Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để du lịch là sinh kế của người vùng cao Đồng Văn

Tổ hợp di sản địa chất Khe Lía, Cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây đã nêu rõ, công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản phải đồng hành với việc tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng trên cơ sở phát triển du lịch dựa vào khai thác các giá trị di sản ở Công viên địa chất Đồng Văn.

Từ đó, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, dần đưa hoạt động du lịch trở thành một sinh kế của người dân với tỷ trọng hơn 65% trong cơ cấu kinh tế vùng.

Với mục tiêu này, chính quyền địa phương và bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang đang nỗ lực từng ngày trong công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị các di sản của vùng Cao nguyên đá.

Khi người dân làm chủ di sản

Tiến sỹ Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban quản lý Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết đến thời điểm này, Hà Giang đang làm rất tốt trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng đối với việc đưa di sản về với người dân, để người dân làm chủ di sản.

Nhằm nâng cao nhận thức của hơn 250.000 đồng bào thuộc 17 dân tộc đang sinh sống ở vùng cao nguyên đá này, đơn vị đã tiến hành các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn, quản lý các di sản để từ đó định hướng phát triển du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân địa phương.

Tỉnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn các kiến thức về Công viên địa chất Đồng Văn cho trên 600 tuyên truyền viên cơ sở là các trưởng bản, cán bộ xã, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn. Thông qua đó, truyền tải thông tin về quản lý bảo tồn di sản tới người dân bằng ngôn ngữ địa phương nhằm khắc phục tình trạng bất đồng ngôn ngữ.

Đến nay, nhận thức của người dân, các cấp chính quyền, đồng bào vùng cao đã có những thay đổi đáng kể. Người dân địa phương đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản từ không gian cho đến những cảnh quan xung quanh khu vực sinh sống.

Chị Lý Trung Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn cho biết Đồng Văn là một trong bốn huyện thuộc vùng Cao nguyên đá và có diện tích lớn nhất cũng như tập trung nhiều điểm di sản nhất của Công viên địa chất Đồng Văn. Điều này là niềm tự hào nhưng cũng là một trọng trách to lớn của cán bộ và nhân toàn huyện trong công tác chuẩn bị cho đợt đánh giá và chấm điểm lần thứ hai của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đối với Công viên địa chất Đồng Văn.

Cùng với ba huyện còn lại thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn gồm: Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, huyện đã tổ chức công tác tuyên truyền tới các thôn, bản và từng người dân. Do trình độ nhận thức của người dân nơi đây không đồng đều, hiểu biết của người dân về ngôn ngữ, nhất là với ngôn ngữ tiếng Việt còn rất hạn chế nên nếu cứ mang nguồn tài liệu Ban quản lý Công viên địa chất Đồng Văn cung cấp cho người dân thì sẽ không đạt được hiệu quả tuyên truyền như mong muốn.

Bởi vậy, các xã, thị trấn trên địa bàn đã lồng ghép kiến thức tuyên truyền vào các chương trình phổ biến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tại thôn, bản. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ tại các thôn văn hóa cũng biên tập và chuyển các tài liệu sang tiếng Mông để phục vụ đồng bào dân tộc Mông (chiếm hơn 87% dân số toàn huyện).

Sau hai năm thực hiện, việc nâng cao trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng người dân trong việc bảo vệ và quản lý các di sản đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Theo chị Lý Trung Kiên, trước đây, người dân Đồng Văn thường tìm những vật liệu xây nhà và bờ rào đá ở ngay cạnh nơi mình sinh sống do vật liệu đá rất sẵn. Tuy nhiên, đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã nhận thức được đây là những di sản cần gìn giữ, là nét đẹp và là bản sắc riêng của vùng Cao nguyên đá.

Ủy ban Nhân dân huyện cũng tổ chức khảo sát và quy hoạch một số điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng ở những khu vực khuất tầm nhìn, không rơi vào điểm di sản, xa đường quốc lộ để không gây mất mỹ quan cho khách du lịch, các đoàn khảo sát khi đến tham quan.

Trên thực tế, trong quá trình tổ chức thực hiện, chính quyền địa phương cũng gặp một số khó khăn do nếp nghĩ của đồng bào dân tộc chưa thay đổi hẳn, nhiều thôn bản để đi được đến nơi lấy đá phải mất nửa ngày đường. Tuy nhiên, qua vận động và tuyên truyền, người dân đã dần hiểu ra và cam kết cùng gìn giữ di sản.

Tạo sinh kế từ đá

Kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu vào tháng 10/2010 đến nay, lượng khách du lịch tìm đến Hà Giang nói chung và vùng Cao nguyên đá nói riêng ngày càng tăng. Những nhu cầu dịch vụ từ lượng khách trên đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho bà con dân tộc nơi đây. Đến nay, người dân đã tự ý thức được về những hiệu quả ngành công nghiệp không khói này mang lại và bắt đầu bắt tay làm dịch vụ.

Theo tiến sỹ Ngô Lê Huy, ngoài công tác bảo vệ di sản, Quy hoạch tổng thể được xây dựng theo hướng phát huy giá trị di sản thông qua khai thác hướng tới nền nông nghiệp du lịch, phát triển theo hướng du lịch trải nghiệm, lấy nền nông nghiệp làm sản phẩm du lịch, bản thân nền nông nghiệp tạo sản phẩm du lịch nhưng chính nông nghiệp cũng là một sản phẩm du lịch.

Theo đó, người dân sẽ có nguồn thu trực tiếp thông qua: bán và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản bản địa, cũng như các sản phẩm của các làng nghề truyền thống (thịt bò, rau sạch, cây dược liệu, rượu ngô, vải và sản phẩm may mặc truyền thống từ lanh…). Người dân cũng được hưởng lợi từ các phí và dịch vụ từ việc hướng dẫn tham quan du khách tại các làng văn hóa, các dịch vụ nghỉ tại nhà dân, dịch vụ ăn uống nhà hàng với các món ăn dân tộc, lệ phí chụp ảnh, tham quan các nhà văn hóa, lễ hội…

Bên cạnh đó, người dân được nâng cao dân trí bao gồm sự hiểu biết và cách kiếm sống thông qua phát triển nhiều loại hình du lịch; nâng cao mức sống nhờ được đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng, giảm chênh lệch miền xuôi và miền núi, giữa trung tâm và vùng biên giới. Người dân cũng được hưởng lợi trực tiếp từ việc tăng cơ hội phát triển thông qua giao lưu của hoạt động du lịch, cũng như các dự án đầu tư khai thác và đầu tư hạ tầng, các dự án nghiên cứu trao đổi của các tổ chức chính trị xã hội, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, đặc biệt là các hành động phát triển của Liên hợp quốc.

Hiện nay, tại các điểm du lịch của Công viên địa chất Đồng Văn đang xảy ra tình trạng cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu khách du lịch vào dịp cuối tuần. Khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã thông qua một số dự án xây khách sạn, nhà nghỉ trong khu vực và tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu trở thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia.

Với kỳ vọng thông qua việc công bố quy hoạch, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ không bỏ lỡ cơ hội đầu tư kinh doanh tại miền cao nguyên đá này, Hà Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp để phát triển miền đất cao nguyên thành vùng đất vàng của ngành du lịch Việt Nam.

Thu Phương (TTXVN)

  • Lễ hội Carnaval Hạ Long 2013: Sắc màu Quảng Ninh
  • Sắp diễn ra lễ hội hoa anh đào Nhật Bản-Hạ Long
  • Cửa Lò: Nhiều hoạt động mở đầu mùa du lịch 2013
  • Vân Đồn sẽ là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo
  • Du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc ngày càng tăng
  • Tour ngắm hoa anh đào đắt khách
  • Hội An được bầu là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới
  • Đầu năm 2013: Khách quốc tế tiếp tục tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com