Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Ngồi xích lô mới đúng là du lịch phố cổ Hà Nội"

Tham quan phố phường bằng xích lô. (Nguồn: Internet)
Tôi gặp vợ chồng khách du lịch người Italy, ông Vitoria và bà Cabriella tại Hồ Hoàn Kiếm trong một ngày đẹp trời.

Ông bà phấn khởi: “Chúng tôi vừa kết thúc chuyến tham quan phố cổ bằng xích lô; phải nói không có gì thú vị bằng ngồi trên xích lô ngắm nhìn những dãy phố cổ, xem sinh hoạt của người dân cùng những sôi động của phố phường. Vợ chồng tôi đã đến nhiều nước, đi lại nhiều phương tiện khác nhau nhưng tôi thấy ở Hà Nội có một phương tiện tham quan rất đặc biệt, đó là chiếc xích lô.”

Hẳn mọi người đều chung nhận định, phương tiện thô sơ ấy từ lâu đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa tinh thần, lao động của người dân Hà Nội. Nếu tính từ thủa chiếc xe kéo tay sau được hoán đổi thành chiếc xích lô thì hình ảnh xích lô xuất hiện từ khi người Pháp đô hộ Việt Nam.

Không ít ca từ, hội họa đã ca tụng về chiếc xích lô, rằng nó đẹp, nó thơ, trong đó có cả sự khó nhọc của người dân lao động phải cần mẫn kiếm sống.

Đối với Hà Nội, nơi được coi là chốn hào hoa, thanh lịch, nơi có chiều sâu văn hóa lịch sử thì chiếc xích lô được coi là nét rất riêng, bởi nó gắn với văn hóa, gắn với lịch sử của mảnh đất ngàn năm và vì thế trong một góc của hình ảnh Hà Nội có một phần dành cho chiếc xích lô.

Có một điều ai hiểu về Hà Nội cũng thừa nhận, chiếc xích lô luôn có có sự gần gũi với phố cổ Hà Nội; mà như cách nói của ông Đỗ Anh Thư, giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ du lịch Không Lo Âu (Sans Souci): “Phố cổ và xích lô là một cặp phạm trù không thể thay đổi. Phố cổ không có xích lô, không có tiếng chuông leng keng sẽ buồn tênh còn xích lô không có phố cổ cũng chẳng phải xích lô du lịch mà trở thành xích lô vận tải đa dụng thông thường.”

Cũng thật lạ kỳ, chiếc xích lô rất phù hợp với những ngõ nhỏ, lối nhỏ phố cổ, những mái nhà rêu phong cổ kính mà không chỉ có lý do đi lại dễ dàng. Nó còn phù hợp ở chỗ, nghe tiếng chuông xích lô leng keng mỗi sớm khuya người ta có một cảm giác hoài cổ như đang được trở về với quá khứ, với một Hà Nội xưa.

Nó cũng thuyết phục mọi người bằng một hình ảnh một thiếu nữ Hà Nội cổ, đầu vấn tóc trần, áo dài tha thướt, tay đeo bóp nhỏ ngồi trên chiếc xích lô ung dung dạo phố cổ. Hay cặp cô dâu chú rể áo dài, khăn xếp ngồi trên chiếc xích lô dẫn đầu đám dước linh đình đi qua 36 phố phường; mang nét sang trong, thanh lịch trong đời sống sinh hoạt của người Hà Nội cũ.

Không phải ngẫu nhiên mà những người làm du lịch Hà Nội luôn sử dụng hình ảnh chiếc xích lô để quảng bá về hình ảnh Hà Nội ra nước ngoài như một lời mời gọi hấp dẫn. Và cũng theo thống kê của các hãng lữ hành Hà Nội, trên 90% khách quốc tế vào Hà Nội đều sử dụng xích lô làm phương tiện tham quan phố cổ.

Ông Hoàng Cao Thắng, giám đốc Công ty Du lịch Văn hóa cho rằng: “Nếu đến tham quan thành Rome không đi xe ngựa, đến Paris không đi tàu điện cổ thì không phải đi du lịch; vì vậy đến phố cổ Hà Nội du khách nhất thiết phải đi xích lô mới là du lịch phố cổ.”

Ông giải thích rằng, ngoài vấn đề xích lô là phương tiện sạch, du khách muốn tìm hiểu phong tục tập quán sinh hoạt của người dân phố cổ, hoạt động của các phố nghề hay thưởng thức ẩm thực vỉa hè, không cách nào khác bằng việc đi xích lô, loại phương tiện mà cả ôtô hay việc đi bộ không thế thay thế được.

Hiện tại Hà Nội đang có bốn doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển du lịch xích lô đang hoạt động với 264 chiếc được cấp đăng ký. Thực tế con số này còn lớn hơn nhiều do lượng xích lô dù hoạt động rất mạnh, gây tình trạng lộn xộn trong kinh doanh, vận chuyển khách du lịch.

Cũng không thể phủ nhận được rằng, trong khi đường phố Hà Nội, nhất là khu vực phố cổ chật hẹp, phương tiện giao thông đông đúc; ý thức chấp hành quy định của người điều khiển xích lô kém vì thế xích lô góp phần làm cản trở giao thông, gây không ít phiền muội cho người đi đường. Đó là chưa kể đến việc các bác xích lô còn chèo kéo khách, không phù hợp với môi trường du lịch Thủ đô.

Nhiều cuộc họp giữa ngành du lịch, công an, giao thông được tổ chức nhằm lành mạnh hóa hoạt động xích lô nhưng xem ra vấn đề này còn nhiều nan giải.

Quan điểm của những người làm du lịch cho rằng, thành phố vẫn để cho xích lô hoạt động nhưng cần xiết chặt quản lý bằng cách hạn chế cấp mới đăng ký; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của xích lô.

Về phía mình, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tham mưu giúp thành phố đưa ra những giải pháp quản lý hiệu quả, tham gia cùng các ngành trong việc thực thi những nhiệm vụ đó.

Sở cũng thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho những người điều khiển xích lô, phối hợp với ngành công an và giao thông nâng cao nhận thức trong tham gia giao thông, quy định về pháp luật...

Còn các công ty kinh doanh xích lô du lịch mong muốn các ngành “mạnh tay” với nạn xích lô dù, thành phố tạo điều kiện về bãi đỗ xe để không còn tình trạng đậu đỗ tràn lan.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng thường xuyên giáo dục người điều khiển xích lô thực hiện nghiêm những quy định trong tham gia giao thông và giao tiếp với khách để hình ảnh chiếc xích lô du lịch gây được ấn tượng tốt với du khách khi đến Hà Nội./.
 
Đinh Thị Thuận (TTXVN/Vietnam+)

  • Lễ hội bia Carlsberg lần đầu tổ chức tại Festival Huế
  • Gần 2,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam
  • Phan Thiết: Sôi động du lịch hè
  • Các thị trường du lịch châu Á đang phục hồi mạnh
  • Vietnam Airlines giảm 10% giá vé mua qua mạng
  • Chiêu mới dụ khách nội địa
  • Khai trương bãi tắm Tùng Thu trên đảo Cát Bà
  • “Xuất khẩu tại chỗ” sản phẩm văn hóa Việt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com