Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược nền kinh tế Mỹ (2): Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào - Phần 1: Những nhân tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế Mỹ

Chương 2: NỀN KINH TẾ MỸ VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO

Trong mỗi hệ thống kinh tế, các doanh nhân và nhà quản lý đều sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động và công nghệ để sản xuất cũng như phân phối hàng hóa và dịch vụ. Nhưng phương thức tổ chức và sử dụng các nhân tố khác nhau đó lại phản ánh những ý tưởng chính trị của mỗi quốc gia và nền văn hóa của nó.

Nước Mỹ thường được mô tả là một nền kinh tế “tư bản”, một khái niệm do Các Mác - nhà kinh tế và lý thuyết xã hội người Đức thế kỷ XIX - đặt ra để mô tả một hệ thống trong đó một nhóm ít người kiểm soát một khối lượng lớn tiền tệ, hoặc vốn, và đưa ra các quyết định về kinh tế quan trọng nhất. Mác đã đặt các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tương phản với các nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa”, mô hình kinh tế tập trung nhiều quyền lực hơn vào hệ thống chính trị. Mác và những người theo học thuyết của ông cho rằng các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tập trung quyền lực vào tay một số nhà kinh doanh giàu có - những người lấy mục tiêu chính là tối đa hóa lợi nhuận; ngược lại, các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dường như đề cao vai trò kiểm soát lớn hơn của chính phủ, có xu hướng đặt các mục tiêu về chính trị - chẳng hạn như phân phối công bằng hơn các nguồn tài nguyên của xã hội - lên trên lợi nhuận.

Trong khi các phạm trù này, dù đã bị đơn giản hóa quá mức, có những nhân tố đúng đắn thì ngày nay chúng cũng đã thay đổi nhiều. Nếu như chủ nghĩa tư bản thuần túy như Mác mô tả đã từng tồn tại thì nó cũng biến dạng từ lâu khi các chính phủ ở Mỹ và nhiều quốc gia khác can thiệp vào nền kinh tế của họ nhằm hạn chế sự tập trung quyền lực và giải quyết nhiều vấn đề xã hội liên quan đến lợi ích thương mại mang tính cá nhân không bị kiểm soát. Do vậy, nền kinh tế Mỹ có lẽ tốt hơn được mô tả như một nền kinh tế “hỗn hợp”, trong đó chính phủ đóng một vai trò quan trọng cùng với doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù người Mỹ thường bất đồng về ranh giới chính xác giữa lòng tin của mình với doanh nghiệp tự do và với sự quản lý của chính phủ, nhưng nền kinh tế hỗn hợp mà họ xây dựng và phát triển đã thu được những thành công đáng kể.

Những nhân tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế Mỹ


Nhân tố cấu thành đầu tiên của một hệ thống kinh tế quốc gia là nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đó. Nước Mỹ rất giàu khoáng sản, đất đai canh tác màu mỡ và được phú cho một khí hậu ôn hoà. Nó còn có đường bờ biển trải dài cả hai bên bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cũng như trên vịnh Mêhicô. Những con sông bắt nguồn từ sâu trong lục địa và hệ thống Hồ Lớn - gồm năm hồ lớn nội địa dọc theo biên giới của Mỹ với Canada - cung cấp thêm mạng lưới giao thông đường thuỷ. Những tuyến đường thủy mở rộng này đã giúp nước Mỹ tạo ra tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm và nối liền 50 bang riêng rẽ thành một khối kinh tế thống nhất.
 


Nhân tố cấu thành thứ hai là lao động, yếu tố chuyển hóa các tài nguyên thiên nhiên thành hàng hoá. Số lượng nhân công sẵn có, và điều quan trọng hơn là năng suất lao động của họ, đã góp phần quyết định tình trạng lành mạnh của nền kinh tế. Xuyên suốt lịch sử của mình, nước Mỹ đã có sự tăng trưởng liên tục về lực lượng lao động, và chính điều đó lại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gần như liên tục. Cho đến ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, hầu hết số lao động là người nhập cư từ châu Âu, con cái họ, hoặc người Mỹ gốc Phi, những người mà tổ tiên họ bị mang đến Mỹ làm nô lệ. Vào những năm đầu thế kỷ XX, có một số lượng lớn người châu Á nhập cư vào Mỹ, và rất nhiều người nhập cư Mỹ Latinh đến vào những năm sau đó.

Mặc dù nước Mỹ đã trải qua một vài thời kỳ thất nghiệp cao và những thời kỳ khác thiếu cung về lao động, nhưng khi có rất nhiều việc làm thì người nhập cư lại có xu hướng đến đây. Họ thường sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn đôi chút so với lương lao động có văn hoá; và họ nhìn chung đều phát đạt, kiếm được nhiều tiền hơn rất nhiều so với ở quê hương. Nước Mỹ cũng thịnh vượng làm cho nền kinh tế phát triển nhanh, đủ sức thu hút nhiều người mới đến hơn nữa.

Đối với sự thành công về kinh tế của một đất nước, chất lượng lao động sẵn có - mọi người sẵn sàng làm việc chăm chỉ như thế nào và tay nghề của họ ra sao - ít nhất cũng quan trọng như số lượng lao động. Trong buổi ban đầu của nước Mỹ, cuộc sống tại vùng đất hoang vu rộng lớn này đòi hỏi lao động nặng nhọc, và những gì được xem là nguyên tắc làm việc của người Tin lành đã củng cố thêm nét đặc biệt này. Sự chú trọng đặc biệt tới giáo dục, bao gồm cả đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, cũng góp phần đưa đến thành công kinh tế cho nước Mỹ, cũng giống như ý chí sẵn sàng thử nghiệm và thay đổi.

Tính lưu động của lao động cũng quan trọng như thế đối với khả năng của nền kinh tế Mỹ để thích nghi với những điều kiện thay đổi. Khi người nhập cư tràn ngập thị trường lao động ở bờ biển phía Đông, nhiều người lao động đã di chuyển vào sâu trong nội địa, và thường là đến các vùng đất trang trại đang chờ được canh tác. Tương tự như vậy, những cơ hội về kinh tế trong các thành phố công nghiệp ở miền Bắc đã thu hút người Mỹ da đen đến từ các trang trại miền Nam vào nửa đầu thế kỷ XX.

Chất lượng của lực lượng lao động vẫn tiếp tục là một vấn đề quan trọng. Ngày nay, người Mỹ coi “vốn nhân lực” là chìa khóa dẫn đến thành công trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại. Do đó, các nhà lãnh đạo chính phủ và các quan chức quản lý kinh doanh ngày càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo để phát triển lực lượng lao động có đầu óc nhanh nhạy và kỹ năng thích hợp cần thiết cho các ngành công nghiệp mới như tin học và viễn thông.

Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động mới chỉ là một phần của hệ thống kinh tế. Các nguồn lực đó cần phải được tổ chức và quản lý để đạt được hiệu quả tối đa. Trong nền kinh tế Mỹ, các nhà quản lý, người đáp lại các tín hiệu của thị trường, đảm nhận chức năng đó. Cấu trúc quản lý truyền thống ở Mỹ dựa trên một chuỗi mệnh lệnh từ trên xuống; quyền lực bắt đầu từ ban lãnh đạo tối cao, những người bảo đảm cho hoạt động kinh doanh được thông suốt và hiệu quả, xuống tới các cấp quản lý thấp hơn khác nhau chịu trách nhiệm điều phối các bộ phận của doanh nghiệp, cho đến người quản đốc tại phân xưởng. Rất nhiều nhiệm vụ lại được phân công cho các bộ phận khác nhau và người lao động. Ở nước Mỹ vào đầu thế kỷ XX, tính chuyên môn hóa này, hay sự phân công lao động, được coi là phản ánh cách “quản lý khoa học” dựa trên phân tích hệ thống.

Rất nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục vận hành với cấu trúc truyền thống, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp khác đã thay đổi quan điểm quản lý. Đối mặt với tình trạng cạnh tranh gia tăng trên toàn cầu, các doanh nghiệp Mỹ đang tìm kiếm những cấu trúc tổ chức linh hoạt hơn, đặc biệt trong các ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi tuyển dụng những lao động tinh xảo và phải phát triển, cải tiến sản phẩm và thậm chí đáp ứng thị hiếu khách hàng một cách nhanh chóng. Việc phân cấp và phân công lao động quá mức ngày càng bị coi là ngăn cản sự sáng tạo. Do vậy, nhiều công ty đã “san phẳng” cấu trúc tổ chức của họ, giảm số lượng các nhà quản lý và trao quyền nhiều hơn cho các nhóm công nhân thuộc nhiều lĩnh vực.

Tất nhiên, trước khi các nhà quản lý và các nhóm công nhân có thể tạo ra một sản phẩm nào đó, họ phải được tổ chức theo các kế hoạch kinh doanh. Ở Mỹ, tập đoàn kinh doanh đã chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu trong việc tập trung vốn cần thiết để tổ chức một hoạt động kinh doanh mới hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại. Tập đoàn là một tổ chức liên kết tự nguyện của các chủ sở hữu, được gọi là người nắm giữ cổ phần, những người thành lập ra một doanh nghiệp kinh doanh được quản lý bằng một tập hợp các nguyên tắc và điều lệ thống nhất.

Các tập đoàn phải có nguồn tài chính để trang bị những gì cần thiết cho sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Họ huy động vốn cần thiết bằng cách bán chứng khoán (các cổ phần sở hữu trong tài sản của họ) hoặc trái phiếu (giấy vay tiền dài hạn) cho các công ty bảo hiểm, các ngân hàng, các quỹ trợ cấp, các cá nhân và các nhà đầu tư khác. Một số tổ chức, đặc biệt là ngân hàng, cũng cho các tập đoàn hoặc doanh nghiệp khác vay tiền trực tiếp. Chính phủ liên bang và chính quyền bang đã xây dựng các điều luật và quy định chi tiết nhằm bảo đảm sự an toàn và tính lành mạnh cho hệ thống tài chính này và khuyến khích luồng thông tin tự do để các nhà đầu tư có thể ra các quyết định đầu tư với đầy đủ thông tin.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đo lường toàn bộ sản lượng hàng hóa và dịch vụ trong một năm cụ thể. Tổng sản lượng này của Mỹ tăng liên tục, từ hơn 3,4 nghìn tỷ USD năm 1983 lên khoảng 8,5 nghìn tỷ USD năm 1998. Tuy những số liệu này giúp đánh giá tình trạng lành mạnh của nền kinh tế, nhưng chúng không đo được hết mọi phương diện của phúc lợi quốc gia. GDP cho biết giá trị thị trường của hàng hóa và dịch vụ mà một nền kinh tế tạo ra, nhưng nó không đo được chất lượng cuộc sống của một quốc gia. Và một vài biến số quan trọng - ví dụ như sự bình an và hạnh phúc cá nhân, hoặc môi trường trong sạch hay sức khỏe tốt - hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của nó.

Một nền kinh tế hỗn hợp: Vai trò của thị trường


Nước Mỹ được coi là có một nền kinh tế hỗn hợp, bởi vì cả doanh nghiệp sở hữu tư nhân và chính phủ đều đóng những vai trò quan trọng. Quả thực, một số trong những cuộc tranh luận kéo dài nhất của lịch sử kinh tế Mỹ tập trung vào vai trò tương đối của các khu vực nhà nước và tư nhân.

Hệ thống doanh nghiệp tự do của Mỹ nhấn mạnh đến sở hữu tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra phần lớn hàng hóa và dịch vụ, và gần hai phần ba tổng sản lượng kinh tế của quốc gia là dành cho tiêu dùng cá nhân (một phần ba còn lại được mua bởi chính phủ và doanh nghiệp). Trên thực tế, vai trò của người tiêu dùng lớn đến mức quốc gia này thỉnh thoảng được mô tả là có một “nền kinh tế tiêu dùng”.

Sự nhấn mạnh này đối với sở hữu tư nhân xuất phát một phần từ niềm tin của người Mỹ về tự do cá nhân. Ngay từ thời lập quốc, người Mỹ đã lo sợ quyền lực quá mức của chính phủ, và họ luôn tìm cách hạn chế uy quyền của chính phủ đối với cá nhân - bao gồm cả vai trò của chính phủ trong lĩnh vực kinh tế. Hơn nữa, người Mỹ nhìn chung đều tin rằng một nền kinh tế được đặc trưng bởi sở hữu tư nhân dường như hoạt động hiệu quả hơn so với nền kinh tế đặc trưng bởi sở hữu nhà nước.

Tại sao vậy? Người Mỹ tin rằng khi các nguồn lực kinh tế được giải phóng, cung và cầu sẽ xác định giá cả của hàng hóa và dịch vụ. Đến lượt nó, giá cả sẽ mách bảo các doanh nghiệp nên sản xuất cái gì; nếu mọi người muốn một loại hàng hóa đặc biệt nào đó nhiều hơn lượng cung của nền kinh tế thì giá hàng hóa đó sẽ tăng lên. Điều này thu hút sự chú ý của các công ty khác hoặc các công ty mới, những công ty này cảm thấy có cơ hội kiếm được nhiều lợi nhuận và bắt đầu sản xuất hàng hóa này nhiều hơn. Ngược lại, nếu mọi người có cầu ít hơn về một loại hàng hóa nào đó thì giá của nó sẽ giảm đi và các nhà sản xuất có ít khả năng cạnh tranh sẽ ngừng kinh doanh hoặc tiến hành sản xuất loại hàng hóa khác. Một hệ thống kinh tế như vậy được gọi là nền kinh tế thị trường. Trái lại, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được đặc trưng bởi sở hữu nhà nước và kế hoạch hóa tập trung nhiều hơn. Hầu hết người Mỹ cho rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vốn dĩ kém hiệu quả bởi vì chính phủ, vốn dựa vào thu nhập từ thuế, nắm bắt các tín hiệu giá cả hoặc cảm nhận những nguyên tắc do các lực lượng thị trường áp đặt kém xa so với các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy vậy, doanh nghiệp tự do cũng có những hạn chế. Người Mỹ luôn tin rằng một số dịch vụ do nhà nước đảm nhận sẽ tốt hơn các doanh nghiệp tư nhân. Chẳng hạn, Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm chủ yếu đối với các hoạt động về tư pháp, giáo dục (mặc dù có rất nhiều trường học và trung tâm đào tạo tư nhân), hệ thống đường giao thông, báo cáo thống kê xã hội và an ninh quốc phòng. Hơn nữa, chính phủ cũng thường được yêu cầu can thiệp vào nền kinh tế để điều chỉnh những tình huống mà ở đó hệ thống giá cả không hoạt động. Ví dụ, chính phủ điều tiết các nhà “độc quyền tự nhiên”, và sử dụng luật chống độc quyền để kiểm soát hoặc ngăn chặn các tổ hợp kinh doanh trở nên quá mạnh đến mức chúng có thể chế ngự các lực lượng thị trường. Chính phủ cũng giải quyết những vấn đề nằm ngoài phạm vi của các lực lượng thị trường. Nó cung cấp phúc lợi và trợ cấp thất nghiệp cho những người không có khả năng tự trang trải, do họ gặp rủi ro trong cuộc sống cá nhân hoặc bị mất việc làm bởi biến động kinh tế đột ngột; nó thanh toán hầu hết
chi phí chăm sóc y tế cho người già và những người sống trong cảnh nghèo nàn; chính phủ điều tiết ngành công nghiệp tư nhân nhằm hạn chế sự ô nhiễm không khí và nước; nó cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho những người bị thiệt hại do thiên tai; và nó đóng vai trò đầu tàu trong việc khám phá vũ trụ, một ngành có chi phí quá cao đối với bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào.

Trong nền kinh tế hỗn hợp này, các cá nhân có thể giúp định hướng cho nền kinh tế không chỉ thông qua các lựa chọn khi họ là người tiêu dùng mà còn thông qua các lá phiếu họ bầu chọn các quan chức, những người thảo ra chính sách kinh tế. Trong những năm gần đây, người tiêu dùng tỏ ra lo lắng về tình trạng an toàn của sản phẩm, về thảm họa môi trường do một số ngành công nghiệp nhất định gây ra, và những nguy cơ tiềm ẩn về sức khoẻ mà người dân có thể phải gánh chịu; chính phủ đã đáp ứng lại những mối quan ngại này bằng việc lập ra các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao phúc lợi công cộng nói chung.

Nền kinh tế Mỹ cũng đã biến đổi theo những cách thức khác nhau. Dân số và lực lượng lao động dịch chuyển mạnh từ các trang trại ra thành phố, từ các cánh đồng vào nhà máy, và trên hết là vào các ngành công nghiệp dịch vụ. Trong nền kinh tế ngày nay, số lượng các nhà cung cấp dịch vụ công cộng và cá nhân đông hơn rất nhiều so với số người sản xuất hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp. Do nền kinh tế ngày càng phát triển phức tạp hơn, các số liệu thống kê cũng cho thấy một xu thế mang tính dài hạn rõ nét trong thế kỷ qua là chuyển từ tự hoạt động kinh doanh sang làm việc cho những người khác.

 

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (1): Tính liên tục và thay đổi
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (2): Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào - Phần 1: Những nhân tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế Mỹ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (3): Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào - Phần 2: Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (4): Lịch sử nền kinh tế Mỹ - Phần 1: Thuộc địa hóa và phát triển
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (5): Tóm lược lịch sử nền kinh tế Mỹ - Phần 2: Nền kinh tế qua các giai đoạn
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (6): Doanh nghiệp nhỏ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (7): Các tập đoàn
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (8): Chứng khoán, hàng hóa và thị trường - Phần 1: Sở giao dịch chứng khoán
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (9): Chứng khoán, hàng hóa và thị trường - Phần 2: Các chiến lược thị trường
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (10): Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - Phần 1: Chính sách tự do và sự can thiệp của chính phủ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (11): Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - Phần 2
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (12): Chínhh sách tiền tệ và chính sách tài khoản - Phần 1: Ngân sách, thuế và ổn định nền kinh tế
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (13): Chínhh sách tiền tệ và chính sách tài khoản - Phần 2: Tiền tệ trong nền kinh tế Mỹ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (14): Ngành nông nghiệp Mỹ: Tầm quan trọng đang thay đổi - Phần 1: Chính sách
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (15): Lao động ở Mỹ: Vai trò của người lao động - Phần 1