Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: cơ hội kinh doanh và đầu tư vào thị trường chế biến nông sản

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, với doanh thu trên 60 tỷ đi-ham, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản của Ma-rốc là một trong những cột trụ của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, tỷ trọng của nó trong GDP vẫn còn thấp so với các nước tiên tiến, chỉ chiếm 4,4% so với mức bình quân 15% trong lĩnh vực nông nghiệp.

      Mặc dù Ma-rốc là một nước nông nghiệp nhưng ngành chế biến nông sản chưa phát triển mạnh. Nếu như giá trị sản xuất nông nghiệp là 7,6 tỷ euro thì giá trị của ngành công nghiệp chế biến nông sản chỉ chiếm 5,9 tỷ euro. Ở Tây Ban Nha, những con số này lần lượt là 27,4 và 62,4 tỷ euro và đóng góp về giá trị gia tăng của ngành CNCBNS tương đương với đóng góp của ngành nông nghiệp. Trong khi đó ở Ma-rốc ngành CNCBNS chỉ chiếm 1/3 giá trị gia tăng. Có thể nói, Ma-rốc còn chưa khai thác hết tiềm năng của ngành này nhất là lĩnh vực chế biến rau quả.
Một tiềm năng chưa được khai thác:
       Nguyên nhân của việc chưa khai thác hết tiềm năng của ngành CNCBNS có nhiều. Trước tiên các sản phẩm chế biến bị ảnh hưởng do thói quen thích dùng những sản phẩm tươi, giá rẻ, sẵn có hầu như quanh năm do thời tiết dịu và tỷ lệ phụ nữ Ma-rốc không có việc làm cao và thói quen thích ở nhà rất phổ biến. Thị trường trong nước vẫn chủ yếu là các chợ truyền thống, người ta vẫn bán gia vị, sữa, cà phê không đóng bao. Do sức mua thấp, hình thức tiêu thụ này vẫn chiếm ưu thế.
      Do không tiêu thụ được trên thị trường địa phương, ngành công nghiệp rau quả đóng hộp đã hoàn toàn hướng tới thị trường xuất khẩu. Còn các ngành nông nghiệp thực phẩm khác lại có xu hướng trái ngược, được bảo vệ an toàn tại thị trường địa phương bằng các hàng rào thuế quan rất cao. Mãi tới thời gian gần đây, những ngành này mới tính đến chuyện xuất khẩu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả không có bộ phận thương mại vì chủ doanh nghiệp thường trực tiếp đàm phán giá bán.
Vấn đề cung ứng nguyên liệu:
      Vấn đề chính của các ngành công nghiệp chế biến nông sản vẫn là cung ứng. Sự phối hợp giữa các nhà nông nghiệp và người chế biến còn nhiều bất cập . Quan hệ giữa hai khâu này thường hay bị xung đột đến mức không thể xây dựng được ngành hàng. Chỉ một yếu tố đơn giản là đảm bảo tính liên tục của hợp đồng trồng trọt cũng đã là một thách thức thường xuyên. Cả người nông dân cũng như nhà công nghiệp đều lấy giá cả hàng ngày là thước đo nên những hợp đồng trồng trọt, thường là nói mồm, chỉ giữ vai trò thứ yếu.
       Mặc dù vậy, một số hợp đồng cũng đã được ký kết giữa các nhà trồng trọt lớn và những nhà công nghiệp nghiêm túc trong lĩnh vực nước cà chua cô đặc và những sản phẩm không tiêu thụ trên thị trường địa phương như mía đường, củ cải đường.
Thị trường bán buôn vẫn còn ảm đạm:
       Do không thể ký được hợp đồng trồng trọt với người nông dân, các nhà công nghiệp có thể tự tìm mua sản phẩm trên thị trường sản xuất. Tuy nhiên, họ dễ bị ảnh hưởng bởi tính không chính thức, chí phí trung gian cao. Hậu quả của khó khăn về cung ứng là các nhà công nghiệp chế biến nông sản dù có nhiều cơ hội xuất khẩu nhưng lại không đủ hàng để xuất. Họ cũng không có khả năng đáp ứng những hạn ngạch của châu Âu do thiếu nguyên liệu. Vì vậy các DN hoạt động dưới công suất. Ví dụ, trong ngành sản xuất cà chua cô đặc, công suất khai thác chỉ ở mức 50% và nước trái cây và mứt là 40%.
      Mặt khác, một số ngành công nghiệp chế biến nông sản như làm bánh bích quy cũng gặp những khó khăn về cung ứng, chẳng hạn thuế quan cao với nguyên liệu đầu vào như lúa mì và đường (do Nhà nước trợ cấp). Trong khi một nhà công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ mua 1 kg đường với giá 1,40 DH trên thị trường thế giới thì nhà công nghiệp Ma-rốc phải mua với gia 7 DH. Thuế quan cũng rất cao đối với các mặt hàng hương liệu, nhân ca cao, sữa, dầu thực vật và hoa quả khô. Điều này tác động rất lớn đến lợi nhuận vì nguyên liệu chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm.
Vấn đề bao bì đóng gói:
     Do được bảo hộ cao, ngành công nghiệp đóng gói vẫn rất kém năng động. Rất khó yêu cầu một nhà sản xuất chai thuỷ tinh của Ma-rốc có thể làm một mẫu khác với những mẫu hiện có. Chi phí bao bì cao do phải nhập khẩu nguyên liệu cơ bản, do giá năng lượng và tình hình gần như còn độc quyền của các nhà sản xuất. Vì vậy, ngành công nghiệp đóng gói địa phương không tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với ngành chế biến nông sản.
     Một vấn đề khác là nhân công: Lĩnh vực chế biến nông sản Ma-rốc hiện nay đang thiếu nhân công lành nghề có khả năng làm chủ máy móc, công nghệ, là xương sống của một xí nghiệp có tính cạnh tranh. Do vậy, cần phải thành lập trung tâm đào tạo công nhân có tay nghề cao.
Việc quản lý thiếu năng động:
      Ít đổi mới và bảo thủ, khâu quản lý trong ngành chế biến nông sản còn có nhược điểm khác là thiếu phương pháp tiếp cận marketing. Phần doanh thu thực hiện đối với sản phẩm không đóng bao vẫn chiếm tỷ lệ cao: 50% đối với dầu ô liu, 90% đối với màn màn, 100% với mơ và 100% đối với nước trái cây.
Nhận định chung:
      Để đáp ứng được nhu cầu, hấp dẫn và làm cho khách hàng yên tâm, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến hàng nông sản Ma-rốc một mặt phải chuẩn bị đối phó với sự thâm nhập mạnh mẽ của những sản phẩm nước ngoài do phải mở cửa thị trường trong khuôn khổ các Hiệp định tự do mậu dịch mà Ma-rốc đã ký. Mặt khác, Ma-rốc phải đáp ứng những đòi hỏi về vệ sinh ngày càng tăng nhất là thị trường lớn châu Âu. Khả năng cạnh tranh hiện nay của sản phẩm Ma-rốc còn chưa đủ để đối phó với xu thế toàn cầu hoá thị trường. Những mối đe doạ lớn nhất đến từ châu Á, Trung Đông, châu Mỹ La tinh và Nam Phi.
      Với những hiệp định tự do mậu dịch và sự xuất hiện ngày càng nhiều của hệ thống phân phối lớn, các nhà công nghiệp Ma-rốc sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu về chất lượng nếu muốn sản phẩm của mình có thể thâm nhập vào hệ thống này. Họ phải thoả mãn những điều kiện ngày càng cao về mặt vệ sinh, tôn trọng thời hạn, chất lượng và bao bì.
      Những điều kiện kể trên được áp đặt đối với tất cả các khâu trong ngành hàng từ sản xuất ban đầu đến toàn bộ quá trình chế biến. Đó chính là nguyên tắc kiểm tra chất lượng từ gốc chưa kể nghĩa vụ sản xuất trong những điều kiện tôn trọng môi trường. Hiện nay, mặc dù mong muốn thực hiện một chính sách nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng ít có công ty của Ma-rốc đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế.
      Trong một cuộc điều tra mới đây, chỉ có 1/5 công ty được các chuyên gia đánh giá là đảm bảo chất lượng sản phẩm quốc tế.
         
 

(Vinanet)