Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (21): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 7

NHỮNG THỦ TỤC SAU MỘT PHIÊN TÒA HÌNH SỰ

Khi kết thúc phiên tòa hình sự, thông thường vẫn còn hai khâu đối với bị đơn nếu bị tuyên có tội: quyết định hình phạt và kháng án.

Quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt là lời công bố chính thức của tòa án về việc xét xử bị đơn mà vào thời điểm đó sự trừng phạt hay hình phạt được đưa ra.

Ở cấp độ liên bang và ở hầu hết các bang, quyết định hình phạt chỉ do thẩm phán đưa ra. Tuy nhiên, ở một số bang bị đơn có thể lựa chọn được thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn quyết định hình phạt, và trong các vụ án tử hình các bang thường yêu cầu rằng không được áp dụng hình phạt tử hình nếu không có quyết định đồng thuận của 12 thành viên bồi thẩm đoàn. Tại một số bang, sau khi bồi thẩm đoàn xác minh và tuyên bố một ai đó là có tội thì bồi thẩm đoàn sẽ thảo luận kỹ lưỡng lần thứ hai để xác định bản án. Ở một vài bang, một bồi thẩm đoàn mới sẽ được đưa vào danh sách cốt để tuyên án. Khi đó những quy tắc về bằng chứng sẽ được nới lỏng hơn, và bồi thẩm đoàn có thể được phép nghe bằng chứng đã bị loại trừ trong thời gian xét xử thực tế (chẳng hạn, hồ sơ tội phạm trước đó của bị cáo).

Sau khi thẩm phán công bố bản án, theo tập quán sẽ có một vài tuần tính từ lúc bị đơn bị xác minh và tuyên bố là có tội đến khi hình phạt được đưa ra. Khoảng thời gian này cho phép thẩm phán nghe và xem xét những kiến nghị sau phiên tòa mà luật sư bào chữa có thể nêu ra (như kiến nghị một phiên tòa mới) và cho phép một người quản chế tiến hành điều tra trước khi kết án. Người quản chế này là một chuyên gia về tội phạm học, tâm lý học hay xã hội học - người sẽ gợi ý cho thẩm phán về độ dài thời gian áp đặt hình phạt. Người quản chế thông thường xem xét những yếu tố như lai lịch của tội phạm, mức độ nghiêm trọng của tội danh phạm phải, và khả năng tội phạm tiếp tục tham gia vào những hoạt động phi pháp. Các thẩm phán không buộc phải tuân theo khuyến nghị của người quản chế, nhưng khuyến nghị này vẫn là một yếu tố quan trọng trong đánh giá của thẩm phán về việc sẽ đưa ra bản án nào. Các thẩm phán được giới thiệu rất nhiều biện pháp thay thế và hàng loạt những bản án khi trừng phạt tội phạm. Nhiều biện pháp thay thế trong số này liên quan đến khái niệm cải tạo và đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia trong các lĩnh vực tội phạm học và khoa học xã hội.

Hình phạt nhẹ nhất mà một thẩm phán có thể đưa ra là án treo. Đây thường là hình phạt mà tội phạm được coi là rất nhẹ hoặc nếu thẩm phán tin rằng người phạm tội sẽ không tiếp tục tham gia vào những hoạt động phi pháp. Nếu án treo được đưa ra thì người phạm tội có thể không phải ngồi tù một tí nào chừng nào những điều kiện của án treo vẫn được duy trì. Những điều kiện như vậy có thể gồm tránh xa những tên tội phạm đã bị kết án, không phạm những tội danh khác, hay thực hiện một số hoạt động cộng đồng một cách thường xuyên hơn. Nếu một người phạm tội trải qua thời gian án treo mà không có vi phạm gì thì hồ sơ tội phạm của người đó thường được xóa sạch và trong con mắt của pháp luật thì dường như người đó chưa hề phạm tội gì.

Nếu thẩm phán không mấy ngả về quyết định án treo và thấy rằng thời gian trong nhà lao là cần thiết thì thẩm phán có thể đưa ra một án tù trong phạm vi quy định của luật pháp. Lý do phải có một dãy số năm tù thay vì tự động áp dụng số năm tù là ở chỗ luật pháp nhận thấy không phải mọi tội danh và kẻ phạm tội là đồng nhất với nhau và trên nguyên tắc hình phạt phải phù hợp với tội danh.

Trong nỗ lực xóa bỏ những chênh lệch lớn trong việc kết án, chính quyền liên bang và nhiều bang đã cố gắng đưa ra những bộ hướng dẫn chuẩn mực để tạo sự nhất quán cao hơn giữa các thẩm phán. Ở cấp độ quốc gia, nỗ lực này được thể hiện bằng việc ban hành Đạo luật cải cách việc quyết định hình phạt năm 1987 - là đạo luật xây dựng những hướng dẫn cơ cấu thủ tục kết án.

Quốc hội quy định rằng các thẩm phán chỉ có thể đi trệch khỏi những hướng dẫn nếu họ tìm ra một tình tiết trầm trọng hơn hoặc giảm nhẹ đi mà tội danh phạm phải không được xem xét một cách thỏa đáng. Mặc dù những hướng dẫn của Quốc hội không chỉ ra cụ thể những loại yếu tố có thể cấu thành nên cơ sở cho việc đi trệch khỏi những hướng dẫn kết án, nhưng Quốc hội nêu rõ rằng những cơ sở như vậy không thể bao gồm chủng tộc, giới tính, xuất xứ, tín ngưỡng, tôn giáo, tình trạng kinh tế xã hội, sự lệ thuộc vào ma tuý, hay lạm dụng rượu.

Các bang cũng có rất nhiều chương trình để tránh những chênh lệch lớn trong bản án của thẩm phán. Đến năm 1995, 22 bang đã thành lập các ủy ban để xây dựng những hướng dẫn kết án cho các thẩm phán của mình, và đến cuối năm 1997, những hướng dẫn đó đã có hiệu lực ở 17 bang. Tương tự như vậy, gần như hầu hết các bang giờ đây đã ban hành những đạo luật kết án bắt buộc đòi hỏi sự kết án tự động, cụ thể đối với việc phạm phải một số tội danh - đặc biệt là những tội có bạo lực, những tội có sử dụng súng, hoặc những tội do tội phạm thường xuyên phạm phải.

Bất chấp việc có tác động to lớn đối với việc kết án, các thẩm phán không nhất thiết phải có tiếng nói cuối cùng về bản án. Bất cứ khi nào một thời hạn ngồi tù được thẩm phán đặt ra thì nó vẫn phục thuộc vào những luật tạm tha của chính quyền liên bang và của các bang. Do vậy các ủy ban về tạm tha (và đôi khi là tổng thống và các thống đốc, những người có quyền đưa ra lệnh tha hay những bản án giảm nhẹ) có tiếng nói cuối cùng về việc một người thực tế phải ngồi tù bao lâu.

Kháng án

Ở cả cấp độ bang và liên bang, mọi người đều có quyền ít nhất một lần kháng án đối với việc bị kết án phạm trọng tội, nhưng trên thực tế rất ít tội phạm hình sự sử dụng đặc quyền này. Việc kháng án dựa trên lý lẽ cho rằng đã có sai phạm về luật trong quá trình xử án. Một sai phạm như vậy phải là có thể đảo ngược chứ không phải là vô hại. Một sai phạm được coi là vô hại nếu việc xảy ra vi phạm không ảnh hưởng lên kết quả của việc xét xử. Tuy nhiên, một sai phạm có thể đảo ngược là một sai phạm nghiêm trọng mà có thể tác động lên phán quyết của thẩm phán hay bồi thẩm đoàn. Chẳng hạn, một sự kháng án thành công có thể dựa trên lập luận rằng bằng chứng được chấp nhận một cách không hợp lý tại phiên tòa, rằng chỉ dẫn của thẩm phán cho bồi thẩm đoàn bị bỏ sót, hoặc rằng lời bào chữa có tội không được thực hiện một cách tự nguyện. Tuy nhiên, việc kháng án phải dựa trên những câu hỏi về thủ tục và giải thích pháp lý, chứ không dựa trên những phán quyết căn cứ theo sự thực về sự phạm tội hay vô tội của bị đơn. Hơn nữa, trong hầu hết các trường hợp, một người không thể kháng cáo thời hạn bản án của mình ở Mỹ (chừng nào thời hạn đó vẫn nằm trong phạm vi quy định theo pháp luật).

Những bị đơn hình sự có mức độ thành công nhất định trong việc kháng án, khoảng 20%, nhưng điều đó không có nghĩa là bị cáo được thoát tội. Tập quán thông thường đối với tòa phúc thẩm là gửi trả vụ án (gửi lại vụ án xuống cấp dưới) cho tòa án cấp thấp hơn để xét xử lại. Khi đó công tố phải xác định liệu những sai phạm về thủ tục trong lần xét xử đầu tiên có vượt qua được lần xét xử thứ hai không và liệu có đáng mất thời gian và công sức để làm điều đó không. Một phiên tòa thứ hai không được coi là tái hình vì bị đơn đã chọn kháng cáo sự kết tội đầu tiên.

Truyền thông và các phương tiện thông tin khác liên quan đến luật pháp thường hướng sự chú ý của công chúng đến các tòa phúc thẩm mà dường như thả lỏng những tội phạm đã bị kết tội và đến những lời kết án được đảo ngược về tính chất chuyên môn. Chắc chắn là điều đó sẽ xảy ra, và ta có thể lập luận rằng điều này là không thể tránh khỏi trong một đất nước dân chủ có hệ thống pháp luật dựa trên nền tảng hành xử công bằng và giả định về sự vô tội của bị cáo. Tuy nhiên, khỏa ng 90% số bị đơn bào chữa có tội, và sự bào chữa này thực sự đã loại trừ khả năng kháng cáo. Trong số những bị đơn còn lại thì hai phần ba bị kết luận có tội tại phiên tòa xét xử và chỉ một phần rất nhỏ trong số họ kháng cáo. Trong số những người kháng cáo thì chỉ có 20% có được một mức độ thà nh công vừa phả i. Trong số những người mà lời kết án dành cho họ được đảo ngược, có nhiều người bị kết luận có tội tại phiên tòa tiếp theo. Do đó, số người bị kết án phạm tội mà sau đó được tha tội do những sai phạm có thể đảo ngược của tòa án chỉ dừng lại ở tỷ lệ nhỏ bé 1% mà thôi.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (16): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (17): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (18): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (19): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (20): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 6
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (21): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 7
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (22): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (23): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (24): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (25): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (26): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (27): Các thẩm phán liên bang - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (28): Các thẩm phán liên bang - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (29): Các thẩm phán liên bang - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (30): Các thẩm phán liên bang - Phần 4