Để chống chọi với cuộc khủng hoảng giá xăng dầu, các hãng hàng không đang đối mặt với yêu cầu bắt buộc phải có những thay đổi mạnh mẽ, dẫn đến sáp nhập, hợp tác và một thị trường ít cạnh tranh hơn.
VietJet Air, hãng hàng không tư nhân đầu tiên được cấp phép đã phải bãi bỏ kế hoạch cất cánh vào tháng 12 năm nay. Ông Nguyễn Đức Tâm, tổng giám đốc VietJet Air cho biết tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát cao, giá dầu tăng vọt… là những nguyên nhân khiến hội đồng quản trị công ty đưa ra quyết định này. Bộ máy nhân sự đang được xây dựng chưa thực sự làm việc đã mất việc, các hợp đồng xây dựng nhãn hiệu với các công ty quảng cáo, PR… cũng bị huỷ bỏ.
Cắt tối đa chi phí, vẫn lỗ
Ông Tâm cho biết giấy phép kinh doanh hàng không có giá trị hai năm, cho nên hãng này vẫn có thể tuỳ tình hình mà lập kế họach mới vào năm 2009. Một số người trong ngành nhận xét rằng vẫn còn may là VietJet Air chưa hoạt động. Theo lời ông Lương Hoài Nam, tổng giám đốc Jetstar Pacific, kinh doanh hàng không lúc này không khác gì “nướng tiền”.
Với giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng hiện nay, các hãng hàng không phải khéo léo lắm mới không bị lỗ. Với giá dầu ở thời điểm đỉnh cao 140 USD/thùng vào tháng trước thì ai cũng lỗ. Vietnam Airlines (VNA) báo cáo lỗ trước thuế của sáu tháng đầu năm là 83 tỉ đồng. Đây là mức lỗ của toàn tổng công ty, trong đó có hàng chục công ty thành viên khác ngoài hoạt động bay, cho nên mức lỗ thực tế từ hoạt động bay có thể cao hơn nhiều. Jetstar Pacific, có quy mô và tần suất bay thấp hơn nhiều so VNA, tuy không công bố con số cụ thể, nhưng cho biết họ có mức lỗ tương đương.
Jetstar Pacific, với mô hình giá rẻ sẵn có, chi phí đã cắt giảm tối đa cho nên phải áp dụng biện pháp cắt giảm đường bay và tần suất bay để giảm lỗ. Hãng này đã cắt các đường bay Sài Gòn – Huế, Hà Nội – Huế, không triển khai các đường bay Sài Gòn – Đà Lạt, Sài Gòn – Buôn Ma Thuột và Sài Gòn – Cam Ranh. Tính tổng thể hãng này đã cắt giảm đến 30% kế hoạch bay trong năm. Kế hoạch tăng đội máy bay lên 14 chiếc vào cuối năm nay và 30 chiếc vào năm tới sẽ phải thay đổi, ông Nam cho biết.
Vietnam Airlines, trong báo cáo sáu tháng đầu năm cho biết đang tích cực cắt giảm chi phí, trong đó có việc cắt giảm và hoãn tiến độ đầu tư của các dự án, cắt giảm từ 10 – 20% chi phí thường xuyên trên từng khoản mục. Riêng chi phí nhiên liệu trong sáu tháng đã tăng 1.412 tỉ đồng, cho nên theo ông Trịnh Ngọc Thành, trưởng ban kế hoạch thị trường của VNA, hãng này đã tiết kiệm được rất nhiều từ những hoạt động khác để mức lỗ chỉ còn 83 tỉ đồng. Đa số các đường bay nội địa vẫn được duy trì, tuy nhiên VNA không tăng tần suất ngay cả trên những đường bay có nhu cầu cao, như Sài Gòn – Phú Quốc. Lượng hành khách mà VNA chuyên chở trong sáu tháng đầu năm tăng trên 10%.
Giá dầu đã hạ nhiệt trong thời gian qua, nhưng các chuyên gia ngành hàng không quốc tế vẫn cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng của ngành hàng không vẫn còn đây, và các hãng hàng không bắt buộc phải thay đổi nếu muốn tồn tại.
Thay đổi hay chết
Ông Geoff Dixon, tổng giám đốc điều hành (sắp mãn nhiệm) Qantas Airlines (Úc), tháng trước đã phát biểu rằng đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành hàng không thế giới. Toàn cầu đã có khoảng 20 hãng hàng không phá sản trong năm nay.
Một loạt các hãng hàng không lớn của châu Á trong những tuần qua đã công bố lỗ, trong đó có Thai Airways và Cathay Pacific. Các hãng khác như Qantas, Japan Airlines, All Nippon Airways… đang tính toán việc cắt giảm đường bay và nhân viên. Ngay đến Singapore Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai thế giới (tính theo giá trị thị trường) cũng bị giảm lãi 15%. Giá vé và phụ phí nhiên liệu tăng cao khiến nhiều người cắt giảm đi lại và điều này ảnh hưởng tới công suất bay (load factor) của các hãng hàng không, trong đó có cả những hãng hàng đầu như Singapore Airlines.
Nhiều hãng hàng không đang tính đến những kế hoạch sáp nhập để có thể khai thác thế mạnh đội bay và đường bay của nhau, cũng như hợp tác tăng giá. Chẳng hạn hãng hàng không Hà Lan KLM và Air France đã sáp nhập. Hai hãng hàng không Mỹ Delta Airlines và Northwest Airlines đang tính toán hợp nhất thành hãng hàng không lớn nhất thế giới. American Airlines, British Airways và Iberia Airlines đã ký một hợp đồng hợp tác kinh doanh để khai thác các đường bay giữa Mỹ và châu Âu. Động thái này khiến cho những hãng khác lo lắng về việc thiếu cạnh tranh dẫn đến việc tăng giá vé.
Với việc các hãng hàng không thế giới đều tìm cách sáp nhập và củng cố, các hãng nhỏ hơn sẽ bị đặt ở thế cạnh tranh rất yếu và thiếu bình đẳng, và hành khách sẽ là người chịu thiệt.
(Theo TBKTSG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com