khoáy ở đây: dù yêu thời trang là thế nhưng vào mùa hè, trên phố Nam Kinh vẫn xuất hiện nhiều người mặc pyjama (bộ quần áo ngủ)!
Cách đây vài chục năm ở Trung Quốc, mặc pyjama được coi là một trong những biểu hiện của người giàu có, thượng lưu, đến nay suy nghĩ đó vẫn còn ở một số người tuổi trung niên. Nghe đâu chính quyền thành phố từng phải làm những đợt tuyên truyền người dân bỏ thói quen ăn mặc có vẻ khó coi này.
Rời khỏi Nam Kinh, loanh quanh một chút, chúng tôi đi ngang qua một khu chung cư gồm những tòa nhà trên 30 tầng có vẻ ngoài khá đẹp. Cô hướng dẫn viên cho biết đó là nơi ở của những công nhân nhập cư đang làm những công việc nặng nhọc nhất của thành phố này. Trước vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, cô giải thích rằng vào những lần sốt đất trước đây, một số nhà đầu tư lừa đảo đã xây khu cao tầng này và bán nhà khi dự án còn nằm trên giấy. Đến khi hoàn thành, nhiều người nhận nhà mới phát hiện đa số căn hộ xây dựng kém chất lượng, không có hệ thống điện nước, không có cả nhà vệ sinh!
Không rõ việc kiện cáo đã đi đến đâu, chỉ biết giờ đây mỗi căn hộ chưa đầy trăm mét vuông đó là nơi sinh sống của vài chục người nghèo. Thử tưởng tượng Thượng Hải lạnh lẽo mùa đông mà không có điện sưởi, hay ở tầng ba mươi mà không có nước, không có toilet thì ra sao đây? Nghe nói đó không phải là trường hợp duy nhất ở Thượng Hải.
Thì ra, ngay gần con đường phồn hoa nhất Trung Quốc vẫn còn có những cảnh sống khốn khó như thế!
(Theo Tuổi trẻ/Hà Giang)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com