Theo dự báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, chỉ có khoảng 4,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2008 thay vì 5 triệu lượt khách như dự kiến. Vì vậy, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã họp bàn và triển khai các giải pháp cơ bản để kéo khách quốc tế đến Việt Nam.
Phòng trống, khách sạn vẫn “chảnh”
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 11 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3.877.754 lượt, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kế hoạch của ngành du lịch là tăng từ 12% đến 17%.
Bên cạnh đó, lượng khách từ các thị trường truyền thống cũng giảm rõ rệt như Nhật Bản (giảm 5,9%), Hàn Quốc (3,5%), Pháp (1,6%), Đài Loan (Trung Quốc) (3,1%), Bỉ (12,6%), Thụy Sĩ (7,4%), Italia (8,5%)...
Riêng thống kê của các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế cho thấy, lượng khách đến Việt Nam bắt đầu giảm từ mùa thấp điểm (khoảng tháng 5), sau đó trượt dài sang các tháng cao điểm (từ tháng 9 đến cuối tháng 11) và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trước tình trạng suy giảm lượng khách, nhiều doanh nghiệp lữ hành dự báo sau Tết Kỷ Sửu 2009, tình hình sẽ còn ảm đạm hơn.
“Lượng khách giảm trung bình 20%, chưa kể số lượng khách đặt tour từ châu Âu, Mỹ đến Việt Nam bị hủy rất lớn”, giám đốc một công ty du lịch lớn tại TPHCM thừa nhận. Như vậy, “dịch SARS” một lần nữa lại tái hiện đối với ngành du lịch Việt Nam!
Trong khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các doanh nghiệp lữ hành đang loay hoay tìm giải pháp để kéo khách quốc tế đến Việt Nam, thì nhiều khách sạn cao cấp vẫn… “đuổi” khách. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, bức xúc: “Mặc dù khách sạn hiện nay vắng như… chùa Bà Đanh, nhưng nhiều khách sạn cao cấp vẫn gửi hợp đồng thuê phòng cho năm 2009 với mức giá tăng từ 15%-20%!? Với mức giá hiện nay, chỉ những khách chưa đến Việt Nam mới chấp nhận giá tour và giá phòng cao, còn khách đến rồi sẽ “bỏ chạy” sang các điểm đến lân cận”.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế còn cho biết: “Không chỉ khách nước ngoài từ chối đến Việt Nam mà ngay cả khách Việt Nam cũng “xuất ngoại” để tổ chức hội thảo, hội nghị vì đỡ tốn kém hơn tổ chức trong nước”!
Không chỉ có khách sạn, dịch vụ vận chuyển hiện nay cũng “chảnh” không kém. Mặc dù giá xăng dầu đã giảm đáng kể, nhưng các điểm cho thuê xe du lịch vẫn giữ nguyên giá cho thuê hoặc có giảm nhưng không đáng kể.
Phản ứng chậm, nặng tính lý thuyết
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP 12 Giờ, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, bức xúc: “Mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm từ những ngày giữa năm, nhưng các ngành chức năng lại phản ứng quá chậm, bây giờ mới bắt đầu tổ chức… hội thảo, tìm giải pháp! Giải pháp đưa ra cũng vẫn mang tính lý thuyết như xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khuyến mãi; các khách sạn, hãng hàng không phải cam kết giảm giá; khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới; tổ chức các đoàn famtrip và press trip vào Việt Nam; tổ chức các sự kiện du lịch để thu hút khách; tham gia hội chợ du lịch quốc tế để quảng bá… Những giải pháp này chúng ta đã đưa ra và bàn luận từ… vài năm trước rồi!”.
Cũng theo ông Khánh, để kéo khách quốc tế đến Việt Nam, giải pháp cấp bách hiện nay là phải chọn ra 5 thị trường du lịch trọng điểm (chiếm khoảng 50% - 60% lượng khách đến Việt Nam) để tập trung quảng bá. Tiếp đến cần phải xây dựng mối quan hệ giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch như hàng không, khách sạn, vận chuyển, ăn uống, mua sắm và lữ hành. Không thể để xảy ra mãi tình trạng mỗi đơn vị làm giá một kiểu như hiện nay.
Một trong những giải pháp để kéo khách đến Việt Nam được doanh nghiệp quan tâm nhất trong “Chương trình hành động của ngành du lịch nhằm khôi phục nhịp độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam ” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là đối với từng thị trường khách quốc tế, sẽ cử ra các doanh nghiệp lữ hành làm trưởng nhóm.
Để được làm trưởng nhóm, doanh nghiệp đó phải là doanh nghiệp hàng đầu về lượng khách quốc tế của thị trường đó. Theo đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam chỉ định, với 86.000 khách Nhật trong năm qua, Công ty Du lịch Apex sẽ là trưởng nhóm thị trường này; thị trường ASEAN sẽ do Vietravel làm trưởng nhóm; Pháp, Tây Âu do Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist làm trưởng nhóm; thị trường Australia do Công ty Du lịch Vidotour làm trưởng nhóm.
Không những vậy, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các doanh nghiệp lữ hành; phê duyệt quy chế quản lý phương tiện vận chuyển của khách du lịch vào Việt Nam; miễn thuế nhập khẩu xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên để khuyến khích các doanh nghiệp nhập xe…
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DLVN: “Chương trình hành động này không hề đơn giản, đòi hỏi phải có lộ trình và có bước đi rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải “vừa làm vừa chạy” để tháng 1-2009 chúng ta sẽ phải cho ra đời các sản phẩm du lịch khuyến mãi. Tiếp đến, Tổng cục Du lịch sẽ công bố chiến dịch khuyến mãi mang tầm quốc gia, đồng thời tổ chức quảng bá xúc tiến rộng rãi các đợt khuyến mãi này trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước”.
Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, chương trình hành động này đã nhận được nhiều tín hiệu lạc quan. Riêng Vietnam Airlines đưa ra cam kết giảm mạnh giá vé để khách quốc tế vào Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, mua sắm, ăn uống…, chậm nhất cuối tháng 12-2008 sẽ đưa ra những cam kết về giảm giá để kích cầu chung cho thị trường du lịch Việt Nam.
(Theo báo điện tử SaiGon Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com