Một góc Hà Tiên |
Cách đây 300 năm, Hà Tiên được biết đến như một thương cảng quốc tế. Đây là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa cư dân bản địa với thương nhân trong khu vực. Cùng với phát triển kinh tế, vùng đất này còn là chiếc nôi văn hóa, thi phú. Những giá trị văn hóa, kinh tế lịch sử đó đã tạo thế đứng riêng cho Hà Tiên. Ngày nay, thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) có nhiều lợi thế để phát triển theo định hướng xây dựng một đô thị Hà Tiên gắn với kinh tế biên giới, biển đảo... Hà Tiên đang hướng đến phát triển đô thị văn hóa-du lịch.
* LỢI THẾ RIÊNG
Thời gian gần đây, Chính phủ và tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm đến phát triển khu đô thị Hà Tiên. Không chỉ vậy, việc xây dựng và phát triển đô thị Hà Tiên còn được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Giới chuyên môn đề xuất giải pháp, dù phát triển hiện đại đến đâu cũng phải giữ cho Hà Tiên những đặc trưng vốn có của nó từ ngàn xưa. Không thể chạy theo những tiêu chí đô thị loại hai, loại ba mà phải là một đô thị đặc trưng riêng, nhằm phát huy những giá trị của một di sản. Hà Tiên là một đô thị biên giới rộng 8.851,5ha; trong đó, đầm ngập mặn Đông Hồ chiếm 1.047 ha, địa hình nơi đây khá đặc biệt, hiếm có nơi nào có được. Đô thị hiện tại nằm ở vùng đồng bằng, nhiều núi non, hải đảo. Riêng quần thể núi đá vôi Hà Tiên và Hòn Chông là hệ sinh thái núi đá vôi độc đáo của thế giới và duy nhất của khu vực Nam Bộ, nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Việt Nam (Kinh- Hoa- Khmer).
Nằm trên trục quốc lộ 80, Hà Tiên có cửa khẩu quốc tế với vị trí quan trọng trong giao thương quốc tế cho cả khu vực bán đảo Cà Mau với Campuchia. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, với tính chất đô thị có truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch nổi bật, phương án phát triển phù hợp nhất đối với Hà Tiên là trở thành “đô thị du lịch” vừa khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường. Ngoài ra, trục Hà Tiên - Phú Quốc không chỉ phát huy lợi thế hai khu vực mà còn tận dụng các đầu mối giao thông đối ngoại của Phú Quốc (sân bay, cảng biển quốc tế), đồng thời tăng cường năng lực giao thông vận tải hành khách đường biển và Phú Quốc sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng nhất với du lịch Hà Tiên. Với định hướng phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế chất lượng cao, Phú Quốc rất cần khu vực hậu cần trên đất liền đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và Hà Tiên chỉ cách Phú Quốc 40 km sẽ đủ năng lực đảm nhận chức năng này. Mặt khác, tài nguyên du lịch độc đáo của Hà Tiên sẽ là sự bổ sung lý tưởng, nâng tính cạnh tranh cho sản phẩm du lịch của Phú Quốc.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến, Trưởng khoa Lịch sử- Đại học Huế, cho biết: “Từ xa xưa, Hà Tiên là một đô thị phồn thịnh. Sự phát triển thời gian qua của những nhà cao tầng, khu đô thị sầm uất đã gây tác động nhiều mặt đến việc bảo tồn những di sản văn hóa của vùng đất này. Vì vậy, các dự án xây dựng, kể cả dự án lấn biển để mở các khu đô thị mới cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Cần xây dựng kế hoạch kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố bảo tồn và phát triển, bởi rất nhiều địa phương trong nước đã phải trả giá rất đắt khi quy hoạch đô thị nhưng không chú trọng đúng mức yếu tố bảo tồn giá trị văn hóa của vùng đất...”. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bây giờ vẫn chưa muộn, phát triển đô thị Hà Tiên cần phải có quy hoạch chiến lược vừa phát triển vừa quản lý đô thị và kiến trúc. Trên cơ sở đó, Hà Tiên vẫn phát triển thành đô thị hiện đại hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan.
* KẾT NỐI QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI
Theo ý kiến của các chuyên gia, trong tổng thể kiến trúc hiện đại cần có điểm nhấn của một đô thị Hà Tiên cổ được phục dựng từ thời xưa. Ông Lâm Nghĩa Sỹ, Chuyên viên cao cấp Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang- người có nhiều nghiên cứu và tâm huyết với phát triển đô thị Hà Tiên, cho biết: “Có một thực tế đang diễn ra làm Hà Tiên bị biến dạng đáng lo ngại. Đó là sự thay đổi cảnh quan, sự mất dần của rừng và cây xanh núi đá vôi, sự hiện diện của văn hóa phân lô, văn hóa hình ống trong kiến trúc... Trữ lượng văn hóa cổ đang phai dần trong từng cá thể, từng động thái quản lý chứa những yếu tố thực dụng. Xây dựng và phát triển đô thị Hà Tiên nếu không khéo vẫn có được một đô thị hiện đại về cơ sở hạ tầng nhưng không thể phân định được đâu là cái riêng, rất riêng của Hà Tiên”. Theo ông Sỹ, nếu châm bẩm xây dựng theo tiêu chí của đô thị loại ba, loại hai... sẽ không có được một Hà Tiên đặc trưng nét riêng. Đây là giá trị mà nhiều nơi khác muốn có một chút riêng của Hà Tiên không có được... Do vậy, cần khôi phục lại những giá trị xưa cũ mang tính đặc trưng và cần thiết để đặt trong một không gian hiện đại của Hà Tiên.
Hiện nay, Hà Tiên được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất. Khu kinh tế cửa khẩu đang được hình thành với mục tiêu đưa Hà Tiên thành một đô thị biên giới sầm uất với nhiều hoạt động giao thương qua lại giữa hai bên biên giới Việt Nam- Campuchia. Khu bảo thuế Xà Xía rộng 52,5ha và cửa hàng miễn thuế rộng 2,4ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 180 tỉ đồng đang được khẩn trương thực hiện để thúc đẩy hoạt động kinh tế mậu biên. Như vậy, không lâu nữa, khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ đóng vai trò là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng của Kiên Giang và cả vùng ĐBSCL với một số nước khu vực Đông Nam Á. Cùng với cảng nước sâu Hòn Chông (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) khả năng đón nhận tàu 20.000 tấn (dự kiến tăng lên 60.000 tấn vào năm 2020) và cảng biển Bãi Nò - Hà Tiên, Hà Tiên có một vị trí chiến lược thuận lợi cả về đường bộ và đường thủy mà nhiều DN sẽ nhắm tới... Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến năm 2010, thị xã Hà Tiên phải phát triển thành một đô thị du lịch và doanh thu từ ngành công nghiệp không khói này đạt 185 tỉ đồng. Hiện nay, ngành du lịch Kiên Giang và các tỉnh có biển của Campuchia, Thái Lan đang liên kết để thực hiện tuyến du lịch đường biển và đường bộ ven biển qua ba nước.
Phát triển đô thị Hà Tiên nếu đi đúng hướng sẽ trở thành một điểm nhấn quan trọng trên bản đồ đô thị ĐBSCL và quốc gia. Hướng đi đã có. Vấn đề còn lại là con người- những cán bộ tâm huyết và có tầm nhìn để kết nối quá khứ và tương lai của Hà Tiên. Bên cạnh đó là sự đồng thuận của người dân nhằm phát triển một đô thị văn hóa-du lịch mang đậm nét riêng của vùng đất cực Tây-Nam của Tổ quốc.
(Theo THÀNH NGUYỄN // Cần Thơ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com