Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược nền kinh tế Mỹ (11): Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - Phần 2

Ngành viễn thông

Cho đến tận những năm 1980, khái niệm “công ty điện thoại” ở Hoa Kỳ đồng nghĩa với Công ty điện thoại và điện báo Hoa Kỳ (AT&T). AT&T kiểm soát gần như toàn bộ các lĩnh vực kinh doanh điện thoại. Các chi nhánh tại địa phương của nó, còn gọi là các “Baby Bell”, được phép hoạt động như các nhà độc quyền và được độc quyền kinh doanh trong những lĩnh vực cụ thể. Ủy ban thông tin liên lạc liên bang điều tiết giá những cuộc gọi đường dài giữa các bang, còn các nhà điều tiết bang định giá cho những cuộc gọi nội hạt và đường dài trong bang.

Chính sách điều tiết của chính phủ dựa trên lý thuyết cho rằng các công ty điện thoại, cũng giống như ngành dịch vụ điện, là những nhà độc quyền tự nhiên. Sự cạnh tranh với yêu cầu phải kéo rất nhiều dây qua các vùng trên khắp đất nước được xem là lãng phí và không hiệu quả. Suy nghĩ đó đã thay đổi vào đầu thập kỷ 1970, khi sự phát triển công nghệ vượt bậc hứa hẹn có những tiến bộ nhanh chóng trong ngành viễn thông. Các công ty độc lập khẳng định rằng họ thực sự có thể cạnh tranh với AT&T. Nhưng họ nói rằng nhà độc quyền điện thoại này đã đóng cửa hoàn toàn thị trường bằng cách từ chối không cho họ nối với hệ thống mạng rộng lớn của nó.

Chính sách phi điều tiết ngành viễn thông được tiến hành qua hai giai đoạn. Năm 1984, một phiên tòa đã chấm dứt hoàn toàn sự độc quyền điện thoại của AT&T, buộc công ty khổng lồ này phải nhả ra các chi nhánh địa phương của mình. AT&T vẫn tiếp tục giữ một phần đáng kể trong dịch vụ kinh doanh điện thoại đường dài, nhưng các đối thủ cạnh tranh mạnh như MCI Communications và Sprint Communications đã thắng trong một số hoạt động kinh doanh, và trong quá trình này đã chỉ ra rằng cạnh tranh có thể mang lại giá cả thấp hơn và dịch vụ được cải thiện.

Một thập kỷ sau đó, áp lực nhằm xóa bỏ sự độc quyền dịch vụ điện thoại địa phương của các Baby Bell ngày càng gia tăng. Những công nghệ mới - bao gồm cả truyền hình cáp, dịch vụ điện thoại không dây, Internet và nhiều phương tiện khác - đưa ra cho các công ty điện thoại địa phương nhiều khả năng lựa chọn. Nhưng các nhà kinh tế lại tin rằng sức mạnh to lớn của các nhà độc quyền địa phương đã ngăn cản sự phát triển của những khả năng đó. Cụ thể hơn, họ cho rằng các đối thủ cạnh tranh sẽ không có cơ hội tồn tại nếu không nối được, ít nhất là tạm thời, với mạng của những công ty được thiết lập trước - một điều mà các Baby Bell đã chống lại bằng rất nhiều cách.

Năm 1996, Quốc hội đã phản ứng bằng việc thông qua Đạo luật về viễn thông 1996. Luật này cho phép các công ty điện thoại đường dài như AT&T, cũng như truyền hình cáp và các công ty mới bắt đầu khai thác, được tham gia vào thị trường kinh doanh điện thoại địa phương. Luật này tuyên bố các nhà độc quyền địa phương phải cho phép những đối thủ cạnh tranh mới nối với mạng của mình. Để khuyến khích các hãng địa phương hưởng ứng cạnh tranh, luật này cũng cho phép các hãng này tham gia kinh doanh dịch vụ điện thoại đường dài một khi cuộc cạnh tranh mới được thiết lập trên lãnh địa của họ.

Vào cuối thập kỷ 1990, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của luật mới này. Đã có một số dấu hiệu tích cực. Nhiều công ty nhỏ đã bắt đầu đưa ra các dịch vụ điện thoại địa phương, đặc biệt ở những vùng đô thị là những nơi có thể có nhiều khách hàng với chi phí thấp. Số thuê bao điện thoại không dây tăng vọt. Vô số nhà cung cấp dịch vụ Internet xuất hiện để nối hộ gia đình với Internet. Nhưng cũng có nhiều diễn biến mới mà Quốc hội không lường được hoặc dự tính trước. Một số lượng rất đông các công ty điện thoại đã hợp nhất, và các Baby Bell dựng lên nhiều rào cản để ngăn chặn cạnh tranh. Do đó, nhiều hãng ở địa phương phát triển dịch vụ đường dài rất chậm. Trong khi đó, đối với một số khách hàng, chính sách phi điều tiết lại đưa giá lên cao hơn chứ không phải thấp đi - đặc biệt là đối với những người sử dụng điện thoại cố định và những người ở vùng nông thôn, nơi mà dịch vụ của họ trước đây được trợ giá nhờ hoạt động kinh doanh và khách hàng thuộc vùng đô thị.

Trường hợp đặc biệt của hoạt động ngân hàng


Các ngân hàng là một trường hợp đặc biệt khi áp dụng chính sách điều tiết. Một mặt, chúng là các doanh nghiệp tư nhân như các công ty chế tạo đồ chơi và công ty thép. Nhưng mặt khác, chúng cũng đóng một vai trò trung tâm trong nền kinh tế và do vậy không chỉ tác động đến phúc lợi khách hàng riêng của chúng mà còn tác động đến phúc lợi của mọi người. Từ những năm 1930, người Mỹ đã đưa ra các hoạt động điều tiết với mục đích thừa nhận vị trí đặc biệt mà ngân hàng nắm giữ.

Một trong những hoạt động điều tiết quan trọng nhất là bảo hiểm tiền gửi. Trong thời kỳ Đại khủng hoảng, sự suy sụp của nền kinh tế Mỹ bị trầm trọng thêm do rất nhiều người gửi tiền lo sợ ngân hàng nơi mình gửi tiền tiết kiệm đổ vỡ nên đã tìm cách rút tất cả tiền gửi vào cùng một lúc. Trong cuộc chạy đua “đổ dồn” đến ngân hàng, người gửi tiền thường xếp hàng dài trên đường trong tâm trạng hốt hoảng với cố gắng lấy lại tiền của mình. Nhiều ngân hàng, kể cả những ngân hàng hoạt động rất thận trọng, đã sụp đổ bởi vì họ không thể kịp chuyển tài sản của mình đủ nhanh ra tiền mặt để thỏa mãn người gửi. Kết quả là việc cung cấp tiền vay của ngân hàng cho các doanh nghiệp công nghiệp và kinh doanh bị thu hẹp, góp phần làm trầm trọng thêm sự xuống dốc của nền kinh tế.

Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng nhằm ngăn ngừa trường hợp đổ dồn tới ngân hàng như vậy. Chính phủ tuyên bố bảo hiểm cho những khoản tiền gửi tới một mức nhất định - hiện nay là 100.000 USD. Bây giờ, nếu ngân hàng gặp khó khăn về tài chính thì người gửi không có gì phải lo lắng. Cơ quan bảo hiểm ngân hàng của chính phủ, còn gọi là Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang, thanh toán hết cho người gửi bằng quỹ bảo hiểm được hình thành từ tiền đóng bảo hiểm của chính các ngân hàng. Nếu cần thiết, chính phủ cũng sẽ sử dụng thu nhập từ thuế nói chung để bảo vệ người gửi khỏi mất mát. Để bảo vệ cho chính phủ khỏi bị rủi ro quá mức về tài chính, các cơ quan điều tiết giám sát các ngân hàng và ra lệnh điều chỉnh hoạt động nếu thấy ngân hàng đang mạo hiểm quá mức.

Chính sách mới của thời kỳ những năm 1930 cũng tăng cường các quy định nhằm ngăn cản ngân hàng lao vào các hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chứng khoán. Trước cuộc Đại khủng hoảng, nhiều ngân hàng gặp rắc rối vì họ tham gia quá mạo hiểm vào thị trường chứng khoán hoặc cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp công nghiệp mà trong đó các giám đốc hoặc cán bộ ngân hàng cũng đầu tư với tính chất cá nhân. Kiên quyết tránh điều đó lặp lại, các nhà chính trị thời kỳ Đại khủng hoảng đã thông qua Đạo luật Glass-Steagall cấm pha trộn hoạt động ngân hàng với kinh doanh bảo hiểm và chứng khoán. Tuy nhiên, chính sách điều tiết này đã gây tranh cãi vào thập kỷ 1970, khi các ngân hàng than phiền rằng họ sẽ bị mất khách hàng vào tay các công ty tài chính khác nếu họ không đa dạng hóa các dịch vụ tài chính.

Chính phủ đáp ứng lại bằng cách cho phép ngân hàng có quyền tự do hơn trong việc đưa ra các hình thức dịch vụ tài chính mới cho khách hàng. Sau đó, vào cuối năm 1999, Quốc hội thông qua Đạo luật hiện đại hóa dịch vụ tài chính năm 1999 thay thế Đạo luật Glass-Steagall. Luật mới này mở rộng đáng kể quyền tự do mà các ngân hàng đang được hưởng để cho phép chúng đưa ra mọi dịch vụ từ vay gửi của khách hàng cho đến bao tiêu phát hành chứng khoán. Nó cho phép ngân hàng, các công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm hình thành những tập đoàn có đủ khả năng cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm tài chính bao gồm quỹ tín dụng, cổ phiếu và hối phiếu, bảo hiểm và các khoản vay nợ của ngành sản xuất ô tô. Cũng như luật phi điều tiết ngành giao thông vận tải, viễn thông và các ngành công nghiệp khác, luật mới này được hy vọng cũng sẽ tạo ra làn sóng hợp nhất giữa các tổ chức tài chính.

Nhìn chung, luật pháp thời Chính sách mới là thành công và người Mỹ đã khôi phục lành mạnh hệ thống ngân hàng vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng nó lại gặp khó khăn vào những năm 1980 và 1990 - một phần do chính sách điều tiết xã hội. Sau chiến tranh, chính phủ chú trọng tới việc tăng cường quyền sở hữu nhà ở, do vậy đã góp phần tạo ra một lĩnh vực hoạt động ngân hàng mới - “tiết kiệm và cho vay” (S&L) - để tập trung vào các khoản vay thế chấp nhà cửa dài hạn, còn gọi là các khoản vay thế chấp. Hoạt động tiết kiệm và cho vay đối mặt với một vấn đề cơ bản: các khoản vay thế chấp thường kéo dài 30 năm với lãi suất cố định, trong khi đó hầu hết các khoản tiền gửi có thời hạn ngắn hơn nhiều. Khi lãi suất tiền gửi ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn của các khoản vay thế chấp, hoạt động tiết kiệm và cho vay có thể sẽ bị lỗ. Để bảo vệ các tổ chức tín dụng tiết kiệm và cho vay và ngân hàng tránh khỏi sự cố này, các nhà điều tiết quyết định kiểm soát lãi suất tiền gửi.

Trong một khoảng thời gian, hệ thống này vận hành rất tốt. Vào các thập kỷ 1960 và 1970, hầu hết người Mỹ sử dụng hình thức tài chính S&L để mua nhà ở. Tỷ lệ lãi suất trả cho tiền gửi tại các tổ chức tín dụng S&L được giữ ở mức thấp, nhưng hàng triệu người Mỹ vẫn gửi tiền của mình vào đây bởi vì bảo hiểm tiền gửi đã làm cho các tổ chức này trở thành một nơi đầu tư cực kỳ an toàn. Tuy nhiên, đầu thập kỷ 1960, các mức tỷ lệ lãi suất chung bắt đầu tăng cùng với lạm phát. Vào thập kỷ 1980, nhiều người gửi tìm cách nâng cao thu nhập bằng việc chuyển tiền tiết kiệm của mình vào những quỹ thị trường tiền tệ và những tài sản không thuộc ngân hàng khác. Điều này đã đặt ngân hàng và các quỹ tiết kiệm và cho vay vào tình trạng kiệt quệ về tài chính, không có khả năng thu hút các khoản tiền gửi mới để trang trải cho danh mục đầu tư lớn của mình với những món nợ dài hạn.

Để giải quyết các vấn đề của họ, vào thập kỷ 1980 chính phủ bắt đầu rút bỏ dần trần lãi suất đối với tiền gửi ngân hàng và các tổ chức tín dụng S&L. Mặc dù điều này giúp các tổ chức tín dụng thu hút tiền gửi trở lại, nhưng nó lại tạo ra những thua lỗ lớn và rộng khắp cho các danh mục đầu tư dựa vào vay thế chấp của các tổ chức S&L, những khoản đầu tư mà trong phần lớn thời gian đều có lãi suất thấp hơn so với mức hiện tại mà tổ chức S&L phải trả cho người gửi. Để giải quyết điều đó, Quốc hội nới lỏng các điều kiện cho vay để các tổ chức tín dụng S&L có thể tiến hành những hoạt động đầu tư với thu nhập cao hơn. Cụ thể, Quốc hội cho phép các tổ chức S&L thực hiện các khoản tín dụng phục vụ cho tiêu dùng, kinh doanh và bất động sản thương mại. Họ cũng được giải phóng khỏi một số thủ tục điều tiết quy định mức vốn mà các tổ chức tín dụng S&L phải duy trì.

Do lo sợ bị thu hẹp nên các tổ chức tín dụng S&L đã mở rộng sang các hoạt động có rủi ro cao như đầu cơ bất động sản. Trong rất nhiều trường hợp, những hoạt động kinh doanh như vậy đã chứng tỏ không có lãi, đặc biệt khi các điều kiện kinh tế trở nên bất lợi. Thực vậy, một số tổ chức S&L đã bị những người không trung thực tiếp quản, họ là những kẻ chiếm đoạt. Nhiều tổ chức S&L bị thua lỗ lớn. Chính phủ đã chậm phát hiện ra cuộc khủng hoảng này do sự khan hiếm ngân sách cùng với các áp lực chính trị làm chùn bước bộ máy điều tiết.

Cuộc khủng hoảng tín dụng S&L trong một vài năm đã nhanh chóng trở thành vụ bê bối tài chính quốc gia lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đến cuối thập kỷ 1980, rất nhiều tổ chức tín dụng S&L rơi vào tình trạng không trả được nợ; khoảng một nửa số tổ chức S&L đã từng hoạt động vào năm 1970 thì đến năm 1989 không còn tồn tại. Chính Công ty bảo hiểm tiền gửi và cho vay liên bang, cơ quan bảo hiểm tiền gửi, cũng rơi vào tình trạng không trả được nợ. Năm 1989, Quốc hội và Tổng thống đã đồng ý thông qua một giải pháp bảo lãnh tài chính cho những người đóng thuế, còn gọi là Đạo luật cải cách, khôi phục và cưỡng chế các tổ chức tài chính (FIRREA). Đạo luật này cung cấp 50 tỷ USD để đóng cửa các tổ chức S&L bị đổ bể, thay đổi hoàn toàn bộ máy điều tiết các tổ chức tiết kiệm và đặt ra các điều kiện đầu tư mới. Một cơ quan mới của chính phủ với tên gọi là Tổ chức thanh lý quỹ tiết kiệm phá sản (RTC) được thành lập để thanh lý các tổ chức tín dụng không trả được nợ. Tháng Ba 1990, một khoản tiền 78 tỷ USD khác được rót cho RTC. Nhưng ước tính chi phí toàn bộ để thanh toán nợ của các tổ chức S&L còn tiếp tục leo thang tới mức 200 tỷ USD.

Người Mỹ đã rút ra rất nhiều bài học từ kinh nghiệm điều tiết hoạt động ngân hàng sau chiến tranh. Thứ nhất, bảo hiểm tiền gửi của chính phủ bảo vệ người gửi tiền và giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng bằng cách giảm nguy cơ người gửi tiền ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng. Thứ hai, việc kiểm soát tỷ lệ lãi suất là không có tác dụng. Thứ ba, chính phủ không nên điều khiển trực tiếp những khoản đầu tư nào mà ngân hàng thấy nên tiến hành; tốt hơn hết các khoản đầu tư nên được xác định dựa trên cơ sở các lực lượng thị trường và giá trị kinh tế. Thứ tư, việc ngân hàng cho vay đối với những người trong ngân hàng hoặc các công ty liên kết với người trong ngân hàng cần phải được hạn chế và giám sát chặt chẽ. Thứ năm, khi ngân hàng ở vào tình trạng không trả được nợ thì cần phải đóng cửa ngay càng nhanh càng tốt, thanh toán hết cho người gửi, và các khoản nợ của nó chuyển cho các ngân hàng khác mạnh hơn. Việc duy trì hoạt động của các tổ chức không thanh toán được nợ chỉ làm ngưng trệ việc cho vay và có thể phong tỏa hoạt động kinh tế.

Tóm lại, trong khi các ngân hàng nói chung được phép phá sản khi chúng không thanh toán được nợ, người Mỹ cho rằng chính phủ nên tiếp tục giám sát chúng và ngăn cản chúng tránh lao vào hoạt động cho vay mạo hiểm không cần thiết có thể phương hại đến toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh việc giám sát trực tiếp, các nhà điều tiết luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc yêu cầu các ngân hàng phải nâng cao đáng kể nguồn vốn của mình. Bên cạnh việc tạo cho ngân hàng nguồn vốn có thể được sử dụng để bù đắp thua lỗ, các yêu cầu về vốn còn khuyến khích chủ sở hữu ngân hàng hoạt động có trách nhiệm vì họ có thể bị mất nguồn vốn đó nếu ngân hàng của họ phá sản. Các nhà điều tiết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc yêu cầu ngân hàng phải công khai hóa tình trạng tài chính của mình; các ngân hàng dường như sẽ hoạt động có trách nhiệm hơn nếu các hoạt động và tình trạng của họ được công chúng biết.

Bảo vệ môi trường

Việc tiến hành điều tiết các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường là bước phát triển tương đối mới mẻ ở nước Mỹ, nhưng nó là một ví dụ rõ nét cho sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế vì mục đích của xã hội.

Vào đầu những năm 1960, người Mỹ ngày càng trở nên quan tâm đến tác động môi trường của tăng trưởng công nghiệp. Ví dụ, khói thải từ động cơ của một lượng lớn ô tô bị qui trách nhiệm là tạo ra sương khói và các dạng ô nhiễm không khí khác ở những thành phố lớn. Ô nhiễm biểu thị những gì mà các nhà kinh tế học gọi là một tác động ngoại biên - một chi phí mà thực thể chịu trách nhiệm có thể lẩn tránh nhưng toàn thể xã hội lại phải gánh chịu. Do các lực lượng thị trường không thể giải quyết được những vấn đề như vậy, nên nhiều nhà môi trường cho rằng chính phủ phải có bổn phận mang tính đạo đức để bảo vệ hệ sinh thái yếu ớt của trái đất - ngay cả khi thực hiện điều này đòi hỏi phải hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế. Một loạt các luật được thông qua nhằm kiểm soát ô nhiễm, bao gồm Đạo luật về không khí sạch năm 1963, Đạo luật về nước sạch năm 1972, và Đạo luật về nước uống an toàn năm 1974.

Các nhà môi trường đã đạt được một mục tiêu cơ bản vào tháng Mười hai 1970 với việc thiết lập Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), thâu tóm nhiều chương trình liên bang có trách nhiệm bảo vệ môi trường vào một cơ quan riêng. EPA quy định và cưỡng chế những giới hạn ô nhiễm có thể được chấp nhận, và nó thiết lập thời gian biểu để đưa các đối tượng gây ô nhiễm vào giới hạn chuẩn; do hầu hết các yêu cầu này còn mới mẻ nên các ngành công nghiệp được cho một thời gian đáng kể, thường là vài năm, để tuân theo các tiêu chuẩn. EPA cũng có thẩm quyền phối hợp và giúp đỡ việc nghiên cứu cũng như các cố gắng chống ô nhiễm của chính quyền bang và địa phương, các nhóm cá nhân và cộng đồng, và các cơ sở giáo dục. Các văn phòng EPA ở địa phương xây dựng, đề xuất và thực hiện những chương trình địa phương đã được phê chuẩn về hoạt động bảo vệ môi trường một cách toàn diện.

Các số liệu được thu thập từ khi cơ quan này bắt đầu làm việc cho thấy có những cải thiện đáng kể về chất lượng môi trường; ví dụ, có sự giảm xuống hầu như tất cả các chất gây ô nhiễm không khí trong toàn quốc. Tuy nhiên, năm 1990, nhiều người Mỹ cho rằng vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để chống lại ô nhiễm không khí. Quốc hội đã thông qua những sửa đổi bổ sung quan trọng cho Đạo luật về không khí sạch, và chúng được Tổng thống George Bush (1989-1993) phê chuẩn thành luật. Ngoài những vấn đề khác, đạo luật này đã kết hợp một hệ thống các nhân tố mới dựa trên thị trường nhằm mục đích bảo đảm giảm đáng kể lượng khí thải sulphua dioxid, một chất tạo ra mưa axid. Đây là một dạng ô nhiễm bị coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho rừng và hồ ao, đặc biệt là vùng phía Đông nước Mỹ và Canada.

Tiếp theo là gì?


Sự phân hóa giữa hai phái tự do và bảo thủ về chính sách điều tiết xã hội có lẽ sâu sắc nhất trong lĩnh vực môi trường và lĩnh vực sức khoẻ và an toàn lao động, mặc dù nó cũng mở rộng sang cả các lĩnh vực điều tiết khác. Vào những năm 1970, chính phủ đã theo đuổi chính sách điều tiết xã hội với một nỗ lực mãnh liệt và thu được một số thắng lợi, nhưng trong những năm 1980, Tổng thống Đảng Cộng hòa Ronald Reagan (1981-1989) đã tìm cách giảm bớt việc kiểm soát đó. Hoạt động điều tiết của những cơ quan như Cục quản lý an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia (NHTSA) và Cục sức khoẻ và an toàn nghề nghiệp (OSHA) bị làm chậm lại đáng kể trong một số năm, đánh dấu bởi một số sự kiện như cuộc tranh cãi xung quanh việc liệu NHTSA có nên tiếp tục đưa ra một tiêu chuẩn liên bang mà trên thực tế yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải lắp đặt các túi khí (thiết bị an toàn được thổi phồng lên để bảo vệ người trong xe trong nhiều tình huống va đập) trong các ô tô mới. Cuối cùng, yêu cầu phải có các thiết bị này được áp dụng.

Chính sách điều tiết xã hội bắt đầu có thêm sức mạnh mới sau khi chính quyền chuyển về tay Clinton thuộc Đảng Dân chủ năm 1993. Nhưng Đảng Cộng hoà, lần đầu tiên trong 40 năm qua đã nắm quyền kiểm soát Quốc hội vào năm 1995, lại kiên quyết đặt các nhà điều tiết xã hội vào thế phòng ngự. Điều này tạo ra một sự thận trọng mới trong hoạt động điều tiết tại các cơ quan như OSHA.

Vào những năm 1990, Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), dưới một áp lực lập pháp đáng kể, đã quay sang kêu gọi thuyết phục các doanh nghiệp bảo vệ môi trường hơn là tiến hành điều tiết một cách cứng rắn. Cơ quan này buộc các nhà sản xuất ô tô và dịch vụ cung cấp điện phải giảm muội khói mà hoạt động của họ thải ra không khí, và nó cũng tiến hành kiểm soát các cơn mưa gây ô nhiễm nước và dòng chảy mặt có phân hóa học từ các trang trại. Trong khi đó, Al Gore - người rất quan tâm tới vấn đề môi trường - Phó Tổng thống trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Clinton, lại ủng hộ chính sách môi trường của EPA bằng cách thúc đẩy việc gia tăng cắt giảm ô nhiễm không khí nhằm hạn chế sự ấm nóng toàn cầu thông qua sản xuất một loại ô tô có hiệu quả siêu việt thải ra ít chất ô nhiễm không khí hơn, và khuyến khích công nhân sử dụng phương tiện đi lại công cộng.

Đồng thời, chính phủ đã cố gắng sử dụng cơ chế giá cả để đạt được các mục tiêu điều tiết, với hy vọng điều đó sẽ ít ảnh hưởng tới các lực lượng thị trường. Ví dụ, chính phủ xây dựng một hệ thống tín dụng ô nhiễm không khí, cho phép các công ty bán các tín dụng đó cho nhau. Những công ty có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về ô nhiễm với chi phí thấp nhất có thể bán lại tín dụng của mình cho công ty khác. Các nhà chức trách hy vọng rằng biện pháp này là cách thức hiệu quả nhất để có thể đạt được các mục tiêu kiểm soát ô nhiễm nói chung.

Chính sách phi điều tiết kinh tế vẫn giữ được sức cuốn hút cho đến hết thập kỷ 1990. Nhiều bang đã chấm dứt việc kiểm soát điều tiết đối với ngành dịch vụ điện, đây là một vấn đề rất phức tạp vì các khu vực cần dịch vụ nằm rất rời rạc. Thêm vào đó, một vấn đề phức tạp nữa là sự pha trộn giữa dịch vụ công cộng và tư nhân, và chi phí vốn đầu tư rất lớn trong giai đoạn xây dựng các thiết bị phát điện.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (1): Tính liên tục và thay đổi
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (2): Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào - Phần 1: Những nhân tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế Mỹ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (3): Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào - Phần 2: Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (4): Lịch sử nền kinh tế Mỹ - Phần 1: Thuộc địa hóa và phát triển
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (5): Tóm lược lịch sử nền kinh tế Mỹ - Phần 2: Nền kinh tế qua các giai đoạn
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (6): Doanh nghiệp nhỏ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (7): Các tập đoàn
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (8): Chứng khoán, hàng hóa và thị trường - Phần 1: Sở giao dịch chứng khoán
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (9): Chứng khoán, hàng hóa và thị trường - Phần 2: Các chiến lược thị trường
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (10): Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - Phần 1: Chính sách tự do và sự can thiệp của chính phủ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (11): Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - Phần 2
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (12): Chínhh sách tiền tệ và chính sách tài khoản - Phần 1: Ngân sách, thuế và ổn định nền kinh tế
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (13): Chínhh sách tiền tệ và chính sách tài khoản - Phần 2: Tiền tệ trong nền kinh tế Mỹ
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (14): Ngành nông nghiệp Mỹ: Tầm quan trọng đang thay đổi - Phần 1: Chính sách
  • Sơ lược nền kinh tế Mỹ (15): Lao động ở Mỹ: Vai trò của người lao động - Phần 1