Theo nguồn tin Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, trong mấy năm gần đây, kinh tế Ma-rốc cũng đạt được những thành tựu đáng khích lệ: ổn định vĩ mô được giữ vững, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, dự trữ ngoại hối khá cao, nợ nước ngoài giảm… Cải cách kinh tế mà Chính phủ Ma-rốc đã và đang tiến hành thu được nhiều tiến bộ.
Hiện nay Ma-rốc đang nằm trong số những nước đang nổi lên giống như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, là một trong số ít các quốc gia A-rập (Libăng và Palestin) không có nguồn tài nguyên dầu khí. Ngược lại nước này lại có trữ lượng phốt phát là 5,7 tỷ tấn (năm 2005) đứng thứ 2 sau Trung Quốc và là xuất khẩu số 1 trên thế giới về sản phẩm này.
Ma-rốc có nền kinh tế thị trường tự do được luật cung cầu điều tiết mặc dù hiện tại một số lĩnh vực kinh tế vẫn còn do Chính phủ nắm giữ.
Đối với nền kinh tế Ma-rốc, thập kỷ 90 được đánh dấu bằng một sự tăng trưởng không cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ đạt 1,8%/năm giai đoạn 1995-2000. Giai đoạn 2001-2006 con số này đã khả quan hơn với tốc độ tăng trưởng 4,7%/năm. Riêng năm 2006, tăng trưởng GDP của Ma-rốc lên tới 8,1% đạt 52,3 tỷ USD, chủ yếu do tăng trưởng nông nghiệp đạt thu nhập bình quân đầu người là 1.730 USD/người, thấp hơn mức trung bình của khu vực Bắc Phi (2.241 USD).
Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 16% năm 1999 xuống còn 9,7% năm 2006. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn cao và trong những năm tới số lượng người thất nghiệp sẽ không giảm nếu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dưới mức 6%. Tỷ lệ lạm phát được giữ ở mức 1,7% giai đoạn 1996-2000 và 1,4% giai đoạn 2001-2005 nhờ thực hiện chính sách ngân sách và tiền tệ thích hợp. Tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 16,5% năm 1997 xuống còn 14% năm 2005. Chênh lệch thu nhập giữa các vùng giảm nhờ thực hiện Sáng kiến quốc gia về phát triển con người.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Ma-rốc năm 2006 đạt 12,8 tỷ USD tăng 11,2% so với năm 2005, nhập khẩu đạt 23,7 tỷ USD tăng 11% (nhập siêu 10,9 tỷ USD).
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 2,7% GDP năm 2006 trong khi tỷ lệ thâm hụt trung bình trong 7 năm gần đây là 3,2% GDP.
Dự trữ ngoại hối khoảng 21 tỷ USD. Nợ nước ngoài giảm từ 20 tỷ USD năm 1997 xuống còn 11 tỷ USD năm 2006.
Những kết quả đó có được phần lớn nhờ vào việc Ma-rốc tiến hành những cuộc cải cách trong nhiều lĩnh vực và thông qua chính sách tự do hoá nền kinh tế dựa trên sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân, sự minh bạch hoá, tôn trọng Nhà nước pháp quyền và mở cửa ra thế giới bên ngoài.
Tài chính: Ma-rốc đã thiết lập một khung kế toán mới cho các tổ chức tín dụng, tự do hoá lãi suất, dỡ bỏ những hạn chế về tín dụng, loại bỏ những khoản đầu tư bắt buộc (từ năm 1993 đến 1999).
Củng cố lĩnh vực bảo hiểm với việc ban hành Bộ luật bảo hiểm năm 2002.
Cơ cấu lại các ngân hàng quốc doanh
Bán 20% ngân hàng quốc doanh lớn nhất (BCP) cho tư nhân với giá trị 70,5 triệu euro (2004).
Sửa đổi lại Luật ngân hàng và ban hành quy chế mới cho Ngân hàng Trung ương Bank Al Maghrib (2004-2005)…
Tự do hoá giá cả
Năm 2000, Ma-rốc đã tiến hành tự do hoá kinh doanh các mặt hàng nông sản (ngũ cốc, đường, hạt cây có dầu) giúp giảm giá sản phẩm và nâng cao chất lượng.
Thực hiện tự do định giá và ban hành Luật cạnh tranh năm 2001: Giá cả được tự do ấn định trừ trường hợp thiên tai quy mô lớn, thị trường biến động không bình thường và trừ 3 mặt hàng là bột lúa mỳ, đường và thuốc là phải chờ đến năm 2006.
Tự do hoá việc chuyển chở hàng hoá bằng đường bộ.
Tư hữu hoá
Lĩnh vực viễn thông đã được hoàn toàn tư hữu hoá với việc cấp giấy phép thứ hai về kinh doanh điện thoại di động cho cty Meditel, nhờ đó giá cước viễn thông đã giảm.
Xoá bỏ sự độc quyền về sản xuất năng lượng (1997), các doanh nghiệp tư nhân được sản xuất điện trong khuôn khổ các thoả thuận nhượng quyền. Vì vậy người tiêu dùng được hưởng giá điện thấp.
Việc sửa đổi luật Tư hữu hoá năm 1999 đã tạo tính linh hoạt trong quá trình tư hữu hoá và bán các doanh nghiệp quốc doanh trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước và trong khuôn khổ mời thầu.
Các thoả thuận nhượng quyền cung ứng dịch vụ tư nhân (2000) cho phép nâng cao chất lượng dịch vụ điện, nước, thu gom chất thải.
Trong lĩnh vực hàng không, việc mở cửa thị trường cho tự do cạnh tranh (2001-2004) đã tạo điều kiện có thêm nhiều hãng hàng không đến khai thác, tăng chuyến bay và giảm giá vé, giúp tăng lượng khách du lịch đến Ma-rốc.
Cải cách môi trường thương mại và đầu tư
Luật đầu tư năm 1995 đã giúp cải thiện khung pháp lý về đầu tư, loại bỏ những chồng chéo trong các lĩnh vực.
Luật Toà án thương mại năm 1998 đã đơn giản hoá quá trình thẩm tra các tranh chấp thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.
Việc thành lập 16 trung tâm đầu tư khu vực năm 2003 với chế độ một cửa chủ trương phi tập trung hoá cấp quyết định tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp ở các khu vực khác nhau.
Cải cách hành chính công
Việc ban hành Quy định về ký kết hợp đồng công năm 1999 đã giúp công khai việc đấu thầu Nhà nước, đảm bảo tự do cạnh tranh, bảo vệ quyền của những người dự thầu và đơn giản hoá các thủ tục.
Nâng cao hiệu quả và chất lượng của đội ngũ công chức bằng chương trình tuyển chọn lại và về hưu sớm.
Tự do hoá thương mại quốc tế
Ma-rốc gia nhập WTO ngày 1/1/1995, sửa đổi Bộ luật thương mại năm 1996, tiến hành loại bỏ những hạn chế về số lượng và sử dụng thuế quan là phương tiện chính để bảo vệ sản xuất trong nước.
Xoá bỏ sự độc quyền về nhập khẩu (năm 1996) những sản phẩm cơ bản trừ lúa mỳ để sản xuất bột mỳ trong nước.
Năm 1997, Ma-rốc đã tiến hành cải cách thuế quan, thời gian làm thủ tục thông quan đã giảm từ trên 5 ngày trước năm 1997 xuống còn dưới 1h. Thủ tục hải quan rõ ràng, công khai và dễ nhận thấy.
Ma-rốc đã ký một loạt hiệp định tự do mậu dịch với EU, các nước A-rập, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ…
Công tác điều hành vĩ mô và hệ thống pháp lý ngày càng hiệu quả và minh bạch.
Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp của Ma-rốc sử dụng 40% lực lượng lao động, nhưng trình độ kỹ thuật chưa cao, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trong thập kỷ 1995-2005, do thời tiết không thuận, nông nghiệp Ma-rốc đã sụt giảm với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,4%/năm. Riêng năm 2005, do hạn hán nên tỷ lệ tăng trưởng nông nghiệp giảm 15,2%. Đến năm 2006, tăng trưởng nông nghiệp đạt 21% do có mưa vào đầu năm. Một số nông sản chính là ngũ cốc (lúa mỳ, đại mạch và ngô), củ cải đường, cam quýt, nho, rau, cà chua, ôliu và chăn nuôi. Ma-rốc đứng thứ 3 trên thế giới về sản xuất ô-liu và đứng thứ 2 về xuất khẩu dầu ô-liu. Nước này cũng xếp thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cam quýt và đứng thứ 7 về xuất khẩu rau.
Ma-rốc đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào lượng mưa bằng cách xây dựng những con đập và hồ chứa nước. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản chiếm 13,3% GDP năm 2005.
Trong lĩnh vực đánh bắt hải sản, Ma-rốc là một trong những nhà sản xuất cá lớn nhất trên thế giới với 17 cảng đánh bắt cá, sản lượng đạt 593.966 tấn năm 2004 trong đó xuất khẩu đạt 267 336 tấn. Năm 2005, xuất khẩu hải sản của Ma-rốc đạt 333 174 tấn mang lại nguồn thu 937 triệu ơ-rô. Ma-rốc nổi tiếng về xuất khẩu cá xác-đin, cá mực, bạch tuộc… Lĩnh vực này hiện sử dụng 400.000 lao động và đảm bảo 16% xuất khẩu cả nước.
Hiệp ước mới về đánh bắt cá ký giữa Ma-rốc và Liên minh châu Âu thay cho Hiệp ước hết hạn vào tháng 11/1999 đã có hiệu lực vào tháng 3/2006. Theo đó, Ma-rốc sẽ cho phép tàu có lưới rê của EU vào đánh bắt trên lãnh hải Ma-rốc vùng bờ biển Đại Tây Dương với thời gian 4 năm. Đổi lại EU sẽ phải trả cho Ma-rốc mỗi năm 36 triệu Euro. Mỗi năm sẽ có 14 triệu euro dành cho việc đầu tư hiện đại hoá và tổ chức lại lĩnh vực đánh bắt của Ma-rốc.
Công nghiệp của Ma-rốc tăng trưởng với tốc độ trung bình 3,5%/năm giai đoạn 1995-2005, chiếm 31,2% GDP năm 2005. Năm 2005 tỷ lệ tăng tưởng công nghiệp đạt 3,9%. Là một nước nghèo tài nguyên năng lượng, Ma-rốc chỉ có thế mạnh là phốtphát. Ma-rốc đứng thứ 3 thế giới về sản xuất phốtphát và đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Ma-rốc cũng là nước sản xuất kim loại màu quan trọng trong khu vực Bắc Phi. Do vậy, ngay từ khi độc lập, Ma-rốc đã dành những khoản đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp cơ bản. Công nghiệp chế tạo chiếm tỷ trọng khoảng 16,4% trong kinh tế Ma-rốc. Các ngành công nghiệp chính là vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm, hóa dầu, hàng không. Riêng về dệt may, phần lớn sản xuất được thực hiện theo hợp đồng với các công ty Châu Âu. Kể từ đầu năm 2005, sau khi xoá bỏ Hiệp định đa sợi, ngành dệt may của Ma-rốc đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các nước sản xuất dệt may như Trung Quốc, Pakistan, Ba Lan.
Lĩnh vực dịch vụ của Ma-rốc tăng trưởng với tốc độ 3,7% thời kỳ 1995-2005 và 5% năm 2005, đóng góp 55,5% vào GDP cả nước, là một trong những nước có khu vực dịch vụ phát triển nhất Bắc Phi. Một số ngành quan trọng là du lịch, giao thông vận tải, viễn thông, ngân hàng, tài chính…
Về du lịch, sau một thời gian dài (1990-1997) tăng trưởng chậm, từ năm 1998, du lịch Ma-rốc đã đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm. Năm 2005, tổng doanh thu du lịch của Ma-rốc đã đạt 5 tỷ USD. Năm 2006, Ma-rốc thu hút được 6,2 triệu lượt du khách, mang lại doanh thu khoảng 6,1 tỷ USD. Ma-rốc phấn đấu đón 10 triệu khách năm 2010. Trong số khách du lịch nước ngoài có một nửa là kiều dân Ma-rốc.
Ma-rốc cũng có một hệ thống giao thông vận tải thuộc diện phát triển nhất khu vực Bắc Phi. Năm 2005 lĩnh vực giao thông và vận tải đã đạt mức tăng trưởng là 4,9 và 5,3%.
Sau khi tự do hoá ngành vận tải hàng không, Hãng hàng không hoàng gia Royal Air Ma-rốc đã quyết định tăng quy mô đội bay và tháng 6/2005 đã tiến hành gọi thầu đối với 4 máy bay đường dài. Hiện nay Ma-rốc có 19 sân bay quốc tế trong đó lớn nhất là sân bay Casablanca. Đây cũng là một trong những cảng hàng không lớn nhất châu Phi.
Về đường bộ, từ năm 2000 đến 2006 Ma-rốc đã tăng xây dựng thêm 160km đường cao tốc. Hiện nay Ma-rốc có 65.000 km đường có chất lượng khá tốt. Nước này cũng có hệ thống đường cao tốc lớn nhất khối Maghreb và đứng thứ hai châu Phi sau Nam Phi.
Mạng lưới đường sắt của Ma-rốc cũng nằm trong số những hệ thống đường sắt phát triển nhất châu Phi, nối liền tất cả các thành phố chính của Vương quốc.
Năm 2005, số khách du lịch bằng đường đường sắt cũng lên tới 21 triệu người .
Về thông tin liên lạc, bước khởi đầu quá trình tự do hoá ngành viễn thông được đánh dấu bằng việc Nhà nước cấp phép lần thứ hai cho công ty điện thoại di động Méditel trong đó 61% vốn do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ (Telefonica và Portugal Telecom). Nhiều giấy phép đầu tư khác cũng đã được cấp trong thời gian từ năm 2000-2003, trong đó có 7 dự án đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống viễn thông công cộng qua vệ tinh (satellites).
Các trung tâm gọi điện thoại quốc tế đặt tại Ma-rốc đã thực hiện doanh thu xuất khẩu trên 81,4 triệu USD, đem lại công ăn việc làm cho hơn 4000 người. Đây là hoạt động xuất khẩu dịch vụ góp phần tạo công ăn việc làm chất lượng cao với đòi hỏi tỷ lệ đầu tư và nhân công thấp.
Ngày nay, TP Casablanca là trung tâm tài chính và công nghiệp lớn nhất Ma-rốc và khối Maghreb (Tuy-ni-di, An-giê-ri, Ma-rốc, Libi và Mô-ri-ta-ni). Nhiều công ty đa quốc gia có trụ sở tại đây. Thị trường chứng khoán Casablanca được xem là lớn thứ 4 ở châu Phi sau Johannesburg (Nam Phi), Cai-rô (Ai Cập) và Ga-bô-rôn (Bôt-xoa-na).
Ngoại hối do kiều dân Ma-rốc gửi về, tính đến cuối tháng 12/2006, lượng kiều hối do người Ma-rốc ở nước ngoài gửi về nước đã đạt gần 5,5 tỷ USD tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước (4,1 tỷ USD). So với mức trung bình từ 2001 đến 2005, các khoản thu kiều hối đã tăng 31,7% năm 2006. Cùng với du lịch, ngoại hối do kiều dân Ma-rốc gửi về là nguồn thu ngoại tệ thứ hai của nước này. Ma-rốc là nước lớn thứ tư trong số các nước đang phát triển nhận được nhiều kiều hối nhất (sau Ấn Độ, Mêhicô và Pakistan). Ước tính có khoảng 2,5 triệu người Ma-rốc sống ở nước ngoài, chiếm 8% dân số. Có đến 50% gia đình ở Ma-rốc có người thân sống ở nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ.
Về đầu tư và cho vay của nước ngoài, theo Bộ Kinh tế Ma-rốc, đầu tư nước ngoài vào Ma-rốc đã đạt 3,2 tỷ USD năm 2006. So với mức trung bình từ năm 2001 đến 2005 tổng số vốn đầu tư năm 2006 đã tăng 30,1%. Năm 2005 tổng số FDI vào Ma-rốc đạt 2,9 tỷ USD đưa nước này đứng vị trí thứ 4 tại châu Phi về thu hút đầu tư sau Nam Phi, Ai Cập và Nigêria.
Năm lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là viễn thông (59%) sau khi tập đoàn Vivendi mua 16% công ty viễn thông quốc gia Ma-rốc Telecom, du lịch (11,7%), bất động sản (9,1%), công nghiệp (8,7%) và bả hiểm (4,4%). Các nhà đầu tư chính vẫn là Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Thuỵ Sĩ. Kết quả này phản ánh chính sách hiện nay của Ma-rốc. Nước này đã cam kết tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đặt việc thu hút nguồn vốn nước ngoài vào trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế, biến các nhà đầu tư nước ngoài thành các đối tác ưu tiên thực sự phục vụ phát triển đất nước.
Với những tiềm năng và với vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi, Ma-rốc có thể trở thành sân sau để các nước đầu tư, sản xuất xuất khẩu bởi Ma-rốc đã ký các Hiệp định tự do mậu dịch với những đối tác thương mại chính, điều này cho phép hàng hoá sản xuất tại Ma-rốc có thể thâm nhập những thị trường lớn như Liên minh châu Âu, Mỹ và các nước A-rập.
Mặc dù có những kết quả đáng khích lệ như trên nhưng Chính phủ Ma-rốc vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển nền kinh tế một cách bền vững. Hiện tại nước này đang phải đối phó với nhiều thách thức nhất là vấn đề dân số, thất nghiệp, tình trạng mù chữ (vẫn chiếm 20% năm 2005), chăm sóc y tế, nước sạch và điện cho người dân nông thôn.
Thương vụ Việt Nam tai Ma-rốc giới thiệu một số thông tin hữu ích cho các nhà đầu tư muốn xâm nhập thị trường này.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, với doanh thu trên 60 tỷ đi-ham, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản của Ma-rốc là một trong những cột trụ của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, tỷ trọng của nó trong GDP vẫn còn thấp so với các nước tiên tiến, chỉ chiếm 4,4% so với mức bình quân 15% trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo nguồn tin Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, một trong những nét đặc biệt của ẩm thực Ma-rốc chắc chắn là gia vị và mùi vị quyến rũ mà nó tạo ra cho các món ăn nước này.
Theo nguồn tin Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, Ma-rốc có những mỏ phốt phát lớn nhất thế giới, nằm ở Khouribga, Benguerir và Bu Cra phía Tây Xahara chiếm ¾ trữ lượng thế giới (37 tỷ m3). Đây là quốc gia sản xuất phốt phát lớn thứ 2 thế giới (sau Hoa Kỳ - năm 2005) và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới sản phẩm này với khối lượng khoảng 30 triệu tấn, doanh thu xuất khẩu trung bình đạt trên 900 triệu USD/năm, chiếm 33,3% thị phần quốc tế.
Theo nguồn tin Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, bạn hàng lớn nhất của Ma-rốc là các nước EU, thường xuyên chiếm đến trên 2/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ma-rốc, trong đó riêng buôn bán với Pháp đã chiếm tỷ trọng trên 30%. Các đối tác thương mại lớn khác là Mỹ và châu Á.
Theo nguồn tin Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, trong mấy năm gần đây, kinh tế Ma-rốc cũng đạt được những thành tựu đáng khích lệ: ổn định vĩ mô được giữ vững, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, dự trữ ngoại hối khá cao, nợ nước ngoài giảm… Cải cách kinh tế mà Chính phủ Ma-rốc đã và đang tiến hành thu được nhiều tiến bộ.
Theo nguồn tin Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, để hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế thế giới, Ma-rốc đã thông qua chính sách tự do hoá nền kinh tế dựa trên sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân, sự minh bạch hoá, tôn trọng Nhà nước pháp quyền và mở cửa ra thế giới bên ngoài.
Theo nguồn tin Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, Ma-rốc là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế trên thế giới, là một trong những thành viên sáng lập WTO.