Xây dựng đội ngũ làm công tác bảo tồn chuyên nghiệp, đầu tư trực tiếp cho buôn làng, gây dựng niềm tin, ý thức cho người dân tộc thiểu số… Đó là cách Đắk Nông đang thực hiện để bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Năm 2007, tỉnh Đắk Nông được UNESCO hỗ trợ 100.000 USD để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, từ trước đó 2 năm, tỉnh thực hiện một Đề án bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc M’nông, với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Bằng việc sớm quan tâm và đầu tư đúng mức, Đắk Nông đang dần khôi phục được không gian văn hóa đặc sắc của cồng chiêng.
Nghệ nhân Y Sai, ở bon Bu Pah, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông tâm sự, cồng chiêng là tài sản vô giá của bà con M’nông. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng không ai đem cồng chiêng đổi thành tiền bạc, vật chất. Mỗi khi gia đình nào có việc lớn, tiếng cồng chiêng lại ngân vang khắp bon làng. Tiếng chiêng bon Bu Pah đã cùng với nghệ nhân Y Sai đi khắp đất nước, rồi về tụ họp trong lễ hội cộng đồng tỉnh Đắk Nông, Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai, và phục vụ du khách tại khu du lịch thác Trinh Nữ trong mỗi dịp Tết…
Với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, văn hóa cồng chiêng đang được tiếp nối cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Y Srai cho biết: “Cứ 2 tuần một lần, chúng tôi huấn luyện cho thanh niên tập đánh cồng chiêng, rồi kết hợp người biết kèm người chưa biết, để làm sao cho mỗi người phải biết đủ 6 lá cồng chiêng. Là con cháu phải nối theo, cố gắng tập múa hát, đó là truyền thống của dân tộc M’nông mình, không bao giờ được quên, các cháu các em sau này phải phát triển hơn”.
4 năm qua, tỉnh Đắk Nông đầu tư hơn 6 tỷ đồng thực hiện Đề án bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc M’nông. Bên cạnh đó, tỉnh còn được UNESCO hỗ trợ 100.000 USD, Quỹ hỗ trợ văn hóa vùng dân tộc ít người của Đan Mạch giúp 150 triệu đồng để bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Nhờ dự án này mà cồng chiêng có thêm sức sống trong cộng đồng của bà con M’nông, dù ở thành thị như bon Bu Kôi (phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa), hay các bon làng xa xôi, vùng biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức)…
Tại Đắk Min, huyện có nền kinh tế phát triển tỉnh Đắk Nông, cồng chiêng hiện diện trở lại trong các dịp cưới hỏi, ma chay, lễ đặt tên, lễ trưởng thành… của người M’nông. Ông Phạm Như Thức, Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Đắk Min, cho biết: Hiện tất cả các bon, làng ở địa phương đều xây dựng được đội văn nghệ dân gian. Trong đó, bên cạnh cồng chiêng còn có nhiều loại nhạc cụ dân gian khác, cùng với múa, hát dân ca… Trong khi việc trình diễn cồng chiêng đang “bị” sân khấu hóa nhiều quá, thì chỉ có việc đầu tư trực tiếp cho các bon làng, tạo không gian gần gũi đưa cồng chiêng trở lại đời sống văn hóa hàng ngày, mới là cách bảo tồn đúng hướng.
Ông Phạm Như Thức, nói: “Hiện nay thì cồng chiêng đã bắt đầu trở lại đời sống của đồng bào ở các bon, như mà với thế hệ trẻ mới được tiếp thu thì nó chưa trở thành máu thịt của họ; người ta vẫn thực hiện, nhưng mà hiểu, thẩm thấu được những giá trị truyền thống thì mới ở chừng mực nhất định. Giải quyết vấn đề này thì phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đồng thời tổ chức nhiều lớp ngắn ngày, dài ngày, tập huấn thêm các bài chiêng cho các bon làng, và quan trọng là phải tạo được không gian cũng như môi trường để đồng bào tự ý thức khôi phục lại văn hóa của mình thì nó mới bền vững, còn nhà nước và các tổ chức chỉ là hỗ trợ, tác động thôi”.
Với cách làm như vậy, các bon, làng ở Đắk Nông dần khôi phục lại nhiều đội cồng chiêng. Ngành văn hóa còn xây dựng tại mỗi huyện thị một câu lạc bộ cồng chiêng làm nòng cốt, để thu thập và truyền dạy các bài chiêng cổ. Những người làm công tác văn hóa của địa phương và một số nghệ nhân tiêu biểu được UNESCO tập huấn phương pháp nghiên cứu, cách thu nhập và lưu trữ thông tin về di sản văn hóa cồng chiêng, cách tổ chức quản lý hoạt động các câu lạc bộ cồng chiêng. Bên cạnh đó, tỉnh đã mua và tăng 80 bộ cồng chiêng cho các bon làng, đồng thời phục dựng lại một số lễ hội truyền thống của người Mnông, tạo không gian cho cồng chiêng.
Mỗi năm, Đắk Nông tổ chức hàng chục lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên ở các buôn làng, và học sinh các trường dân tộc nội trú. Đây cũng là hướng mà UNESCO khuyến khích hỗ trợ Đắk Nông trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Ông Tô Đinh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông khẳng định, phải nâng cao tri thức cho người dân tộc thiểu số, chính họ sẽ là người lưu giữ và định hướng sáng tạo, phát triển văn hóa cồng chiêng. “Bước đầu chúng tôi cũng rất mừng là thế hệ trẻ đã bắt đầu thích cồng chiêng. Vừa rồi chúng tôi hợp đồng với ngành giáo dục, họ có một lực lượng giáo viên chuyên về âm nhạc, thì cho số anh em này tiếp cận, làm chương trình hàng ngày hàng tháng, tạo thành một mạng chân rết, phổ biến văn hóa M’nông, trước hết là cồng chiêng, cho học sinh trong các trường”, ông Tô Đinh Tuấn nói.
Xây dựng đội ngũ những người làm công tác bảo tồn chuyên nghiệp, đầu tư trực tiếp cho buôn làng, gây dựng niềm tin, ý thức và nâng cao tri thức cho người dân tộc thiểu số, tạo không gian để cồng chiêng trở lại nếp sinh hoạt văn hóa hàng ngày, Đắk Nông đang có những bước đi bền vững trong việc lưu giữ, phát triển văn hóa cồng chiêng, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
(Theo VOV News // Báo Bình Định )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com