Chào đón du khách từ tàu du lịch quốc tế đến Việt Nam - Ảnh: Đào Loan |
Việt Nam có điều kiện tự nhiên đủ để đón cả tàu du lịch lớn lẫn du thuyền nhưng để phát triển mảng du lịch này phải giải quyết tổng thể các vấn đề về cơ sở hạ tầng cảng biển, công tác quản lý cảng, quản lý mặt đất, đại lý du lịch, phát triển các điểm du lịch ở khu vực lân cận cảng.
Những nội dung trên được nêu ra trong bản báo cáo về tầm nhìn đối với du lịch tàu biển, phản ảnh ý kiến của đoàn công tác Singapore. Đoàn gồm đại diện của các công ty tư nhân liên quan đến kinh doanh tàu biển, Bộ Thương mại và Du lịch Singapore, Cục Du lịch Singapore, Trung tâm tàu biển Singapore cùng một số tập đoàn tàu biển như Royal Caribbean International.
Báo cáo được đưa ra sau 2 chuyến khảo sát các cảng và vùng du lịch biển trong năm 2009 và 2010 do Tổng cục Du lịch Việt Nam mời đến để thu thập phản hồi về tiềm năng phát triển mảng du lịch này. Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều rào cản hạn chế phát triển du lịch tàu biển.
Du thuyền né Việt Nam do phí cao
Các chuyên gia cho rằng, đường bờ biển dài là tiềm năng lớn cho việc cung cấp những trải nghiệm cho du khách đi trên các tàu du lịch và du thuyền cá nhân. Loại hình này hiện đang rất phát triển.
Tại Việt Nam, Hạ Long là một điểm thu hút đặc biệt với những du khách đến bằng loại hình này. Từ đây, các tàu có thể đi dọc theo bờ biển Việt Nam để trải nghiệm khung cảnh các đảo ở Nha Trang hay thậm chí chạy dọc theo sông Sài Gòn. Các tuyến du lịch bằng du thuyền từ sông Sài Gòn đến bãi biển ở Phan Thiết, đến các hòn đảo ở Nha Trang, Hội An, vịnh đẹp ở Đà Nẵng, Chân Mây... sẽ rất hấp dẫn khách có thu nhập cao. Vịnh Nha Trang với thời tiết đẹp quanh năm, nước trong xanh trong khu vực các đảo cũng được đánh giá là thích hợp cho du thuyền.
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam đang để vuột mất thị phần có mức chi trả cao này do nhiều loại phí quá cao. Hiện tại, nhà nước chưa có bất cứ quy định nào dành cho các hoạt động du thuyền và các quy định về du lịch đường biển chưa được chuẩn hóa giữa các tỉnh thành nên các du thuyền muốn cập cảng và neo đậu lại phải trả rất nhiều loại phí khác nhau. Vì vậy, phần lớn các du thuyền trong khu vực thường đi vòng và tránh Việt Nam.
"Điều này cho thấy Việt Nam đã mất rất nhiều cơ hội và doanh thu vì các du thuyền thương chi tiêu khá nhiều khi tham quan ở một khu vực nào đó", bản báo cáo nêu ra.
Theo các chuyên gia, vấn đề cần phải làm là phải thống nhất và quy định rõ ràng về mức phí, thuế, giấy phép... ở tất cả các cảng, các khu vực để du thuyền tư nhân hay du thuyền du lịch dọc bờ biển Việt Nam dễ dàng hơn.
Phối hợp để phát triển du lịch biển
Chuyên gia Singapore cho rằng, cần có thêm sự phối hợp giữa các cấp bộ, ngành, chính phủ trong việc xây dựng đề án phát triển du lịch biển và cần có một đơn vị chuyên môn xem xét các kế hoạch cấp tỉnh để đảm bảo kế hoạch phát triển của tỉnh này không ảnh hưởng tiêu cực đến tỉnh khác. Chẳng hạn, trong tương lai khi nhiều cầu nối giữa các vùng hạ lưu sông Sài Gòn được xây dựng có thể ảnh hưởng đến công nghiệp tàu biển vì các tàu du lịch lớn, vốn chiếm đa số trong những tàu đang đóng hiện này sẽ không thể qua những cầu này để vào TPHCM.
"Vì thế, nếu việc xây cầu là cần thiết thì những chiếc cầu cơ động và kênh ngầm nên được xem xét để thay thế", trích báo cáo.
Những hạn chế cho việc lưu thông tàu qua cầu Phú Mỹ ở TPHCM hay hệ thống cáp treo tại Nha Trang cũng được nhắc đến trong báo cáo này. Theo đó, TPHCM là điểm du lịch nổi bật mà nhiều tàu du lịch ưa thích nhưng từ khi xây cầu Phú Mỹ, các tàu có chiều cao trên 37,75 m không qua được sông Sài Gòn để cập bến tại trung tâm thành phố như trước kia mà phải đến những cảng xa hơn như Hoa Sen hay Navi Oil ở quận 7. Sau này, tình hình cũng sẽ khó cải thiện vì những tàu mới và tàu đang đóng hiện nay đều cao hơn mức này.
Hệ thống cáp treo ở Nha Trang cũng cản trở tàu vào cầu cảng do bị vướng trên không trung nên hiện các tàu chỉ có thể vào bờ từ phía Bắc. Trong đề xuất về phát triển loại hình du lịch ở Nha Trang, các chuyên gia cũng lưu ý rằng nên xây dựng các bến thuyền với các khu nghỉ dưỡng ở vài hòn đảo ngoài khơi, tránh xa hệ thống cáp treo trên không.
Giải bài toán về cảng du lịch
Một trong những rào cản để phát triển du lịch tàu biển là thiếu cảng chuyên dụng, phù hợp cho tàu cỡ lớn và gần với các điểm du lịch. Vì thiếu cảng du lịch nên tàu du lịch biển phải neo đậu ở những cảng thương mại hoặc tại một điểm du lịch nào đó với cơ sở vật chất, dịch vụ không đủ để phục vụ cho tàu du lịch cỡ lớn và du khách. Việc xây dựng cầu cảng chuyên dụng là cần thiết để phát triển du lịch tàu biển.
Tuy nhiên, chuyên gia Singapore cho rằng, trong điều kiện hiện tại thì du lịch Việt Nam khó có thể để xây cảng chuyên dụng vì chi phí để xây bến cho tàu du lịch biển là rất cao và việc điều hành bến tàu thường không mang lại lợi nhuận. Do đó, Việt Nam có thể tận dụng những cảng thương mại cho du lịch bằng việc phân bổ một phần thành cảng chuyên dùng cho tàu du lịch với những trang thiết bị cơ bản như cầu tàu, nhà vệ sinh, bãi đậu xe du lịch...
Riêng tại khu vực phía Nam, TPHCM được đánh giá là cửa ngõ cho du khách tàu biển vào khu vực. Thành phố là nơi sôi động để thu hút du khách và sẽ là nơi gửi khách của các tàu neo đậu ở các cảng gần Vũng Tàu nên những địa phương này phải hợp tác để mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Trong ngắn hạn, các địa phương nên lựa chọn vài cầu cảng ở bến thương mại để xây dựng nơi đưa đón đơn giản và bến đỗ cho xe khách du lịch để làm cầu cảng du lịch nhưng trong dài hạn nên dành ra khu vực riêng, càng gần TPHCM càng tốt để xây dựng bến tàu và nhà chờ.
"Phú Quốc không nên cố tranh đua với Phuket, Bali hay Koh Samui" Các chuyên gia Singapore đánh giá rất cao tiềm năng phát triển du lịch của đảo Phú Quốc và đã nêu lên nhận xét trên, cho rằng Phú Quốc nên duy trì bản sắc văn hóa thay vì cố tranh đua với những đảo du lịch này. Trong số các cảng được xem xét thì cảng An Thới nằm ở phía nam đảo là thích hợp nhất cho tàu du lịch. Những khu vực gần cảng nên được phát triển một làng chài với chợ, nhà hàng hải sản, cửa hàng bán đồ địa phương sẽ rất hấp dẫn du khách. Xa cảng An Thới một chút là các đảo được xây dựng theo mô hình du lịch sinh thái để du khách có thể dùng thuyền hoặc phà đến những đảo này. Tuy nhiên, các chuyên gia e ngại rằng, nếu như chính quyền địa phương thực hiện dự định chuyển đổi cảng thành một cảng thương mại và di dời làng chài thì kế hoạch biến những hòn đảo ngoài khơi thành công viên du lịch sinh thái biển sẽ bị cản trở cũng như sẽ hủy hoại sự duyên dáng của làng chài, một nét hấp dẫn để thu hút du khách. |
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com