Du lịch mạo hiểm là loại hình đang thu hút sự quan tâm của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế bởi sự hấp dẫn, độc đáo, đầy lôi cuốn. Tuy nhiên, du lịch mạo hiểm ở Việt Nam nói chung Bình Thuận nói riêng dù có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn phát triển mang tính chất sơ khai, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm, chưa tạo được sức bật.
Theo Tổng Cục Du lịch, trong qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch xác định: du lịch mạo hiểm là lĩnh vực đặc thù, cần được chú trọng. Khách du lịch mạo hiểm thường có khả năng chi trả cao, đi du lịch dài ngày, vì vậy, nhiều nước có chiến dịch quảng bá loại hình này để thu hút khách. Các loại hình du lịch mạo hiểm được du khách ưa chuộng là đi bộ thám hiểm, leo núi, đua ô tô, mô tô, xe đạp, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù…
Bình Thuận với địa hình phong phú đa dạng, vừa có biển, có rừng, có núi, có sông, có thác nước, có tiểu sa mạc…, lại có thời tiết, khí hậu thích hợp để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm. Thực tế trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp du lịch trong tỉnh và một số công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh đã du nhập và phát triển du lịch mạo hiểm tại Bình Thuận. Phổ biến nhất là các tour leo vách núi chinh phục hang Dơi (Hòa Thắng - Bắc Bình), hành trình theo dấu chân Nguyễn Thông chinh phục núi ÔÂng - Biển Lạc, đua xe mô tô địa hình trên đồi cát, vượt sông La Ngà bằng xuồng cao su, nhảy dù lượn, lướt ván diều, ván buồm tại biển Mũi Né - Hòn Rơm… Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai các chương trình du lịch mạo hiểm tại Bình Thuận còn gặp nhiều trở ngại. Theo Doanh nghiệp du lịch lữ hành Lửa Việt: phần lớn người Việt ít có thói quen khám phá, mạo hiểm; trong khi đó, khách nước ngoài ưa thích loại hình này nhưng lại yêu cầu cao về độ an toàn, nên ngoài việc chọn địa điểm, các doanh nghiệp cần phải chuyên nghiệp, hướng dẫn viên phải được đào tạo bài bản về du lịch mạo hiểm. Không dễ bảo đảm yêu cầu đó, vì thế, ít doanh nghiệp đủ điều kiện tổ chức tour du lịch mạo hiểm, đặc biệt là các công ty tư nhân, văn phòng du lịch nhỏ. Ngay đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có trường, lớp nào đào tạo riêng về hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm, các doanh nghiệp lữ hành thường thuê dân bản địa dẫn khách, hay đối với tour đi xe đạp, bơi xuồng, lặng biển… thì thuê vận động viên đi cùng. Hơn nữa, để tổ chức tour du lịch mạo hiểm, các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để làm thủ tục (thường mất một vài tháng hoặc thậm chí hàng năm) nên tạo ra tâm lý e ngại.
Do tính chất mạo hiểm, đe dọa đến tính mạng nên tổ chức phải chặt chẽ khiến giá tour rất cao. Ngay các nhà bảo hiểm cũng thường từ chối bán bảo hiểm cho các tour này.
Ngoài ra, phương tiện cho du lịch mạo hiểm kể cả loại thường, đơn giản, đến loại cao cấp đều khó tìm và đắt đỏ. Hầu hết toàn bộ đồ cho du lịch mạo hiểm phải mua từ nước ngoài. Một chiếc rafting vượt suối làm bằng composite giá 4.000 USD nên DN lữ hành buộc phải mua thuyền cao su bơm hơi, 500-800 USD/chiếc (độ an toàn thấp). Xe đạp để du lịch mạo hiểm rẻ cũng phải 400 USD/chiếc, mái chèo 300-400 USD/chiếc, dụng cụ leo núi 500-700 USD/chiếc... Do vậy nhiều doanh nghiệp e ngại đầu tư cho du lịch mạo hiểm.
Du lịch mạo hiểm ở Bình Thuận tuy có nhiều lợi thế, song để phát triển được nó, đòi hỏi ngành Văn hóa - Du lịch - Thể thao Bình Thuận cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư du lịch mạo hiểm, nên đưa loại hình du lịch mạo hiểm vào danh mục du lịch thế mạnh của Bình Thuận. Các khu du lịch của Bình Thuận cần mở rộng liên kết với các doanh nghiệp du lịch ngoài tỉnh, kể cả doanh nghiệp nước ngoài chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, hoặc sự kiện du lịch thể thao mạo hiểm để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch địa phương.
(Theo Báo Bình Thuận)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com