Trong năm 2008, kỳ vọng đón gần 1,5 triệu khách quốc tế đến Hà Nội không hoàn thành do ngành du lịch Thủ đô sa sút theo
kinh tế thế giới. Đáng nói là mức độ sụt giảm khách du lịch của Hà Nội cũng như Việt Nam nói chung lớn hơn nhiều so với mức giảm của các nước.
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, ngoài các lý do khách quan như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Olympic, hạn chế khách du lịch bằng thẻ thông hành, tình hình ngập úng tại Hà Nội còn có các nguyên nhân chủ quan mà quan trọng nhất là giá tour tăng cao.
Hiện tại, giá tour du lịch Việt Nam tăng 20 - 30% so với các nước trong khu vực và tăng 30 - 40% so với năm 2007. Giá tour tăng được giải thích do giá vé hàng không tăng, giá khách sạn cao, giá các dịch vụ du lịch cũng tăng cao hơn. Điều đó khiến khách du lịch không lựa chọn Hà Nội và Việt Nam mà chuyển sang các nước lân cận.
Ngay từ những năm trước, ngành du lịch đã cảnh báo về những bất cập này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đón khách. Tuy nhiên, sự đầu tư, tháo gỡ cho du lịch chưa được quan tâm đúng mức kể cả tầm vĩ mô đến cấp doanh nghiệp.
Sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu khai thác những tài nguyên sẵn có nên còn đơn điệu, chưa thể hiện ưu thế trên thị trường. Các doanh nghiệp mới chú trọng đón khách, chưa quan tâm đến xây dựng và phát triển sản phẩm mới đón đầu nhu cầu của thị trường nên chất lượng các loại hình phục vụ du lịch còn thiếu và yếu. Khách sạn cao cấp cũng thiếu.
Chính những yếu tố đó cộng với những bất lợi về sự suy thoái của kinh tế thế giới khiến lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2008 giảm tới 9% so với kế hoạch.
Thời điểm này, không chỉ có Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tích cực vào cuộc với sự bàn bạc, đối thoại giữa cơ quan quản lý du lịch với các doanh nghiệp mà ngay cả Tổng cục Du lịch cũng liên tiếp tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp bàn giải pháp thu hút khách. Mấu chốt của kích cầu thu hút khách du lịch chính là giảm giá tour.
Ông Phùng Văn Khải, Giám đốc Công ty Hapro Travel đề xuất: "Nếu giảm giá tour phải giảm đồng bộ, toàn diện để tạo hiệu ứng xã hội cho xúc tiến du lịch. Chương trình giảm giá cần phải có một đầu mối chỉ đạo là Tổng cục Du lịch."
Song hành cùng chương trình giảm giá tour, du lịch Hà Nội cũng tập trung vào những thị trường trọng điểm để thu hút khách. Đó là thị trường truyền thống châu Âu hiện chiếm 31% thị phần tại Hà Nội, thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á, thị trường ASEAN. Du lịch Hà Nội cũng đang năng động tìm kiếm thị trường mới.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, việc xúc tiến quảng bá du lịch trong thời điểm hiện tại đang gặp nhiều bất cập, đòi hỏi sự đầu tư của các cấp ngành. Hơn nữa, tự thân doanh nghiệp không đủ lực bỏ kinh phí ra quảng bá và nếu có cũng không khác nào "muối bỏ bể."
Ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội kiến nghị thành phố cần tăng cường chi phí cho công tác quảng bá du lịch, "nên quảng bá có định hướng theo thị trường, quảng bá chuyên ngành." Hiện nay, Tổng cục Du lịch cũng xây dựng 100 chương trình du lịch để quảng bá trong đợt giảm giá này, tập trung công bố vào những thị trường tiềm năng của Việt Nam./.