Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trả lại vẻ nguyên sơ cho Đồng Tháp Mười

Vườn Quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích tự nhiên trên 7.612 ha nằm tại huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp, chiếm 1/10 diện tích vùng Đồng Tháp Mười mênh mông. Có thể coi đây là một mảnh sinh cảnh vùng đất ngập nước thu nhỏ cuối cùng của vùng Ðồng Tháp Mười với hệ sinh vật phong phú đa dạng.
 
Đặc biệt loài sếu đầu đỏ, hay còn gọi là chim hạc, không chỉ là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim, mà từ xa xưa trong dân gian chim hạc vẫn được coi là loài chim quý phái, thanh cao.
 
Vùng đất thu nhỏ của Đồng Tháp Mười
 
Tràm Chim là một mẫu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái đất ngập nước vùng lụt kín của Đồng Tháp Mười và của Việt Nam với hai mùa khô và ngập nước. Tràm chim thu nước vào mùa lũ, xả nước vào sông Cửu Long vào mùa khô, làm giảm tác động của lũ và hạn hán.
 
Tới Tràm Chim mùa nước nổi, chúng tôi ngồi trên xuồng máy đi khám phá cả một khu vực rộng lớn. Những cánh rừng tràm bạt ngàn trải dài trước mắt ngay bên mép nước, đó đây là những “cánh đồng lúa ma” - giống lúa mọc tự nhiên vươn lên từ mặt nước, nước tới đâu lúa mọc cao tới đó. Lá còn xanh, hạt thóc có vẻ lép. Nghe nói giá gạo “lúa ma” tới 100.000 đồng/kg, mà cũng không có để mua. Có lẽ vì thế ít ai may mắn được nếm thử bát cơm từ hạt gạo nghe nói “ngon tuyệt trần” này.
 
Đến Tháp Mười mới thấy sen ở đây thật nhiều, sen nở khắp nơi thành quần thể. Sau sen là hoa súng, những cánh hoa màu hồng lấp ló nơi mặt nước. Nơi đây còn bạt ngàn những cánh đồng cỏ ống, cỏ năng… và nhiều loài thực vật khác.
 
Tràm Chim là cái tên từ xa xưa, đặc trưng cho vùng đất của rừng tràm và 231 loài chim nước, trong đó có 32 loài quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng trong Sách đỏ của thế giới và của Việt Nam.
 
Loài chim “vua” ở đây chính là sếu đầu đỏ - loài chim biết bay cao nhất thế giới. Chúng cao 1,7 m, sải cánh rộng tới 2,5 m, nặng từ 8 - 11 kg. Hiện nay sếu đầu đỏ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và quốc gia. Nếu như vào năm 1988 ở Tràm Chim có 1.052 con sếu đầu đỏ, thì đến năm 2005 chỉ còn 41 con.
 
Phá vỡ cân bằng sinh thái
 
Năm 1998 Tràm Chim được Nhà nước công nhận là Vườn Quốc gia, được đầu tư, nâng cấp, mở rộng thành một bảo tàng thiên nhiên, một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn. Trước đó, do thỉnh thoảng bị cháy rừng tràm, các nhà quản lý đã cho đào một hệ thống kênh mương tích nước để phòng cháy rừng mùa khô. Do tích nước, ngăn dòng chảy hàng chục năm nay nên chất hữu cơ do cây tràm thải ra đã tích tụ rất dày, có nơi đến 1,5-2 mét, và đây chính lại là những mồi lửa rất nguy hiểm.
 
Hậu quả là những cánh đồng cỏ bị suy thoái, kéo theo cảnh quan sinh thái bị phá vỡ, mất nguồn thức ăn, ảnh hưởng đến cuộc sống tự nhiên của rất nhiều loài động thực vật. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm mạnh nhiều loài chim quý hiếm ở Tràm Chim.
 
Từ nhiều năm nay các nhà khoa học cho rằng việc giữ nước cao quanh năm không phù hợp với chế độ thủy văn luân phiên của hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười và còn làm tăng rủi ro cháy rừng với cường độ cao. Rừng tràm chỉ là một phần của hệ sinh thái đất ngập nước, và có thể tái sinh rất tốt sau mỗi trận cháy.

Quả thật, hôm nay đến Tràm Chim, nhìn rừng tràm xanh tươi vươn mình trong nắng gió, khó có thể tưởng tượng “bà lửa” từng quần đảo dữ dội nơi này vào tháng 4/2008. Bằng chứng duy nhất là những thân cây ngả một chút màu đen.
 
Những người dân sinh sống bên ngoài Vườn quốc gia Tràm Chim vẫn thường "đột nhập" vào đây kiếm kế sinh nhai. Chỉ cần đi thuyền vào hái hoa sen, ngó sen, và hoa súng mọc khắp nơi cũng có thể đem ra ngoài bán với giá 500 đồng/bông. Họ còn dùng bình điện bắt cá, sử dụng hóa chất để bẫy chuột, cua ốc..., góp phần hủy diệt môi trường.
 
Trả lại vẻ nguyên sơ của Đồng Tháp Mười
 
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết Tràm Chim Đồng Tháp thoả mãn được 7 trong 9 tiêu chuẩn của công ước quốc tế Ramsar về đất ngập nước. Nơi đây có sinh cảnh độc nhất vô nhị ở bán đảo Đông Dương. Chính vì thế nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã tài trợ để bảo vệ tràm chim quý hiếm này.
 
Mới đây Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã Thế giới (WWF) và Coca-Cola đã triển khai trong 3 năm dự án “Phục hồi sinh cảnh đất ngập nước Đồng Tháp Mười tại Vườn quốc gia Tràm Chim” trị giá tới 750.000 USD.
 
Kế từ khi được triển khai vào tháng 4/2008, dự án đã giúp phục hồi đồng cỏ từ 800 ha lên 2.700 ha, tăng số lượng sếu đầu đỏ lên 126 con so với 41 con vào năm 2005, phục hồi sinh cảnh khu A3, một phân khu của Vườn quốc gia Tràm Chim trước đây là một bãi ăn quan trọng của sếu.
 
Hệ sinh thái đất ngập tự nhiên của Vườn quốc gia Tràm Chim mang lại cho con người cơ hội thích nghi với sự thay đổi khí hậu nhờ các đặc tính hấp thu carbon, điều hoà khí hậu, cung cấp nguồn nước cho cộng đồng và là nguồn sinh kế đa dạng cho người dân sống ven khu vực này.
 
Có 42.000 cư dân đang sinh sống tại xung quanh Vườn quốc gia Tràm Chim, trong đó có 14% hộ nghèo. Với sự hỗ trợ của dự án, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ tổ chức thí điểm cho các nhóm dân cư vào tham gia sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, có tổ chức và kiểm soát được. Bảo tồn phải hài hòa với “cuộc chiến” chống đói nghèo và qua đó, giữ gìn nét văn hóa lịch sử của địa phương.
 
Với sự phục hồi những sinh cảnh đồng cỏ quan trọng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, các loài sinh vật đa dạng và quý hiếm sống phụ thuộc vào sinh cảnh đồng cỏ sẽ có thể quay trở lại và phát triển tại Tràm Chim. Chim Hạc về Tràm Chim ngày càng nhiều cũng đồng nghĩa với lượng du khách đến Tràm Chim Đồng Tháp ngày một đông hơn. Đây cũng chính là điểm hẹn lý tưởng cho du khách bốn phương./.

(Theo Vietnam+)

  • Ngành Du lịch với bài toán nhân lực
  • Hoạt động kinh doanh du lịch năm 2008: Dù khó khăn vẫn “về đích”
  • Du lịch Hàn Quốc thoát hiểm nhờ... kinh tế suy giảm
  • Hội An hút du khách bằng “Lễ hội đường phố”
  • Khách nước ngoài đổ về Sa Pa đón Giáng sinh
  • Du lịch Đà Nẵng: Những tín hiệu vượt khó đầu tiên
  • Du lịch Việt Nam: "Đuổi" mãi không kịp Thái Lan
  • Thu hút 4,8- 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế: Khó đạt mục tiêu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com