Sáng tạo từ khâu tổ chức
Một trong những tour truyền thống về nguồn được chú ý trong thời gian qua là cuộc hành trình về thăm con đường Trường Sơn huyền thoại. Gần 100 du khách, là những cựu chiến binh Trường Sơn, những người yêu mến sự khám phá, tìm hiểu lịch sử truyền thống, xuất phát từ TP Hồ Chí Minh lên các tỉnh Tây Nguyên và điểm đến cuối cùng là tỉnh Quảng Trị. Dọc cuộc hành trình, các du khách dừng chân tại các buôn làng, di tích lịch sử gắn bó với những chiến công vang dội của Bộ đội Trường Sơn năm xưa. Tour về nguồn này do Caravan Việt tổ chức. Nếu như các hình thức du lịch khác, thường lấy chức năng giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách làm chính, tìm hiểu truyền thống chỉ là hoạt động bổ trợ, thì Caravan Việt lại có cách làm ngược lại. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ điều hành Caravan Việt cho hay: "Phương châm hoạt động của chúng tôi là gắn du lịch với giáo dục truyền thống. Ðây là một hướng đi mới được Tổng cục Du lịch khuyến khích, hoan nghênh, nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử dân tộc trong cộng đồng. Chúng tôi có nhiều hình thức làm mới du lịch về nguồn để thu hút du khách...".
Cách làm của Caravan Việt là "đón đầu" các sự kiện lịch sử, văn hóa để tổ chức tour và hướng đến đối tượng du khách là các gia đình, hội, nhóm... hình thành những cộng đồng cùng mục đích khám phá, tìm hiểu văn hóa lịch sử. Trước khi tổ chức tour, họ nghiên cứu rất kỹ các địa điểm cần đến, sau đó mời những nhân chứng của các sự kiện lịch sử đi theo đoàn. Trong tour về đường Trường Sơn lần này, trước khi khởi hành, Caravan Việt tổ chức một buổi họp mặt, giao lưu giữa các du khách với đại biểu cựu chiến binh Trường Sơn. Dọc hành trình, thay vì du khách sẽ tìm hiểu sự kiện lịch sử thông qua lời của các hướng dẫn viên du lịch, Caravan Việt mời những đại biểu cựu chiến binh Trường Sơn từng gắn bó, chiến đấu tại địa danh đó đi cùng đoàn để kể lại sự kiện ngay tại chỗ. Nguyễn Thanh Tuấn tâm sự: "Làm được điều này đòi hỏi quá trình chuẩn bị hết sức công phu. Chúng tôi tìm hiểu qua Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sơn tại TP Hồ Chí Minh. Thật may mắn khi chúng tôi đã gặp và nhận được sự cộng tác tích cực của một số cựu chiến binh từng tham gia mở đường Trường Sơn trong giai đoạn đầu. Một trong số các nhân chứng quan trọng là ông Nguyễn Văn Thắng, người được giao nhiệm vụ đi tiền trạm, làm công tác dân vận, xác định vị trí mở đường Trường Sơn ở tuyến Hướng Hóa (Quảng Trị) đến biên giới Lào. Rất mừng là những sự kiện giai đoạn đó, đến nay ông Thắng vẫn nhớ rất rõ, dù đã trên tám mươi tuổi...".
Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Thắng. Ông tỏ ra rất phấn khởi khi trở thành "hướng dẫn viên" du lịch của tour về nguồn Trường Sơn. "Làm được gì để cho lớp trẻ hôm nay thấu hiểu và tự hào về truyền thống Bộ đội Trường Sơn là chúng tôi sẵn sàng". - Ông nói.
Trước đó, khi hai cuốn sách "Nhật ký Ðặng Thùy Trâm" và "Mãi mãi tuổi hai mươi" trở thành sự kiện chính trị - văn hóa thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ, Nguyễn Thanh Tuấn cũng đã lặn lội đến tận núi rừng Ba Tơ, nơi chị Trâm từng sống, chiến đấu và hy sinh, tìm hiểu địa hình, gặp gỡ nhân chứng để tổ chức các tour về nguồn, tạo nên hình thức sinh hoạt chính trị, truyền thống sống động, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Ðiểm nhấn văn hóa truyền thống
Một trong những địa phương đi đầu cả nước về làm mới du lịch truyền thống là Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi thử nghiệm tái hiện hình thức bắn súng thần công khai hội du lịch ba năm trước, đến nay, ngành văn hóa - du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát triển hình thức này thành một lễ hội văn hóa, quy mô hoành tráng. Dưới sự cố vấn của các chuyên gia văn hóa, các nhà sử học, lễ hội bắn súng thần công được tổ chức, dàn dựng bằng hình thức sân khấu hóa, tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng thời kỳ đầu kháng Pháp. Theo ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bắn súng thần công trở thành một điểm nhấn văn hóa, một sản phẩm du lịch về nguồn độc đáo của vùng biển Vũng Tàu.
Tại TP Hồ Chí Minh, khu du lịch văn hóa Suối Tiên là nơi chú trọng yếu tố về nguồn bằng hàng loạt công trình tái hiện các truyền thuyết lịch sử văn hóa dân tộc như: Sự tích An Dương Vương xây thành Cổ Loa, truyền thuyết Thạch Sanh - Lý Thông, truyền thuyết về thiên đàng - âm phủ... mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ðặc biệt, khu du lịch Ðại Nam (Bình Dương) là một quần thể công trình kiến trúc về lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thái, khai thác các yếu tố về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng... đang ngày càng trở thành xu thế của du lịch. Nếu nói du lịch là hình thức, phương tiện quảng bá hình ảnh đất nước hiệu quả nhất, thì việc tạo ra sản phẩm du lịch thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc chính là cách nâng cao chất lượng chủ đề, nội dung quảng bá.
Gắn kết du lịch với văn hóa
Trên thực tế, du lịch truyền thống, nhất là các tour về nguồn thường chỉ tập trung ở một số địa chỉ nổi tiếng. Gắn kết giữa du lịch với văn hóa, thúc đẩy giáo dục truyền thống thông qua hệ thống di tích lịch sử - văn hóa là vấn đề được đề cập rất nhiều nhưng hiệu quả còn hạn chế. GS, TS Trần Văn Khê cho rằng, cái yếu và thiếu của chúng ta hiện nay là vốn văn hóa dân tộc đang bị coi nhẹ, chưa được khai thác đúng mức để có thể trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Vùng, miền nào trên cả nước cũng có âm nhạc dân tộc, biểu hiện qua ca dao, dân ca và các loại hình âm nhạc truyền thống... nhưng việc bảo tồn, phát triển giá trị ấy chưa được coi trọng. Khai thác những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng cũng chính là cách làm mới du lịch, bởi suy cho cùng, sản phẩm du lịch chính là cái ta có mà người khác (nơi khác) không có. Những điều ấy không thể làm theo kiểu phong trào.