Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành du lịch chưa bị tác động của tỷ giá?

picture
Trung bình một du khách nước ngoài chi tiêu khoảng 80 USD/ngày tại Việt Nam.

Tiền đồng mất giá so với USD, các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện... tăng giá nên một mặt bằng giá mới đang được thiết lập tại thị trường Việt Nam. Khi giá cả thị trường tăng ngành du lịch không thể nằm ngoài, tuy nhiên đến thời điểm này các hãng du lịch trong nước vẫn giữ mức giá cũ, có điều gì sau động thái này?

Giải thích lý do chưa tăng giá các tour lữ hành, ông Đồng Văn Thức, Giám đốc Công ty du lịch Dấu ấn cho biết, hiện nay các đối tác của công ty như các nhà hàng, khách sạn chưa tăng giá nên công ty vẫn giữ giá cũ. Tuy nhiên công ty đã thông báo với khách hàng của mình mức giá sẽ tăng trong thời gian tới khi các đối tác tăng giá.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Công ty lữ hành Saigontourist cho biết thêm, hiện nay mức giá các tour lữ hành của công ty vẫn giữ nguyên theo mức được xây dựng từ năm 2010, nhưng việc tăng giá chỉ còn là vấn đề thời gian.

Khảo sát tại một số công ty du lịch ở Hà Nội thì hiện nay các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị cho một mặt bằng giá mới, chỉ đợi một “mắt xích” nào đó trong chuỗi dịch vụ du lịch tăng giá thì tất cả đồng loạt tăng.

Tuy giá tour chưa tăng nhưng giá các mặt hàng khác phục vụ khách du lịch đã tăng giá, thậm chí tăng vô tội vạ. Anh Việt, một hướng dẫn viên du lịch cho biết, khi đưa đoàn khách nước ngoài đi Hạ Long dừng chân tại một điểm trên đường anh bị khách phản đối khi mức giá mua hàng cao hơn mức giá anh thông báo.

Anh Việt giãi bày, cơ sở này tăng giá bất ngờ ngay sau khi giá xăng tăng nên anh không biết và vẫn thông báo mức giá cũ cho khách.

Theo thống kê của ngành du lịch, trung bình một du khách nước ngoài chi tiêu khoảng 80 USD/ngày tại Việt Nam. Hiện nay tỷ giá USD tăng lên thì mức chi tiêu của khách tính bằng USD cũng thấp hơn, đó là điều đáng lo ngại cho những chỉ tiêu mà ngành du lịch đặt ra.

Còn theo đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội, lý do các công ty du lịch chưa tăng giá là do khách du lịch mua tour tại Việt Nam bằng USD, tiền đồng mất giá đồng nghĩa với việc khách du lịch nước ngoài sẽ bớt đi được chi phí khi thanh toán bằng USD tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các hãng du lịch đều niêm yết giá bằng USD nên việc tỷ giá tăng cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của các công ty du lịch.

Ông Mathias Tewes, đại diện hãng lữ hành TUI (Đức) lại nhận định, việc tiền đồng mất giá chính là cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam thu hút khách nước ngoài bởi khách sẽ bớt được chi phí khi thanh toán bằng USD tại thị trường Việt Nam.

Nếu như trước đây trung bình một du khách nước ngoài tiêu 80 USD/1 ngày cho các dịch vụ tại Việt Nam, cũng với những dịch vụ như vậy nếu thanh toán bằng tiền VND thì tính theo tỷ giá mới khách chỉ cần bỏ ra khoảng 75 USD/1 ngày và điểm này sẽ thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Minh chứng cho việc giá cả tăng không làm ảnh hưởng đến ngành du lịch, bà Đoàn Thị Thanh Trà của Saigontourist cho biết, tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, Chi nhánh Saigontourist tại Quảng Ninh đã đón 9 chuyến tàu du lịch quốc tế, phục vụ gần 13.000 du khách tàu biển quốc tế đến từ châu Âu, Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản...

Tuy nhiên kết quả này không phải do tác động của việc USD tăng giá trong thời gian gần đây vì phần lớn các tour này đã được khách đặt trước từ năm 2010.

Một đại diện của Công ty du lịch Lửa Việt nhìn nhận, việc tiền đồng mất giá so với USD thực chất không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của du khách nước ngoài đến Việt Nam. Thậm chí đây còn là cơ hội cho ngành du lịch hút khách nước ngoài nếu tăng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.

Khi tiền đồng mất giá so với USD thì khách sẽ đổi được nhiều tiền VND hơn. Tuy nhiên trong thời gian ngắn tới khi các mặt hàng đồng loạt tăng giá thì việc đổi được nhiều tiền VND hơn cũng không làm tăng sức mua hàng của khách du lịch tại Việt Nam.

Hiện nay đang là mùa thấp điểm của ngành du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam tập trung chủ yếu từ tháng 10 (âm lịch) đến Tết Nguyên đán nên tỷ giá biến động hiện nay không làm biến động lượng khách quốc tế.

Thông thường khách du lịch đặt tour trước khoảng 6 tháng trở lên nên nếu giá phòng, giá dịch vụ bổ trợ của ngành du lịch tăng sẽ làm ảnh hưởng đến các công ty du lịch trong nước khi thanh toán cho đối tác bằng VND nhưng không ảnh hưởng đến chi tiêu của khách quốc tế.

(Theo Vneconomy)

  • Miền Trung - Lãng phí tài nguyên du lịch
  • Mùa du lịch MICE đến sớm
  • Khách quốc tế đến Việt Nam thăm người thân tăng mạnh
  • Phát triển du lịch tàu biển định tuyến tại Việt Nam
  • Thảo luận cách xây dựng thương hiệu du lịch Huế
  • Thừa Thiên-Huế sẽ xã hội hóa tổ chức Lễ tế Xã Tắc
  • Xây dựng thương hiệu quốc gia cho "Biển Việt Nam"
  • Du lịch Việt Nam: Xây dựng thương hiệu vẫn khó
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com