“Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay”, khi viết lời bài hát đó, con tàu đưa nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đi từ Bắc vào Nam phải mất tới gần 1 tuần. Lúc ấy, chưa ai hình dung được, sẽ có một ngày con tàu đi dọc Việt Nam chỉ còn mất chừng hơn 6 giờ đồng hồ.
Hiện thực hóa giấc mơ của đường sắt Việt Nam
Cách đây hơn 73 năm, vào tháng 10-1936, tuyến đường sắt Bắc Nam được chính thức khai trương. Bom đạn của 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ làm cho những cung đường cứ đứt rồi lại nối. Không biết đã có bao nhiêu chuyến tàu xanh màu lá ngụy trang chở đầy ắp vũ khí, đạn dược, chở bộ đội miền Bắc lên đường vào Nam chiến đấu. Những ngày ấy, thời gian để hoàn thành cuộc hành trình không thể đong đếm được. Có khi là 1 tuần, có khi là 10 ngày, tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện khách quan.
Một tuyến đường sắt cao tốc tại Trung Quốc. |
Sau ngày thống nhất đất nước, ngành đường sắt đã ra sức nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt này và nỗ lực rút ngắn hành trình, từ 42 tiếng xuống 40 tiếng, rồi 36 tiếng, 32 tiếng và bây giờ, chuyến tàu ngắn nhất đang chạy là 29 tiếng đồng hồ. Chị Phùng Thị Lý Hà, phó trưởng ga Hà Nội cho biết, mỗi 1 phút, 1 giờ rút ngắn hành trình là nỗ lực của cả một bộ máy, thế nhưng, không thể phủ nhận được đây vẫn là tuyến đường sắt có tốc độ lưu thông thấp vào loại nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam ra đời, nằm trong Chiến lược phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam không chỉ là giấc mơ của những người dân muốn Bắc Nam gần lại mà còn là giấc mơ của ngành đường sắt Việt Nam. Theo dự án, tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 1.630km.
Đây sẽ là đường đôi điện khí hóa, khổ đường rộng 1,435m. Trên toàn tuyến sẽ có 10 ga: Ngọc Hồi, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang, Phan Thiết, An Bình. Dự án có tổng kinh phí khoảng 33 tỷ USD, trong đó, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng (70%) sẽ do Nhà nước đảm nhận, vốn đầu tư mua sắm phương tiện (30%) sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đảm nhận. Tuyến đường sắt này sẽ được xây dựng mới và khai thác song hành với tuyến đường sắt Bắc Nam cũ.
Cần 2 tỷ USD để giải phóng mặt bằng
Đó là chi phí dự kiến do Liên doanh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC) vừa mới đưa ra. Theo tính toán của VJC, với chiều dài khoảng 1.630km, toàn tuyến sẽ cần 4.261 ha đất, trong đó trên 70% là đất nông, lâm nghiệp, 20% đất khu vực dân cư nông thôn, 10% là khu vực thành phố; số hộ sẽ phải giải phóng mặt bằng là hơn 10.000 hộ và 7.000 hộ nông dân bị thu hồi đất.
Theo ông Nguyễn Hữu Bằng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chủ đầu tư dự án, trong lúc tình hình kinh tế thế giới đang hết sức khó khăn, việc huy động được số vốn trên không đơn giản. Tuy nhiên, với quyết tâm của ngành đường sắt, dự án vẫn tiếp tục triển khai. Cho đến thời điểm này, nhiều khâu quan trọng của dự án đã được thực hiện.
Theo VJC, nếu dự án được triển khai thuận lợi, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ được đưa vào khai thác theo các mốc thời gian dự kiến. Cụ thể, năm 2020 sẽ bắt đầu chạy tàu đoạn Hà Nội - Vinh với thời gian 1 giờ 24 phút và đoạn Sài Gòn - Nha Trang với thời gian 1 giờ 30 phút. Đoạn Hà Nội - Đà Nẵng sẽ khai thác vào năm 2030 với thời gian chạy 3 giờ và đoạn cuối Hà Nội - Sài Gòn sẽ khai thác vào năm 2035, thời gian chạy là 5 giờ 30 phút với tàu nhanh và 6 giờ 30 phút với tàu thường. Được biết, giá vé đường sắt cao tốc này dự kiến sẽ gần với giá vé máy bay ở các tuyến tương ứng.
(Theo báo điện tử Nhân dan)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com