Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (19): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 5

NHỮNG THỦ TỤC TRONG MỘT PHIÊN TỐ TỤNG HÌNH SỰ (Tiếp theo)

Lựa chọn thành viên bồi thẩm đoàn

Nếu bị cáo lựa chọn không theo tòa án xét xử - nghĩa là không bị xét xử và kết án bởi chỉ một thẩm phán - thì số phận của người đó sẽ do một bồi thẩm đoàn định đoạt. Ở cấp độ liên bang, 12 người phải đưa một phán quyết thống nhất. Ở cấp độ bang, tiêu chí này chỉ áp dụng cho những tội phạm nghiêm trọng nhất. Ở nhiều bang, một bồi thẩm đoàn có thể có quân số ít hơn 12 người và đưa ra phán quyết không phải bằng những quyết định đồng lòng tuyệt đối.

Một nhóm những người có tiềm năng trở thành thành viên bồi thẩm đoàn được triệu tập để có mặt ở tòa. Ở tòa án công khai, họ được thẩm vấn về những phẩm chất chung cho hoạt động của bồi thẩm đoàn theo một thủ tục được gọi là “voir dire” (tiếng Pháp cổ có nghĩa là “nói sự thật”). Công tố và luật sư bào chữa hỏi những câu hỏi chung và cụ thể đối với những thành viên tiềm năng của bồi thẩm đoàn. Họ có phải là công dân của bang không? Họ có thể hiểu được tiếng Anh không? Họ hay ai đó trong gia đình họ đã từng bị xét xử vì một tội hình sự hay chưa? Họ đã đọc hay nảy sinh ý kiến gì về vụ án có trong tay hay chưa?

Khi thực hiện thủ tục “nói sự thật”, bang và luật sư bào chữa có hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là để loại bỏ tất cả những thành viên nào trong danh sách hội thẩm, có lý do rõ ràng giải thích tại sao họ không thể đưa ra quyết định không thiên vị trong vụ án. Ví dụ phổ biến là một người nào đó bị luật pháp loại trừ khỏi bồi thẩm đoàn, một thành viên bồi thẩm đoàn là bạn hay họ hàng của một người tham gia vào việc xét xử, và một người nào đó công khai thừa nhận đã có sự thiên lệch rõ ràng trong vụ án. Những phản đối đối với thành viên bồi thẩm đoàn theo loại này được coi là phản đối vì định kiến, và con số những phản đối như vậy là không hạn chế. Chính thẩm phán là người quyết định những phản đối đó có hiệu lực hay không.

Mục tiêu thứ hai mà những luật sư phản biện hướng đến trong việc thẩm vấn những thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn là để loại bỏ những người mà họ tin là có thể không nghiêng về phía họ kể cả khi không có nguyên nhân rõ ràng cho sự thiên lệch. Mỗi bên được phép có một số phản đối võ đoán - yêu cầu tòa án loại trừ một thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn mà không đưa ra lý do. Hầu hết các bang theo tập quán dành cho luật sư bào chữa nhiều phản đối võ đoán hơn là cho công tố. Ở cấp độ liên bang, từ một đến ba phản đối tính trên một bồi thẩm đoàn thường được dành cho mỗi bên, tùy theo bản chất của tội phạm; còn đối với những vụ án tử hình thì con số này lên đến 20. Việc sử dụng phản đối võ đoán là một nghệ thuật hơn là một môn khoa học và thường dựa trên cơ sở linh cảm của luật sư.

Trong quá khứ, các luật sư có thể loại trừ những thành viên tiềm năng của bồi thẩm đoàn thông qua phản đối võ đoán đối với hầu như bất kỳ nguyên nhân gì. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tòa án tối cao đã giải thích điều khoản bảo vệ công bằng của Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn là để hạn chế quyền tự quyết này bằng cách cấm công tố sử dụng phản đối của mình để loại trừ những người Mỹ gốc Phi hay phụ nữ khỏi hoạt động của bồi thẩm đoàn hình sự.

Thủ tục đặt câu hỏi và phản đối những thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn tiếp tục đến khi tất cả những người bị phản đối vì định kiến đều được loại bỏ, những phản đối võ đoán hoặc đã được được sử dụng hết hoặc bị khước từ dùng tiếp, và một bồi thẩm đoàn gồm 12 người (ở một số bang là 6 người) được thành lập. Tại một số bang, những thành viên dự khuyết cũng được lựa chọn. Họ tham dự phiên tòa nhưng chỉ tham gia vào những suy xét kỹ lưỡng khi một trong số những thành viên ban đầu của bồi thẩm đoàn không thể tiếp tục theo vụ kiện. Một khi danh sách bồi thẩm đoàn đã lựa chọn, họ sẽ tuyên thệ trước thẩm phán và viên lục sự.

Tuyên bố khai mạc

Sau khi phiên tòa chính thức bắt đầu, cả công tố và luật sư bào chữa đều đọc một tuyên bố khai mạc (mặc dù không ở bang nào luật sư bào chữa bắt buộc phải làm như vậy). Những tuyên bố dài dòng và quá chi tiết có thể được thực hiện ở phiên tòa có bồi thẩm đoàn hơn là các phiên tòa toàn thẩm phán. Mục đích của tuyên bố khai mạc là để cung cấp cho các thành viên của bồi thẩm đoàn - những người chưa quen thuộc với luật pháp và những thủ tục điều tra hình sự - một phác thảo những mục tiêu quan trọng trong vụ việc của mỗi bên, bằng chứng sẽ được xuất trình, những nhân chứng được triệu tập, và mỗi bên tìm cách chứng minh điều gì. Nếu những tuyên bố khai mạc được thực hiện tốt thì các thành viên bồi thẩm đoàn sẽ dễ nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của bằng chứng và lời khai hơn. Thủ tục thông thường là bang sẽ thực hiện tuyên bố khai mạc của mình ngay đầu tiên còn luật sư bào chữa sẽ tiếp theo bằng một tuyên bố về việc luật sư sẽ bác lại vụ án như thế nào.

Lý lẽ từ phía công tố

Sau những tuyên bố khai mạc, công tố viên sẽ xuất trình bằng chứng mà bang đã thu thập được để chống lại bị cáo. Bằng chứng thường gồm hai loại - bằng chứng hữu hình (vật chứng) và lời khai của nhân chứng. Vật chứng có thể gồm những thứ như viên đạn, mẫu xét nghiệm đạn đạo, dấu vân tay, mẫu chữ viết tay, xét nghiệm máu và nước tiểu, và những giấy tờ hay vật khác dùng để hỗ trợ một cách hữu hình / cụ thể. Luật sư bào chữa có thể phản đối việc áp dụng những thứ hữu hình này và, nếu thành công, sẽ loại những thứ này khỏi diện xem xét. Nếu những phản đối của luật sư bào chữa không được chấp thuận thì bằng chứng hữu hình sẽ được một nhân viên của phòng xử án xác định chủng loại và trở thành một phần của hồ sơ chính thức.

Hầu hết bằng chứng ở các vụ hình sự là dưới hình thức lời khai của nhân chứng. Cách thức lấy lời khai là một thủ tục hỏi - đáp với mục tiêu có được những thông tin hết sức cụ thể một cách đúng trật tự. Mục đích của việc làm này là chỉ xuất trình những bằng chứng phù hợp với vụ án hiện thời và không đưa ra những thông tin gây nhầm lẫn hoặc không phù hợp hay bằng chứng bất hợp pháp mà có thể gây ra một vụ xét xử sai (chẳng hạn, bằng chứng mà bị cáo đã bị kết tội trước đó cho cùng một tội danh).

Sau mỗi nhân chứng, luật sư bào chữa có quyền đối chất. Mục tiêu của luật sư bào chữa là nghi ngờ lời khai của nhân chứng cho công tố - nghĩa là không tin lời khai đó. Luật sư bào chữa có thể nỗ lực làm cho nhân chứng nhầm lẫn, bối rối hoặc giận dữ, khiến cho nhân chứng không kiểm soát được bản thân và bắt đầu đưa ra những lời khai nhầm lẫn hay mâu thuẫn. Lời khai của một nhân chứng cho công tố cũng có thể bị nghi ngờ nếu sau đó có xuất hiện các nhân chứng bào chữa phủ nhận nội dung tường thuật theo gợi ý của bang. Sau khi hoàn thành đối chất, công tố có thể tiến hành kiểm tra lại để làm rõ hay chỉnh sửa một số điểm quan trọng trong quá trình đối chất. Sau khi xuất trình tất cả bằng chứng và nhân chứng, bang sẽ tạm quay về chỗ nghỉ.

Lý lẽ từ phía người bào chữa

Việc trình bày lý lẽ từ phía luật sư bào chữa cũng tương tự như từ phía công tố về mặt cách thể hiện và dạng thức. Đối với lý lẽ từ phía luật sư bào chữa, bằng chứng hữu hình kém phổ biến hơn, và hầu hết bằng chứng sẽ là của nhân chứng, những người được chuẩn bị để bác bỏ hay mâu thuẫn với những lập luận của công tố. Các nhân chứng được luật sư bào chữa thẩm vấn theo cùng một cách thức như trong lý lẽ phía công tố. Mỗi nhân chứng bào chữa đến lượt mình có thể bị chưởng lý hạt đối chất, và sau đó việc kiểm tra lại được tiến hành.

Sự khác biệt giữa việc đưa lý lẽ từ phía công tố và từ phía luật sư bào chữa là ở trách nhiệm của họ trước pháp luật. Luật sư bào chữa không bị luật pháp yêu cầu xuất trình bất kỳ bằng chứng mới hay bổ sung nào hay bất kỳ nhân chứng nào. Việc bào chữa có thể chỉ đơn thuần là chất vấn mức độ tin cậy hay tính hợp pháp của bằng chứng và nhân chứng của bang. Bên bào chữa không bắt buộc phải chứng minh sự vô tội của bị cáo; nó chỉ cần chỉ ra rằng lý lẽ của bang không nằm ngoài một mối nghi ngờ hợp lý. Bị đơn thậm chí cũng không cần ra làm chứng. (Tuy nhiên, nếu lựa chọn làm như vậy thì bị cáo sẽ phải đối mặt với rủi ro bị đối chất như những nhân chứng khác).

Sau khi luật sư bào chữa tạm quay về chỗ nghỉ, công tố có quyền đưa ra bằng chứng bác bỏ. Đến lượt mình, luật sư bào chữa đưa ra lời kháng biện, được gọi là lời đập lại lời buộc tội của công tố. Sau đó, mỗi bên đưa ra những lý lẽ cuối cùng. Thông thường, đây là một trong những hồi gay cấn của phiên tòa vì mỗi bên tìm cách kết luận nhưng lý lẽ của mình, cô đọng những lý lẽ thuyết phục nhất, và trình kháng nghị cuối cùng lên bồi thẩm đoàn. Bằng chứng mới có thể không được đưa ra ở bước này, và lý lẽ của cả hai bên dường như có cảm xúc và viện đến những giá trị vượt quá vụ án đang xét xử. Công tố có thể nói về vấn đề tội phạm nói chung, về nhu cầu phải có luật pháp và trật tự, và về yêu cầu không được để bị cáo giành được lòng trắc ẩn bằng sự cảm thông của nạn nhân của tội phạm. Mặt khác, luật sư bào chữa có thể nhắc nhở các thành viên bồi thẩm đoàn “tất cả chúng ta đều mắc sai lầm trong cuộc đời này như thế nào” hay lập luận rằng, trong một xã hội tự do, dân chủ, bất cứ điều gì nghi ngờ đều phải được giải quyết theo cách có lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, công tố có thể dễ dàng trá nh sự đa cảm hơn luật sư bào chữa vì nhiều phán quyết của bồi thẩm đoàn đã bị đảo ngược ở tòa phúc thẩm sau khi chưởng lý hạt thêm thắt những lời lẽ gây tổn hại vào những tuyên bố sau cùng.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (16): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (17): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (18): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (19): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (20): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 6
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (21): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 7
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (22): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (23): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (24): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (25): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (26): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (27): Các thẩm phán liên bang - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (28): Các thẩm phán liên bang - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (29): Các thẩm phán liên bang - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (30): Các thẩm phán liên bang - Phần 4