Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (26): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 5

TRÌNH TỰ TỐ TỤNG DÂN SỰ (Tiếp theo)

Phiên tòa dân sự

Lựa chọn bồi thẩm đoàn. Tu chính án Hiến pháp thứ bảy bảo đảm quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn trong một vụ kiện dân sự tại một tòa án liên bang. Các hiến pháp của bang cũng quy định quyền này. Quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn có thể bị khước từ, và trong trường hợp đó thẩm phán sẽ quyết định vụ kiện. Mặc dù theo truyền thống, bồi thẩm đoàn thường gồm 12 người, song hiện nay con số này rất khác biệt giữa các nơi. Hầu hết các tòa án hạt thuộc liên bang ngày nay đều sử dụng bồi thẩm đoàn ít hơn 12 người trong các vụ kiện dân sự. Phần lớn các bang cũng ủy quyền cho các bồi thẩm đoàn với quy mô nhỏ hơn trong một số hoặc tất cả các phiên tòa dân sự.

Giống như trong các phiên tòa hình sự, các thành viên của bồi thẩm đoàn phải được lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ một bộ phận tương đối tiêu biểu của cộng đồng. Một nhóm thành viên bồi thẩm đoàn đông hơn được triệu tập tới trụ sở tòa án, và khi một vụ kiện được chỉ định cho tòa dân sự, một nhóm nhỏ hơn các thành viên bồi thẩm đoàn sẽ được đưa đến một phòng xử án cụ thể.

Sau khi tiến hành thẩm tra sơ khởi - việc thẩm tra này có thể bao gồm cả sự phản đối của các luật sư đối với một số thành viên nào đó - một ban bồi thẩm sẽ ngồi tại tòa để nghe xét vụ việc cụ thể. Các luật sư có thể phản đối có lý do đối với một thành viên bồi thẩm đoàn; trong trường hợp này thẩm phán sẽ phải quyết định liệu người bị phản đối có thiên kiến hay không. Mỗi bên có thể đưa ra một số nhất định những phản đối suy đoán - phản đối một thành viên bồi thẩm đoàn mà không cần phải nêu bất kỳ một lý do nào. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng sự bảo đảm về quyền bình đẳng của Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn cấm việc sử dụng những phản đối này để tuyên bố các thành viên bồi thẩm đoàn là không đủ tư cách vì lý do chủng tộc hay giới tính của họ. Các phản đối suy đoán được quy định số lượng bởi luật pháp hoặc phán quyết tòa án và thường dao động từ hai tới sáu.

Các tuyên bố mở màn. Sau khi chọn xong bồi thẩm đoàn, các luật sư trình bày tuyên bố mở màn của mình. Luật sư của bên nguyên bắt đầu trước. Ông / bà ta sẽ giải thích cho bồi thẩm đoàn về vụ việc và về những gì mà bên nguyên muốn chứng minh. Luật sư của bên bị thường có thể lựa chọn việc trình bày tuyên bố mở màn của mình ngay sau khi luật sư bên nguyên kết thúc tuyên bố mở màn, hoặc đợi cho tới khi bên nguyên trình bày xong toàn bộ vụ việc. Nếu luật sư của bên bị chờ đợi, ông / bà ta sẽ trình bày toàn bộ vụ việc về phía bị đơn một cách liên tục, từ tuyên bố mở màn cho tới những nội dung tiếp theo. Các tuyên bố mở màn là rất có giá trị, bởi vì chúng khái quát vụ việc và giúp bồi thẩm đoàn dễ dàng hiểu được các bằng chứng khi chúng được đưa ra.

Trình bày lý lẽ của bên nguyên. Trong một phiên tòa dân sự thông thường, bên nguyên trình bày và cố gắng chứng minh vụ việc của mình với bồi thẩm đoàn trước, đồng thời là bên cuối cùng đưa ra các lập luận kết thúc. Khi trình bày vụ việc, luật sư của bên nguyên thường cho gọi các nhân chứng để làm chứng và đưa ra các tài liệu hoặc các vật chứng khác.

Khi một nhân chứng được cho gọi, ông / bà ta sẽ bị thẩm vấn trực tiếp bởi luật sư bên nguyên. Tiếp đó luật sư bên bị sẽ có cơ hội hỏi các câu hỏi hoặc đối chất với nhân chứng. Tòa án tối cao bang Arizona gần đây đã tiến hành một số bước để giúp thành viên bồi thẩm đoàn có thể ra những quyết định đúng đắn hơn trong các phiên tòa dân sự. Bên cạnh những quy định khác, tòa án cấp cao nhất này của bang đã thông qua việc cho phép thành viên bồi thẩm đoàn được chuyển các câu hỏi viết cho nhân chứng thông qua thẩm phán. Các bang khác đang xem xét việc thực hiện thông lệ mới của Arizona. Sau khi đối chất, luật sư của bên nguyên có thể tiếp tục hỏi trực tiếp nhân chứng, và tiếp đó luật sư bên bị tiếp tục đối chất với nhân chứng.

Nhìn chung, các nhân chứng có thể chỉ làm chứng về những vấn đề mà họ đã trực tiếp nhìn thấy; họ thường không trình bày ý kiến của mình. Tuy nhiên, có một ngoại lệ rất quan trọng cho quy định chung này là các nhân chứng có trình độ chuyên môn có thể được triệu tập cụ thể để đưa ra ý kiến về những vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn của họ.

Để được coi là một nhân chứng có trình độ chuyên môn, người đó phải có kiến thức thực tế về một lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, kiến thức này thường phải được xác minh trong quá trình tranh luận tại tòa. Cả hai bên thường giới thiệu những chuyên gia mà ý kiến của họ mâu thuẫn nhau. Khi điều này xảy ra, bồi thẩm đoàn sẽ là người cuối cùng quyết định ý kiến nào là đúng.

Khi bên nguyên đã trình bày xong toàn bộ chứng cớ, luật sư tuyên bố kết thúc phần trình bày về vụ việc (quay về vị trí của mình).

Kiến nghị phán quyết bác bỏ. Sau khi bên nguyên đã kết thúc phần trình bày về vụ kiện, bị đơn thường đưa ra kiến nghị về một phán quyết bác bỏ vụ kiện. Khi đưa ra kiến nghị này, có nghĩa là bị đơn cho rằng nguyên đơn không chứng minh được vụ việc của mình và phải bị xử thua. Lúc này, thẩm phán sẽ quyết định liệu bên nguyên có thể thắng được tại điểm này nếu vụ kiện bị ngừng lại. Nếu như thẩm phán quyết định rằng các chứng cứ của bên nguyên không đủ thuyết phục, ông / bà ta sẽ chấp nhận kiến nghị và đưa ra phán quyết bác bỏ cho bị đơn. Như vậy, nguyên đơn sẽ thua kiện. Kiến nghị phán quyết bác bỏ này cũng tương tự như kiến nghị bác bỏ trước khi diễn ra phiên tòa.

Phần trình bày lý lẽ của bên bị.
Nếu như kiến nghị về phán quyết bác bỏ bị bác, bị đơn sẽ phải trình bày các chứng cứ. Phần trình bày lý lẽ của bị đơn sẽ giống như phần trình bày của nguyên đơn. Có nghĩa là, sẽ có sự thẩm tra trực tiếp các nhân chứng, đệ trình các tài liệu và các vật chứng khác. Bên nguyên có quyền đối chất với nhân chứng. Sau đó sẽ là việc thẩm tra lại và đối chất lại.

Bác bỏ của bên nguyên. Sau phần trình bày của bị đơn, nguyên đơn có thể đưa ra những bằng chứng bác bỏ, nhằm mục đích bác bỏ các bằng chứng của bị đơn.

Phản bác đối với sự bác bỏ của bên nguyên. Luật sư của bên bị có thể trình bày những bằng chứng để phản bác lại những bằng chứng bác bỏ của bên nguyên. Hình thức “bác bỏ và phản bác” này có thể được tiếp tục cho tới tận khi không còn bằng chứng nào cả.

Các lập luận kết thúc. Sau khi tất cả các bằng chứng đã được trình lên, các luật sư sẽ đưa ra những lập luận kết thúc, hoặc phần tổng kết, cho bồi thẩm đoàn. Luật sư của bên nguyên sẽ nói cả trước và sau. Điều đó có nghĩa là ông / bà ta sẽ vừa mở đầu vừa kết thúc phần lập luận, còn luật sư của bên bị sẽ tranh luận chen ngang. Trong giai đoạn này của phiên xét xử, mỗi luật sư sẽ công kích bằng chứng của bên kia là không đáng tin cậy và cũng có thể cố gắng làm mất tín nhiệm đối với nhân chứng của đối phương. Trong việc này, các luật sư thường sử dụng tài hùng biện hoặc đưa ra những yêu cầu khẩn thiết đầy xúc động đối với bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, các lập luận nhất thiết phải dựa trên các sự việc thực tế được chứng minh bởi bằng chứng và được trình lên trong phiên tòa.

Hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn.
Giả thiết rằng một phiên tòa được xét xử bởi bồi thẩm đoàn không bị khước từ, các hướng dẫn dành cho bồi thẩm đoàn sẽ được đưa ra sau khi chấm dứt phần lập luận kết thúc. Thẩm phán thông báo cho bồi thẩm đoàn rằng bồi thẩm đoàn phải phán quyết dựa trên các bằng chứng được đưa ra trước tòa. Các hướng dẫn của thẩm phán cũng thông báo cho thành viên bồi thẩm đoàn biết về những quy định, nguyên tắc và tiêu chuẩn của khái niệm pháp lý cụ thể có liên quan. Trong các phiên tòa dân sự, một kết luận dành cho nguyên đơn phải được dựa trên cơ sở sự vượt trội về bằng chứng. Điều đó có nghĩa là các thành viên bồi thẩm đoàn phải cân nhắc các bằng chứng được trình bày trong phiên tòa và quyết định trong đầu xem các bằng chứng có sức thuyết phục hơn, xét về cả tình tiết và giá trị, có lợi cho nguyên đơn hay không.

Phán quyết.
Bồi thẩm đoàn sẽ lui vào phòng bồi thẩm đoàn để hội ý riêng với nhau về quyết định của mình. Các thành viên phải đưa ra một phán quyết mà không có sự liên hệ với bên ngoài. Trong một số trường hợp, cuộc thảo luận có thể kéo dài và chi tiết tới mức các bồi thẩm đoàn phải được cung cấp đồ ăn và chỗ ngủ cho tới tận khi họ đưa ra được phán quyết. Lúc đó, phán quyết sẽ là sự nhất trí của tất cả các thành viên bồi thẩm đoàn sau khi đã thảo luận và phân tích chi tiết các bằng chứng. Đôi khi, bồi thẩm đoàn đã cân nhắc và thảo luận hết sức kỹ lưỡng với tất cả thiện ý, song vẫn không đi tới được phán quyết. Khi trường hợp này xảy ra, thẩm phán sẽ tuyên bố hủy bỏ phiên tòa để thay thế bằng một bồi thẩm đoàn khác. Điều đó có nghĩa là sẽ phải tiến hành một phiên xét xử mới.

Sau khi đã đưa ra được phán quyết, bồi thẩm đoàn sẽ quay trở lại phòng xử án, và tại đó họ sẽ chuyển phán quyết cho thẩm phán. Các bên được thông báo về phán quyết. Theo thông lệ, lúc đó bồi thẩm đoàn sẽ được xin ý kiến về phán quyết - thẩm phán sẽ hỏi từng thành viên bồi thẩm đoàn xem họ có đồng tình với phán quyết hay không.

Các kiến nghị sau phiên xét xử. Khi phán quyết đã được công bố, bên không hài lòng với phán quyết có thể tiếp tục tiến hành rất nhiều chiến thuật. Bên thua kiện có thể đệ trình một kiến nghị về bản án bất chấp phán quyết đã đưa ra. Hình thức kiến nghị này được cho phép khi thẩm phán quyết định rằng phán quyết mà bồi thẩm đoàn đã đưa ra là không hợp lý.

Bên thua kiện cũng có thể đệ trình kiến nghị về việc mở một phiên tòa mới. Thông thường, cơ sở đề xuất kiến nghị này là phán quyết đưa ra đã đi ngược lại với sức nặng về bằng chứng. Thẩm phán sẽ chấp thuận kiến nghị trên cơ sở đó nếu ông / bà ta đồng tình rằng các bằng chứng được đưa ra đơn giản là không hỗ trợ cho phán quyết mà bồi thẩm đoàn đã tuyên bố. Một phiên tòa mới cũng có thể được chấp nhận vì một số lý do, ví dụ như: thiệt hại quá mức, thiệt hại hoàn toàn không tương xứng, việc phát hiện ra các bằng chứng mới, và sai sót khi đưa ra bằng chứng, v.v..

Trong một số trường hợp, bên thua kiện cũng có thể đệ trình một kiến nghị miễn giảm bản án. Loại kiến nghị này có thể được chấp nhận nếu thẩm phán phát hiện sai sót khi ghi chép bản án, khám phá thêm một số bằng chứng mới, hoặc xác định rằng bản án đã bị làm sai lệch theo cách gian lận.

Án văn và thi hành. Một phán quyết có lợi cho bị đơn sẽ kết thúc phiên xét xử, nhưng phán quyết có lợi cho nguyên đơn đòi hỏi phải có thêm một giai đoạn nữa trong trình tự tố tụng. Trong các phiên tòa dân sự thường không có bản án, nhưng phải xác định phương thức bồi thường hoặc các thiệt hại được ước tính. Sự xác định này được gọi là án văn.

Trong trường hợp án văn là về thiệt hại về tiền bạc và bị đơn không tự nguyện trả số tiền đã được nêu, bên nguyên có thể đề nghị viên lục sự tòa đưa ra một lệnh thi hành án. Lệnh thi hành sẽ được chuyển đến văn phòng cảnh sát trưởng, yêu cầu cảnh sát trưởng tịch biên tài sản của bên bị và bán đấu giá chúng để trả cho nguyên đơn theo án đã tuyên. Có một cách khác là ban hành một lệnh cầm cố - đây là một quyền pháp lý cho phép giữ tài sản có thể được sử dụng để trả cho nguyên đơn theo án văn.

Kháng án. Nếu một bên cảm thấy có sự sai sót về luật pháp trong quá trình xét xử, và nếu thẩm phán không chấp nhận kiến nghị sau phiên xử về việc mở một phiên xét xử mới, bên không hài lòng có thể kháng án lên một tòa án cấp cao hơn. Có lẽ những lý lẽ phổ biến nhất cho việc kháng án này là vì thẩm phán đã chấp nhận những bằng chứng mà lẽ ra phải bị loại trừ, từ chối chấp nhận những bằng chứng lẽ ra phải được đưa vào, hoặc không đưa ra những chỉ dẫn phù hợp cho bồi thẩm đoàn.

Một luật sư đưa ra cơ sở cho việc kháng án bằng cách phản đối những sai sót mà ông ta cho rằng đã xuất hiện trong quá trình xét xử. Sự phản đối này sẽ được ghi trong hồ sơ xét xử và trở thành một phần của biên bản phiên tòa; những chi tiết này sau này sẽ được xem xét bởi tòa phúc thẩm. Quyết định của tòa phúc thẩm có thể là giữ nguyên bản án của tòa cấp thấp hơn hoặc mở một phiên xét xử mới.

 

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (16): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (17): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (18): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (19): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (20): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 6
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (21): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 7
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (22): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (23): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (24): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (25): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (26): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (27): Các thẩm phán liên bang - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (28): Các thẩm phán liên bang - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (29): Các thẩm phán liên bang - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (30): Các thẩm phán liên bang - Phần 4