Trong những năm gần đây khi các khách sạn ở TP.HCM không đủ phòng (dù đã tăng giá), các hãng lữ hành đành phải chuyển bớt khách quốc tế về các tỉnh lân cận để giảm chi phí. Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chớp được thời cơ này để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Cũng ở gần TP.HCM, nhưng tình hình kinh doanh du lịch ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL lại khá im lặng, ngay cả khi năm 2008 là năm Du lịch quốc gia miệt vườn sông nước Cửu Long.
Thiếu đủ thứ
Từ TP.HCM xuống các tỉnh ĐBSCL chỉ có một tuyến đường độc đạo là quốc lộ 1A nên chuyện kẹt xe, kẹt phà xảy ra hàng ngày; tốc độ thực tế của xe chỉ còn từ 30-40 km/giờ. Do thiếu đường kết nối giữa các tỉnh và hệ thống các cây cầu yếu, nên khó thu hút du khách đến với các tỉnh xa như Bạc Liêu, Cà Mau. Nói giao thông thủy là thế mạnh của vùng sông nước, nhưng tìm được tuyến tàu cao tốc chạy ổn định cũng không phải dễ. Quay qua hàng không thì hàng tuần chỉ có những chuyến bay nhỏ đến Cà Mau, Rạch Giá và đảo Phú Quốc, trong khi sân bay Cần Thơ lớn nhất vùng thì vẫn đang chờ nâng cấp.
Các tỉnh miền Tây lại rất thiếu các tour du lịch riêng biệt, trong khi thừa những sản phẩm trùng lắp. Khách đến Tiền Giang đã vào thăm vườn, ngồi ăn trái cây hái sẵn, nghe ca tài tử, thì sang Vĩnh Long, Cần Thơ hay đi Sóc Trăng cũng vẫn thấy các món này, vậy làm sao thuyết phục họ ở lâu hơn?
Đối với dịch vụ thì như lời ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Hành Trình Việt “cái gì ĐBSCL cũng có nhưng rất ít món đủ chuẩn”. Chẳng hạn, gọi du lịch trên sông là thế mạnh của vùng, nhưng ghe tàu chở khách du lịch thì chẳng khác gì con đò hay vỏ lãi chở khách địa phương, với tiếng ồn át cả lời thuyết minh của hướng dẫn viên.
Cơ sở lưu trú tại các trung tâm du lịch trong vùng đa phần có chất lượng trung bình, không có các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven sông, nên ĐBSCL ít đón được khách sang ở lâu, chi xài nhiều.
Nhân lực phục vụ du lịch vừa thiếu, vừa thừa. Các công ty du lịch và khách sạn ở ĐBSCL rất thiếu những người làm du lịch quốc tế giỏi nghiệp vụ và ngoại ngữ, nhưng lại thừa lao động phổ thông không qua đào tạo.
Có cũng như không
Mỗi năm cả vùng đồng bằng có rất nhiều lễ hội, nhưng hầu như không được khai thác ở khía cạnh du lịch. Nếu lễ hội Vía Bà Chúa Xứ hay cúng Ông Bổn chỉ phù hợp cho khách hành hương, thì lễ hội Okombok hay đua bò ở Bảy Núi tuy hấp dẫn nhưng lại không có khán đài dành cho du khách, còn lễ Hạ Điền và Thượng Điền của cư dân nông nghiệp thì hầu như ít được nhắc tới.
Các sự kiện được gắn mác du lịch như hội chợ thương mại hàng năm của từng tỉnh, cũng chỉ hấp dẫn cho bà con nông dân chứ rất khó thuyết phục du khách từ TP.HCM. Lễ hội trái ngon lần đầu tiên được tổ chức ở Cần Thơ tháng 7 vừa qua, cũng chỉ có chừng dăm, bảy cần xé trái cây… cỡ hai sạp ngoài chợ, còn lại chủ yếu là trái nhựa (!) treo lủng lẳng khắp nơi.
Năm Du lịch quốc gia miệt vườn sông nước nghe thì to tát nhưng quả thực rất khó trả lời được câu hỏi “đến để coi gì” của du khách. Dường như khoản kinh phí hơn 20 tỉ đồng dành cho năm du lịch được Ban tổ chức dành hơn phân nửa cho bốn giờ khai mạc và bế mạc. Thành thử trong năm 2008, từ tuyến điểm đến dịch vụ du lịch ở ĐBSCL, hầu như không có gì thay đổi so với trước. Có lẽ vì vậy mà đọc quảng cáo trên các báo, chẳng thấy có công ty nào chào tour đi miền Tây nhân “Năm Du lịch quốc gia” cả.
Các hãng lữ hành quốc tế khi nhìn vào tài liệu hay băng rôn quảng cáo bằng tiếng Anh của Năm du lịch quốc gia 2008 với nhiều lỗi chính tả và dịch không rõ nghĩa, cũng hiểu đây không phải là sự kiện dành cho đối tượng khách của mình. Thử lướt qua một vòng các website du lịch, sẽ thấy không một nhà điều hành tour khách nước ngoài nào quảng cáo bán tour tham gia sự kiện mang tầm quốc gia này.
Như vậy, có thể nói ngành du lịch đồng bằng phát triển chậm không phải vì thiếu tài nguyên và cũng chưa hẳn vì thiếu tiền, mà có thể do thiếu cách làm phù hợp.
Nên xác định thị trường mục tiêu
Theo nhiều chuyên gia du lịch, ĐBSCL rất khó là điểm đến lý tưởng của khách nội địa, do họ đã quá quen với cảnh ruộng, vườn. Nhưng nắng ấm và vẻ đẹp của đồng quê thanh bình cùng những con rạch phủ bóng dừa nước thì lại rất hấp dẫn đối với du khách đến từ xứ lạnh. Có lẽ vì vậy ĐBSCL nên mạnh dạn định hướng thị trường mục tiêu vào khách Âu - Mỹ.
Sông Mê Kông đối với nhiều người châu Âu là “dòng sông huyền thoại”, còn theo anh Lee Jihaeng, Tổng giám đốc tập đoàn Woojoo (Hàn Quốc), khi đi khảo sát tìm địa điểm để xây khách sạn năm sao, thì nó “mênh mông như biển”. Dòng sông này sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của ĐBSCL, nơi mà các công ty du lịch sẽ tổ chức những chuyến du ngoạn nối với Campuchia, còn các nhà đầu tư có thể tìm thấy hàng trăm ki lô mét mặt tiền sông để xây dựng những khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Sân bay Cần Thơ chuẩn bị khai trương đường bay quốc tế. Cơ hội đang đến, nhưng ngành du lịch đồng bằng có khả năng bắt kịp sự phát triển chung được hay không, vẫn là một câu hỏi lớn.
( Theo Tuổi trẻ//TBKTSG )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com