Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ấn Độ khẳng định tiếp tục chương trình điện hạt nhân

picture
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Vishnu Prakash - Ảnh: Sơn Hà.

Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển điện hạt nhân, nhằm đáp ứng các nhu cầu năng lượng trong nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho hay.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VnEconomy chiều 1/6 tại New Delhi, ông Vishnu Prakash, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết, thảm họa tại nhà máy điện Fukushima số 1 của Nhật Bản là một bài học lớn trong việc phát triển năng lượng hạt nhân, và Ấn Độ sẽ bằng mọi nỗ lực để đảm bảo các quy tắc an toàn, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc tương tự.

Theo ông Vishnu Prakash, sản lượng điện hạt nhân hiện chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng lượng năng lượng của Ấn Độ. "Tính tới nay, sản lượng điện hạt nhân của chúng tôi mới có khoảng 5.000 MW. Chúng tôi muốn nâng con số này lên 20.000 MW vào năm 2020", ông nói.

Trước đó một ngày, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Angela Merkel tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng khẳng định lập trường của nước này trong việc phát triển và khai thác điện hạt nhân, nhằm đáp ứng các mục tiêu năng lượng nội địa.

Theo các quan chức Ấn Độ, quy định an toàn tại các lò phản ứng của nước này đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. "Các nhà máy điện hạt nhân của chúng tôi hiện ở mức an toàn. Các nhà máy này đã được trang bị nhiều kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn bất cứ một thảm họa nào", Phó chủ tịch Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia M Shashid-har Reddy cho biết trên tờ The Times Of India.

Thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về độ an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Nhiều quốc gia trong đó có Đức đã quyết định xem xét lại tất cả các lò phản ứng hạt nhân trong nước. Dẫu vậy, với những quốc gia đang "khát" năng lượng như Ấn Độ, Trung Quốc..., điện hạt nhân vẫn được coi là giải pháp hữu hiệu cho bài toán phát triển công nghiệp.

Ấn Độ hiện có khoảng 20 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và dự kiến đầu tư 150 tỷ USD để xây thêm các nhà máy mới trên cả nước. Chính phủ đặt mục tiêu tăng sản lượng điện hạt nhân từ 3% lên 13% trong tổng sản lượng điện của nước này vào năm 2030. Đến năm 2050, nguồn năng lượng hạt nhân sẽ tăng gấp mười lần so với hiện nay, đáp ứng 1/4 nhu cầu điện năng của cả nước.

Mặc dù, quốc gia này đã chú ý hơn tới các biện pháp đảm bảo an toàn điện hạt nhân, đặc biệt sau thảm họa Fukushima, nhưng điều này vẫn gây tranh cãi trong dân chúng. Hồi tháng 4 năm nay, người dân thành phố Jaitapur, bang Maharashtra, đã xuống đường biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại đây. Vụ việc sau đó đã biến thành cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình.

Tờ Courrier International của Pháp từng dẫn một bài viết trên tuần san tiếng Anh Outlook của Ấn Độ, cho biết, từ năm 1987 thường xuyên có trục trặc ở các nhà máy hạt nhân của Ấn Độ, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân mới. Các khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân thường nằm ở những nơi có nhiều nguy cơ động đất và sóng thần.

Chẳng hạn, một nhà máy hạt nhân sẽ được xây dựng ở Jaitapur với công suất lên đến 10.000 MW. Từ năm 1985 đến 2005, trong khu vực này đã xảy ra khoảng 92 vụ động đất. Nơi đây đã được xếp là vùng có nguy cơ động đất cấp độ 3/5. Một nhà máy khác dự định được xây dựng ở Mithi Virdi cũng nằm ở cấp độ 3/5 về nguy cơ động đất.

(Theo Vneconomy)

  • Trung Quốc giúp đỡ hay đang chiếm đoạt châu Phi?
  • Nhiều đồ chơi của Trung Quốc không an toàn
  • Kinh tế Nhật suy giảm ít hơn dự báo trong quý 1
  • Kế hoạch bá chủ về kinh tế của Trung Quốc
  • Trung Quốc: 5.000 cặp vợ chồng ly hôn mỗi ngày
  • Indonesia: Nguy cơ bùng nổ dân số sau 5 năm nữa
  • Nhiều đồ chơi của Trung Quốc không an toàn
  • Nhật tranh cãi quy định hạn chế xuất khẩu chè