Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thành cổ Kashgar: Bảo tồn hay phá hủy?

Một ngàn năm trước, hai nhánh phía nam và phía bắc của Con đường Tơ lụa nổi tiếng gặp nhau ở thành phố ốc đảo Kashgar – một thành phố có giá trị đặc biệt về văn hóa và lịch sử. Thương nhân từ thủ đô Delhi của Ấn Độ, từ các thành phố Samarkand, Almaty, Khotan vùng Trung Á, sau khi vượt qua những rặng núi lạnh giá và hiểm trở nhất thế giới, đã tụ tập về đây bày bán những tấm áo choàng, những cây sáo và thảm len trong lúc thương nhân Trung Quốc cũng mang tới đây tơ lụa và đồ sứ. Những cuộc mua bán, trao đổi diễn ra nhộn nhịp trên các con đường lầm bụi của thành phố.
 

Việc phá dỡ thành cổ Kashgar đang được tiến hành khẩn trương. (Ảnh: NYT)

Ngày nay, thay cho giới thương nhân là những đoàn khách du lịch khát khao khám phá một thành phố từng hết sức sầm uất, từng bị san bằng dưới vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn, được khôi phục, lại bị san bằng bởi đội quân Thổ thiện chiến của bạo chúa Tamerland, rồi hồi phục để trở thành “điển hình tốt nhất về việc bảo tồn một thành phố Hồi giáo truyền thống trên khắp vùng Trung Á” như nhận định của nhà sử học George Mitchell trong cuốn sách nổi tiếng “Kashgar – thành phố ốc đảo trên Con đường Tơ lụa” xuất bản năm ngoái.

Nhưng bây giờ, một lần nữa, thành cổ Kashgar đang bị san bằng theo một dự án của Chính phủ Trung Quốc. Thị trưởng Kashgar, ông Xu Jianrong cho biết, đến nay đã có 900 hộ gia đình được di dời khỏi trung tâm thành cổ và trong vài năm tới, chính quyền sẽ tháo dỡ khoảng 85% các ngôi nhà, cửa tiệm, di dời khoảng 13.000 hộ gia đình, chủ yếu là người gốc Thổ theo đạo Hồi mà tên chính thức trên văn bản hành chính là dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Uighur). Chính quyền cho biết, tại vị trí thành cổ Kashgar sẽ mọc lên một thành phố mới với những tòa nhà cao tầng, quảng trường, trung tâm mua sắm, và những kiến trúc Hồi giáo “được tái tạo” để “bảo tồn văn hóa Duy Ngô Nhĩ”, theo lời ông Xu Jianrong.

Lời giải thích của giới cầm quyền cho dự án tái thiết thành cổ Kashgar có nhiều chỗ mâu thuẫn. Có lúc, họ nói khu vực này dễ bị động đất nên cần phải được xây dựng kiên cố. Có lúc họ nói thành cổ không phù hợp với cuộc sống hiện đại như không có hệ thống thoát nước, thu gom rác… các ngõ hẻm của thành phố chỉ phù hợp với người đi bộ và xe do lừa, ngựa kéo… Thị trưởng Xu Jianrong tự hào rằng Kashgar là “điển hình sáng chói nhất về sự đa dạng văn hóa-lịch sử, đồng thời là một điểm du lịch chính của Trung Quốc”. Tuy vậy, ông quyết tâm đẩy mạnh dự án tái thiết dù biết rằng công việc này sẽ hủy diệt những giá trị văn hóa-lịch sử, nhờ nó mà thành phố thu hút mỗi năm hơn 1 triệu du khách quốc tế dù đường đi còn khá gian nan.

Thực tế, quá trình phá dỡ thành cổ Kashgar đã bắt đầu từ nhiều thập niên trước. Tường thành bằng đất bảo vệ thành cổ dày 7,5 mét, cao 11 mét, đã bị san phẳng. Vào thập niên 1980, hào nước sâu bao quanh thành đã bị san lấp để biến thành một xa lộ vành đai. Rồi một con đường lớn được mở xuyên qua trung tâm thành cổ. Nhưng tốc độ phá dỡ được đẩy mạnh từ đầu năm nay, sau khi chính quyền Bắc Kinh công bố gói kích cầu 4.000 tỷ nhân dân tệ (587 tỷ đô la Mỹ), trong đó dự án tái thiết thành cổ Kashgar được dành một khoản tiền tương đương 440 triệu đô la Mỹ.

Công cuộc phát triển đô thị ở Trung Quốc đã xóa đi nhiều thành phổ cổ, nhiều khu nhà vườn và những hẻm phố nổi tiếng của thủ đô Bắc Kinh, nhưng việc phá dỡ thành cổ Kashgar gây lo ngại sâu sắc cho giới sử học vì giá trị độc đáo của thành cổ này trong kho tàng văn hóa Trung Quốc nói riêng, nhân loại nói chung. Ông Wu Lili, Giám đốc điều hành Trung tâm Bảo vệ văn hóa Bắc Kinh – một tổ chức phi chính phủ chuyên bảo tồn di tích lịch sử, lên tiếng: “Ở góc độ văn hóa và lịch sử, kế hoạch của chính quyền Kashgar là hết sức ngu dốt. Còn từ góc độ của cư dân địa phương, đây là một thảm họa”.

Cuộc sống của người dân địa phương vẫn không có gì thay đổi. Năm lần mỗi ngày, các thầy tu vẫn đứng trên các tháp chuông nhà thờ Hồi giáo xướng lời cầu nguyện cho dân chúng đọc theo, tiếng nguyện cầu của họ vang vang khắp các ngõ phố mà không cần dùng thiết bị khuếch đại âm thanh.

 

Những di tích Hồi giáo như tháp chuông này sẽ sớm biến mất. (Ảnh Wikipedia)

Hàng trăm thợ thủ công vẫn miệt mài làm ra những chiếc nồi đồng, bức chạm gỗ và vô số những mặt hàng linh tinh khác như bánh mì dẹt, thịt cóc phơi khô hay những chiếc mũ độc đáo của người Hồi giáo. Nhưng nhìn về tương lai, họ không thể không lo ngại: luyến tiếc những ngôi nhà của tổ tiên – có ngôi nhà đã hơn 600 năm tuổi, và không an tâm với việc chuyển vào sống trong các căn hộ chung cư do Nhà nước xây dựng. Những hộ giao nhà sớm được chính quyền thưởng 250 nhân dân tệ, nhưng ít người chịu dọn đi; nhà nào dọn đi xong, lập tức nhà nước cho xe ủi đất đến san bằng, khiến cho nhiều khu phố trông lởm chởm như những hàm răng sún.

Tương lai của thành phố cũng không có gì rõ ràng. Thị trưởng Xu nói rằng, những dinh thự, những khu vực có ý nghĩa quan trọng của thành cổ Kashgar sẽ được đưa vào danh mục di tích lịch sử quốc gia và sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên, công cuộc tháo dỡ thành phố lại không hề có sự tham gia của giới khảo cổ học và nghiên cứu văn hóa vì chính quyền thành phố cho rằng, không ai hiểu rõ Kashgar bằng chính họ.

Ở phương Tây, người ta lo ngại rằng việc phá dỡ thành cổ Kashgar nằm trong một chủ trương chính trị của Chính phủ Trung Quốc muốn xóa bỏ những cội rễ văn hóa – lịch sử của tộc người Duy Ngô Nhĩ – một dân tộc không cùng gốc với người Hán, theo đạo Hồi và thường xuyên đấu tranh đòi tự trị. Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của quốc tế nhằm đưa các thành phố cổ dọc theo Con đường Tơ lụa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới của UNESCO; tuy nhiên, trong danh sách mà Chính phủ Trung Quốc đề nghị không hề có tên thành cổ Kashgar.

(Theo HUỲNH HOA // Báo Đà Nẵng/New York Times)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Một lần đến Ai Cập
  • Khí hậu,đời sống, con nguời và văn hóa Úc
  • Đất nước Brunei và những điều lạ lùng
  • Munich cổ kính và kỳ thú
  • Đi dạo ở Ribe, thị trấn cổ nhất Đan Mạch
  • Những tấm ảnh mới dưới chân bức tường cũ
  • Thăm Praha - "thành Rome" của Trung Âu
  • Chinh phục thảo nguyên Nội Mông
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com