Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mô hình “thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái”:Tốt, nhưng còn nhiều bất cập

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức đánh giá mô hình "thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái" sau 5 năm thực hiện thí điểm ở một số tỉnh, thành phố.

Các ý kiến tại hội nghị đều ghi nhận: Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình này còn tạo lợi ích cho cả "ba nhà" (Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân). Tuy nhiên, vẫn còn những kẽ hở về pháp lý trong hoạt động này.

Khắc phục tình trạng phá rừng sinh thái

Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì, những năm trước đây, khi chưa thực hiện mô hình DN "thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái", việc quản lý rừng rất khó khăn, tình trạng chặt cây, phá rừng diễn ra rất khó ngăn chặn do phạm vi quản lý quá lớn (hàng nghìn héc ta). Trong khi đó, các khu du lịch lại rất nghèo nàn do không có môi trường sinh thái để đầu tư bồi đắp, thu hút du khách. Vì vậy, mô hình "thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái" được các DN kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương đón nhận rất hào hứng. Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) là đơn vị tiên phong trong việc phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng. Nhờ có ưu thế nằm ngay trên địa bàn Thủ đô, lại là nơi có 812 loài thực vật bậc cao, 46 loài thú, 115 loài chim, 15 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, gần 400 loài thực vật có giá trị làm thuốc, nhiều loại chim thú quý như chồn bay, beo, gà lôi... sinh sống, nơi đây là địa điểm khá lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân cho biết: Hiện nay có 20 đơn vị đang kinh doanh du lịch với nhiều hình thức khác nhau quanh Vườn Quốc gia Ba Vì. Trong đó hai DN là Công ty Công nghệ Việt - Mỹ và Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Minh đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt phương án đầu tư và được phép kinh doanh hoạt động du lịch sinh thái. Ngay sau khi được thuê môi trường rừng, hai công ty này đã đầu tư trên 250 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng kiên cố như biệt thự, bể bơi, nhà nghỉ, thu hút khách. Nhờ vậy, nguồn thu ngân sách huyện Ba Vì từ du lịch năm 2008 đã tăng gấp gần 7 lần so với năm 2002. Đáng nói nhất là môi trường rừng đã có chủ nên được bảo vệ tốt. Ông Đỗ Khắc Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì nhận định: Ngoài khoản thu từ cho thuê môi trường rừng vào ngân sách, việc các DN kinh doanh du lịch đầu tư tôn tạo, trồng mới để tạo môi trường sinh thái đã phục hồi được số diện tích đất rừng trống do bị chặt phá trước đây. Rừng được quản lý tốt, không xảy ra tình trạng rừng cháy hoặc bị người và gia súc phá hoại. Không những thế, hoạt động du lịch còn góp phần nâng cao dân trí, tạo thêm việc làm cho nhiều người dân địa phương. 

Cơ sở pháp lý thiếu và không rõ ràng

Bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế, xã hội của việc cho thuê môi trường rừng đặc dụng, vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại bởi tính pháp lý của hợp đồng do các vườn quốc gia ký với DN kinh doanh hoạt động du lịch còn chưa chặt chẽ. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục phó Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện cơ sở pháp lý của việc cho thuê môi trường rừng rất thiếu. Là đề án thí điểm nhưng trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho thuê chưa được quy định rõ ràng, chưa có cơ sở pháp lý để xử lý các tranh chấp, gây khó khăn cho cơ quan chủ quản trong việc quản lý nhà nước đối với diện tích đã cho thuê làm du lịch sinh thái. Ông Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo băn khoăn: "Nếu DN không tiếp tục đầu tư mà chuyển nhượng lại khu du lịch thì ai đứng ra xác nhận? Cơ quan nào có thẩm quyền cho thuê môi trường rừng, chính quyền địa phương, Bộ NN&PTNT hay Vườn Quốc gia?".  Ông Ái còn cho rằng: Giá thuê môi trường rừng không ổn định thì nhà đầu tư rất khó khăn trong việc hoạch định chiến lược đầu tư cũng như huy động vốn. Một số ý kiến khác cũng cho rằng: Cần phải quy định cụ thể mức bồi thường cho DN đầu tư hạ tầng vào rừng sinh thái khi Nhà nước thu hồi đất làm công trình khác và mức đầu tư bắt buộc của DN đối với việc bảo tồn rừng để có hiệu quả. Giám đốc các vườn quốc gia Ba Vì, Bạch Mã, Cúc Phương còn cho biết thêm: Việc xác định tỷ lệ sử dụng diện tích đất lâm nghiệp trong rừng đặc dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng; tỷ lệ phần trăm cho phép bị tác động (tiếng ồn, khói, bụi, rác thải…) do du khách gây ra vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn việc sử dụng nguồn tiền thu từ việc cho thuê môi trường rừng...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị thừa nhận: Đây là mô hình mới nên còn một số bất cập và những quy định lỗi thời, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu nghiên cứu, đánh giá sát với thực tế để sửa đổi cho phù hợp.

 

(Theo HNM)

  • Quảng bá du lịch: Tận dụng mọi cơ hội
  • Lạng Sơn, du ký cuối năm
  • Kích cầu du lịch: Hiệu quả không chỉ có giảm giá
  • Gần tám triệu USD cho chiến lược tiếp thị du lịch ASEAN
  • Ra mắt Khu du lịch bảo tồn kiến trúc cổ Hà Nội
  • Du lịch tiểu vùng Mekong đứng vững trước khủng hoảng
  • Một khách sạn Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế
  • Du lịch Thái Lan trong "thời kỳ đen tối"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com