Sau cuộc gặp gỡ của những người làm du lịch Tây Nguyên tại Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) hồi tháng 9-2008, một chương trình với quy mô lớn hơn đã được tổ chức tại Pleiku ngày 24-3 vừa qua, đó là Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch khu vực Tây Nguyên- Nam Trung bộ”. Đây là một trong những động thái nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” của khu vực này vươn lên tương xứng với tiềm năng hiện có.
“Rừng vàng, biển bạc”
Các ý kiến tại hội thảo đều nhận định: Nếu như các tỉnh Tây Nguyên có nhiều tài nguyên du lịch về rừng thì các tỉnh Nam Trung bộ lại giàu có các tài nguyên du lịch biển. Sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo nếu liên kết phát triển du lịch giữa hai khu vực này. Chưa kể những cư dân bản địa lâu đời sinh sống trên vùng đất này với những nét văn hóa độc đáo về phong tục, sinh hoạt, kiến trúc (các dân tộc Jrai, Bahnar, Ê Đê, Mơ Nông… ở Tây Nguyên và dân tộc Chăm ở dọc các tỉnh Nam Trung bộ) cũng sẽ là điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách.
Từ tiềm năng sẵn có đó, thế mạnh bậc nhất của du lịch khu vực Tây Nguyên được xác định là du lịch sinh thái và văn hóa. Các công ty du lịch địa phương lâu nay khai thác du lịch từ những thắng cảnh như: Hồ Xuân Hương, núi Lang Biang, thác Prenn (Lâm Đồng), Biển Hồ (Gia Lai), thác Dray Sáp, suối nước nóng Đak Môi (Đak Nông)…; các khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (Đak Nông), Yok Đôn (Đak Lak), Ngọc Linh (Kon Tum), Kon Ka Kinh (Gia Lai)…; di tích lịch sử như: Ngục Đak Glei, chiến trường Đak Tô- Tân Cảnh, đồi Charlie (Kon Tum), Nhà lao Pleiku (Gia Lai)… cùng các lễ hội cũng đặc sắc không kém với Festival Hoa Đà Lạt, Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai, Festival Cà phê Buôn Ma Thuột…
Du khách cũng rất thích thú khi tham gia vào các tour du lịch văn hóa đến các địa chỉ đã đi vào lòng du khách như Bản Đôn (Đak Lak), làng kháng chiến Stơr (Gia Lai)... Nhiều tour của các công ty du lịch có tiếng trong nước cũng nhanh nhạy đưa khách về các tuyến, điểm du lịch này.
Du lịch sinh thái- thế mạnh của Gia Lai. Ảnh: Phương Duyên |
Ngược lại, chiến lược của các tỉnh Nam Trung bộ là tập trung đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng biển cùng với các thắng cảnh nổi tiếng như: Ghành Đá Đĩa, đầm Ô Loan (Phú Yên), bán đảo Đầm Môn, vịnh Cam Ranh, Hòn Chồng (Khánh Hòa); Ghành Ráng, Đầm Trà Ổ (Bình Định); Hòn Bà, Mũi Né, Cù lao Câu (Bình Thuận), suối Thương, Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận)… cùng hàng chục bãi tắm đẹp nổi tiếng. Ngoài ra, không thể không kể đến các công trình kiến trúc độc đáo của văn hóa Chăm cùng các chương trình ẩm thực, lễ hội văn hóa biển (đặc biệt là lễ hội Cầu ngư), làng nghề truyền thống...
Liên kết ra sao?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho rằng: “Cần xác định thị trường trọng điểm để xác định nội dung tuyên truyền, quảng bá và phương thức thực hiện phù hợp với từng thị trường”. Chẳng hạn đối với du lịch sinh thái và du lịch văn hóa thì các thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, các nước Asean; đối với du lịch nghỉ dưỡng biển thị trường chính là Tây Âu (Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan), Úc, Nga và các nước Bắc Âu.
Tham luận của ông Nguyễn Quang Huy- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh nêu: Lâu nay, ngành Du lịch trong khu vực trùng lắp về sản phẩm (do có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa). Do đó, trong quá trình hợp tác, liên kết cần chú trọng đến việc tạo ra những sản phẩm đặc thù của từng địa phương để thu hút du khách. Đây là yếu tố quyết định để du khách còn… mong muốn quay trở lại, điều mà những người làm du lịch luôn hướng tới.
Ở góc độ quảng bá, ông Nguyễn Đức Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Gia Lai- nêu ý kiến: “Các tỉnh trong khu vực cần tổ chức các chuyến khảo sát nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch đến các hãng lữ hành, tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, cần đầu tư vào các tuyến du lịch trọng điểm như “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Con đường huyền thoại- đường mòn Hồ Chí Minh”, “Du lịch hành lang Đông- Tây”… nhằm khai thác tài nguyên du lịch của các địa phương trong khu vực”. Hầu hết các ý kiến tại hội thảo cũng nhất trí phối hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực cũng như nâng cấp các khu cửa khẩu quốc tế và các sân bay để nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt du khách quốc tế.
Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Xoan- Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam- nêu một xu hướng mà cho đến giờ các cơ sở lưu trú du lịch trong khu vực vẫn chưa thật sự lưu tâm: Xu hướng nâng cao tỷ lệ sử dụng sản phẩm “sinh thái”, phát triển “khách sạn xanh” phục vụ du khách. Bà Xoan trao đổi: “Một trong những xu hướng mới của các cơ sở lưu trú trên thế giới là đảm bảo môi trường cả bên trong và bên ngoài để giúp du khách có cảm giác gần gũi với thiên nhiên, với không gian thoáng mát, yên tĩnh”. Đây cũng chính là yếu tố được xem là quyết định để phát triển du lịch bền vững mà các đại biểu cũng như các tham luận đã nêu ra như một thông điệp tại hội thảo: Phát triển du lịch phải đi kèm với bảo vệ tốt môi trường cảnh quan, đặc biệt là hệ sinh thái đặc thù.
(Theo Phương Duyên // Báo Binhthuan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com