Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chợ kéo Triệu Quang Phục

 Con đường bày bán các loại kéo, và là nơi tập trung những thợ mài kéo lành nghề nhất của Sài Gòn hiện nay

Kỹ thuật mài kéo của mỗi thợ mỗi khác. Ảnh: NĐ

Một trong những con phố chính của Sài Gòn – Chợ Lớn xưa là Quảng Đông Nhai (đường Quảng Đông), nay là Triệu Quang Phục, nổi tiếng với những tiệm thuốc bắc san sát rất đặc trưng của một khu phố Tàu. Bên cạnh đó, con đường này còn có một “đặc sản” độc đáo khác, đó là kéo. Kính thưa các loại kéo, từ cắt may, cắt tóc, cắt cỏ, cắt nhựa, cắt sắt, cắt giấy, cắt da giày, cắt tole… tất tần tật cái gì thừa ra mà cần cắt, tìm đến Triệu Quang Phục là yêu cầu sẽ được các chủ tiệm làm kéo, mài kéo đáp ứng đầy đủ. Ngay cả việc cần thiết kế một chiếc kéo theo yêu cầu, từ kích cỡ đến chức năng, cũng được những thợ kéo ở đây thực hiện theo công nghệ hoàn toàn Việt Nam.

Làm kéo, mài kéo xuất hiện ở Triệu Quang Phục chừng hơn 20 năm nay, trước đó chưa có, người làm kéo không chỉ riêng người Hoa mà cả người Việt. Lúc nghề kéo thịnh nhất cả đường có hơn 10 tiệm, hiện chỉ còn năm tiệm, hai tiệm của người Hoa, còn lại ba là của người Việt, bày bán các loại kéo, mài kéo.

Những năm 2000 trở về trước, nghề bán kéo, mài kéo ở Triệu Quang Phục vẫn chưa rộ, từ khi những công ty nước ngoài làm ngành hàng giày da, may mặc mở xưởng ở các khu công nghiệp, các công ty nhỏ lẻ, nghề kéo bắt đầu lên hương. Mạnh nhất là các loại kéo cắt may, giày da, vì cho dù có máy cắt công nghiệp, nhưng trong sản xuất vẫn phải dùng đến những loại kéo thủ công để tỉa gọt đi những chi tiết thừa, vì vậy nghề kéo tiếp tục tồn tại theo nhu cầu của thị trường.

Cái khó nhất của nghề kéo là mài kéo. Thắng, chủ tiệm kéo Thắng ở 121 Triệu Quang Phục nói về nghề: “Ở những nước lớn, kéo người ta xài lụt rồi vứt bỏ, còn Việt Nam thì xài hoài, có khi 2 – 3 đời người vẫn dùng cây kéo đó, cứ xài cho kéo cùn lại đem đi mài. Và mài kéo là khó nhất trong nghề kéo. Một chiếc kéo cùn chỉ cần mài 5 – 6 phút là xong, nhưng thợ phải cứng nghề mài kéo mới sử dụng được lâu. Kỹ thuật mài của mỗi thợ mỗi khác, thật khó để khẳng định ai mài kéo giỏi, vì kéo khi qua sử dụng, cong vênh, mòn, đều khác nhau, cái chính là thợ kéo làm cho bén lại, còn khách hàng qua sử dụng thấy hài lòng, lần sau họ sẽ đem đến mài lại, còn làm dở, khách hàng họ tìm đến chỗ khác”.

Hỏi rằng với thời buổi công nghệ hoá, nghề mài kéo có đi xuống, thợ mài kéo Thắng không ngần ngại: “Chẳng sao cả! Vì nghề này cũng ít người làm, để thành một thợ mài kéo có nghề kha khá phải mất ít là năm năm, lại còn phụ thuộc vào năng khiếu và mức độ tiếp thu kinh nghiệm. Còn trong đời sống hàng ngày, có rất nhiều thứ bắt buộc phải sử dụng kéo thủ công, nhờ vậy nghề mài kéo vẫn sống khoẻ”.

( Theo Nguyễn Đình // SGTT Online)

  • Quảng bá du lịch Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế
  • Hội An Eco-tour
  • Du lịch hè cho học sinh
  • Khu Du lịch Bảo Đại : Điểm tham quan lý thú
  • Resort, khách sạn “đua” khuyến mãi
  • Thưởng tour cho con
  • Phát triển Phú Quốc thành khu hành chính kinh tế đặc biệt và trung tâm động lực kinh tế vùng ĐBSCL
  • Marriott quản lý khách sạn JW Marriott ở Hà Nội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com