Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
TRÌNH TỰ TỐ TỤNG DÂN SỰ
Một số vụ tranh chấp được giải quyết bằng những phương pháp giải quyết tranh chấp khác nhau, trong một tòa án chuyên môn, hoặc thông qua một cơ quan hành chính. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có rất nhiều vụ tranh chấp phải đưa ra trước tòa án dân sự để giải quyết.
Nhìn chung, thủ tục tranh tụng được sử dụng trong các phiên tòa hình sự cũng được sử dụng tại các tòa án dân sự, với một số khác biệt quan trọng. Thứ nhất, nguyên đơn phải có vị thế tranh chấp. Khái niệm này đơn giản có nghĩa là người khởi xướng vụ kiện phải có lợi ích cá nhân liên quan tới kết quả của vụ tranh cãi. Bằng không, sẽ không có tranh cãi thực sự giữa các bên và do vậy không có vụ việc thực tế để tòa phân xử.
Sự khác biệt lớn thứ hai là ở chỗ chuẩn mực về bằng chứng được sử dụng trong các vụ án dân sự là chứng cứ vượt trội của nguyên đơn để thuyết phục được tòa, chứ không phải tiêu chuẩn “nằm ngoài một sự nghi ngờ hợp lý” nghiêm ngặt thường được sử dụng trong các vụ án hình sự. Chứng cứ vượt trội của nguyên đơn thường có nghĩa là có đủ bằng chứng để vượt qua sự nghi ngờ hoặc suy đoán. Nó hiển nhiên có nghĩa là các vụ án dân sự thường cần ít bằng chứng hơn so với các vụ án hình sự.
Khác biệt lớn thứ ba là rất nhiều sự bảo đảm về quy trình tố tụng mở rộng mà bị đơn có được trong vụ án hình sự không được áp dụng trong tố tụng dân sự. Ví dụ, Hiến pháp không cho phép các bên được bàn bạc, thảo luận với nhau. Tu chính án Hiến pháp thứ bảy bảo đảm quyền có một bồi thẩm đoàn trong các vụ kiện “mà giá trị tranh chấp vượt quá 20 USD.” Mặc dù tu chính án này không được áp dụng đối với các bang, nhưng hầu hết các bang đều có những bảo đảm về hiến pháp tương tự.
Khởi lập một vụ kiện dân sự
Người khởi lập vụ kiện dân sự được gọi là nguyên đơn, còn người bị kiện là bị đơn hoặc bên bị. Một vụ kiện dân sự được gọi theo tên của nguyên đơn và bị đơn, ví dụ như Jones kiện Miller. Tên của nguyên đơn đứng trước. Trong một vụ kiện thông thường, luật sư của nguyên đơn trả một khoản phí và đệ trình một khiếu kiện hoặc kiến nghị tới ban thư ký của một tòa án phù hợp. Khiếu kiện nêu rõ những sự kiện làm cơ sở cho hành động, những thiệt hại xảy ra, và phán quyết hoặc đền bù mà nguyên đơn mong muốn.
Quyết định về việc tòa án nào sẽ thụ lý vụ việc liên quan tới các khái niệm về quyền hạn xét xử và nơi chốn: Quyền hạn xét xử liên quan tới thẩm quyền của tòa án để thực thi quyền lực pháp lý, còn nơi chốn có nghĩa là địa điểm mà thẩm quyền này có thể được thực thi.
Những yêu cầu về quyền hạn xét xử được thỏa mãn khi tòa án có thẩm quyền pháp lý đối với cả vấn đề tranh cãi và bản thân bị đơn. Điều này có nghĩa rằng một số tòa án có thể có quyền hạn xét xử đối với cùng một vụ việc. Ví dụ, giả sử rằng một người cư trú tại Dayton, Ohio, bị thương rất nặng trong một tai nạn ôtô tại Tennessee khi xe của anh ta đang lái bị tông vào phía sau bởi một chiếc xe khác do một người cư trú tại Kingsport, Tennessee, lái. Tổng thiệt hại đối với người lái xe ở Ohio và xe của anh ta là 80.000 USD. Một tòa xét xử cấp bang ở Ohio có thẩm quyền đối với đối tượng tranh tụng, và Ohio hoàn toàn có thể có quyền tài phán đối với bị đơn. Bên cạnh đó, các tòa án bang Tennessee cũng có thể có quyền tài phán. Các tòa án hạt liên bang ở cả Ohio và Tennessee cũng có quyền tài phán bởi vì vụ việc có liên quan tới công dân của các bang khác nhau và giá trị của vụ tranh chấp vượt quá 75.000 USD. Giả sử rằng quyền tài phán là yếu tố duy nhất cần quan tâm, nguyên đơn có thể kiện tại bất cứ tòa án nào trong số những tòa án kể trên.
Việc xác định nơi xét xử phù hợp có thể được quy định bởi luật trên cơ sở nhằm tránh những thiên kiến, hoặc đơn giản chỉ là để cho thuận tiện. Luật liên bang quy định rằng nơi xét xử phù hợp là tòa án hạt mà tại đó nguyên đơn hoặc bị đơn cư trú, hoặc tại nơi vụ việc xảy ra. Các quy định về tòa xét xử của các bang có khác nhau đôi chút, song chúng thường quy định rằng khi vụ việc có liên quan đến đất đai, thì tòa xét xử sẽ là tòa án hạt nơi có khu đất đó. Trong hầu hết các trường hợp khác, tòa xét xử sẽ là tòa án hạt nơi bị đơn cư trú.
Các vấn đề về nơi xét xử cũng có thể liên quan tới thiên kiến được nhận thấy hoặc được e ngại sẽ xảy ra của thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn tương lai. Đôi khi, các luật sư phản đối các phiên tòa được tổ chức tại một khu vực cụ thể vì lý do này và có thể đề nghị chuyển vụ tố tụng cho tòa án tại nơi khác. Mặc dù hình thức phản đối này có lẽ thường xuất hiện nhiều hơn ở các phiên tòa hình sự được công khai rộng rãi, song nó cũng không phải là không có tại các phiên tòa dân sự.
Khi tòa án phù hợp đã được xác định và đơn khiếu tố đã được gửi đi, viên lục sự tòa sẽ đính kèm bản sao đơn khiếu tố này với trát đòi của tòa gửi tới bị đơn sau đó. Trát đòi có thể được tống đạt bởi nhân viên của văn phòng quận trưởng, văn phòng cảnh sát trưởng hoặc một cơ quan dịch vụ tố tụng tư nhân.
Trát đòi yêu cầu bị đơn phải đệ trình một lời phúc đáp, được biết đến như lời biện hộ, trong một khoảng thời gian xác định (thường là 30 ngày). Nếu bị đơn không làm như vậy, ông ta / bà ta có thể sẽ phải chịu sự xét xử vắng mặt.
Những hành động đơn giản này của nguyên đơn, thư ký tòa án và người tống đạt theo thủ tục sẽ khởi đầu quá trình của một phiên tòa dân sự. Những gì xảy ra tiếp theo là hàng loạt hoạt động nhộn nhịp diễn ra trước phiên tòa thực sự và có thể kéo dài vài tháng. Khoảng 75% các vụ việc đã được giải quyết mà không cần đến tòa án trong thời gian này.
Những hoạt động diễn ra trước phiên tòa
Kiến nghị. Khi trát đòi đã được tống đạt tới bị đơn, luật sư của bị đơn có thể đưa ra một số kiến nghị. Một kiến nghị hủy bỏ thường yêu cầu rằng tòa án tuyên bố trát đòi không có hiệu lực trên cơ sở nó không được tống đạt đúng cách. Ví dụ, bị đơn có thể khiếu nại rằng trát đòi đã không được chuyển cho đích thân bị đơn theo như yêu cầu của luật pháp bang.
Có hai loại kiến nghị nhằm làm rõ hoặc phản đối khiếu kiện của nguyên đơn. Một kiến nghị phản đối yêu cầu tòa án cắt bỏ hoặc xóa bớt một số phần nhất định trong đơn khiếu tố bởi vì chúng không đúng, không thích hợp, hoặc không liên quan. Một kiến nghị làm rõ thường đề nghị tòa án yêu cầu nguyên đơn phải nêu cụ thể hơn những lời khiếu kiện.
Hình thức kiến nghị thứ tư thường được đưa ra trong một vụ án dân sự là kiến nghị bác bỏ. Kiến nghị này có thể lập luận rằng tòa án không đủ thẩm quyền tài phán, hoặc có thể cho rằng nguyên đơn không đưa ra được cơ sở pháp lý thuyết phục cho hành động chống lại bị đơn, cho dù những lời cáo buộc là đúng.
Trả lời. Nếu đơn khiếu tố vẫn được duy trì sau phán quyết của thẩm phán đối với các kiến nghị, bị đơn lúc đó sẽ phải đệ trình một bản trả lời cho đơn khiếu tố. Bản trả lời này có thể bao gồm lý lẽ thừa nhận, phủ nhận, biện hộ và phản tố. Khi trong bản trả lời có sự thừa nhận, sẽ không cần phải chứng minh sự việc trong phiên tòa. Tuy nhiên, một sự phủ nhận sẽ dẫn tới việc phải chứng minh sự việc trong quá trình diễn ra phiên tòa. Lời biện hộ nói rằng một số sự việc được nêu trong bản trả lời có thể khiến cho nguyên đơn không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bị đơn có thể tiến hành một hành động riêng biệt được gọi là phản tố. Nếu bị đơn nghĩ rằng có cơ sở cho hành động chống lại nguyên đơn phát sinh từ chính những sự kiện trên, ông ta / bà ta phải đệ trình khiếu kiện lên tòa án để đáp lại khiếu kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn sẽ phải gửi một bản phúc đáp cho bản trả lời của bị đơn. Trong bản phúc đáp này, nguyên đơn có thể thừa nhận, phủ nhận hoặc biện hộ chống lại những lời cáo buộc hoặc sự việc được nêu ra trong lời phản tố.
Tiết lộ các tài liệu. Hệ thống pháp lý Hoa Kỳ quy định thủ tục tiết lộ các tài liệu; có nghĩa là mỗi bên đều có quyền được biết các thông tin thuộc sở hữu của bên kia. Có một số hình thức tiết lộ tài liệu như sau:
*
Bằng chứng cung cấp thêm là bản khai của một nhân chứng đã được tuyên thệ bên ngoài phiên tòa. Bản khai này được viết dưới hình thức các câu hỏi và trả lời giống như trong phiên tòa. Tất cả các bên có liên quan tới vụ việc đều phải được thông báo về việc khai báo này của nhân chứng để luật sư của họ có thể có mặt để đối chất nhân chứng.
*
Các câu thẩm vấn là những câu hỏi viết phải được trả lời sau khi đã tuyên thệ. Các câu thẩm vấn có thể chỉ được đưa cho các bên trong vụ kiện, chứ không đưa cho nhân chứng. Chúng được sử dụng nhằm mô tả bằng chứng mà bên đối lập đưa ra trong vụ kiện.
*
Một bên trong vụ kiện có thể yêu cầu được xem các tài liệu nếu họ muốn thẩm tra các tài liệu, văn bản, bản vẽ, biểu đồ, sơ đồ, bản đồ, ảnh hoặc những thứ khác mà bên kia đang nắm giữ.
*
Nếu có các câu hỏi về tình trạng thể chất hoặc tinh thần của một trong hai bên, tòa án có thể yêu cầu người đó đệ trình một giấy khám sức khỏe do bác sĩ cấp.
Hội ý trước phiên tòa. Trước khi tòa xét xử, thẩm phán có thể đề nghị một cuộc hội ý trước phiên tòa để thảo luận các vấn đề không chính thức với luật sư của các bên. Thông lệ chung chỉ cho phép thẩm phán và các luật sư tham gia hội ý, và cuộc hội ý này thường diễn ra tại phòng của thẩm phán.
Tại cuộc họp này, thẩm phán và các luật sư cố gắng đi đến thỏa thuận về những vấn đề thực tế không thể tranh cãi được, thường được gọi là các quy tắc thỏa thuận. Mục tiêu của các quy tắc thỏa thuận này là nhằm làm cho phiên tòa thực tế diễn ra hiệu quả hơn bằng việc giảm bớt những vấn đề phải tranh cãi trong phiên tòa. Các luật sư cũng cho bên kia xem danh sách các nhân chứng và tài liệu vốn là một phần của vụ kiện.
Các luật sư và thẩm phán cũng có thể sử dụng cuộc hội ý trước phiên tòa để cố gắng giải quyết vụ kiện. Một số thẩm phán rất tích cực làm việc để đạt được thỏa thuận giữa hai bên, và do vậy không phải đưa vụ kiện ra xét xử trước tòa.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com