Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược nền kinh tế Mỹ (7): Các tập đoàn

Các tập đoàn huy động vốn như thế nào

Các tập đoàn lớn không thể phát triển với quy mô hiện tại nếu không có khả năng đổi mới cách huy động vốn để mở rộng tài chính. Các tập đoàn thường có năm phương pháp cơ bản để thu được lượng tiền này.

Phát hành trái phiếu. Một trái phiếu là một chứng từ ghi nợ cam kết trả một khoản tiền nhất định vào một hoặc những thời điểm nhất định trong tương lai. Trong khoảng thời gian đó, người giữ trái phiếu nhận các khoản thanh toán lãi với lãi suất cố định vào những thời điểm cụ thể. Người giữ trái phiếu có thể bán trái phiếu cho người khác trước khi đến hạn.

Các tập đoàn có lợi khi phát hành trái phiếu bởi vì lãi suất mà họ phải trả cho các nhà đầu tư nhìn chung thấp hơn lãi suất của hầu hết các hình thức vay khác, và bởi vì tiền lãi phải trả trên trái phiếu được xem như một loại chi phí kinh doanh được khấu trừ thuế. Tuy nhiên, các tập đoàn vẫn phải thanh toán các khoản tiền lãi ngay cả khi họ thấy không có lợi nhuận. Nếu các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng trả lãi của một công ty, họ sẽ hoặc là từ chối mua trái phiếu của công ty đó, hoặc sẽ đòi hỏi lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro lớn hơn của họ. Vì lý do đó, các tập đoàn nhỏ ít khi huy động được nhiều vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu.

Phát hành cổ phiếu ưu tiên. Một công ty có thể chọn cách phát hành cổ phiếu “ưu tiên” mới để huy động vốn. Những người mua các cổ phiếu này có quyền ưu tiên đặc biệt khi công ty gặp phải khó khăn về tài chính. Nếu lợi nhuận bị hạn chế thì chủ sở hữu cổ phiếu ưu tiên sẽ được nhận tiền lãi sau chủ sở hữu trái phiếu nhưng trước chủ sở hữu bất kỳ loại cổ phiếu thường nào.

Bán cổ phiếu thường. Nếu một công ty đang ở trong tình trạng tài chính lành mạnh, nó có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu thường. Thông thường, các ngân hàng đầu tư giúp các công ty phát hành cổ phiếu, đồng ý mua bất kỳ cổ phần mới nào được phát hành với mức giá đặt trước nếu công chúng từ chối mua cổ phiếu đó với mức giá tối thiểu nhất định. Mặc dù người giữ cổ phiếu thường có quyền riêng bầu chọn hội đồng quản trị tập đoàn, nhưng họ vẫn xếp sau người giữ trái phiếu và cổ phiếu ưu tiên khi đến kỳ chia lợi nhuận.

Các nhà đầu tư bị cổ phiếu hấp dẫn theo hai cách. Một số công ty trả những khoản lợi tức cổ phiếu lớn, mang lại cho các nhà đầu tư một khoản thu nhập đều đặn. Nhưng cũng có những công ty khác trả rất ít hoặc không trả lợi tức ngay, thay vào đó họ hy vọng hấp dẫn các nhà đầu tư bằng việc cải thiện khả năng sinh lợi của tập đoàn - và do đó nâng cao giá trị của chính các cổ phiếu ấy. Nhìn chung, giá trị cổ phần tăng lên khi các nhà đầu tư đặt hy vọng vào lợi nhuận tăng lên của tập đoàn. Các công ty có giá cổ phiếu thực sự tăng thường “chia tách” các cổ phần ra, trả cho mỗi cổ đông thêm một cổ phần cho mỗi cổ phần mà họ có. Điều này không làm tăng vốn cho tập đoàn nhưng làm cho cổ đông dễ dàng hơn khi bán các cổ phần trên thị trường mở. Ví dụ, mỗi cổ phần chia làm hai thì giá mỗi cổ phiếu ban đầu sẽ giảm đi một nửa làm hấp dẫn các nhà đầu tư.


Đi vay. Các công ty cũng có thể huy động vốn ngắn hạn - thường là để bù đắp tài chính cho hàng hóa tồn kho - bằng cách đi vay ngân hàng hoặc những người cho vay khác.

Sử dụng lợi nhuận. Như đã nói, các công ty cũng có thể cấp vốn cho các hoạt động của mình bằng cách giữ lại các khoản lợi nhuận. Những chiến lược liên quan đến việc giữ lợi nhuận lại rất khác nhau. Một số tập đoàn, đặc biệt thuộc ngành điện, khí ga và các ngành dịch vụ công cộng khác,thường thanh toán hầu hết lợi nhuận của mình cho cổ đông dưới hình thức lãi cổ phần. Một số tập đoàn khác lại phân phối chẳng hạn như 50% lợi nhuận cho cổ đông dưới hình thức lãi cổ phần, giữ phần còn lại để chi trả cho các hoạt động và mở rộng kinh doanh. Nhưng cũng có tập đoàn, thường là các tập đoàn nhỏ, lại muốn đầu tư lại hầu hết hoặc toàn bộ thu nhập ròng của mình vào hoạt động nghiên cứu và mở rộng quy mô doanh nghiệp, hy vọng sẽ mang lại cho các nhà đầu tư giá trị cổ phần tăng lên nhanh chóng.

Độc quyền, hợp nhất và cấu trúc lại

Hình thức tổ chức thành tập đoàn rõ ràng là chìa khóa mang lại tăng trưởng rực rỡ cho nhiều doanh nghiệp Mỹ. Nhưng đôi khi người Mỹ vẫn nhìn các tập đoàn lớn với con mắt ngờ vực, và ngay chính các nhà quản lý tập đoàn cũng do dự về giá trị của sự lớn mạnh.

Vào cuối thế kỷ XIX, nhiều người Mỹ lo sợ rằng các tập đoàn lớn có thể huy động những khoản vốn khổng lồ để sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ hoặc có thể cấu kết và thông đồng với các hãng khác để ngăn cản cạnh tranh. Các nhà phê bình cho rằng trong cả hai trường hợp, các nhà độc quyền kinh doanh đều có thể buộc những người tiêu dùng phải trả giá cao hơn và lấy đi của họ quyền lựa chọn. Những lo lắng ấy đã tạo cơ sở cho sự ra đời của hai đạo luật cơ bản nhằm hạn chế một phần hoặc ngăn cản độc quyền: Đạo luật chống độc quyền Sherman năm 1890 và Đạo luật chống độc quyền Clayton năm 1914. Chính phủ đã tiếp tục sử dụng những luật này để hạn chế độc quyền trong suốt thế kỷ XX. Năm 1984, “những người chống độc quyền” trong chính phủ đã phá vỡ vị trí gần như độc quyền về dịch vụ điện thoại của Công ty điện thoại và điện báo Hoa Kỳ. Vào cuối những năm 1990, Bộ Tư pháp tìm cách giảm bớt sự thống lĩnh thị trường phần mềm máy tính đang mở rộng của tập đoàn Microsoft, một tập đoàn chỉ trong vài năm đã trở thành một tập đoàn khổng lồ với tài sản trị giá 22.357 triệu USD.

Nhìn chung, các quan chức chống độc quyền của chính phủ coi nguy cơ độc quyền xuất hiện khi một công ty giành quyền kiểm soát tới 30% thị trường của một loại hàng hóa và dịch vụ. Nhưng đó chỉ là cách xác định thông thường. Việc xác định một công ty có phải là độc quyền hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tầm cỡ của các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. Một công ty có thể được coi là chưa độc quyền ngay cả khi nó kiểm soát trên 30% thị trường nếu các công ty khác cũng có những thị phần tương đương.

Trong khi các đạo luật chống độc quyền có thể làm tăng tính cạnh tranh, chúng vẫn không thể ngăn cản các công ty Mỹ trở nên lớn mạnh hơn. Năm 1999, Mỹ có bảy tập đoàn khổng lồ, mỗi tập đoàn có tài sản hơn 300 tỷ USD, khiến cho các tập đoàn lớn nhất trong những giai đoạn trước trở thành nhỏ bé. Một số nhà phê bình tỏ ra lo lắng về sự kiểm soát đang gia tăng của một vài hãng lớn đối với các ngành công nghiệp cơ bản, khẳng định rằng các ngành công nghiệp như chế tạo ô tô và sản xuất thép được coi là những ngành độc quyền bị khống chế bởi một vài tập đoàn lớn. Tuy nhiên, những người khác cũng lưu ý rằng các tập đoàn lớn này cũng không thể bành trướng quyền lực quá mức mặc dù có quy mô lớn vì chúng phải đối mặt với cuộc cạnh tranh toàn cầu dữ dội. Chẳng hạn, nếu người tiêu dùng không hài lòng với các nhà sản xuất ô tô trong nước, họ có thể mua ô tô của các công ty nước ngoài. Hơn nữa, người tiêu dùng hoặc nhà sản xuất đôi khi cũng có thể ngăn cản nguy cơ độc quyền bằng cách chuyển sang các hàng hóa thay thế; ví dụ, nhôm, thủy tinh, nhựa hoặc bê tông tất cả đều có thể thay thế cho thép.

Quan điểm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về sự lớn mạnh của tập đoàn cũng thay đổi. Cuối thập kỷ 1960 và đầu thập kỷ 1970, nhiều công ty có tham vọng tìm cách đa dạng hóa thông qua việc mua lại các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực không có liên quan, một phần do sự cưỡng chế gắt gao của những đạo luật chống độc quyền của liên bang có xu hướng ngăn cản sự hợp nhất của các công ty trong cùng một lĩnh vực. Như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận, các conglomerate - một kiểu tổ chức kinh doanh bao gồm một công ty trụ cột và một nhóm các hãng bổ sung tiến hành các hoạt động kinh doanh không giống nhau, chẳng hạn như khoan dầu và sản xuất phim - tất yếu sẽ ổn định hơn. Lập luận ở đây là, nếu cầu về một sản phẩm này giảm xuống thì hoạt động kinh doanh khác của công ty có thể làm cân bằng.

Nhưng lợi thế này đôi khi bị bù lại bởi quản lý nhiều loại hoạt động sẽ khó khăn hơn là chuyên môn hóa sản xuất vào những loại sản phẩm được thu hẹp. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tiến hành các hoạt động hợp nhất trong những năm 1960 và 1970 tự nhận thấy họ bị dàn trải quá mức hoặc không có khả năng quản lý tất cả các hãng bổ sung mới thu nạp. Trong nhiều trường hợp họ xóa bỏ các cơ sở yếu.

Những năm 1980 và 1990 đã mang đến những làn sóng mới của những hoạt động hợp nhất thân thiện và những hoạt động tiếp quản “thù địch” trong một số ngành công nghiệp, khi các tập đoàn cố gắng củng cố vị trí của họ để thích ứng với điều kiện kinh tế thay đổi. Các hoạt động hợp nhất trở nên phổ biến, ví dụ trong các ngành công nghiệp dầu mỏ, bán lẻ và đường sắt, tất cả các ngành này đều đang trải qua sự thay đổi cơ bản. Nhiều hãng hàng không tìm cách kết hợp với nhau sau khi chính sách phi điều tiết hóa làm mở rộng cạnh tranh bắt đầu vào năm 1978. Chính sách phi điều tiết hóa và sự thay đổi công nghệ cũng khuyến khích hình thành hàng loạt các công ty hợp nhất trong ngành công nghiệp viễn thông. Một số công ty dịch vụ điện thoại địa phương tìm cách hợp nhất sau khi chính phủ yêu cầu sự cạnh tranh mạnh hơn nữa trên thị trường của họ; tại vùng Bờ Đông, công ty Bell Atlantic thu nạp Nynex. Công ty truyền thông SBC liên kết chi nhánh Tây Nam (Southwestern Bell) của mình với Pacific Telesis ở miền Tây và với Tập đoàn truyền thông New England ở miền Nam, rồi sau đó tìm cách bổ sung thêm Ameritech ở vùng Trung Tây. Trong khi đó, các hãng truyền thông đường dài MCI Communications hợp nhất với WorldCom, đồng thời Công ty điện thoại và điện báo Hoa Kỳ (AT&T) thâm nhập vào lĩnh vực điện thoại địa phương bằng việc mua lại hai kênh truyền hình cáp khổng lồ: Tele-Communications và MediaOne Group. Sự tiếp quản này có thể cung cấp dịch vụ truyền thông cáp cho khoảng 60% số hộ gia đình Mỹ, và cũng đem lại cho AT&T một vị trí vững chắc trên các thị trường kinh doanh về truyền hình cáp và truy cập mạng Internet tốc độ cao.

Cũng vào cuối những năm 1990, Travellers Group hợp nhất với Citicorp, hình thành nên công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới, trong khi Ford Motor Company mua lại công ty ô tô của Thụy Điển AB Volvo. Tiếp theo làn sóng tiếp quản của Nhật đối với các công ty Mỹ trong thập kỷ 1980, đến lượt các hãng của Đức và Anh chiếm vị trí nổi bật trong những năm 1990 khi Chrysler Corperation sáp nhập vào tập đoàn sản xuất ô tô Daimler-Benz AG của Đức và ngân hàng Deutsche Bank tiếp quản ngân hàng Bankers Trust. Một trong những điều trớ trêu lớn trong lịch sử kinh doanh là tập đoàn Exxon và tập đoàn Mobil hợp nhất với nhau, khôi phục lại hơn một nửa công ty Standard Oil của vua dầu mỏ John Rockefeller, một công ty đã từng thống trị ngành công nghiệp này nhưng bị Bộ Tư pháp chia nhỏ vào năm 1911. Vụ sáp nhập trị giá 81.380 triệu USD này gây lo lắng cho các quan chức chống độc quyền, mặc dù ủy ban thương mại liên bang (FTC) đã nhất trí tán thành việc hợp nhất .

ủy ban thương mại liên bang đã yêu cầu Exxon và Mobil chấp thuận bán hoặc cắt bớt các hợp đồng cung cấp với 2.143 trạm bán ga tại các bang ở Đông Bắc và Trung Đại Tây Dương, California và Texas, đồng thời từ bỏ công ty lọc dầu lớn ở California, các trạm xăng dầu, một đường ống dẫn và nhiều tài sản khác. Đây là một trong những hành động nhằm giảm bớt quyền lực lớn nhất đã từng được các cơ quan chống độc quyền tiến hành. Chủ tịch FTC Robert Pitofsky cảnh báo rằng bất kỳ một sự hợp nhất tiếp theo nào trong ngành công nghiệp dầu mỏ có “tầm cỡ quốc gia” tương tự đều có thể dẫn đến việc “báo động chống độc quyền”. Các quan chức FTC ngay lập tức tuyên bố rằng cơ quan này không thừa nhận đề nghị mua lại Atlantic Richfield Company của tập đoàn BP Amoco PLC.

Thay vì hợp nhất, một số hãng cố gắng tăng cường ảnh hưởng kinh doanh của mình thông qua các liên doanh với đối thủ cạnh tranh. Bởi vì những thỏa thuận liên doanh này xóa bỏ cạnh tranh trong lĩnh vực sản phẩm mà các công ty chấp thuận hợp tác nên chúng có thể đe dọa các nguyên tắc thị trường tương tự như các doanh nghiệp độc quyền gây ra. Nhưng các cơ quan chống độc quyền liên bang đã chấp thuận một số loại hình liên doanh mà họ tin sẽ mang lại lợi ích.

Nhiều công ty Mỹ cũng tiến hành liên kết trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Theo truyền thống, các công ty tiến hành hợp tác nghiên cứu chủ yếu thông qua các tổ chức thương mại - và chỉ khi ấy mới đáp ứng được những quy định về môi trường và sức khoẻ. Nhưng khi các công ty Mỹ quan sát những nhà sản xuất nước ngoài hợp tác trong việc phát triển và chế tạo sản phẩm, họ đi đến kết luận rằng họ không thể có đủ thời gian và tiền bạc để tự mình tiến hành tất cả những nghiên cứu như vậy. Một số tập đoàn liên kết nghiên cứu lớn gồm có Tập đoàn nghiên cứu chất bán dẫn và Tập đoàn năng suất phần mềm.

Một ví dụ đáng chú ý về sự hợp tác giữa những đối thủ cạnh tranh mãnh liệt xuất hiện vào năm 1991 khi công ty máy tính lớn nhất thế giới International Business Machines (IBM) đồng ý làm việc với công ty Apple Computer, một công ty tiên phong về máy tính cá nhân, để tạo ra một phần mềm hệ thống điều hành máy tính mới có thể sử dụng cho các loại máy tính. Một thỏa thuận về phần mềm hệ thống điều hành tương tự giữa IBM và Microsoft đã đổ vỡ vào giữa thập kỷ 1980, rồi sau đó Microsoft vượt lên dẫn đầu với hệ thống Windows của chính mình chiếm lĩnh thị trường. Vào năm 1999, IBM cũng đồng ý phát triển các công nghệ máy tính mới cùng với Dell Computer, một công ty mạnh mới gia nhập thị trường này.

Cũng như làn sóng hợp nhất của thập kỷ 1960 và 1970 đã dẫn đến một loạt các hoạt động tái tổ chức và tước bớt quyền lực của các tập đoàn, những đợt sáp nhập gần đây nhất cũng được kèm theo bởi các nỗ lực của tập đoàn nhằm cấu trúc lại các hoạt động của mình. Thực vậy, cạnh tranh toàn cầu tăng lên làm cho các công ty Mỹ phải nỗ lực cố gắng để trở nên gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Nhiều công ty cắt giảm những dây chuyền sản phẩm bị coi là không hứa hẹn, bỏ bớt các chi nhánh hoặc các đơn vị kinh doanh khác và củng cố lại hoặc cho đóng cửa nhiều nhà máy, cửa hàng và các đại lý bán lẻ. Giữa làn sóng giảm quy mô này, nhiều công ty - bao gồm cả những công ty khổng lồ như Boeing, AT&T và General Motors - đã sa thải nhiều giám đốc và các công nhân tay nghề thấp.

Mặc dù việc tuyển dụng nhân công giảm đi trong nhiều công ty sản xuất, nhưng nền kinh tế vẫn đủ khả năng hồi phục trong suốt thời kỳ bùng nổ của thập kỷ 1990 để giữ cho tình trạng thất nghiệp ở mức thấp. Thực vậy, các nhà tuyển dụng tranh giành nhau để tìm các nhân viên có trình độ trong các ngành công nghệ cao và việc gia tăng tuyển dụng trong lĩnh vực dịch vụ đã thu hút nguồn lao động bị dôi ra do năng suất chế tạo tăng lên. Số nhân công tuyển dụng của 500 công ty công nghiệp hàng đầu ở Mỹ do tạp chí Fortune xếp loại đã giảm từ 13,4 triệu người trong năm 1986 xuống còn 11,6 triệu người trong năm 1994. Nhưng khi Fortune thay đổi cách phân tích của mình để tập trung vào 500 tập đoàn lớn nhất gồm tất cả các loại, kể cả các hãng dịch vụ, thì con số của năm 1994 là 20,2 triệu người - và tăng lên đến 22,3 triệu người trong năm 1999.

Nhờ có sức mạnh được duy trì lâu dài của nền kinh tế và tất cả những hoạt động hợp nhất và củng cố của các doanh nghiệp, trong khoảng từ năm 1988 đến 1996 quy mô của các công ty trung bình đã tăng lên, từ 17.730 nhân công lên đến 18.654 nhân công. Đó là sự thật mặc dù có sự tạm giãn nhân công sau khi hợp nhất và cấu trúc lại các doanh nghiệp, và thực tế cũng có sự gia tăng quy mô của các doanh nghiệp nhỏ cả về số lượng lẫn số nhân công được tuyển dụng.

  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (1): Tính liên tục và thay đổi
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (2): Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào - Phần 1: Những nhân tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế Mỹ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (3): Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào - Phần 2: Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (4): Lịch sử nền kinh tế Mỹ - Phần 1: Thuộc địa hóa và phát triển
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (5): Tóm lược lịch sử nền kinh tế Mỹ - Phần 2: Nền kinh tế qua các giai đoạn
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (6): Doanh nghiệp nhỏ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (7): Các tập đoàn
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (8): Chứng khoán, hàng hóa và thị trường - Phần 1: Sở giao dịch chứng khoán
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (9): Chứng khoán, hàng hóa và thị trường - Phần 2: Các chiến lược thị trường
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (10): Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - Phần 1: Chính sách tự do và sự can thiệp của chính phủ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (11): Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - Phần 2
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (12): Chínhh sách tiền tệ và chính sách tài khoản - Phần 1: Ngân sách, thuế và ổn định nền kinh tế
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (13): Chínhh sách tiền tệ và chính sách tài khoản - Phần 2: Tiền tệ trong nền kinh tế Mỹ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (14): Ngành nông nghiệp Mỹ: Tầm quan trọng đang thay đổi - Phần 1: Chính sách
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (15): Lao động ở Mỹ: Vai trò của người lao động - Phần 1