Các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực tìm mọi biện pháp nhằm tận dụng được nguồn vé máy bay giá rẻ, ngay sau khi Vietnam Airlines thông báo cụ thể lượng vé này trên các chuyến bay.
![]() |
Du lịch vía Bà rằm tháng Giêng hàng năm ở chùa Bà và chùa Ông tỉnh Bình Dương, thu hút trên 15.000 du khách đến từ nhiều nơi trong cả nước. Du lịch tâm linh - tín ngưỡng, cũng là một nhu cầu và tiềm năng rất lớn cho ngành du lịch nội địa nếu được khai thác đúng mức, giá cả phù hợp và dịch vụ an toàn hiện đại. (Ảnh: Lê Quang Nhật) |
Dành 20% số ghế bán rẻ cho du lịch
Ngoại trừ đợt cao điểm giỗ tổ Hùng Vương (25-30.3), thời điểm 22.4-4.5 và ngày nghỉ cuối tuần trên một số đường bay đông khách như Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội/Sài Gòn đến Huế, Đà Nẵng và Nha Trang... , tùy thời điểm và loại máy bay vận chuyển, văn phòng khu vực miền Nam (Vietnam Airlines) vừa cho hay sẽ định mức số lượng vé khuyến mãi mỗi chuyến (vé hạng P) cho lữ hành.
Cụ thể, đối với giai đoạn thấp điểm từ 1.3-15.3 và từ 1.6-5.9, Vietnam Airlines sẽ dành tối đa không quá từ 45 đến 60 ghế cho du lịch trên máy bay B777/A330, 25 đến 35 ghế trên máy bay A320/A321, 15 đến 35 ghế trên máy bay F70/ATR. Giai đoạn từ 16.3-31.5 và 6.9-31.12, số ghế lần lượt tối đa không quá 60, 35 và 20 với các loại máy bay tương ứng trên.
Theo tính toán, lượng vé rẻ bán cho lữ hành chiếm trên dưới 20% tổng số ghế trên các máy bay.
"Việc hãng hàng không Vietnam Airlines công bố cụ thể số lượng vé giá rẻ cho lữ hành thực sự bổ ích, sẽ giúp nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa TP.HCM chủ động khi khai thác khách", ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc công ty du lịch Thế Hệ Trẻ kiêm phó trưởng nhóm, nhận xét.
Với phương châm tận dụng tối đa lượng vé máy bay khuyến mãi bán ra, sáng 23.3, cuộc họp đầu tiên của nhóm đã được rốt ráo triển khai.
Tại đây, các đơn vị đã thống nhất sẽ bán vé chuyển khách giữa các thành viên. Tám đơn vị được Vietnam Airlines chọn để triển khai mua vé máy bay khuyến mãi cũng cam kết hỗ trợ các đơn vị còn lại bằng cách mua hộ vé rẻ.
Hơn nữa, các thành viên trong nhóm bán chung sản phẩm sẽ thống nhất một giá dành cho khách vé lẻ. Họ sẽ cùng đầu tư, quảng cáo. Cách làm mạnh dạn và khá mới này giúp lữ hành khai thác được khách lẻ, bởi năm 2009, phần đông chỉ lo thu hút khách đoàn. Qua đó cũng hạn chế được tình trạng cạnh tranh hoặc phá giá trong nội bộ nhóm.
Vật lộn giữ giá
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt cho rằng, thông tin về việc hàng không bán giá rẻ chưa thực sự công khai.
Theo ông Mỹ, công khai phải là trong một tháng, Vietnam Airlines thông báo số lượng vé giảm cụ thể là bao nhiêu, đơn vị nào đăng ký và đăng ký được bao nhiêu, hãng phân bổ vé cụ thể ra sao và tại sao lại chọn công ty đó... để các đơn vị tránh nghi ngờ lẫn nhau. Cũng vì thiếu công khai mà năm ngoái, Lửa Việt đã có ý định xin rút ra khỏi nhóm.
Song, lãnh đạo một công ty được mua vé máy bay giá giảm khác tại TP.HCM lại lập luận, công văn trên của Vietnam Airlines được gửi tới tất cả thành viên trong nhóm, cụ thể đến từng số ghế trên mỗi chuyến bay. Việc lữ hành đăng ký được bao nhiêu vé rẻ tuỳ thuộc vào lượng khách họ có, và tuỳ thuộc vào sự năng động và nỗ lực của mỗi đơn vị.
Theo ông Trần Thế Dũng, cái khó của năm nay là những hỗ trợ từ phía Nhà nước tới lữ hành không còn. Hơn nữa, chương trình Ấn tượng Việt Nam 2009, ngay từ đầu năm tổng cục Du lịch đã có văn bản kêu gọi các đơn vị cung ứng dịch vụ như khách sạn giảm giá. Và khi nhóm khuyến mãi gửi công văn kêu gọi hưởng ứng, khách sạn đáp ứng ngay và kéo dài suốt năm 2009.
Với chương trình "Việt Nam - điểm đến của bạn", ông Vũ Thế Bình, vụ trưởng vụ Lữ hành (tổng cục Du lịch), thừa nhận, chỉ trông chờ vào nỗ lực bản thân doanh nghiệp là chính.
Vì vậy, tuy chương trình này cũng kéo dài cả năm nhưng tổng cục Du lịch chỉ khuyến khích giới lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí, các điểm mua sắm giảm giá 10-30% vào mùa thấp điểm (hai tháng 8 và 9).
Do khách sạn, vận chuyển tăng giá, giá dịch vụ và ăn uống không thể giảm được nữa, việc giá tour giảm được bao nhiêu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào giá vé máy bay. Ông Nguyễn Tuấn Quyền, giám đốc công ty du lịch Thanh niên xung phong nói rằng, hầu hết các công ty lữ hành đều cố gắng giữ giá tour trong nước ở mức chấp nhận được, còn lợi nhuận chủ yếu nhờ cậy vào lượng khách đông bù lại.
Ngoài ra, những nỗ lực của nhóm kích cầu du lịch nội địa TP.HCM trong việc kêu gọi sự đồng thuận của các đơn vị làm du lịch khác thực sự đã có hiệu quả. Năm 2009, trong 300 công văn gửi đi các địa phương, nhóm nhận được 70-80 phản hồi đồng ý giảm giá 30-40%. Năm nay, giới lữ hành cũng lạc quan nhận xét, sự hưởng ứng này tuy chưa đồng bộ nhưng sẽ có hiệu ứng lan toả tốt.
(Theo Ngọc Hà // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com