Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (17): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 3

THỦ TỤC TRƯỚC KHI XÉT XỬ SƠ THẨM (Tiếp theo)

Thủ tục đại bồi thẩm đoàn hay phiên tòa sơ bộ

Ở cấp độ liên bang tất cả những người bị cáo buộc phạm tội đều được bảo đảm theo Tu chính án Hiến pháp thứ năm rằng vụ án của họ sẽ được một đại bồi thẩm đoàn xem xét. Tuy nhiên, Tòa án tối cao từ chối làm cho quyền lợi này ràng buộc tất cả các bang. Ngày nay, chỉ khoảng một nửa số bang sử dụng đại bồi thẩm đoàn; ở một số bang trong những bang này đại bồi thẩm đoàn chỉ được dùng cho những loại vụ án đặc biệt. Những bang không sử dụng đại bồi thẩm đoàn sẽ áp dụng một phiên tòa sơ bộ hoặc một phiên thẩm vấn. (Một số bang sử dụng cả hai thủ tục này). Bất cứ phương pháp nào được sử dụng, mục đích cơ bản của khâu này trong thủ tục tố tụng hình sự là để xác định liệu có nguyên nhân hợp lý nào để đưa bị cáo ra phiên tòa chính thức không.

Đại bồi thẩm đoàn. Các đại bồi thẩm đoàn gồm 16 đến 23 công dân, thường lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ danh sách đăng ký cử tri, đưa ra phán quyết trên cơ sở đa số phiếu bầu. Nhiệm kỳ của những người này có thể kéo dài tùy ý từ một tháng đến một năm, và một số người có thể tham gia vào hơn 1000 vụ án trong nhiệm kỳ của họ. Chỉ một mình công tố trình bày bằng chứng trước đại bồi thẩm đoàn. Bị cáo và luật sư của bị cáo không chỉ vắng mặt ở vụ kiện mà thông thường họ còn không có ý kiến gì về việc đại bồi thẩm đoàn xét xử vụ án như thế nào và khi nào. Nếu có đa số tin rằng có nguyên nhân hợp lý thì một bản cáo trạng (indictment), hay một đơn kiện (bill) thực sự, sẽ được đưa ra. Nếu không thì sẽ không có đơn kiện.

Từ trước đến nay, có hai lý lẽ được đưa ra để ủng hộ cho các đại bồi thẩm đoàn. Một là các đại bồi thẩm đoàn hoạt động như là người ngăn cản công tố có thể sử dụng chức vụ của mình để quấy rối một người vô tội vì những lý do chính trị hay cá nhân. Lý tưởng nhất là một nhóm người không thiên vị sẽ tự can thiệp vào giữa công tố vô nguyên tắc và bị cáo. Lý lẽ thứ hai ủng hộ đại bồi thẩm đoàn là bảo đảm rằng luật sư địa hạt đã có đủ bằng chứng để chứng thực rắc rối và chi phí (cho cả bang và bị cáo) của một phiên tòa xét xử đầy đủ.

Phiên tòa sơ bộ
. Ở đa số các bang đã bãi bỏ hệ thống đại bồi thẩm đoàn, một phiên tòa sơ bộ được sử dụng để xác định liệu đã có nguyên nhân hợp lý để ràng buộc bị cáo để xét xử hay chưa. Ở phiên tòa này, công tố trình bày vụ kiện, và bị cáo có quyền đối chất các nhân chứng và đưa ra bằng chứng thỏa đáng. Thông thường, các luật sư của bị cáo lựa chọn không tranh cãi ở khâu này của thủ tục tố tụng hình sự; trên thực tế, các luật sư từ bỏ phiên tòa sơ bộ trong phần lớn các vụ kiện.

Nếu thẩm phán thẩm vấn xác định rằng có nguyên nhân hợp lý để xét xử hay nếu phiên tòa sơ bộ bị chối bỏ thì công tố phải đệ trình một đơn kiện lên tòa án nơi việc xét xử sẽ được tiến hành. Điều này giúp cho việc phác thảo chính xác những lời buộc tội sẽ được đưa ra xét xử ở cấp độ pháp lý mới.

Luận tội

Luận tội là quá trình bị cáo được đưa ra trước thẩm phán tại tòa án mà tại đó bị cáo sẽ bị xét xử trên cơ sở cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn hoặc đơn kiện của công tố. Công tố hoặc thư ký tòa thường đọc ở tòa án công khai lời buộc tội đã được đưa ra chống lại bị cáo. Bị đơn được thông báo rằng anh ta có quyền hiến định được một luật sư đại diện và một luật sư sẽ được chỉ định không mất tiền nếu cần thiết.

Bị đơn có một số lựa chọn cho việc bào chữa cho lời buộc tội. Những lời bào chữa thông thường nhất là có phạm tội và vô tội. Nhưng bị cáo cũng có thể bào chữa vô tội vì mất trí, trước đó bị cùng một hiểm họa (đã bị xét xử vì cùng một lời buộc tội vào một thời điểm khác), hoặc “nolo contendere” (tiếng Latinh có nghĩa là không tranh cãi). “Nolo contendere” có nghĩa là bị cáo không chối bỏ những tình tiết của vụ án nhưng khiếu nại rằng anh ta không phạm bất cứ tội gì, hoặc nó có thể có nghĩa là bị đơn không hiểu lời buộc tội. Bào chữa không tranh cãi chỉ có thể được đưa vào với sự đồng ý của thẩm phán (và đôi khi của cả công tố). Bào chữa như vậy có hai điều lợi. Nó có thể giúp bị cáo giữ được thể diện trước công chúng vì anh ta sau đó có thể khiếu nại rằng không có phán quyết có tội nào được đưa ra ngay cả khi một bản án hay tiền phạt đã được áp dụng. Mặc dù vậy, bào chữa này có thể miễn cho bị đơn khỏi một số hình phạt dân sự có thể xảy ra sau lời bào chữa có tội (chẳng hạn, một vụ kiện dân sự có thể tiếp theo lời kết tội gian trá hay biển thủ).

Nếu bị cáo bào chữa vô tội thì thẩm phán sẽ lên kế hoạch một ngày xét xử. Nếu bị đơn tự nhận là có tội thì có thể bị kết án ngay tại chỗ hoặc một ngày sau đó do thẩm phán ấn định. Trước khi tòa án chấp nhận tự nhận tội, thẩm phán phải chứng nhận rằng lời bào chữa được đưa ra một cách tự nguyện và rằng bị đơn đã được biết những ý nghĩa của lời nhận tội. Tự nhận tội hầu như tương đương với phán quyết chính thức có tội.

Khả năng thương lượng lời khai

Ở cả cấp độ bang và liên bang, ít nhất 90 phần trăm số vụ hình sự không bao giờ bị xét xử. Điều này là vì, trước ngày xử án, giữa công tố và luật sư bên bị đã có sự thương lượng về những lời buộc tội chính thức sẽ được đưa ra và nội dung bản án mà bang sẽ khuyến nghị với tòa án. Trên thực tế sẽ có cam kết về một hình thức khoan dung để đổi lấy lời khai tự nhận tội.

Vì thương lượng bào chữa thực sự đã định đoạt số phận của bị đơn trước khi xét xử nên vai trò của thẩm phán chỉ đơn giản là để bảo đảm rằng những thủ tục pháp lý và Hiến pháp đúng đắn được tuân thủ. Có ba loại thương lượng lời khai (không loại trừ lẫn nhau).

Giảm cáo trạng. Hình thức thỏa thuận phổ biến nhất giữa công tố và bên bị là giảm cáo trạng xuống một mức đỡ nghiêm trọng hơn so với những gì mà bằng chứng có thể ủng hộ. Điều này làm cho những khả năng kết án tội phạm bị giảm đi đáng kể. Lý do thứ hai cho bị đơn tự nhận tội được giảm bớt cáo trạng là để tránh mang tiền án của một tội nhơ nhuốc về xã hội. Khả năng thứ hai là bị đơn có thể muốn tránh hồ sơ trọng tội và sẵn sàng tự nhận có phạm bất cứ tội ít nghiêm trọng nào nào do công tố đưa ra để tránh phải bị buộc tội nghiêm trọng.

Xóa cáo trạng tăng nặng. Hình thức thương lượng lời khai thứ hai là chưởng lý hạt đồng ý xóa bỏ những lời buộc tội khác đang dành cho một cá nhân. Có hai biến thể đối với hình thức này. Một là thỏa thuận không khởi tố “theo chiều dọc” - có nghĩa là không đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng hơn chống lại cá nhân đó. Loại thỏa thuận thứ hai là bác những cáo buộc “theo chiều ngang”; đó là bác bỏ những cáo trạng bổ sung đối với cùng một tội đang dành cho bị cáo.

Một biến thể khác của hình thức thương lượng lời khai này là thỏa thuận mà trong đó điều khoản phạm tội nhiều lần được xóa khỏi bản cáo trạng. Ở cấp độ liên bang và tại nhiều bang, một người bị đánh giá là phạm tội thường xuyên khi bị kết án lần thứ ba về một trọng tội tại bất cứ nơi nào ở Mỹ. Bản án bắt buộc cho phạm tội thường xuyên là tù chung thân. Ở các tòa án bang, lời buộc tội đối với phạm tội thường xuyên thường được xóa bỏ để đổi lấy lời khai tự nhận tội.

Một thương lượng lời khai khác thuộc loại này là thỏa thuận mà trong đó những cáo trạng ở các tòa án khác nhau được hợp nhất tại một tòa án để các bản án được thi hành cùng một lúc. Do những cáo trạng và quyết định của phiên tòa sơ bộ được lưu giữ ở nhiều khu vực tài phán nên chúng được đưa vào sổ ghi án xét xử trong một hệ thống luân phiên. Điều này có nghĩa là một bị đơn bị cáo buộc bốn điểm giả mạo và tội danh sở hữu công cụ giả mạo có thể bị đưa vào sổ ghi án của năm tòa án khác nhau. Nhìn chung, việc chuyển tất cả những cáo trạng của một người cho tòa án đầu tiên được liệt kê là tập quán phổ biến ở những địa hạt có hệ thống nhiều tòa án như vậy. Điều này mang lại cho thẩm phán chủ tọa quyền tự quyết cho phép tất cả những bản án của bị đơn được thực hiện cùng một lúc.

Thương lượng hình phạt. Hình thức thứ ba của thương lượng lời khai liên quan đến việc để bị đợn tự nhận tội để đổi lấy một thỏa thuận của công tố yêu cầu thẩm phán có bản án nhẹ hơn. Sức mạnh của việc thương lượng hình phạt này dựa trên những thực tế về nguồn lực hạn chế của hệ thống pháp lý. Ít nhất ở cấp độ bang công tố có thể hứa với bị đơn một bản án công bằng cụ thể với niềm tin rằng thẩm phán sẽ chấp thuận đề nghị đó. Nếu thẩm phán không chấp thuận thì niềm tin của công tố sẽ nhanh chóng giảm sút và nhiều bị đơn đã tự nhận tội sẽ bắt đầu bào chữa vô tội và giành lấy cơ hội của họ tại tòa án. Kết quả có thể là án nợ đọng trong sổ ghi án của tòa ngày càng tăng lên, tràn ngập hệ thống pháp lý và làm nó bị ngưng trệ. Công tố và thẩm phán hiểu rõ điều này, và luật sư bào chữa cũng vậy.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (16): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (17): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (18): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (19): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (20): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 6
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (21): Thủ tục tố tụng hình sự - Phần 7
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (22): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (23): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (24): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (25): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 4
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (26): Thủ tục tại tòa án dân sự - Phần 5
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (27): Các thẩm phán liên bang - Phần 1
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (28): Các thẩm phán liên bang - Phần 2
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (29): Các thẩm phán liên bang - Phần 3
  • Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (30): Các thẩm phán liên bang - Phần 4