Đàn voi nhà ở Đắk Lắk hiện được sử dụng cho các hoạt động văn hóa, du lịch đang bị các ông chủ đã bắt làm việc quá mức, vắt kiệt sức lực, nên bệnh tật ốm yếu và đang chết dần chết mòn đến mức đáng lo ngại.
Năm 1975, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có trên 500 con voi nhà, trong đó chủ yếu là nguồn săn bắt và thuần dưỡng từ voi rừng. Suốt thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, đàn voi nhà không được bổ sung thêm mà còn giảm sút dần về số lượng; đặc biệt, trong 3 năm gần đây, số lượng giảm đáng kể.
Theo các nhà chuyên môn, trong môi trường tự nhiên, voi sống trên 150 năm, nhưng voi nuôi gia đình do sử dụng lao động nhiều nên chỉ sống khoảng 60 năm. Hiện nay, đàn voi nhà của toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn trên 60 con, tập trung chủ yếu ở huyện Buôn Đôn, Ea Sup và huyện Lắk.
Chỉ với số lượng voi nhà ít ỏi, các cơ sở du lịch, các quản voi bắt những con vật này làm việc quá nhiều trong những lễ hội, Tết cổ truyền, trong hoạt động đưa đón khách tham gia du lịch sinh thái.
Tại điểm du lịch Bản Đôn, một số người bắt voi làm việc liên tục như lội sông nước, chở khách lên rừng suốt ngày nhưng lại để voi bị đói, kiệt sức; tại điểm du lịch huyện Lắk, đàn voi nhà được huy động triệt để và sử dụng tối đa nhằm phục vụ "thượng đế" thập phương về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái tại địa phương.
Theo dự báo, nếu Đắk Lắk không làm tốt công tác bảo tồn và nuôi dưỡng đàn voi nhà, chỉ khoảng 10-15 năm nữa đàn voi này sẽ biến mất khỏi vùng đất Tây Nguyên./.