Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Việt Nam vượt khó

Tại Lễ hội công bố Năm du lịch Quốc gia
mang tên Duyên kỳ ngộ Thăng Long, tại
Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội.
 Trong báo cáo mới đây về tình hình du lịch toàn cầu, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra một con số đáng lo ngại: Hoạt động du lịch bốn tháng đầu năm 2009 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cũng cho biết, dự tính lượng khách đến châu lục này trong năm nay sẽ giảm khoảng 4%. Cùng bối cảnh đó, hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam sụt giảm từ 5 đến 37% lượng khách. Dẫu vậy, ngay từ cuối năm 2008, những nỗ lực kích cầu du lịch đã le lói khả năng vượt qua suy thoái...

Khó người, khó ta

Kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của sự suy thoái và cùng đó là dịch cúm A (H1N1) đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, sự biến động của tỷ giá hối đoái, hoạt động kinh doanh không ổn định và niềm tin của người tiêu dùng chưa phục hồi cũng là những yếu tố tác động xấu tới triển vọng du lịch. Tại hội nghị du lịch toàn cầu ở Bra-xin mới đây, các chuyên gia dự báo, ngành "công nghiệp không khói" thế giới có thể phải gánh chịu thiệt hại hơn hai tỷ USD do dịch cúm A (H1N1) trong thời gian từ nay đến hết năm 2010. Ở chặng vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, ngành du lịch của nhiều quốc gia cần sự trợ giúp của chính phủ, kể cả các khoản cho vay ưu đãi. UNWTO cũng nhận định, thị trường du lịch thế giới khó có thể phục hồi trước năm 2010.

Ðể "ngành kinh tế mũi nhọn" nước ta sớm vượt qua thời kỳ suy thoái, rất nhiều biện pháp đã được đưa ra như tăng cường quảng bá tại nước ngoài; giảm giá các dịch vụ liên quan đến du lịch như giá vé máy bay, dịch vụ khách sạn và lữ hành; cố gắng khôi phục thị trường ngoài nước nhưng không quên thị trường nội địa; coi trọng hơn nữa vai trò chủ động của chính quyền địa phương trong việc phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch... song tất thảy những cố gắng ấy dường như vẫn chưa đẩy qua được thế "cầm cự". Từ đầu năm, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã dự báo, mùa du lịch trọng điểm hè 2009 có khả năng sẽ thưa vắng khách. Các đơn vị lữ hành có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở tua; kéo theo đó, các cơ sở lưu trú và dịch vụ song hành sẽ rơi vào cảnh ế ẩm. Tính đến lúc này, dự báo trên cơ bản chính xác. Khách quốc tế đến Việt Nam trong chín tháng qua đạt hơn 2,7 triệu lượt người, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện vẫn phải chấp nhận nghịch lý: đầu tư nhiều (cải thiện cơ sở vật chất, bổ sung sản phẩm du lịch...) nhưng doanh thu vừa phải, lợi nhuận thấp (do giảm giá dịch vụ, khuyến mãi...). Riêng với các cơ sở dịch vụ may mặc và đồ lưu niệm, khó khăn lớn nhất hiện nay là bán hàng rất chậm, do phần lớn du khách hạn chế mua sắm.

Tin vào khả năng ứng phó

Dẫu sao, du lịch Việt Nam vẫn le lói những điểm sáng. Lượng khách du lịch nội địa bảy tháng đầu năm tăng khoảng 13%, ước đạt 13,72 triệu lượt. Thu nhập xã hội về du lịch ở hầu hết các vùng trọng điểm đều có sự tăng trưởng. Thu nhập xã hội từ du lịch trên cả nước sáu tháng đầu năm ước đạt 32,4 nghìn tỷ đồng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2008. Không chỉ lo phục hồi, nhiều "điểm đến" đang sửa soạn hành trang mới để tiếp tục phát triển tương xứng một khi nền kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng. Bên cạnh sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp chính quyền và các tổ chức kinh tế, tinh thần chủ động cùng khả năng ứng phó nhanh nhạy, kịp thời của địa phương và các công ty du lịch vẫn là yếu tố quyết định. Tại hai điểm đến Hội An và Mỹ Sơn chẳng hạn, ngay trong thời điểm này, lượng khách tìm đến hằng ngày vẫn khá đông. Cũng bởi vậy mà từ đầu năm đến nay vẫn có hơn nửa triệu du khách quốc tế đến Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác cũng đã ghi nhận những kết quả bước đầu của thời vượt khó. Bên cạnh giải pháp kích cầu được triển khai từ cuối năm 2008, một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang tăng cường quảng bá hình ảnh và thu hút khách thông qua việc mở thêm nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá phòng, tặng thêm ngày lưu trú. Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời điểm khó khăn này, chiến lược của ngành du lịch là thu hút khách ở thị trường gần như Hồng Công, Ðài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan... và những tỉnh ven biển Trung Quốc như Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam. Thống kê mới đây của Tổng cục Du lịch cho biết, số du khách đến Việt Nam trong tháng chín vừa qua đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hành trình mới

Khó khăn cũng là dịp để ngành du lịch nhìn kỹ lại nhiều điều. Rõ nhất là cái yếu trong hoạch định chính sách mang tính chiến lược để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Từng nhắm đến mục tiêu phát triển Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của thế giới với khoảng sáu triệu lượt khách quốc tế trong năm 2010, nhưng với lượng khách đến như hiện nay, mục tiêu ấy xem ra khó đạt được. Trong xây dựng chiến lược mới (giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030), du lịch Việt Nam hy vọng tạo nên một bước đột phá, tập trung vào các vấn đề: Xây dựng sản phẩm du lịch, tuyên truyền quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác và hội nhập quốc tế, phát triển tổ chức lãnh thổ về du lịch. Ðó cũng chính là những hạn chế cơ bản của ngành du lịch. Và để cụ thể hóa từng bước, từ nay đến cuối năm 2009, Tổng cục Du lịch đưa ra bảy nội dung và là mục tiêu hướng đến cần giải quyết. Trong đó, chủ động sử dụng kinh phí đã được phân bổ, tăng cường xúc tiến tại thị trường lớn Trung Quốc, lập đề án thành lập kênh truyền hình cáp chuyên về du lịch, thi sáng tác biểu tượng và khẩu hiệu cho ngành du lịch giai đoạn 2011 - 2015, tăng cường bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Mục tiêu là mỗi địa phương phải tạo sản phẩm du lịch độc đáo riêng chứ không lặp lại sản phẩm của nơi khác. Các sản phẩm du lịch được hình thành dựa trên ba yếu tố: Du lịch biển với những tiềm năng mà nước khác không có; những công trình kiến trúc, di sản văn hóa được thế giới công nhận; những điểm khác biệt văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên cả nước.

Mặt khác, để tiếp tục kích cầu, ngành du lịch tập trung vào năm nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, tiếp tục chương trình "Ấn tượng Việt Nam". Thứ hai, thực hiện chiến dịch quảng bá xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài. Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực (trực tiếp và lâu dài). Thứ tư, tập trung định hướng để tiếp tục thúc đẩy đầu tư, chuẩn bị cơ sở vật chất và nâng cấp chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch. Thứ năm, khẩn trương chuẩn bị những nội dung lớn cho năm 2010. (Thí dụ như năm du lịch quốc gia tại Hà Nội, các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các hoạt động tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam và các chương trình hành động quốc gia, chương trình xúc tiến du lịch trong năm 2010)...

Hiện chúng ta đang nghĩ đến một chỉ tiêu mới, sát thực hơn là từ 3,7 đến 3,8 triệu lượt khách trong năm 2009 so với chỉ tiêu đặt ra từ năm 2008 là 4,5 triệu lượt. Nhưng, xin nhấn mạnh, để thu hút khách nước ngoài trở lại Việt Nam, ngành du lịch cần lưu ý hơn đến một kế hoạch xúc tiến quảng bá xuyên suốt và thống nhất, vì hiện nay đang có sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường quốc tế và khu vực. Ðây cũng chính là một điểm yếu căn bản mà ngành du lịch cần sớm vượt qua.

(Theo Lê Mạnh Tuấn // Báo Nhân dân điện tử)

  • Khách xuất nhập cảnh tại Đà Nẵng trong 10 tháng đầu năm 2009 giảm mạnh
  • Du lịch Bình Thuận kết hợp huấn luyện Teambuilding
  • Xây trung tâm xúc tiến du lịch Việt tại Pháp
  • Hà Nội khai thác du lịch vòng cung Đông Bắc
  • Chuyến đi chơi hấp dẫn cuối tuần
  • 3-12: Bay từ TP HCM đến Phuket (Thái Lan) giá chỉ có 25 đô la
  • Xây dựng khu mua sắm phục vụ khách du lịch: Tại sao không?
  • Du lịch An Giang : Những bước đi đột phá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com