Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển thị trường quốc tế đối với mặt hàng quà tặng và trang trí nội thất (9)

5. Chi phí, giá cả và lập hoá đơn khi xuất khẩu

5     Chi phí, giá cả và lập hoá đơn khi xuất khẩu

5.1     Chi phí và giá xuất khẩu

Chi phí sản xuất bao gồm các thành tố của chi phí cố định (ví dụ khấu hao tài sản cố định - được hiểu là những tài sản có giá trị trên 5 triệu đồng và được sử dụng hơn một năm ví dụ như máy móc và nhà xưởng) và chi phí khả biến (chi phí nguyên liệu, vận tải và nhân công). Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta cần phải xem xét đến rất nhiều loại chi phí khác khi tính toán giá thành sản phẩm theo những điều kiện giao hàng khác nhau (FOB, CIF...)2 . Trước khi đàm phán với khách hàng, bạn cần phải cộng hết tất cả những chi phí trên vào giá thành sản phẩm.

Bạn sẽ gặp vấn đề lớn nếu định giá hàng xuất khẩu theo công thức chi phí sản xuất cộng thêm mức lãi 15%. Về mặt kỹ thuật, bạn chỉ mới tính được giá xuất xưởng (Ex Works) – bao gồm chi phí sản xuất cộng với số phần trăm lãi nhất định, sau đó dùng giá này làm giá FOB để chào khách hàng. Đây là phương pháp được dùng phổ biến nhưng nó khá xa vời so với thực tế. Vì thực ra giá thị trường theo cách tính toán này có thể quá thấp hoặc quá cao do bạn đã không lưu ý tới nhiều chi phí khác như phí hải quan, vận chuyển nội địa, số lượng hàng của các đơn hàng xuất khẩu…

Kỹ thuật định giá tốt hơn là dựa trên cách tính toán rất đơn giản. Một là, bạn có thể sử dụng phương pháp định giá dựa trên chi phí bằng cách lấy giá thành cộng với các khoản chi phí khác để đưa sản phẩm tới được tay khách hàng – giá này được gọi là giá bán. Cách thứ hai là bạn lấy mức giá đã có sẵn trên thị trường trừ đi tất cả các chi phí liên quan cho đến khi bạn có được mức giá cho sản phẩm của mình. 

Như vậy, vấn đề đặt ra là bạn phải xác định rõ phương pháp áp dụng để tính giá sản phẩm. Việc xác định này còn phụ thuộc vào loại sản phẩm bạn bán ra trên thị trường. Về cơ bản, nếu bạn cho rằng sản phẩm của mình là sản phẩm mới trên thị trường thì bạn hoàn toàn có thể tự định giá sản phẩm dựa trên chi phí làm ra sản phẩm đó cũng như mức lợi nhuận mong muốn.

Ngay cả trong trường hợp đó, bạn cũng cần phải xem xét đến các sản phẩm thay thế hiện có trên thị trường. Lấy ví dụ ga trải giường được làm từ sợi tre kết hợp những hoạ tiết thêu tinh xảo. Đây là một loại sản phẩm rất độc đáo và bạn chắc chắn có nhiều cơ hội để đưa ra mức giá cao. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng khách hàng cũng có thể chuyển sang mua ga trải giường bằng chất liệu lụa để thay thế và thêm vào những hoạ tiết thời trang, sáng tạo để tăng giá trị của sản phẩm . 

Để xác định mức giá cho sản phẩm theo phương pháp tính giá theo chi phí, bạn nên tìm hiểu các yếu tố khác nhau cấu thành chi phí (không chỉ đơn giản là cộng thêm 15% lợi nhuận như đã nói ở trên). Việc xác định các yếu tố cấu thành chi phí phụ thuộc vào điều kiện giao hàng sẽ được đề cập ở phần sau). Dưới đây là bảng mô tả các yếu tố cấu thành chi phí cần phải cộng thêm khi giao hàng theo điều kiện FOB và CIF.
 

 

Các yếu tố cấu thành chi phí

Chi phí (US$) /Cộng thêm (%)

Giá

(US$)

1

Chi phí nhà xưởng hoặc chi phí sản xuất (chi phí nhân công, nguyên vật liệu, đóng gói, và các chi phí khác…)

1.0

1.0

2

Lợi nhuận của nhà sản xuất

20%

0.2

 

Giá bán của nhà sản xuất/Giá giao tại xưởng (1+2+3)

1.2

3

Vận chuyển nội địa (ví dụ tới cảng Hải Phòng) bao gồm xếp hàng và dỡ hàng

0.3

1.5

4

Phí làm thủ tục hải quan/ thủ tục xuất khẩu, phí thuê đại lý xuất khẩu

0.1

1.6

5

Chi phí nhập cảng (thường là các trạm hàng lẻ CFS)

0.1

1.7

 

FOB Hải phòng

1.7

6

Cước vận chuyển và Bảo hiểm

0.2

1.9

 

CIF tại cảng đến

1.9

7

Chi phí tại cảng đến (DDC-destination delivery charge, hệ thống AMS (hệ thống khai báo trước...)

0.1

2.0

 

Giá dỡ lên bờ tính cho người nhập khẩu

2.0



Nếu khách hàng cho rằng giá bán của bạn quá cao và yêu cầu bạn xem xét lại, hãy coi đó là cơ hội để kiểm tra phương pháp tính giá của mình. Bạn cần lưu ý rằng một hệ thống tính giá hợp lý có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu chỉ đơn giản tính đến việc giảm giá và lợi nhuận thì bạn đã hoàn toàn sai lầm. Dưới đây là một số vấn đề bạn cần cân nhắc khi xem xét tính giá:

    Cước phí vận tải có ở mức cạnh tranh nhất không? (Bạn có chắc công ty vận tải/ giao nhận đang sử dụng có ưu thế cạnh tranh nhất về giá không?)

    Thời hạn giao hàng cam kết có đủ để bạn thay đổi công ty vận tải/ giao nhận có cước phí thấp hơn nhưng thời gian giao hàng dài hơn không? Liệu khách hàng của bạn có chấp nhận sự thay đổi này không?

    Người mua có thể đề nghị các công ty vận tải/ đại lý giao nhận có mức cước thấp hơn hay không? Nếu có, họ có chấp nhận giá FOB chào bán của bạn không?

    Bạn đã bao giờ chào giá bán theo phương pháp dựa trên số lượng chưa (đặc biệt là theo hình thức giao hàng lẻ LCL 3)? Có nên gợi ý cho khách hàng mua với số lượng nhiều để giảm cước phí cũng như những chi phí làm hàng khác (phí hải quan, phí xếp hàng lẻ vào kho – CFS, phí vận chuyển nội địa...) hay không?

    Bạn có thể đóng gói nhiều hàng nhưng vẫn giảm được tối thiểu thể tích không?

    Bạn có nhiều cơ hội để giảm chi phí đơn vị không (xem xét tình hình sản xuất, năng suất, các chi phí dành cho marketing)?

Một phương pháp khác để tính giá là bắt đầu từ giá bán. Là một nhà xuất khẩu ở nước đang phát triển, bạn hoàn toàn có thể định giá theo mức giá có sẵn thay vì phải định giá mới cho sản phẩm. Xét trong trường hợp này, bạn có thể:

    Tìm hiểu giá thị trường hiện tại để đưa ra những sản phẩm cạnh tranh hơn hoặc sản phẩm thay thế ở các thị trường mục tiêu;

    Liệt kê tất cả các yếu tố của giá thị trường như thuế Giá trị gia tăng (VAT), số tiền chênh lệch cho các thương nhân và nhà nhập khẩu, thuế nhập khẩu, cước vận chuyển và tiền bảo hiểm…;

    Tính toán từ trên xuống dưới, trừ đi tất cả các yếu tố hình thành nên giá thị trường của sản phẩm để xác định giá giao tại xưởng - “Ex Works” (trước đây gọi là “giao tại nhà máy - “Ex Factory” hoặc “giao tại nhà kho” - ex warehouse);

    Tính toán xem liệu doanh nghiệp của bạn có thể đáp ứng được mức giá này hay không.

Cách nâng giá của nhà nhập khẩu và người bán lẻ thay đổi phụ thuộc vào các phân đoạn thị trường và kênh phân phối. Bảng bên dưới sẽ mô tả cách tính toán giá bán gần đúng:
 

 

Giá dỡ lên bờ tính cho người nhập khẩu

2.0

1

Thuế nhập khẩu (10% giá dỡ lên bờ)

0.2

 

2

Giá giao khi hàng cập cảng

 

2.2

3

Nâng giá của người bán buôn (chi phí nhà kho, phân phối, marketing, lợi nhuận)

80%

 

4

Giá bán buôn

 

4.0

5

Nâng giá của người bán lẻ (tiền cửa hàng, tiền lương trả nhân viên, chi phí quảng cáo, lợi nhuận...)

100%

 

 

Giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng

8.0


Nếu mức giá của bạn cạnh tranh hơn rất nhiều so với đối thủ cạnh tranh thì bạn nên chào bán với mức giá nào? Mục đích ban đầu tại thị trường mục tiêu là chào bán sản phẩm của mình với mức giá không quá cao so với các đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể áp dụng chiến lược giá thâm nhập – chào bán sản phẩm với giá thấp hơn so với một trong các đối thủ cạnh tranh.

Sau khi xác định được mức giá, điều quan trọng hơn nữa là bạn phải giữ mức giá chào hàng của mình ổn định và đáng tin cậy. Việc nâng giá sau này sẽ rất khó nếu bạn chào với mức giá thấp trong lần hợp tác làm ăn đầu tiên. Tuy nhiên, trong thực tế, giá thị trường cũng thường xuyên thay đổi, lên hoặc xuống và vì là người kinh doanh, bạn cũng nên điều chỉnh giá của mình cho phù hợp. Cho dù việc tăng giá là bắt buộc hay cố ý, bạn cũng phải nói rõ lí do cho khách hàng và đối tác thương mại biết. Nhưng những lí do này phải thực sự hợp lí và chấp nhận được.

Việc lựa chọn đồng tiền để tính giá cũng rất quan trọng. Bạn có thể bán hàng theo đồng Việt Nam để tránh sự giao dịch tiền tệ phức tạp và tốn kém với ngân hàng, nhưng phần lớn khách hàng không đồng ý mua hàng theo đồng Việt Nam mà đề nghị sử dụng đồng tiền của nước họ, ví dụ như đồng yên Nhật. Trong trường hợp như vậy, bạn nên chuyển sang dùng những đồng tiền mạnh và ổn định như đồng EU, đô la Mỹ.
 


2 FOB là viết tắt của Free on Board (giao hàng qua lan can tàu): được hiểu là giá bán bao gồm tất cả các chi phí cho tới khi giao hàng ở trên tàu biển nước ngoài đã cung cấp bởi, hoặc cho người mua. CIF là viết tắt của Cost, Insurance, Freight (Tiền hàng, phí bảo hiểm và cước): được hiểu là giá bán bao gồm các phí tổn về hàng hoá, bảo hiểm và vận chuyển tới cảng đến qui định cuối cùng.

3 LCL là viết tắt của Less than a Container Loaded – giao hàng lẻ.
 

( Nguồn: VIETRADE/ITC/WTO/UNCTAD )