Thậm chí một số tỉnh còn chưa phát triển được du lịch, để lãng phí nguồn tài nguyên du lịch quý báu trong thời gian dài. Đã đến lúc các địa phương trong vùng cần bắt tay, liên kết lẫn nhau để đưa du lịch phát triển nhanh, bền vững.
Xây dựng nhóm sản phẩm đặc thù
Hiện nay, các sản phẩm du lịch đồng bằng sông Hồng tập trung khá đa dạng và phong phú như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch kết hợp thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng chữa bệnh…
Nhưng thực sự các sản phẩm này chưa thực sự đủ thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế. Từ năm 2000-2008, lượng khách quốc tế đến đây chỉ chiếm từ 20-25% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, khách nội địa cũng dao động từ 25-30%. Riêng trong năm 2008, toàn vùng đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế (chiếm 20,7% so với cả nước) và 14,9 triệu lượt khách nội địa…
Một trong số nguyên nhân lý giải tình trạng “kém” thu hút khách của vùng chính là các địa phương chưa xây dựng được sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với từng đối tượng khách, sản phẩm chồng chéo gây nhàm chán cho du khách và thiếu sự phối hợp tầm vĩ mô giữa các địa phương.
Liên kết, bắt tay để xây dựng nhóm sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Hồng là việc cần tiến hành nhanh. Các sản phẩm du lịch đặc thù sẽ góp phần tạo ra sự độc đáo, tăng tính hấp dẫn của du lịch toàn vùng đồng thời phát triển du lịch từng địa phương.
Nhiều “kịch bản” liên kết để xây dựng sản phẩm đặc trưng nhằm phát triển du lịch vùng đã được đưa ra.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương (Viện nghiên cứu phát triển du lịch) cho biết, nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đồng bằng sông Hồng cần được tập trung nghiên cứu, phát triển là du lịch văn hóa, trong đó chú trọng khai thác các giá trị văn hóa đã được quốc tế công nhận là các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như quan họ Bắc Ninh, ca trù; các di tích lịch sử nổi trội như Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa…
Tiến sĩ Lương cũng đặc biệt lưu ý tới các giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ ở các làng quê cần được khai thác để tạo ra sản phẩm đặc thù không chỉ khác biệt với sản phẩm du lịch các vùng khác mà còn góp phần tạo sự khác biệt giữa sản phẩm du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực...
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường,Tổng cục Du lịch lại đề xuất: Du lịch văn hóa và du lịch tâm linh sẽ là sản phẩm du lịch chính đặc thù của vùng đồng bằng sông Hồng.
Bởi lẽ nét nổi bật nhất của đồng bằng sông Hồng chính là nền văn minh lúa nước, di tích lịch sử gắn với các anh hùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, gắn với tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời vùng còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 di sản đã được UNESCO công nhận...
Ngoài nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của toàn vùng, vẫn cần có các sản phẩm du lịch phát huy lợi thế về tính đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch trong vùng để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Do đó, ông Phạm Trung Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất liên kết Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình nhằm phát triển du lịch vùng ven biển đồng bằng sông Hồng, khai thác tiềm năng khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) và châu thổ sông Hồng (Thái Bình, Nam Định)…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định mong muốn kết nối dòng văn hóa Trần tại Nam Định trong mối liên hệ với các địa danh liên quan ở Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, thủ đô Hà Nội để khai thác và phát huy có hiệu quả hơn nữa giá trị văn hóa Trần hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trong không gian văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng...
Cần một "nhạc trưởng"
Du lịch vùng đồng bằng sông Hồng sẽ không thể phát triển mạnh và bền vững nếu không đặt trong mối quan hệ liên vùng, khai thác bản sắc đặc trưng của vùng. Do đó, hơn lúc nào hết, du lịch đồng bằng sông Hồng cần có một "nhạc trưởng" điều hành tổng thể quy hoạch phát triển du lịch chung cho toàn vùng.
Theo ý kiến của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, "Nhạc trưởng" đó chính là Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Tổng cục Du lịch sẽ đóng vai trò chính trong việc tạo dựng sản phẩm mang tính đặc thù của mỗi địa phương trong tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng để sản phẩm không trùng lặp. Dựa trên sản phẩm du lịch đặc thù, các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế có thể xây dựng các chương trình du lịch theo chuyên đề làng nghề sinh thái, văn hóa lịch sử...nối các điểm du lịch thành tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Sự kết nối tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng chính là sự chia sẻ các sản phẩm du lịch trong cùng một tour du lịch với các sản phẩm đặc sắc nhất, và đó chính là yếu tố giữ chân du khách. Các địa phương trên cơ sở quy hoạch sản phẩm du lịch vùng cần tiến hành khảo sát, đánh giá lại toàn bộ các tài nguyên du lịch sẵn có, từ đó lựa chọn phần hấp dẫn nhất, độc đáo nhất để quy hoạch thành điểm đến khoa học, bền vững trong mối quan hệ phát triển du lịch chung với vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là trung tâm du lịch Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường của Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, thời gian tới, đồng bằng sông Hồng cần xây dựng một kế hoạch tuyên truyền, quảng bá chung trong kế hoạch tổng thể liên kết phát triển du lịch. Từng địa phương nên chú trọng quảng bá để xây dựng thương hiệu du lịch trên cơ sở một sản phẩm, một loại hình du lịch đặc sắc nhất.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch một cách bền vững cũng cần liên kết, phối hợp quản lý bảo vệ, khai thác các tài nguyên thiên nhiên và nhân văn khi tiến hành xây dựng các sản phẩm du lịch../.