Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (20): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 6

NHỮNG THỦ TỤC TRONG MỘT PHIÊN TỐ TỤNG HÌNH SỰ (Tiếp theo)

Vai trò của thẩm phán trong quá trình xét xử

Vai trò của thẩm phán trong việc xét xử, mặc dù rất quan trọng, nhưng lại là một vai trò tương đối thụ động. Thẩm phán không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào hay chủ động tham gia vào việc thẩm vấn nhân chứng. Thẩm phán được nhờ tới để giám sát trên cơ sở kiến nghị của công tố và luật sư bào chữa về loại bằng chứng được đưa ra và loại câu hỏi được dùng để hỏi nhân chứng. Trong một số khu vực tài phán, thẩm phán được phép đặt những câu hỏi thực chất cho nhân chứng và cũng bình luận trước bồi thẩm đoàn về mức độ tin cậy của bằng chứng đưa ra; ở những bang khác, thẩm phán bị hạn chế khỏi những hoạt động đó. Mặc dù vậy, truyền thống pháp lý của Mỹ cũng dành chỗ cho rất nhiều phong cách xét xử tư pháp tùy theo tư cách cá nhân, trình độ đào tạo và sự khôn ngoan của từng cá nhân thẩm phán.

Đầu tiên và trước hết, thẩm phán được kỳ vọng sẽ đóng vai trò một bên tham gia không vụ lợi mà công việc chủ yếu là bảo đảm rằng cả hai bên được phép trình bày vụ án của mình càng đầy đủ càng tốt trong phạm vi luật định. Nếu các thẩm phán không còn dáng vẻ thực hiện nhiệm vụ một cách công bằng và trung lập thì họ sẽ đi ngược lại với những nguyên lý căn bản của pháp luật Mỹ và phán quyết của họ có nguy cơ bị tòa phúc thẩm bác bỏ.

Mặc dù các thẩm phán phần lớn đóng một vai trò như vậy, nhưng những nền tảng và giá trị của các nhà luật học cũng tác động đến phán quyết của họ trong những vụ không rõ ràng – tức là khi họ phải đưa ra phán quyết về một yêu cầu trong đó lý lẽ của hai bên đều có lý hoặc khi luật pháp có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau.

Vai trò của bồi thẩm đoàn trong quá trình xét xử

Vai trò của các thành viên bồi thẩm đoàn trong quá trình xét xử là rất thụ động. Công việc của họ là lắng nghe các vụ án do các bên luật sư đệ trình và sau đó đi đến phán quyết chỉ dựa trên bằng chứng được đưa ra. Thông thường, các thành viên bồi thẩm đoàn không được phép đặt những câu hỏi cho nhân chứng hay thẩm phán, và họ cũng không được phép ghi chép về vụ kiện. Đây không phải do những điều cấm theo hiến pháp hay luật định mà chủ yếu vì đây là tập quán truyền thống của các tòa án ở Mỹ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều thẩm phán đã cho phép các thành viên bồi thẩm đoàn được tham gia nhiều hơn vào công việc xét xử. John F. Grady, Chánh án Tòa án hạt liên bang tại Chicago, trong hơn một thập kỷ đã cho phép các thành viên bồi thẩm đoàn ở phòng xử án của mình được ghi chép. Ít nhất bốn tòa phúc thẩm Mỹ đã ngầm chấp thuận việc thành viên bồi thẩm đoàn tham gia thẩm vấn nhân chứng chừng nào những thành viên này vẫn không được phép đặt câu hỏi giữa lúc xử án và các luật sư được trao cơ hội phản đối những câu hỏi cụ thể trước khi được đặt ra cho nhân chứng. Ở một số bang, có một số ít thẩm phán xử án đã cho phép các thành viên bồi thẩm đoàn đóng vai trò tương đối tích cực trong việc xét xử. Mặc dù vậy, ở cả cấp độ bang và liên bang, vai trò của bồi thẩm đoàn về cơ bản vẫn còn rất thụ động.

Chỉ dẫn cho bồi thẩm đoàn

Mặc dù công việc của bồi thẩm đoàn là xem xét và đánh giá các dữ kiện của vụ án, nhưng thẩm phán phải chỉ dẫn cho các thành viên bồi thẩm đoàn về ý nghĩa của luật pháp và luật pháp được áp dụng như thế nào. Do nhiều vụ án bị đảo ngược khi phúc thẩm do những chỉ dẫn sai cho bồi thẩm đoàn nên các thẩm phán có xu hướng rất chú trọng đến việc từ ngữ chuẩn mực về mặt chuyên môn và pháp lý.

Tất cả những chỉ dẫn cho bồi thẩm đoàn phải có một số yếu tố cơ bản. Một yếu tố trong số đó là định nghĩa cho các thành viên tội danh mà bị cáo bị buộc tội. Điều này có thể liên quan đến việc dành cho các thành viên bồi thẩm đoàn rất nhiều lựa chọn về loại phán quyết đưa ra. Chẳng hạn, nếu một người lấy đi mạng sống của người khác thì bang có thể xử bị cáo tội giết người cấp độ 1. Tuy nhiên, thẩm phán cần giúp bồi thẩm đoàn hiểu định nghĩa pháp lý của giết người cấp độ 2 hay ngộ sát nếu thẩm phán xác định rằng bị đơn là thủ phạm nhưng không hành động có chủ định trước một cách độc ác.

Thẩm phán cũng phải nhắc nhở bồi thẩm đoàn rằng gánh nặng bằng chứng là dành cho bang và rằng bị cáo được giả định là vô tội. Nếu sau khi xem xét tất cả bằng chứng mà bồi thẩm đoàn vẫn có sự nghi ngờ hợp lý đối với tội danh của bị cáo thì bồi thẩm đoàn phải đưa ra một phán quyết không có tội.

Cuối cùng, thẩm phán thường giúp các thành viên bồi thẩm đoàn hiểu rất nhiều vấn đề về thủ tục, làm thế nào để liên lạc với thẩm phán khi họ có câu hỏi, trật tự mà theo đó họ phải xem xét lời buộc tội nếu có nhiều hơn một lời buộc tội, ai phải ký những giấy tờ chính thức thể hiện phán quyết của bồi thẩm đoàn. Sau khi những chỉ dẫn được đọc cho bồi thẩm đoàn (và luật sư bào chữa cho mỗi bên đã được dành cơ hội đưa ra lời phản biện), các thành viên bồi thẩm đoàn rút vào phòng nghị án để quyết định số phận của bị cáo.

Phán quyết của bồi thẩm đoàn

Bồi thẩm đoàn bàn bạc hoàn toàn kín đáo; không một người ngoài nào được quan sát hay tham gia vào việc bàn bạc này. Trong quá trình bàn bạc, các thành viên bồi thẩm đoàn có thể yêu cầu làm rõ những câu hỏi pháp lý từ thẩm phán, và họ có thể xem từng bằng chứng hay những phần chọn lọc trong bản ghi vụ án, nhưng họ không được tham khảo thêm bất cứ một thứ gì khác - không từ điển luật, sách pháp luật, không ý kiến từ các chuyên gia. Khi đã đạt được một quyết định bằng việc bỏ phiếu của các thành viên, bồi thẩm đoàn quay lại phòng xử án để công bố phán quyết đó. Nếu đến chập tối mà không đạt được quyết định thì các thành viên bồi thẩm đoàn được đưa về nhà với những chỉ dẫn kiên quyết không được trao đổi vụ án với người khác hay đọc về vụ án trên báo. Trong những vụ án cực kỳ quan trọng hoặc tai tiếng, bồi thẩm đoàn có thể bị thẩm phán tách riêng ra, nghĩa là các thành viên của bồi thẩm đoàn sẽ ở một khách sạn địa phương suốt đêm để tránh sự soi mói của công chúng.

Nếu bồi thẩm đoàn bị bế tắc và không thể đi đến một phán quyết thì có thể báo cáo sự việc lên thẩm phán. Trong trường hợp như vậy, thẩm phán có thể yêu cầu bồi thẩm đoàn vẫn tiếp tục nỗ lực để đạt được phán quyết. Hoặc, nếu bị thuyết phục rằng bồi thẩm đoàn trên thực tế bị bế tắc một cách vô vọng, thì thẩm phán có thể giải tán bồi thẩm đoàn và triệu tập một phiên tòa xét xử mới.

Những tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết bồi thẩm đoàn làm việc với những vụ án hình sự đều đưa ra phán quyết một cách tương đối nhanh chóng. Gần như tất cả bồi thẩm đoàn đều tiến hành bỏ phiếu ngay sau khi họ lui về phòng của mình để xem họ bỏ phiếu chia rẽ hay thống nhất thế nào. Trong 30% số vụ án bồi thẩm đoàn chỉ phải tiến hành bỏ phiếu một lần là đã đạt được một phán quyết đồng thuận. Trong 90% số vụ án còn lại, kết quả đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên sẽ trở thành phán quyết. Những bồi thẩm đoàn bị bế tắc - những bồi thẩm đoàn không đạt được một phán quyết nào - thường chỉ xảy ra khi có tỷ lệ thiểu số khá lớn trong cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên.

Các học giả cũng nhận thấy các bồi thẩm đoàn thường đạt được phán quyết mà thẩm phán muốn có, nếu thẩm phán là người duy nhất chịu trách nhiệm về phán quyết đó. Một nghiên cứu lớn về bồi thẩm đoàn yêu cầu các thẩm phán trả lời về việc họ ra phán quyết cho các vụ án có bồi thẩm đoàn mà họ chủ trì như thế nào. Thẩm phán và bồi thẩm đoàn đồng ý trong 81% các vụ án hình sự (tỷ lệ tương tự đối với các vụ án dân sự). Thẩm phán và bồi thẩm đoàn không thống nhất trong 19% số vụ án hình sự, với việc thẩm phán thể hiện một xu thế rõ rệt là kết án những gì bồi thẩm đoàn xử trắng án.

Khi những thành viên của bồi thẩm đoàn cuối cùng cũng đi đến quyết định, họ quay trở lại phòng xử án và phán quyết của họ được công bố công khai, thường là do chủ tịch bồi thẩm đoàn công bố. Khi đó công tố hoặc luật sư bào chữa thường yêu cầu được thăm dò ý kiến - nghĩa là mỗi thành viên bồi thẩm đoàn được hỏi độc lập rằng phán quyết đó thực tế có phản ánh ý kiến của riêng họ hay không. Mục đích của việc làm này là để xác định liệu mỗi thành viên có ủng hộ phán quyết chung hay đơn giản là họ chịu sức ép của cả nhóm. Nếu thủ tục thăm dò ý kiến cho thấy bồi thẩm đoàn thực sự không thống nhất với nhau thì bồi thẩm đoàn sẽ được yêu cầu trở lại phòng hội thẩm để tiếp tục cân nhắc; ở một số khu vực tài phán, có thể có lời tuyên bố về việc xét xử sai. Nếu bị tuyên bố là xét xử sai thì vụ án có thể bị xét xử lại trước một bồi thẩm đoàn mới. Ở đây không có nguy cơ tái hình vì bồi thẩm đoàn ban đầu không thống nhất đối với phán quyết. Nếu phán quyết của bồi thẩm đoàn là vô tội thì bị cáo được tuyên bố tha tại chỗ và được tự do rời khỏi phòng xử án.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (16): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (17): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (18): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (19): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (20): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 6
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (21): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 7
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (22): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (23): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (24): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (25): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (26): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (27): Các thẩm phán liên bang - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (28): Các thẩm phán liên bang - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (29): Các thẩm phán liên bang - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (30): Các thẩm phán liên bang - Phần 4