Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thu hút 4,8- 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế: Khó đạt mục tiêu

Tổng cục du lịch cho biết, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam (VN) trong năm 2008 giảm về tốc độ tăng, nhất là những tháng cuối năm, tỷ lệ sụt giảm rất nhanh. Một số thị trường hàng đầu, thị trường truyền thống của du lịch VN đã suy giảm rõ rệt như Nhật Bản giảm 5,9%, Hàn Quốc giảm 3,5%, Đài Loan giảm 3,1%... Mục tiêu đón từ 4,8-5 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2008 của du lịch VN đến thời điểm này rất khó thực hiện.

KHÁCH DU LỊCH ĐẾN VIỆT NAM GIẢM MẠNH

Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, trong 11 tháng qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3.877.754 lượt, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2007 trong khi kế hoạch của ngành du lịch đặt ra là tăng từ 12-17%. Bên cạnh đó, lượng khách từ các thị trường du lịch hàng đầu, truyền thống cũng đã giảm rõ rệt như: Nhật Bản giảm 5,9%; Hàn Quốc 3,5%; Pháp 1,6%; Đài Loan: 3,1%; Tây Ban Nha 9,4%; Bỉ 12,6% … Những thị trường khác như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Nga, Australia có tăng trưởng nhưng không đáng kể. Tình hình này được Tổng cục du lịch đánh giá là rất nghiêm trọng, vì Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ là những thị trường du lịch trọng điểm của VN, chiếm đến 40% tổng lượng khách đến VN và có khả năng chi trả cao.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam nhận định, năm 2008 ngành du lịch khó có thể đạt 4,8 triệu đến 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam theo kế hoạch đề ra, mà có thể chỉ đạt mức 4,2 triệu lượt khách.

KÍCH CẦU TRONG NƯỚC LÀ ƯU TIÊN SỐ 1

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm lượng khách đến VN trong năm nay là do tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nên khách du lịch đã thắt chặt chi tiêu, hạn chế đi du lịch ở những nơi xa mà quay về những thị trường gần. Ở trong nước, giá khách sạn đã đẩy lên khá cao (những tháng đầu năm 2008 tăng vọt từ 30 – 50%) đã đồng nghĩa với giá thành tour bị đẩy lên cao, khiến nhiều khách du lịch đã hủy tour, nhiều thị trường khách trọng điểm bị giảm sút nghiêm trọng. Thêm vào đó, thông báo của một số hãng hàng không chính thức giảm các chuyến bay đến VN hay ngưng hoạt động như HongKong, Jetstas Aisa và Quatas là những dấu hiệu cho thấy rõ làn sóng thứ 2 của sự suy thoái toàn cầu đã và đang ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch Vn.

Theo Tổng cục du lịch, việc duy trì hoạt động ở các thị trường truyền thống và mở rộng hoạt động ra các thị trường tiềm năng bằng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh cũng là việc du lịch Việt Nam cần làm để thu hút khách trong thời gian tới. Hiện nay, giá phòng khách sạn của Việt Nam đã giảm khoảng 15-25% so với mức giá cao ngất ngưởng hồi đầu năm 2008 cũng là một thuận lợi để tạo ra các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn khách...

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhận định, tình trạng suy giảm của ngành du lịch thế giới mới chỉ trong giai đoạn đầu và vẫn có thể kéo dài đến hết năm 2009 và những tháng đầu năm 2010. Do vậy, ngành du lịch Việt Nam có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này. Vì vậy, Bộ trưởng đã đưa ra 7 giải pháp cấp bách, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính đối với tăng trưởng du lịch của VN trong giai đoạn 2009-2010, đồng thời thu hút khách du lịch. Trong số các giải pháp cấp bách thì kích cầu thị trường và tăng nhu cầu thị trường trong nước là ưu tiên số 1. Bởi vì kích cầu trong nước sẽ tạo ra sự lưu thông, tránh tình trạng ngưng trệ hoạt động của khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên... đồng thời là cơ hội phân phối lại tiền tệ. Tiếp đến là giải pháp tạo ra những sản phẩm du lịch riêng biệt, lựa chọn tour du lịch trở thành sản phẩm du lịch quốc gia để tập trung quảng bá. Việc xúc tiến quảng bá phải có trọng điểm, không dàn trải, mà cần tập trung vào sản phẩm du lịch đã được lựa chọn là sản phẩm du lịch quốc gia qua các hình thức Hội chợ du lịch quốc tế, quảng bá trên truyền hình quốc tế...; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nhà nước cần có chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tăng cường quảng bá qua internet, bổ sung ngôn ngữ cho những thị trường có tiềm năng cao như Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha. Bên cạnh đó là tạo sự liên kết chặt chẽ với các hãng hàng không, các nhóm, các ngành để cùng phát triển. Đồng thời tập trung phát triển chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, củng cố cơ sở hạ tầng…nhằm chuyển từ xu hướng phát triển về số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu.

(Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu)

  • Giá phòng khách sạn đã giảm mạnh
  • Hà Nội kích cầu thu hút khách du lịch
  • Phục hồi tăng trưởng ngành du lịch: Không thể “mạnh ai, nấy làm”
  • Du lịch lâm vào khủng hoảng: Cấp bách giảm giá...
  • Triển khai các biện pháp thu hút khách du lịch
  • Khách sạn "chạy đua" phục vụ đại tiệc dịp Noel
  • Chà là, biểu tượng và sức sống
  • Tiềm năng và cơ hội đầu tư của du lịch Hà Nội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com